Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỬ LUẬN BỆNH CỦA BÁO CHÍ TỪ VỤ TIÊN LÃNG

Bùi Văn Bồng
Thứ hai ngày 13 tháng 2 năm 2012 9:59 PM
 
    Nói về báo chí, nay có các loại hình chủ yếu như: Báo in (trên giấy, lâu nay có người vẫn quen gọi là báo viết), báo hình, báo nói, báo mạng và các loại tạp chí, đặc san... Về thứ bậc và phạm vi, có báo Trung ương, báo địa phương, báo ngành, riêng trên mạng thì cũng đa dạng: Báo mạng online, mạng tự lập được cấp giấy phép, mạng do ngành, địa phương quản lý (công thông tin điện tử), và “làn sóng blog” cá nhân. Tự do, vô tư, vui nhộn, thoái mái biểu lộ và biểu cảm chính kiến nhất vẫn là các trang blog trên nhiều hệ, kênh, tuyến băng thông, liên kết  khác nhau. Tất nhiên, người đọc các blog đều phải biết tự phân định hay-dở, đúng-sai, biết cách  cảm nhận và tự lý giải. Đây cũng là kênh giao lưu nhanh, nhạy cảm. Do tốc độ và chất lượng phát triển của công nghệ thông tin, báo mạng là mũi xung kích thời bùng nổ thông tin toàn cầu. Nó đang dần trở thành một sức mạnh áp đảo, đẩy báo in, báo nối, báo hình vào góc khó cạnh tranh. Thời đại này, không có báo nào truyền tin nhanh bằng báo mạng. Một sự kiện xảy ra tại bất kỳ nơi đâu, chỉ sau vài cú nhắp chuột là cả thê giới đều biết. Sự phát triển của báo mạng song hành với tốc lực phát triển nhanh, phổ cập và lan truyền chưa từng thấy của công nghệ thông tin. Chính vì thế, người đọc báo mạng ngày càng tăng nhanh với cấp số cộng. Đầu tư cho phát triển cũng như quản lý được báo mạng là tầm nhìn hiện đại.
          Vụ Tiên Lãng vừa qua, cũng như sự kiện Nông trường Sông Hậu và một số vụ việc nổi cộm xảy ra thường choán nhiều “đất” và thời lượng trên các loại báo. Trong vụ Tiên Lãng, bạn đọc đã ít nhiều bắt mạch, phát hiện ra báo chí của ta đang mắc mấy thứ bệnh là: Bệnh nịnh hót, vuốt ve; bệnh chờ chỉ đạo, xin ý kiến; bệnh dựa dẫm ăn theo, nói leo; bệnh bốc đồng; bệnh câu móc, cơ hội; bệnh phỉ báng tùy tiện…
          Trước hết, trong vụ Tiên Lãng chỉ nói về hai triệu chứng rõ nét nhất là bệnh nịnh hót, vuốt ve và bệnh chờ chỉ đạo, xin ý kiến của quản lý cấp trên. Nịnh hót, vuốt ve thường cố tình bóp méo thông tin, sai thực tế, đánh lạc hướng dư luận, nói lấy được, viết liều, nói ẩu. Bệnh chờ chỉ đạo làm cho báo chí bị mất cơ hội thông tin, bỏ qua những thông tin nóng hổi (HOT) quan trọng, chậm thông tin và như thế cũng mất giá trị thông tin.
            Ai cũng thấy: Báo Hải Phòng, Đài PTTH Hải Phòng, Trang TTĐT của thành phố Hải Phòng, Cổng TTĐT huyện Tiên Lãng đều mắc cả hai thứ bệnh nan y này. Trong khi sự việc đã rõ như ban ngày, nhưng các loại hình, kênh thông tin ở Hải Phòng vẫn cố thủ một lối thông tin duy nhất: Phải ủng hộ lãnh đạo, phải theo đúng chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thông qua cơ quan Tuyên giáo. Họ tìm mọi cách tố cáo ông Vươn, nhiều tội, tội nặng, vi phạm nghiêm trọng, moi móc đủ tật xấu của Đoàn Văn Vươn. Họ phớt lờ các thông tin do phóng viên các báo Trung ương, địa phương, ngành, báo mạng, các blog trung thực và hăng hái. Tóm lại, qua vụ này bộ mặt báo chí địa phương ở Hải Phòng mới lộ diện là một thứ “bồi bút thời hiện đại”. Ví dụ như Cổng thông tin điện tử huyện Tiên Lãng, nay còn lồ lộ các bài cố tình nói lấy được, đọc thấy ngứa mắt như:  “Vụ cưỡng chế đầm tôm tại xã Vinh Quang: Chính quyền đầy đủ cơ sở pháp lý” (bài này không ai đứng tên, không dẫn nguồn); “Những thông tin ít được nhắc đến chung quanh vụ giết người, chống người thi hành công vụ tại Tiên Lãng”; “Vụ thu hồi đầm vùng ở Tiên Lãng – cần một cách nhìn công tâm, đúng bản chất” (bài này đăng theo báo CAND Online); “Dư luận và những thông tin đúng-sai…cưỡng chế Đoàn Văn Vươn”…Ấy vậy nhưng khi Thủ tướng kết luận vụ việc, khi thành phố Hải Phòng có quyết định đình chỉ các quan chức ở Tiên Lãng có liên quan trực tiếp đến vụ này, thì Cổng TTĐT Tiên Lãng đóng cửa im thin thít, không còn hung hăng nữa, cũng không một dòng tin, chơi bài “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”, xem như không nghe, không thấy, không biết !
            Trong khi đó trên các chương trình thời sự, chuyên đề của Đài PTTH Hải Phòng, Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng, báo Hải Phòng lại đơn lẻ, lạc điệu đi theo lối riêng, bênh vực sai trái, bỏ qua yêu cầu về tính trung thực, khách quan của người làm báo, chỉ nặng về việc nắm thông tin một chiều, đi theo cái giọng rập khuôn thiên lệch, răm rắp làm theo “cái roi chỉ đạo” nào đó. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở, là khó khăn trực tiếp và những chi phối khách quan “vạn bất đắc dĩ” của những người làm báo ở địa phương. Hở ra là họ bị vặn hỏi, với cái ý: “Ăn cơm ai, mặc áo ai” mà không nghe ý kiến chỉ đạo? Cho nên, khi lãnh đạo và cơ quan chỉ đạo tuyên truyền, báo chí còn muốn thủ “cái loa riêng” đầy động cơ cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bản vị thì cũng khó mà đưa được những thông tin trung thực, khách quan đến với công chúng. Đây cũng là “hãm địa” của công luận. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, các nhà biên tập, các “ông Tổng” và cả một số phóng viên còn “run tay” trong khi cần thể hiện sự rõ chính kiến, sự trung thực, cần ý chí, lập trường bảo vệ công lý trên bài viết, đồng ngĩa với thiếu bản lĩnh người cầm bút. Làm báo kiểu này suy cho cùng là xuyên tạc bản chất sự thật, đổi trắng thay đen, làm mất giá trị trung thực của thông tin. Với cung cách như vậy chỉ tổ làm gia tăng những rắc rối các vụ việc, đánh lạc hướng dư luận, tạo ngụy trang hoặc là thứ tung hỏa mù che mắt lãnh đạo và cơ quan chức năng, sinh ra nhiều hệ lụy rất bất lợi cho nhân dân muốn tìm hiểu đâu là sự thật mà còn như  sự mớm thêm cho cả người ra những ý kiến "chỉ đạo" sai trái!   
Cũng trong vụ này, nhiều tờ báo của Trung ương, địa phương, ngành cũng cứ phóng viên xuống tận hiện trường (có khi xuống nhiều lần), làm việc từ thành phố xuống huyện và xã, cũng thẩm tra qua nhiều nhân chứng, lấy văn bản, báo cáo, chứng cứ đủ cả. Nhưng rồi bạn đọc chờ dài cổ, tìm mỏi mắt, chẳng thấy bài nào về vụ Tiên lãng cho “ra tấm ra miếng”. Tôi có hỏi mấy người bạn là Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn một số tờ báo ở Hà Nội, họ nói rằng đang chờ ý kiến chỉ đạo, chờ hỏi ông này bà kia, họ còn bận việc này việc nọ, chưa cho ý kiến cụ thể. Suy ngẫm thêm, hình như một số Ban biên tập bản lĩnh và chính kiến làm báo còn ngần ngại , chưa mạnh dạn, chưa dám nói, chưa dám làm và còn rất sợ chịu trách nhiệm vì...muốn giữ chiếc ghế chức quyền mong manh kia chăng !. Thời nay, đòi hỏi thông tin của người dân phải nắm bắt nhanh, đúng, chính xác, kịp thời mà làm báo còn quá nặng kiểu cũ, công thức, câu nệ, phụ thuộc nhiều tầng nấc như thế, quả là bạn đọc cũng đành phải bó tay. Phải chăng cái quan niệm báo lề phải, báo lề trái, báo chính thống, không chính thống cũng từ đó mà ra?.
          Như nhiều người đã đề cập, vai trò của báo chí ngày càng có tác dụng sâu rộng, ảnh hưởng lớn, nhiều khi có tác dụng định hướng dư luận, chi phối đến nhiều hoạt động xã hội, phát huy các giá trị nhân sinh, nhân văn, nhân bản, là vũ khí sắc bén đấu tranh và phản biện xã hội.  Phần mở đầu Luật báo chí cũng nêu rõ: “Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân ; phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam”. Ngày 8-2-2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo phải luôn đổi mới, không thể sáo mòn, bằng nhiều kênh thông tin phong phú, đa dạng, hiện đại… tăng cường đối thoại, phát huy hiệu quả các phương tiện báo chí, đặc biệt là báo mạng”.
Và ngày 10-2 mới rồi, khi phân tích, kết luận về những đúng, sai, cách giải quyết vụ Tiên Lãng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là báo chí và các mạng truyền thông, thư điện tử đã giúp được nhiều thông tin và luận giải vấn đề đa dạng, qua đó Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương nhanh chóng có thêm tư liệu từ nhiều nguồn cần thiết để tham khảo, bổ trợ, đánh giá, nhận định bản chất vụ việc. Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp đối với vụ việc này. Yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân…Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động…”.
            Thiết nghĩ, thường thấy những cán bộ, đảng viên trung chính, có  phảm chất, năng lực, tự thây mình hoàn chỉnh, ít sai phạm gì lớn, thì lại rất quý, tôn trọng báo chí, không sợ báo chí dù về nghiệp vụ nhà báo có thể hiện ở bất kỳ dạng thức nào. Họ còn rất thích khi đối thoại với báo chí. Chỉ có những cán bộ, đảng viên phẩm chất , năng lực kém, làm sai trái, vi phạm chuyện này việc kia, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức , lối sống, cố tình co lại, bưng bít, che giấu sai lầm mới ngán ngại, có khi sợ, né tránh báo chí. Vì thế, các nhà lãnh đạo ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị rất cần nâng cao nhận thức, thấy rõ vai trò, tác dụng của báo chí là kênh thông tin quan trọng, cần thiết và bổ ích phục vụ cho lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thời đại bùng nổ thông tin hiên nay. Chấp nhận và sẵn sàng đối thoại có ban rlĩnh và chân tình đối với những phản biện xã hội của báo chí là sự đổi mới rất hữu ích của người lãnh đạo. Về các cơ quan báo chí, để đáp ứng nhu cầu thông tin của toàn xã hội, thực hiện chức năng thông tin, báo chí cần phải vượt ra khỏi lối mòn quan liêu, bao cấp, khắc phục những tư duy về quản lý, chỉ đạo khô cứng, hô hào, hành chính hóa việc làm báo, kìm hãm năng động và chính kiến phóng viên, phải theo sát xu thế phát triển của thời đại, thực sự đổi mới mạnh hơn nữa về quan điểm, cách thức tổ chức làm báo, mạnh bạo cạnh tranh thông tin, nhanh nhạy và kịp thời, phải là lực lượng tiên phong, mở đường, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Nhất là cần nhanh chóng khắc phục những thứ bệnh nêu trên. /.
                                          Bùi Văn Bồng