Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG LÀ HỘI HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN DÙ CÓ TÊN TRONG THI NHÂN VIỆT NAM ?!

Nguyễn Thái Sơn
Thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2012 7:50 PM

 Sáu mươi tám năm qua đi, với sự “được” giải thoát sau mười năm “muốn sống không được sống đòi chết không cho chết” của Nhà thơ Tế Hanh, 45 bó đuốc tạo nên Đài lửa Thi nhân Việt Nam dần tàn, chỉ còn lại bó đuốc cuối cùng lắt lay trước gió. Những ống lồ ô của bộ đàn Tơrưng Thi nhân Việt Nam, 45 ống đã rời khỏi võng mây, chỉ còn ống đàn cuối cùng rung lên phát ra chút thanh âm đơn lẻ. Bó đuốc ấy ống đàn ấy chính là Xuân Tâm, một trong 45 nhà thơ của Phong trào Thơ Mới mà Hoài Thanh - Hoài Chân đã giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam (*), cuốn sách được in lần đầu tiên vào năm 1941, và có thể sẽ trường tồn trong Lịch sử Văn học Việt Nam.
   Trong “cây đàn muôn điệu” TNVN, Nhà thơ Xuân Tâm ở vị trí phím đàn thứ mười bốn. Trên đàn Thụ cầm, ở đàn Dương cầm phím đàn này có tới hai tên gọi: La thăng hoặc Xi giáng, là nốt nhạc thuộc loại khó xướng âm và có khả năng tạo nên những giai điệu khác lạ. 
   Nhà thơ Xuân Tâm, tên thật là Phan Hạp, chào đời ngày đầu tiên của năm 1916 tại làng Bảo An phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Trước khi lấy bằng Thành Chung ông từmg học ở các trường nổi tiếng như Chaigneau, Quốc học Huế…, bắt đầu viết những câu thơ đầu tiên ở tuổi mười chin. Cùng với Xa lạ, Nghỉ hè là một trong hai bài thơ được chọn giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam, cũng đã từng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi thơ của Báo Bạn Đường vào mùa hè năm 1941. Trước năm 1975, Nghỉ hè từng được đưa vào giảng dạy trong trường học bậc phổ thông ở phía Nam vĩ tuyến 17.
   Trước khi xuất bản tập thơ Lời tim non (ra tận Hà Nội in sách, tốn 250 đồng bạc Đông Dương cho 500 bản in. Thì ra việc “liên kết xuất bản”: nhà xuất bản cấp giấy phép, tác giả chịu chi phí in ấn đã có từ “xưa” chứ chẳng phải “sáng kiến” hay “vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam” như người ta vẫn thường tự nhận)). Xuân Tâm từng có thơ in ở các ấn phẩm Tân Văn, Sông Hương…Tập thơ Hương giữa mùa  của ông tập hợp những bài thơ sáng tác từ năm 1946 đến năm 1984,
Nhà thơ Xuân Tâm khi còn trẻ
còn tập thơ gồm những bài viết từ năm 1988 trở đi có tên là Hoa cuối mùa. Trong tập thơ Dòng thời gian in năm 1994 có in lời giới thiệu của nhà thơ Tế Hanh với sự đánh giá trân trọng: “Nay đọc hết Dòng thời gian, tôi có cảm tưởng đẹp. Đây là kết quả của một đời thơ hơn nửa thế kỉ (…)”. Năm 2000, Xuân Tâm dịch kịch bản sân khấu Le cid  của Pierre Corneilie sang thơ lục bát , in thành sách song ngữ Pháp - Việt dày tới 400 trang, với số lượng in “khủng khiếp” là 30.000 bản.
   Trong Thi nhân Việt Nam, các tác giả của sách đã đánh giá về Xuân Tâm: “Tôi thấy rõ Xuân Tâm, người học trò Quảng ấy, có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này đã quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm. Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn mang mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài, tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một ít Huy Cận và rất nhiều Huế. Một Xuân Diệu không tha thiết, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch đứng đắn và nhất là có chừng mực. Nhà văn sĩ Pháp Pujarniscle viết về Huế có câu: "Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ". Quả có thế. Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải.
Ta hãy xem khi người  buồn:
 
Đám cưới người ta vui vẻ nhỉ;
Pháo tràng gieo đỏ, tiệc liên miên;
Riêng tôi đi tránh, buồn và nghĩ:
-Cảnh ấy nào đâu phải cảnh tiên...
và khi vui:
Thấy chiều, hớn hở tôi ra đón
Như đứa trẻ con thấy mẹ về.
Chiều buồn, chiều đẹp, chiều mơn chớn,
Chiều ru êm ái khúc lòng tê.
Vui hay buồn cũng phảng phất như nhau. Còn khi Xuân Tâm giận dữ thì thực... buồn cười: người như Xuân Tâm có lẽ không giận dữ được. Người mến tình yêu, ghét dục vọng. Muốn giữ vẻ thiêng liêng cho tình yêu, người hung hăng quát tháo:
Ôi khốn nạn! Ôi điên rồ! Giận
Đuổi đi mau Xác thịt, đuổi đi mau!
Dắt nó ra, ném nó xuống lầu
Đẹp đẽ và nguy nga tình Yêu mến...
Tôi tưởng tượng cái cười ranh mãnh của Xác thịt, trong khi bị nhà thơ đuổi. Nó biết cái người hét nhiều và nói nhiều ấy chỉ tức giận vờ, và đã ân cần bảo "dắt nó ra" thì chẳng có gan nào ném nó đi đâu!
Đứng trước cuộc đời, Xuân Tâm có vẻ dè dặt. Cảnh trời hay tình người, Xuân Tâm chỉ muốn hưởng ở xa xa. Có khi mơ tưởng cảnh Đế thiên, người thấy những tượng đá thử thách Thời gian. Nhưng Thời gian chịu thua:
Mưa không tuôn, gió lặng,
                        sấm không vang,
Trời nhạt nhạt sắp buông lời thân thiện...
Ấy bất cứ đề gì lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chậm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều…”
   Tuy có tên trong Thi nhân Việt Nam nhưng Xuân Tâm lại chưa bao giờ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cho biết, trong Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957, một người như Xuân Tâm đương nhiên là Hội viên sáng lập, ông có đến dự nhưng lại không ghi tên vào danh sách. Tuy nhiên, tôi cũng lấy làm lạ rằng, sau Trái tim non, Xuân Tâm còn cho xuất bản đến mấy tập thơ, nào là Hương giữa mùa, nào là Hoa cuối mùa, rồi Dòng thời gian, rồi bản dịch kịch bản Le cid sang thơ lục bát, vậy mà trong bao nhiêu năm trời “người ta” đã không cất lời mời ông, cũng không “bắt” ông vào Hội, mà lại đi mời đi “túm” những thứ trưởng này tổng giám đốc khác, doanh nhân nọ đại gia kia chuyên sáng tác thứ diễn ca hò vè vào ngôi đền thiêng Hội Nhà văn. Những hội viên cỡ hậu sinh như tôi, đứng trước ông liệu có được bao nhiêu người biết tự đỏ mặt?
  Nhưng mà thôi, lời giới thiệu của nhà thơ Tế Hanh (trong tập Dòng thời gian): “Tuy đời thơ của Xuân Tâm chưa kết thúc, nhưng thực tế cho thấy rằng, Xuân Tâm giữ được chỗ đứng của mình trong nền thơ hiện đại Việt Nam” thực tế còn giá trị gấp nhiều lần Thẻ Hội viên Hội Nhà văn, tấm thẻ mà có lần đến bưu điện chìa ra để xin lĩnh có mấy chục ngàn đồng nhuận bút, cô nhân viên nhất định không chịu, bảo rằng nếu mất chứng minh thư thì phải xuất trình “bằng lái xe hai bánh”.
   Nhà thơ Xuân Tâm cũng đã ra đi, vậy là bốn mươi lăm chiếc chiêng, cồng của Dàn Cồng chiêng Thơ Mới trong Thi nhân Việt Nam đã hóa thân trong những lò luyện đồng Hoàn Vũ. Chiếc cồng đồng thau cuối cùng Xuân Tâm đã cố ngân vang những chùm âm thanh cuối cùng để về đoạn kết của bản tổng phổ có tên Sự Sống. Giờ này, ở một Trời khác Đất khác, cây Đại thụ cầm Thơ, võng đàn Tơ rưng Thơ, dàn Cồng chiêng Thơ Mới trong Thi nhân Việt Nam đã lại đủ bộ liền dây …
________________________________________________
(*) Danh sách các nhà thơ có tên trong Thi nhân Việt Nam:
1/Thế Lữ, 2/Vũ Đình Liên, 3/Lan Sơn, 4/Thanh Tịnh, 5/Thúc Tề, 6/Huy Thông, 7/Nguyễn Vỹ, 8/Đoàn Phú Tứ, 9/Xuân Diệu,10/Huy Cận, 11/Tế Hanh, 12/Yến Lan 13/Phạm Hầu, 14/Xuân Tâm, 15/Thu Hồng, 16/Bàng Bá Lân, 17/Nam Trân, 18/Đoàn Văn Cừ 19/Anh Thơ,  20/Hàn Mạc Tử, 21/Chế Lan Viên, 22/Bích Khê, 23/J.Leiba,  24/Thái Can, 25/Vân Đài 26/Đỗ Huy Nhiệm, 27/Lê Khánh Đồng, 28/Lưu Kỳ Linh,  29/Nguyễn Giang, 30/Quách Tấn, 31/Phan Khắc Khoan, 32/Thâm Tâm, 33/Phan Thanh Phước, 34/Lưu Trọng Lư, 35/Nguyễn Nhược Pháp, 36/Phan Văn Dật, 37/Đông Hồ, 38/Mộng Tuyết, 39/Nguyễn Xuân Huy 40/Hằng Phương, 41/Nguyễn Bính, 42/Vũ Hoàng Chương, 43/Mộng Huyền, 44/Nguyễn Đình Thư, 45/T.T. K h, 46/ Trần Huyền Trân. (Nhà thơ Tản Đà ở ghế danh dự).