Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG MÙA XUÂN CỦA ĐỜI NGƯỜI CÓ NHAU

Vân Long
Thứ ba ngày 14 tháng 2 năm 2012 10:00 PM

  Đọc lướt tập thơ Một mình khâu những lặng im của Hoàng Việt Hằng, theo thói quen, tôi đánh dấu chất lượng một số bài. Bài Giao mùa  
được coi là trung bình. Nhưng sao một số câu cứ gây ám ảnh mãi trong tôi! Có phải vì tôi đã rõ hoàn cảnh của tác giả: Hàng chục năm dòng, chị vất vả kiếm tiền, nuôi chồng ốm, nuôi con thơ, khi chồng qua đời, chị lại một mình bươn chải nuôi dạy con bằng đồng lương làm báo, kèm đôi chút nhuận bút còm cõi ...Người chồng là một nhà văn, sĩ quan quân đội, chuyển ngành về một cơ quan văn nghệ Hà nội, giới văn không ai không bíết: đó là nhà văn Triệu Bôn. Có phải vì biết rõ hoàn cảnh, đọc thơ mới thấy như vậy không, hay bản thân những câu thơ ấy đã có ma lực nghệ thuật, đứng độc lập cũng phát huy tác động, bất chấp cả những người không biết gì về đời riêng của chị . Viết những dòng này, chính là do tôi chưa tự tin vào cảm nhận của mình, phải cầu viện đến độc giả ngoài giới.               Với văn xuôi, nhiều lúc nhà văn buộc phải phân thân, hoá thân từng phần vào nhiều nhân vật khác nhau. Với thơ, hầu như không câu thơ nào tách hẳn khỏi đời sống tác giả, vì vậy ta mới coi thơ như phương tiện tự sự, tâm tình của nhà thơ...
     Tôi hình dung ra người phụ nữ ấy, nhân ngày nắng ấm, đang làm công việc phơi phóng chăm sóc gia đình sau những ngày mưa phùn gió bấc (của thiên nhiên hay của đời chị!), bỗng nhận ra một kỷ vật của chồng, chị thảng thốt kêu lên: Trời ơi duới đáy ba lô - Đời anh có một tấm dù vẫn xanh! Tiếng kêu hết sức chân thực, tự nhiên, buột thốt từ ruột gan người vợ goá, không phải cho ai nghe, càng không phải là làm thơ! Cho nên càng chấn động lòng người. Thời gian trôi qua, mọi vai áo đã sờn bạc, tóc chị cũng đã nửa bạc, thế mà tấm dù ấy, kỷ niệm Trường Sơn, tuổi trẻ của anh (và của bao người) vẫn xanh nguyên! Hai câu thơ ấy chính là chiếc chìa khoá mở tung ra bao kỷ niệm cuộc đời của chị. Đến đây, xin bạn đọc cùng tôi thẩm thấu cả bài:                                                          
                                                   Giao mùa
                                         Nắng rồi mang áo ra phơi
                                  Phơi áo mới gấp lại nơi gió mùa
                                         Trời ơi dưới đáy ba lô
                                  Đời anh có một tấm dù vẫn xanh
                                         Võng Trường Sơn vẫn để dành
                                  Gia tài người lính Khe Sanh năm nào
                                         Ngỡ quên bom đạn chiến hào
                                  Đường Tà Cơn gió ào ào vẫn rơi
                                         Này mưa, này nhớ tả tơi
                                 Những mùa xuân của đời người có nhau
                                          Gừng cay muối mặn từ lâu
                                  Anh và em thắm duyên nhau mà thành
                                           Hai ta tới vực biển xanh
                               Cụng cay đắng với ngọt lành sẻ chia     
                                           Đấy trời chim én bay về
                               Anh xa lắm lại bỏ đi một mình
                                          Em phơi áo thời hòa bình
                               Cho dù gấp thuở chiến tranh trong hồn
                                       Ngày xuân được mất vẫn còn
                               Mầm xanh nẩy lộc, héo hon có tàn?
                                       Giao mùa vẫn biết mùa sang
                               Em xin giữ thứ cũ càng không phơi.
                                                      (Một mình khâu những lặng im -                
                                                             NXB Hội Nhà Văn 2005)
         Gợi lại kỷ niệm hai người đã từng ấm áp bên nhau:
                                       Này mưa,  này nhớ tả tơi
                               Những mùa xuân của đời người có nhau
Lời tôi vừa bình “hai người từng ấm áp bên nhau” chỉ đúng khi không có đôi chữ tả tơi. Trong đôi câu thơ trên, hai chữ tả tơi không sượng, vì nó tiếp nối câu trên Đường Tà Cơn gió ào ào vẫn rơi, nhưng nó lại thần diệu vô cùng khi tác giả muốn nói đến cuộc sống chung hạnh phúc trong nỗi vất vả của đời thường những năm  truân chuyên ấy! Tôi hình dung khi tiến hành bài thơ, đang cần tìm chữ cho đắt với vần “ơi”, thì tiếng mưa gió Trường Sơn đang làm tả tơi những kỷ niệm trong óc chị, tả tơi những mưa và nhớ. Ngỡ quên bom đạn chiến hào mà làm sao quên được, nó đã len vào hiện tại của hai người từ nước da xanh tái, di chứng những thương tật, thiếu thuốc, thiếu ăn trên cơ thể anh. Những mùa xuân của đời người có nhau ngày ấy vẫn bầm dập lắm, tơi tả lắm! Họ đâu được yêu nhau trong no đủ, tươi mạnh như lớp trẻ hôm nay! Trong thơ, có những câu chữ hay một cách vô thức, thực ra chúng bật ra từ tiềm thức. Tác giả chọn chữ tả tơi không vì liên tưởng vân vi như tôi, mà vì ngay lập tức, chị thấy nó ứng với ấn tượng khái quát về kiểu hạnh phúc trong vất vả truân chuyên của chị!
      Hôm nay thì, những đôi người yêu nhau càng hạnh phúc khi xuân về:
                                      Đầy trời chim én bay về
      Nhưng:               Anh xa lắm lại bỏ đi một mình!
Chị vẫn tồn tại hai cuộc sống Em phơi áo thời hòa bình còn tấm dù anh để lại thì chị gấp thuở chiến tranh trong hồn...
                                       Giao mùa vẫn biết mùa sang
                               Em xin giữ thứ cũ càng không phơi!
       Chính vì vậy mà tuổi trẻ của anh (và của bao người) thời trận mạc vẫn xanh nguyên!