Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUYỆN TỪ MỘT HỘI

Lưu Quốc Hòa (Hà Nam)
Thứ hai ngày 13 tháng 2 năm 2012 4:54 PM

 

Truyện ngắn đầu năm của : Lưu Quốc Hòa (Hà Nam)


Chiếc xe bốn chỗ sang trọng lượn vòng trong sân khu cơ quan Liên hiệp hội rồi dừng lại bên gốc cây bàng đang trút những chiếc lá cuối cùng để đón xuân. Cây bàng giơ những cọng cành khẳng khiu như xương con cá bị lóc hết thịt, dun dẩy trong gió bấc.

Trên xe bước xuống là một ông rất bảnh trai với bộ comle xám đeo kính dâm gọng vàng và trên cổ tay cũng lúc lắc chiếc đồng hồ Thụy Sỹ mạ vàng,


Đôi giày thời trang của Ý cũng màu vàng…Tất cả toát lên một vẻ sang trọng và giàu có như một thương gia có hạng.
Cô thư ký dịu dàng son phấn với hai cặp vú vổng thách thức đám mày râu và bộ mông quả mận cũng hưởng ứng theo nhịp chiếc giày cao đế. Cái cặp mông hí húp ngọ ngoạy trong cái váy làm bao ánh mắt bọn đàn ông trong khu vực Liên hiệp hội cứ dán vào và bật ra những ý nghĩ hết sức dâm dục.


Ai lần đầu đến cái lãnh địa này cứ nghĩ chiếc xe nọ là của một cán bộ cấp cao đi công cán, nhưng trong cái khu này người ta đã quen mắt, chẳng ai có thể nhầm đấy là ông Đỗ Thế Kiên, hội trưởng hội …Người mù


Có lẽ các vị lãnh đạo tỉnh nghĩ đến việc thuận lợi cho công việc hoặc giả là muốn tống khứ một lô các hội chuyên ăn bám và nhiễu sách về một góc cho gọn, cho đỡ quấy nhiễu nên khu này có dãy nhà xây vòng theo kiểu chữ U với một khoảng sân hẹp trồng ba cây bàng, với một cái bảng tin bị cắt ô để cho các Hội loan báo tin tức nội bộ. Cái lán để xe cũng được ngăn ra bằng cây luồng để phân biệt khách đến giao dịch.


Nhiều hội thế nhưng tất cả chỉ có mỗi ông bảo vệ mặt nhám bã chè, đôi mắt đục như cùi nhãn, đầu tóc lôm nhôm, bù xù như quạ đánh  và chuyên ngủ gật, ai hỏi gì thì trả lời húc hoắc như chó hóc xương rồi chửi tục.


Hãy ngước mắt lên mà xem: Gác hai của khu là biển các hội: Hội Nông Dân - Hội Đông Y - Hội Khuyến học – Hội chữ thập đỏ – Hội Chất độc da cam và Hội Người Mù.
Nhà thiết kế tạo mẫu khu liên hiệp các hội cũng rất có lý khi xây khu nhà 2 tầng này. Tầng trên là hội chính, tầng dưới là hội phụ, cơi nới tùy theo chức năng. Hội trên lấy tiền thuê phòng hội dưới. Hội trên có danh mục được cấp trên cưu mang nuôi nấng còn hội dưới là “phi chính phủ”
Hãy nhìn xuống mà xem. Trên Hội Đông y thì dưới là Hội người buôn bán thuốc Bắc, có cả mấy gã lang Tàu đeo kính bé tí chỉ đủ vừa con mắt, trông hết sức cổ quái. Hội Nông Dân thì có thuộc hạ là hội sinh vật cảnh ở lẫn với hội Chơi chim. Hội chữ thập Đỏ nạp thêm hội Đền bà Chúa Kho và cuối cùng là Hội Người Mù có Hội Chiêm tinh Bát quái….Tách riêng các hội, xế về phía Tây, có một khu hội xây đẹp hợn, nhiều hoa lá cành hơn là Hội Nhà Văn. Hội này khá hơn vì có sân Te nít, có hòn non bộ và có chỗ cho thuê là cái hội trường làm nơi tập dưỡng sinh cho người già và tập nhảy khiêu vũ cho đám choai choai…

Liệt kê như vậy đủ để cho bàn dân thiên hạ thấy đây là vương quốc các hội trong một tỉnh chưa thoát nghèo…Lổn nhổn là hội, lúc nhúc là hội và hội nào cũng phải chìa tay xin tiền khắp mọi nơi mới hòng sống nổi. Nhiều kẻ ác khẩu miệt thị gọi đây là khu vực “linh tinh hội”.


----------
Có thể nói, hội Người Mù là hội giàu có nhất vì dễ xin, có lý để mà xin. Ông Tây, ông Mỹ, ông Tàu đến đây đểu dủ lòng từ bi hỉ xả. Người ta giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, mất hai thứ ấy thì khó thay, khổ thay, khốn nạn thay. Các ông ngoại quốc còn thế huống chi người cùng máu đỏ da vàng…chính vì vậy hội Người Mù có tài khoản khá dư dật, có ba cái vi tính hạng sang nối mạng để đấy cho oai chứ mấy ông thủ lĩnh hội chỉ dùng “ đồng hồ sờ” rồi “chữ sờ”…Nói chung chủ yếu là “nghe” và “sờ”. Năm máy đánh chữ bơlai nổi và bàn ghế tiện nghi đẹp ngất trời cũng chỉ để đấy cho nhện nó giăng tơ.


Các Hội kia nhìn mà thèm nhỏ dãi. Cách đây một năm, có ông người Hà Lan đến thăm lại biếu hội luôn cái Mẹc 3 chấm, bốn chỗ ngồi, còn oai hơn xe quan chức tỉnh, thành thử các hội mắt tỉnh thao láo cần xe đi đâu lại đến hội người mù mà thuê cho giá nó mềm. Cái xe này chỉ có hội trưởng bước lên, ông hội phó đi đâu là phải xin, xin mà không được là đi xe ôm…

--------
Một đám trẻ con đang quần nhau với quả bóng bên sân Hội Nhà văn hò hét om xòm. Mấy ông nhà văn bên hội thấy hay mắt cũng thò chân đá góp nên quả bóng trượt sang bên sân trước cửa hội Người mù và rơi lên mui chiếc ô tô rồi lăn tong tong trước cửa, sát chân ông hội trưởng Kiên. Gần một chục đứa trẻ túa vào tìm quả bóng. Ông Hội trưởng Kiên thấy huyên náo hỏi cô thư kí:


- Sao vậy em? gì mà lũ trẻ vào quấy đảo ác thế, đuổi chúng ngay! Bố láo bố lếu, chúng nó vào phải để ý đấy, toàn lũ yêu quái nhìn mà sợ.


Cô thư kí lấy tay bụm miệng không dám cười. Đã mù tịt lại còn “nhìn mà sợ” thì lên thánh chứ đâu là người mù, nhưng vâng lời, cô vẫn cao giọng đe đám trẻ lấy lòng “thủ trưởng” :
- Ra ngay! Bóng ban gì mà lại vào đây tìm! Tao gọi bảo vệ tống hết vào phòng khóa lại bây giờ.


Cô nháy mắt, gã bảo vệ vút roi hun hút vào không khí làm chúng vón lại rồi lủi ra ngoài tường bảo vệ. Chúng trả thù ông hội trưởng người mù bằng một bài hát đồng ca mách quóe không biết thằng mất dạy nào bày cho. Chúng bày trò hát xướng rất lớp lang, một thằng lĩnh xướng thật to: Nhìn mặt trời mà không chói lóa, tốp bên chổng mông gào theo: Là hội người mù, người mù, người mù nhà ta…Thằng nào thâm thật, ba que xỏ lá thật, không chừng lại mấy thằng Văn nghệ sĩ bên hội “ Đói vàng như nghệ” truyền khẩu cho lũ trẻ mất dạy cũng nên…


Mấy gã nhàn việc, rỗi miệng thì túa ra ban công nhìn lũ trẻ, bụm miệng cười. Một lão lửng lơ buông lời:

 
- Bọn trẻ láo thật, láo thật nhưng cũng đúng thật! Mù tịt đêm cũng như ngày thì nhìn thế quái nào thấy mặt trời mà “chói” với “lóa”.


Bà Khi bên hội Đền bà chúa Kho thì chua chát:


- Bá ngọ cái lũ quỷ đằng Đông! mù mà nó cũng không tha, nó cũng diễu nhại.


Bên hội Chiêm tinh có lão Khẩn, lùn tụt như cái nơm biết đi, người hôi như tổ bói cá góp lời:


- Nhân chi sơ tính bản thiện! trẻ hư tại người lớn hư nó học theo…Lão chặc chặc cái lưỡi, hai cái môi như thịt trâu ế mấp máy, bộ răng cải mả lúc khúc đầy miệng cãi lại cái môi.
Chị Phan bên hội Nông dân tỏ ra triết lý hơn:
- Nhân vô thập toàn, ai muốn đui mù, diễu người hôm nay, có khi mai đến lượt mình.


Tưởng thế là đủ, bỗng nhiên lão lang Tàu gày vắt ra như con tắc kè  bên hội Buôn thuôc Bắc, chọ chẹ vài câu lơ lớ:

 
- Ngộ tấy rui mù ló tướng hơn lằng tỉn, ló khon pải làm pà pẫn có ăng. Ngộ pỏ lang tây cũn tỉ tì piếng ăn ngộ khổ hơn con ló à.

 (Ngộ thấy đui mù còn sướng hơn thằng tỉnh, nó không phải làm mà vẫn có ăn, ngộ bỏ sang đây cũng chỉ vì miếng ăn, ngộ khổ hơn con chó à)

-----------
Cái lão lang Tàu trong hội buôn thuốc Bắc chả hiểu đếch gì thực tế ở cái xứ sở này, lão cứ tưởng người mù ai cũng sướng như ông thủ lĩnh trong hội Người mù. Trong một tỉnh có hơn một triệu dân này, người mù có gần năm trăm người, nằm rải rác khắp vùng mà chủ yếu là ở nông thôn. Nông thôn dị mọ nghèo khó mới đui mù. Ngày xưa mông muội lắm, mấy ông lang vườn chữa mắt cho bệnh nhân nghe như chuyện tiếu lâm, ông thì lấy lưỡi lùa vào giác mạc để quét màng quét mộng, ông lấy da ngóe đắp vào người đau mắt đỏ rồi lấy búp tre hóp lùa lông quặm…ôi chao là là những nhà “thừa y đức- thiếu y học” Thế mới có câu ca: Toét mắt là tại hướng đình /Cả làng em toét chứ mình em đâu…Lại có chuyện tiếu lâm cười vãi nước mắt: Vùng nọ có lão lang chữa mắt nhưng chính lão lại mù tịt, chỉ dùng lưỡi lia vào mắt bệnh nhân, lão đã chọc mù mắt nhiều người vì dốt nát. Khi lão giải nghệ, lão hạ cái hình quảng cáo con mắt nằm ngang xuống nhưng vẫn tòng teng một đầu dây chưa đứt thành ra con mắt nằm dọc giống như cái âm hộ đàn bà xum xuê lông lá. Có một bà đau âm hộ đi tìm thày lang ghé qua thấy cái hình ấy thì mừng quýnh vào xin chữa. Quen bệnh  hám tiền thày lại …chữa. Thày “sờ mắt” thấy to quá kêu là viêm lâu ngày sưng tấy, thò mũi ngửi thày kết luận là viêm nhiễm kéo dài nên mắt thối khắm lằm lặm…


Người mù nhà quê đúng là một tai họa. Có hai mắt thao láo mà còn đói cơm rách áo, họ vịn bám vào cuộc sống cho qua ngày đoạn tháng bằng nhiều phương kế, người cùng đường đi ăn xin, đi hát xẩm chợ, người quay nghề bói toán và chọn cái nghiệp ăn điêu nói đặt lòe bịp lại kẻ sáng mắt, người có lương tâm thì chọn nghề đan lát, làm các công cụ cầm tay đơn giản với mức thu nhập chết đói.


Những năm gần đây, ơn trên quan tâm, họ lập hội và nhận được sự trợ giúp của cộng đồng nên đời sống có đôi phần khá lên…Nếu dùng mỹ từ ta gọi là Hội khiếm thị nhưng tên

 chính thức vẫn là Hội người mù.


---------
Mấy trăm con người tập trung trong cái hội trường lớn, là trung tâm dạy nghề của tỉnh vừa khánh thành để học nghề.
Những tấm áo nhom nhem màu nước dưa, màu cháo lòng ngồi bên nhau để nghe khai mạc, những làn da cớm nắng mai mái xanh xao. Nghe tiếng người bên cạnh họ nhận ra nhau là trai hay gái để mà dễ cư xử . Có lẽ đây là lần đầu họ xa gia đình để tạm thời sống cảnh tập thể dưới sự hướng dẫn chăm sóc của những người sáng mắt. Họ được chia ra các nhóm: Nhóm tẩm quất cổ truyền, bấm huyệt, cạo gió giải cảm trong đó các cô còn trẻ và ngoại hình tốt học thêm mát - xa. Nhóm học đan lát thủ công bằng mây tre và cách vặn chổi đót, pha nan chổi xể, chẻ tăm.


Đây là lớp học ngắn ngày có bồi dưỡng tiền công chút đỉnh bằng hỗ trợ cộng đồng.


Lớp học vừa khai mạc thì một đàn phóng viên lỉnh kỉnh đồ lề làm phim, làm báo bu đến. Máy ảnh chớp như sao xa, máy quay lia tứ phía. Những câu phỏng vấn được mớm lời liên tục vang lên…Suốt ba ngày tập trung, người làm thì ít, người nói thì nhiều. Cái cảnh làm giả nhưng thu tiền tài trợ thật đúng là trận đồ bát quái dưới sự đạo diễn tài ba ông hội trưởng Kiên, trên ông Kiên có thằng hai mắt sáng như sao bật đèn xanh hỗ trợ. Chỉ khổ cho những người khiếm thị, được mấy chục bạc nhưng “bát cháo lội ba quãng đồng”. Tan khóa học ai về nhà nấy và quên tịt mấy bài giảng vu vơ chiếu lệ. Thằng tỉnh cũng được ăn theo thằng mù bằng nhiều cách thật ngoạn mục. Bỗng dưng tiếng tăm ông Kiên được báo chí thổi phồng lên như bóng bay bơm khí lỏng.
Bên cạnh ông hội trưởng tài ba có ông hội phó tên là Đinh Văn Mịch.


Ông Mịch là một người khiếm thị từ nhỏ, ăn nói khá hoạt khẩu và có trí nhớ tuyệt hảo. Hình như  thị giác mất đi thì các giác quan khác được đánh thức bù lại. Ông học chữ nổi Bơ-lai rất nhanh và thảo các loại công văn giấy tờ khá chuẩn xác. Tất cả các tiếng động quanh mình có khi ông còn nhạy cảm hơn cả người tỉnh và đặc biệt là cách ngoại giao, ông có giọng nói truyền cảm và khúc triết. Có nghĩa là năng lực của một cán bộ hội, ông hơn hẳn hội trưởng Kiên.
Trời cho ông cái tài nhưng không cho ông cái thế. Nhận trách nhiệm hội phó mức lương ba cọc ba đồng ông nhẫn nại làm việc, biết thân biết phận và vui vì thấy mình còn may mắn hơn nhiều người mù. Người ta bảo: Ông làm hội trưởng thì người mù có phần nhờ.


Đấy là “người ta bảo” chứ làm sao ông cất đầu lên được. Ông Kiên có em là cán bộ to lại nắm chức vụ “nâng lên đặt xuống” bộ máy nhân sự trong tỉnh này, cái chức vị cả người tỉnh lẫn người mù, gia tộc ông đều được hưởng lộc phúc. Ông cứ ngồi đấy mà thu, mà bổ. Bao nhiêu chuyến công cán xin tài trợ ông Mịch lao đầu đi quên ngày, quên đêm. Một chiếc xe máy Tàu lọc sọc, một anh xe ôm đen đúa tha ông đi khắp chợ cùng quê để rồi tài khoản ông Kiên coi giữ và tự tung tự tác…Làm cấp trưởng sướng thật.
-----------
Hôm nay ông Kiên mang theo cô thư ký Bích Vân đi dự hội nghị trên tỉnh. Vân làm thư kí nhưng đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc hội trưởng, có nghĩa là phải dắt lúc tỉnh và dìu lúc say rồi lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho xếp khi đi ngoại tỉnh.
Tan bữa liên hoan, chiếc Mẹc bốn chỗ tha ông về hội với hơi men sặc sụa. Làm thư ký lại ngồi xe sang trọng nên Vân phải ăn mặc trang điểm cho đúng mốt, với lại ông Kiên cũng bảnh trai như ai, cặp kính mát thời thượng che mắt, bố đứa nào bảo ông mù.


Vân tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm nhưng không xin được chỗ dạy học nên tá túc ở đây làm việc cho hội Người Mù đã mấy năm. Đã vào tuổi 30 và có một con, Vân tròn đầy, rực dỡ tỏa nhan sắc. Cái hương sắc ấy lại tỏa sáng trong một hội mà người chiêm ngưỡng lại không nhìn thấy gì, họ chỉ chiêm ngưỡng Vân theo lời trần thuật nên bảo đẹp thì nên đẹp, bảo xấu thì nên xấu. Vân hiểu hơn ai hết nhưng vì cơm áo và yêu mến, thương cảm với người mù nên hết lòng trong công việc. Vân thạo ba ngoại ngữ và giỏi vi tính, biết kiềm chế và rất trọng danh dự.


Ông Kiên no say được dìu vào ghế và thò tay cơi nới cái ca vạt trên cổ. Không biết có phải giả vờ say không mà cái lưỡi ông líu lại, ông gõ tay xuống bàn gọi Vân:
- Cho anh đi ..đi ấy một tí.


Mọi lần ông ta “đi ấy” đều tự lo được. Có khó gì đâu, chỗ ở quen mà: Đứng lên, rẽ phải, tay lần tường đếm tám bước, sờ vào sẽ thấy quả đấm phòng vệ sinh rồi tiếp theo là những thao tác hết sức đơn giản là hoàn thành công đoạn đào thải. Chắc hôm nay say rượu nên lú lẫn…ấy là Vân nghĩ thế.


Vân đưa ông Kiên vào nhà vệ sinh.


Ông Kiên mềm oặt và ngả vào người Vân, lúc này là giờ nghỉ trưa nên cơ quan hội vắng ngắt, chiếc đồng hồ côn trên tường thong thả điểm mười hai tiếng.


Trong phòng vệ sinh, ông Kiên kêu ồ ồ những âm thanh hết sức lạ tai của một con đực động hớn. Kiên dùng gót đá cửa sập lại và ôm gì lấy Vân hổn hển: Cho anh “ấy” một tý! Anh sẽ cho em rất nhiều tiền…Như con mãnh thú ông ta ôm cứng Vân rồi tốc váy lên, tay kia cởi khóa quần mình rất điêu luyện. Một cuộc giằng co quyết liệt và phần thắng thuộc về Vân. Cô định thần và dang tay tát vào mặt Kiên, chiếc kính gọng vàng bay vào tường rồi bật lại rơi trúng cái bệ xổm.


Sự việc diễn ra nhanh và quá bất ngờ. Người phụ nữ trọng tiết hạnh đã có phản ứng quyết liệt và kẻ bị phản ứng cũng choàng tỉnh, luống cuống lần tường tìm lối ra.


Vân vặn cứng ổ khóa và nhốt Kiên bên trong rồi thu xếp một vài thứ cần mang ra xe máy. Nghe tiếng động lạ, ông Mịch nghỉ trưa phòng bên lờ mờ đoán ra và theo dõi. Khi Vân ra đến xe đang buộc đồ cũng là lúc ông Mịch đứng trước ban công hắng giọng. Vân sững lại và tiến về phía ông Mịch, đặt nhẹ tay lên vai ông. Vân nói nhỏ và cương quyết:
- Em không làm ở đây nữa đâu, cám ơn bác những ngày em cùng cộng tác với hội, em giải thích lý do sau…Em đi bác mở cửa cho ông Kiên trong nhà vệ sinh và đừng hỏi gì, cứ coi như tình cờ khóa bị xập…


- Thôi! tôi hiểu rồi, tùy cô định liệu, tôi biết cô là người có nhận thức và có trình độ, lời khuyên của tôi không có giá trị trong trường hợp này, cô đi đi, sắp đến giờ làm việc rồi đấy.

---------------------
Vân vắng mặt tại cơ quan hội đã một tuần và cả khu liên hiệp hội không ai biết lý do. Hỏi ông Kiên thì ông ta trả lời là nghỉ ốm, mọi sổ sách giấy tờ liên quan đều còn đấy, kế toán đã gọi cô đến lĩnh lương hai lần nhưng tắt máy và cuối cùng khi bị truy bức của dư luận ông tuyên bố: sa thải vì nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ và cần tuyển một thư ký có ngoại hình đẹp để hộ tống chủ tịch hội…Người ta lờ mờ đoán ra cái lý do cô thư kí vắng mặt, chuyện ấy đâu phải cái kim nằm trong bọc vải.


-----
Thế cục vần xoay, kì bầu bán vừa qua, người em ông Kiên bị mất phiếu thảm hại. Gần ngày bầu bán, hàng loạt đơn kiện bay đến các cơ quan công quyền. Biết thân biết phận, ông xin nghỉ chế độ trước tuổi hai năm .


Dậu đổ bìm leo, những người mù toàn tỉnh cũng kháng nghị lên các cấp về trò lừa bịp của ông chủ tịch hội qua các đợt dạy nghề, về điển hình người mù làm kinh tế nhờ sự chỉ đạo của hội, người mù lên tiếng đòi công khai các khoản tài chính được hỗ trợ của trong và ngoài nước…Ông Mịch không thể giải trình và theo luật nước thì phải truy cứu hình sự nhưng luật pháp đâu nỡ xử tù người khiếm thị. Ông Mịch được Trung ương hội và ban lãnh đạo mới của tỉnh cử làm chủ tịch hội thay thế ông Kiên.
---------


Hôm ông Kiên bàn giao chức vụ, các hội khác túa ra ban công nhìn chiếc tắc xi chở dụng cụ cá nhân khi còn đang “nhiếp chính”.


Lại những lời bàn tán từ lỗ miệng các ông các bà của khu “linh tinh hội”


- Mẹ kiếp! No ăn nhựng mỡ mất chức là phải…

Đó là tiếng lão Hội trưởng Hội những người Chơi Chim.
Bà Khi hội Đền bà chúa kho góp lời léo xéo:


- Bá ngọ cái con quỷ Đông! Sao mù mắt mà cái “của khỉ” nó không mù nốt cho rồi.


Lại cười, tiếng cười làm dung cả cây bàng đang trút lá.
Lão hội Chiêm tinh ngúc ngoắc, lắc lư cái cổ vại có ngấn cười hin hít:


Bố khỉ! Bố cái của khỉ! Đánh bả còn chê chó cái/ Ghẹo gái chê L...lắm lông”, đã mù lại còn chê người dắt đi đái không xinh đẹp.


Lão lang Tàu cứ ngớ ra không hiểu, lão lại chọ chẹ, lơ lớ

tiếng “chú khách” góp lời:


- pù pà cũng kéng lười lắt li lái à! Chê lái khôn lẹp à! Ngộ khôn liểu, Ngộ khôn liểu. khôn ló lười lắt thì lái la quàng à, lái la côn đườn à?

 ( Mù mà cũng kén người dắt đi đái à, cũng chê gái không xinh đẹp à? Ngộ không hiểu! Ngộ không hiểu…Không có người dắt thì đái ra quần à, đái ra công đường à)


Mấy ông nhà văn nhà thơ bên hội “Nghệ sĩ đói vàng như nghệ” cũng tạt sang xem. Một ông nhà văn xum xuê dâu tóc chép miệng:


- Có hai bệnh, bệnh “đái tháo ra đường” và “đái tháo ra công đường” đều nguy hiểm như nhau và khó điều trị…Thằng mù còn mắc huống chi thằng tỉnh.


--------------

TP Phủ Lý những ngày sau Tết Nhâm Thìn