Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN CHUYỆN ÔNG NGUYỄN VĂN MẠC- MỘT DOANH NHÂN VIỆT KIỀU TẠI CHLB ĐỨC ĐẠO VĂN BÀI TÙY BÚT “ ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ” CỦA TRẦN MẠNH HẢO

Trần Mạnh Hảo
Thứ năm ngày 26 tháng 1 năm 2012 5:27 PM
 
Trên website Đàn Chim Việt ( http://danchimviet.info), nhà văn Đỗ Trường ( CHLB ĐỨC) và trên website : http://vietinfo.eu  đã công bố bài :” Chuyện đạo văn sáng mùng một tết “, “ Lại một kiểu ăn cắp trắng trợn”, tố cáo ông Nguyễn Văn Mạc - giám đốc công ty ASIA MARKT thuộc thành phố Magdebug ( CHLB ĐỨC), kiêm Tổng thư ký “Hội đồng hương Kinh Bắc tại CHLB Đức” đã đạo gần như nguyên vẹn tùy bút “Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi ( TMH) làm văn của mình đưới đầu đề mới : “Đêm giao thừa và mẹ” . Ông Nguyễn Văn Mạc đã cho phổ biến bài đạo văn này trên các website : http://thoibao.de, http://tuanbao.de, http://tapchihuongviet.eu
Tùy bút “ Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi đã được in trên nhiều báo giấy trong nước từ dịp tết các năm trước. Năm nay chúng tôi đã gửi in bài này trên các báo mạng, không thể nói là chúng tôi đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc được và cần phải hiểu ngược lại. Xin quý vị đọc bài đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc :

Đêm giao thừa và mẹ - Nguyễn Văn Mạc
Cập nhật lúc 25-01-2012 01:13:40 (GMT+1)

Đêm giao thừa thương Mẹ ! để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời.
Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi ! những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi được ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ con chạy.
Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây lúa cũng được ăn tết như người. Ngày ấy bố tôi là bộ đội ngoài mặt trận xa nhà. Tôi dẫn những đứa em, cuốn áo bông vào rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra bờ sông Đồng khởi đầu làng, sông trốn vào sương mà lưng lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt, rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ.
Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào sưởi ấm.
Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực nhiều tục lệ phong kiến nho giáo của miền quê Lương Tài, Bắc Ninh. Mẹ bị mọi người  sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc.
Có những đêm khuya cả nhà ngủ cả, đoạn mẹ ôm lấy mấy đứa con còn bé dại hỏi : chúng mày có nhớ Bố thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to: chúng con nhớ Bố thương Mẹ lắm ạ… mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ khóc, sợ quá cùng khóc theo.
Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như mộng du. Nỗi buồn len lén như sương ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ thường ra núp thở than.
Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn tôi ra bến xe lên đường đi ra trận, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng, ngoài kia tiếng súng nổ chát chúa đâu đó gần lắm.Tôi ngoái đầu nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu ngõ vậy. Tôi gạt nước mắt ra đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi ...
Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn xa quê nhớ mẹ núc phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn chúng ta vậy.
Mẹ ơi !  Mẹ hiền Việt Nam ơi ! mùa xuân nào con được trở về bên Mẹ ...
Nguyễn Văn Mạc Magdeburg , CHLB Đức
Mobil :+ 49/ 01623346421
http://www.vietinfo.eu/cd-tai-duc/dem-giao-thua-va-me--nguyen-van-mac.html

Qúy vị hãy vào http://google.com tìm bài viết của chúng tôi với tiêu đề “ Đêm giao thừa nhớ mẹ, tùy bút của Trần Mạnh Hảo” để tiện bề so sánh với bài đạo văn của ông Nguyễn Văn Mạc. Ngày 13-02-2010, tức trong dịp tết năm Mão ( năm ngoái) tùy bút “ Đêm giao thừa nhớ mẹ” của chúng tôi đã được in trên mạng Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập :
http://quechoa.info/2010/02/13/dem-giao-th%E1%BB%ABa-nh%E1%BB%9B-m%E1%BA%B9/

 Chuyện đạo văn ( ăn cắp văn thơ của người khác làm văn thơ của mình) hiện nay đã thành quốc nạn, không còn là vấn đề cá biệt. Chúng tôi ( TMH) trong suốt 30 năm qua, đã viết hàng chục bài chỉ ra sự đạo văn của các giáo sư, các vị tiến sĩ. Có những vị GS.TS. thó luôn công trình của người khác , hoặc thó từng mảnh của những người khác để làm luận án tiến sĩ hoặc để biến thành sách của mình. Có khá nhiều vị giáo sư đầu ngành văn học dịch bài của tác giả ngoại quốc rồi ký tên mình là tác giả. Ngay cả khi viết sách giáo khoa văn trung học, có vị giáo sư đầu ngành nọ cũng thó văn của người khác làm văn của mình.
Một xã hội mà sự ăn cắp ( tham nhũng) trở thành đại quốc nạn, lấy cắp, làm thất thoát công qũy hàng nghìn tỷ đồng vẫn không bị ra tòa, vẫn cứ lên chức vù
vù…thì xã hội ấy, quồc gia ấy, thể chế ấy là một xã hội suy đồi, một đất nước suy vong, một dân tộc thất đức, một thể chế đang trên đường tự sát.
Đến nỗi, ông phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phải thốt lên trên báo rằng nền giáo dục mà ông phụ trách là một nền giáo dục thiếu trung thực. Vâng, một nền giáo dục dối trá, thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, người người nói dối, nhà nhà nói dối, ngành ngành nói dối, thi đua nói dối, nói dối có thưởng, nói dối được lên lương lên chức thì quốc gia này sẽ là một quốc gia yếu kém, hèn hạ, dễ làm mồi cho ngoại bang nuốt sống.
Cổ nhân dạy :  thượng bất chính hạ tắc loạn. Trên chóp bu ngôi nhà mà dột nát thì phải phá đi làm lại, càng sửa càng dột , càng sửa càng mau sụp đổ mà thôi. Than ôi, trên đã lấy nói dối làm nền tảng thì dưới ai dám cả gan nói thật là phạm pháp, là bị tù đầy, đàn áp.
 Mới thấy câu : “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” của nhà thơ Thanh Tịnh; nay đã thấy câu nói này được các “ phương diện quốc gia” bảo là của cụ thượng, đành rụt lưỡi lại mà không dám thò ra đính chính. Mới thấy các câu cách ngôn của Nho giáo trong “Đại học”, “Trung dung”, “Mạnh tử”…chợt thấy các “ phương diện quốc gia” bảo những lời thánh hiền dạy trên là của cụ thượng, đành ngậm tăm mà xu thời kiếm lợi,hơn là đính chính, sẽ phải ra tòa vì dám gọi sự vật bằng tên của nó.
Chưa bao giờ, nạn ăn cắp của công, quốc nạn tham nhũng, quốc nạn đạo văn lại trở thành nhãn mác Việt Nam của cả hệ thống xã hội đang tha hóa tới tột cùng. Người ta hầu như không còn khả năng xấu hổ khi ăn cắp, kể cả ăn cắp thơ văn như ông doanh nhân Việt kiều yêu nước Nguyễn Văn Mạc đang sinh sống tại CHLB Đức. Mới đây thôi, chuyện một ông chủ tịch hội nhà văn từng đạo văn, ăn cắp thơ của một nữ thi sĩ Đức làm thơ của mình đã om sòm trên mạng; nhưng ông quan chức nhà thơ kia tuyệt nhiên không hề xin lỗi, cứ ngậm miệng ăn tiền với bài thơ đạo văn của mình được dạy trong sách giáo khoa. Mới đây thôi, một phóng viên, phát thanh viên đài truyền hình quốc gia thăm một nước Bắc Âu, cả gan vào siêu thị ăn cắp bị bắt…Nhờ cô ta là con một quan chức cao cấp nên sứ quán Việt Nam phải chạy chọt nước sở tại cho êm chuyện. Nay cô nhà báo mắc tội ăn cắp bị báo mạng biêu riếu bỗng trở thành người trưởng ban văn hóa, chuyên rao giảng văn hóa trên đài truyền hình, thì khái niệm văn hóa, khái niệm lương thiện xấu hổ quá mà trốn mất thôi ! Làm gì có văn hóa trong cái quốc nạn ăn cắp ?
Có lẽ hình ảnh này đã nói lên bản chất của một xã hội dối trá hiện thời, phi đạo đức tới tận cùng : một người chở bọc tiền đi trên đường phố Hà Nội bị kẻ cướp tấn công, tiền rơi ra đầy phố, lại bị nạn cướp nhân dân lao tới cướp tiền rơi vãi : hàng chục người đang lưu thông dừng xe, chen nhau cướp giật tiền của nạn nhân vừa bị cướp cạn. Có phải vì dân ta càng học tập đạo đức… càng mất đạo đức chăng ?
Sài Gòn sáng mùng bốn tết Nhâm Thìn 25-02-2012