Các cụ ta xưa có phong tục đầu năm khai bút. Sáng ngày mồng 1 Tết, bên chén trà thơm (hay ly rượu nồng), với những cảm xúc tràn trề, mới mẻ, tinh khôi của một năm mới, liền sai con cháu mài mực rồi cầm lấy cây bút lông, viết lên những dòng chữ đầu tiên của một năm. Đó là khai bút. Khai bút có thể là một bài thơ hay một đoạn văn. Dù là thơ hay văn thì cũng là những cảm xúc lâng lâng đầu năm mới.
Chũng ta ngày nay cầm bút ít đi mà thay vì gõ bàn phím. Vì vậy nếu chính xác ra thì phải gọi là khai bàn phím. Nhưng cụm từ này chưa quen dùng nên vẫn gọi theo truyền thống xưa là khai bút vậy.
Năm nào cũng vậy, đêm Giao thừa tôi thường thức đến 1-2 giờ sáng. Đúng giờ giao thừa mới thắp hương cúng Giao thừa. Trong lúc chờ hương tàn thì tranh thủ gọi điện, gửi tin nhắn chúc mừng năm mới tới những người thân, bạn bè ở xa. Rồi thì ông bà mừng tuổi con cháu, con cháu mừng tuổi ông bà, làm đủ thủ tục ấy cũng đến 1-2 giờ sáng.
Sáng mồng 1 Tết, 8 giờ sáng đã dậy. Chú ý lắng nghe xem có người nào rao bán muối thì mua một gói lấy may “đầu năm mua muối” mà.. Sau đó mới ngồi vào máy lên mạng. Trước tiên là xem một số tờ báo mạng cập nhật tin tức Giao thừa , xem không khí đón giao thừa của mọi miền gần xa. Sau đó mới vào một số trang mạng quen biết.
Năm nay, địa chỉ đầu tiên tôi vào xông đất là “Nhà” của GS Ngô Đức Thọ. Năm ngoái, Tân Mão, ông đã làm một việc đối với tôi rất có ý nghĩa. Đó là ông đã dịch trọn vẹn Ngọc phả Hùng Vương hơn một vạn chữ và post lên mạng. Công việc dịch thuật này ông đã phải tiến hành trong hơn nửa tháng. Trong thời gian đó, cứ ông dịch được đoạn nào tôi lại tải về mạng của tôi đoạn ấy. Chính điều đó lại tạo cho ông một chút cảm xúc để hoàn thành công việc, mà như ông viết ngay từ lúc ấy : “bằng cho nhau một thang thuốc bổ”
Từ “Nhà” của GS Ngô Đức Thọ, tôi lại sang “Nhà” của Nhà văn Trần Nhương. Nhà văn Trần Nhương là một người đa tài. Là nhà văn, nhà thơ, ông còn là một họa sĩ. Ông đang vẽ một bức tranh về hoa. Năm qua, thỉnh thoảng tôi cũng có tham gia trang mạng của ông qua chuyên mục “Bầu bạn góp cổ phần”. Những bài viết của tôi trên trang mạng của ông cũng được bạn đọc xem nhiều (có thống kê số lượt truy cập của từng bài)
Từ “ Nhà” của Nhà văn Trần Nhương, tôi lại sang Sachtrangan.com của Gám đốc Bùi Phúc Hải. Trung tâm văn hóa Tràng An là nơi đã in cho tôi một số cuốn sách mà tôi tâm huyết như : “Lịch sử và sự ngộ nhân” , “Từ điện Kính Thiên triều Lê đến Tổng hành dinh thời đại Hồ Chí Minh”. Trang mạng sachtrangan.com mới lập gần đây, nhưng số lượt truy cập cũng tương đối đông . Thỉnh thoảng tôi cũng có viết một số bài cho sanhtrangan.com và thỉnh thoảng sachtrangan cũng giới thiệu một số bài viết của tôi trong các cuốn sách đã xuất bản (kể cả những cuốn không phải sachtrangan in và phát hành)
Từ sachtrangan tôi lại ghé sang : “Nhà” vanhac.org của nhà báo Trần Vân Hạc. Thỉnh thoảng tôi cũng có đăng một số bài của anh, và anh cũng đăng bài của tôi khi tôi gửi sang “góp phần”
Đi thăm được một số “nhà” thì đã muộn. Tôi bèn quay về “Nhà” mình để viết bài này.
Chúc bạn đọc một năm mới dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc.
Phan Duy Kha