Năm “ngoái” gia đình chúng tôi gặp nhiều sự buồn nên định rằng sẽ khép lại mọi nỗi ưu tư để trở về với sự yên bình thường nhật, nên tết Nguyên Đán năm này chúng tôi dự kiến sẽ “Khai bút” đầu xuân vào ngày mồng 2 tết, như một lần xuất hành cầu may làm tươi lại sắc màu của cuộc sống đang nghiêng bóng chiều xuống thung lũng của thời gian.
Nhưng, khi nghe nhời của GS.TSKH Hoàng Tuấn, giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Á Đông, phán rằng: “Trong 3 ngày Tết Nhâm Thìn năm nay đều không được tốt... Bởi những ngày ấy có Niên mệnh cửu tinh là Lục bạch - Kim tinh, thuộc quẻ Càn - Kim. Theo lý thuyết Vận khí thì thời tiết năm Nhâm Thìn thuộc năm tiểu hung: Hàn thủy tư thiên; Đại khí: Thấp thổ tại tuyền. Khí khắc vận, khí thịnh vận suy nên không có lợi cho công việc lớn...Ba ngày Tết năm Nhâm Thìn xét theo cả 3 phương pháp thông dụng là: Vận Khí, Cửu tinh và “sinh khắc can chi”, đều thuộc ngày xấu ! Xuất hành không lợi!...”. Nhớ câu “Có kiêng có lành”, nên chúng tôi quyết định xuất hành ngay sau ngày Ông Công, Ông Táo.
Đã nhiều năm tôi chỉ vẽ tranh chân dung, ít khi “vác” giá đi vẽ ngoại cảnh, nhưng anh em trong batinh.com cứ muốn tôi vẽ phong cảnh cho nhàn tâm, tôi thấy có lý nên thuận theo. Hôm nay, chúng tôi dự kiến chọn một số địa danh là những điểm nhấn của sắc xuân Hà Nội làm điểm đến, chẳng hạn như: Hồ Hoàn Kiếm, Vườn Đào Nhật Tân, Sông Hồng và cây cầu Long Biên tròn 100 năm tuổi.
Xuân Hà Nội thật tuyệt vời, thời tiết ấm áp, vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm lấp lánh như một tấm gương khổng lồ soi bóng những cây Lộc vừng thắm lá và tiếng cười đâu đó ngọt ngào tan vào mênh mang của gió và của nước. Không biết tự lúc nào tôi như đã “chạm” vào mùa Xuân! giá vẽ được dựng ngay cạnh mép nước trước sân đền Ngọc Sơn để chép lại một khoảnh khắc, một xa xôi, một gần sát vẻ đẹp mơ hồ còn ngát hương huyền thoại.
Ngôi đền Ngọc Sơn hiện nay được xây dựng vào thế kỷ XIX, lúc đầu được gọi là “chùa” Ngọc Sơn, sau đổi gọi là “đền” Ngọc Sơn vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ XIII. Đến năm Tự Đức thứ 18, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền, mới đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc cây cầu gỗ từ bờ Đông đi vào đền gọi là cầu Thê Húc.
Xưa, hồ Hoàn Kiếm ở gần thôn Tả Vọng, người ta gọi là hồ Tả Vọng, lại trông màu nước xanh lục, có thời gọi là hồ Lục Thuỷ. Tên hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) chỉ có từ thời Lê. Tương truyền, Nguyễn Thận làm nghề chài lưới ở vùng Lam Sơn, một lần quăng lưới kéo lên được một lưỡi kiếm có khắc hai chữ Thuận Thiên. Ông đem dâng Lê Lợi. Từ đó, kiếm này gọi là kiếm Thuận Thiên. Khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế cũng lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Đúng vào ngày Rằm tháng Tám, sau khi tế lễ trời đất, vua tôi lên thuyền du ngoạn hồ Tả Vọng. Lúc ấy, bỗng mưa to sấm chớp, rùa vàng bơi lên. Linh cảm, biết là rùa đòi kiếm, vua Lê bèn trả kiếm báu. Lập tức, mưa tạnh, trời xanh chim lượn, thuyền rồng và thuyền các quan lại đua bơi, trăm họ vui ca. Rùa vàng lại bơi lên như hoan hỷ mừng nước non đại định…
Thời xưa, đã có nhiều thi nhân viết về hồ Hoàn Kiếm, trong đó có bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” của Đinh Liệt, đặc biệt nhất là Đinh Liệt có ghi bài thơ Hoàn Kiếm hồ viết vào ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thân 1428, có nghĩa là viết ngay trong không khí của buổi lễ trả kiếm, tạm dịch nội dung như sau:
“Nguyễn Thận dâng kiếm thần/ Vương gia được cán cầm/ Chân thiện, trời sắp đặt/ Đại định mười hai năm/ Hoàng đế vâng mệnh lớn/ Trăm họ được an vui/ Thiết lập triều đình mới/ Lúa dâu tốt bời bời/ Đường bang giao khai triển/ Ngẫm đúng như lời nguyền/ Nghĩ Lam Sơn ước vọng/ Thiên hạ mừng bình yên/ Tinh giảm mười vạn binh/ Vua tôi vui Tả vọng/ Lúc trả kiếm Thuận Thiên/ Bỗng mưa òa sấm động/ Mây qua mau, quang tạnh/ Rùa vàng bơi gần xa/ Trời xanh, chim nghiêng lượn/ Quần thần cười khuây khoa/ Trăm họ hô vạn tuế/ Hạnh phúc thái bình ca/ Thơ một bài, ghi lại/ Ân trạch thấm muôn nhà.
Đó là những vần thơ ứng tác, tả thực, có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, có giá trị soi sáng cho nhiều trang sử. Trả kiếm trong dịp tinh giảm mười vạn binh. Hướng dân vào nông trang. Ngẫm lại, càng thấy Lê Lợi quả là anh minh siêu việt.
Cứ miên man trong huyền sử của Hồ Gươm, tôi vẽ như bị “nhập đồng”. Màu sơn cứ bén quyện vào lưỡi bay, níu kéo, hư ảo in hình lên mặt toan trắng ngà. Chẳng thể biết bức tranh có đẹp hay không, nhưng tôi đã vẽ nó trong những phút giây tĩnh lặng và vô thức tròn trịa một tấm lòng yêu Hà Nội…
Thời gian như không muốn đợi chúng tôi, bởi vậy mọi người đành lưu luyến tạm biệt hồ Tả Vọng vội vã lên xe, lách qua rừng người, rừng hoa ken nhau chật ních như nêm cối, nối dài gần hết con đường Gốm Sứ ven sông Hồng.
Nắng Xuân huyền diệu tầng tầng, lớp lớp tỏa xuống vườn đào, vườn hoa đủ loại hương sắc của bãi sa phù Nhật Tân, mới hay vì sao nhiều người lại thích nhạc phẩm “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên, một trong những bài hát hay nhất nói về loài hoa tuyệt sắc của Đà Lạt - Hoa Anh Đào! Loài hoa chỉ nở vào mùa xuân. Lời ca thảng thốt như thế này:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ,
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên, đẹp như chuyện ngày xưa…
Ôi, màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi, màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.”
Đã mấy tiếng đồng hồ say đắm cùng hoa, mà chúng tôi vẫn không đủ can đảm rời bỏ chốn bồng lai tiên cảnh này, nếu như không bị một “bất ngờ” như sau: Mặc dù tay xách nách mang, lễ mễ nào là giá vẽ, máy quay phim, máy ảnh… mệt nhoài, nhưng mọi người trong ê-kíp batinh.com vẫn hồn nhiên, mặt mày tươi rói. Chúng tôi vừa ra khỏi vườn đào, leo lên con đê quai, chưa kịp thở thì một bà đã luống tuổi, ăn vận xuề xòa nhưng ra dáng người chủ. Tay cầm chai nước La-vi trỏ về từng ô vườn được căng bằng dây nilon nói giọng ngọt sắc: Mỗi ô 20 ngàn, một người! Các chú cho chị xin 400 ngàn! Chị tính kỹ rồi, không sai đâu, yên tâm!
Trả tiền xong, thực tình chúng tôi cũng hơi bị “Shock” (sốc). Tôi nói vớt để động viên anh em: “Chẳng ai cho không ai bao giờ đâu. Hôm nay chúng ta được nhiều rồi, khỏi nghĩ kẻo mau già”. Mọi người gượng cười rồi kéo nhau ra bãi cát sông Hồng, nơi miễn phí một trăm phần trăm.
Ngắm vẻ đẹp hùng tráng của sông Hồng, tôi chợt nhớ về câu chuyện truyền khẩu “Người tình trong ca khúc Bến Xuân của cố nhạc sỹ Văn Cao”. Chuyện rằng: Việt Trì, một đêm xuân rây rắc mưa bụi, dưới ánh đèn dầu, các nghệ sỹ Văn Cao, Phạm Duy, Thương Huyền, Hoàng Oanh, chủ nhà Lưu Bách Thụ và một vài người bạn thân khác ngồi uống rượu mía đặc sản vùng Sơn Tây. Trong những khuôn mặt ấy có 2 người ở Hải Phòng là Văn Cao và người đẹp huyền thoại Hoàng Oanh. Nhạc sỹ Phạm Duy đã ôm ghi-ta hát bài Bến Xuân cung đàn dìu dặt, buồn bã: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân...”.
Cả căn phòng như chìm vào ký ức xưa, những hoài niệm đẹp, xót xa của một cuộc tình vừa mới chớm đã vội tắt ...Văn Cao xúc động ngâm 2 câu thơ: “Chiều nay run rẫy tha đôi cánh/ Một cánh chim xưa đến lạc loài.”
Ngày ấy, Văn Cao yêu tha thiết Hoàng Oanh, thế rồi người đẹp lên xe hoa, đẹp duyên cùng một nhạc sĩ khác tài hoa, phong độ nổi tiếng nhất của đất Hải Phòng. Nhưng, người chồng tài danh ấy bạc mệnh, đã đột ngột qua đời. Để lại nơi trần ai người vợ trẻ Hoàng Oanh góa bụa...
Hoàng Oanh có duy nhất một lần ghé thăm Văn Cao ở Bến Rừng rồi không bao giờ đến nữa… bởi vậy mới có câu: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần.../ Tất cả chỉ còn là kỷ niệm/ Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác. Cuộc tình đã trở nên xót xa như trong thơ Lamartine: Không có em, cõi nhân gian này hoang vắng…
Xúc cảm về một cuộc tình đứt vỡ đã ùa vào khung toan, tôi mở chai vốt-ca tợp một hụm mà tưởng như mình được uống hớp rượu mía đường đặc sản của Quảng Oai vùng Sơn Tây đận ấy của nhạc sỹ Văn Cao. Tôi nhỏ dầu lanh chạy ngang tranh, rồi lấy bay nhấn nhanh từng nhịp như đã hốt trọn cái mênh mang, buồn bã của muôn đời đơn côi nơi bến nước với con đò. Nỗi buồn ơi, bao giờ tôi cũng dư thừa! Và bức tranh của tôi đã ra đời như vậy.
…
Kéo nhau lên được giữa cầu Long Biên thì Hà Nội đã về chiều. Ê-kíp nhiếp ảnh và quay phim còn kịp ghi thêm được mấy khuôn hình, riêng tôi thì đã thấm mệt, nên ngồi phệt bên cạnh cô bé bán ngô nướng, thảnh thơi nhấm nháp từng hạt ngô nếp nóng hổi, chợt nhớ bài thơ “Ngô nướng” tôi làm khi bà ngoại qua đời.
“Vừa bằng cục cứt
vừa sứt vừa sẹo
vừa đi vừa bẹo vừa ăn”?
Câu đố xưa tục tĩu đến ghê người,
Mỗi khi đố bà cười rung cú võng
mà lời giải lại thanh tao kỳ lạ
có hương thơm, có cả tuổi thơ mình
Vạt ngô non im lìm bên mộ cổ
Câu đố cười bà không nỡ mang theo.
Tôi tựa lưng vào lan can sắt mòn vẹt mầu năm tháng, chênh vênh trên cầu Doumer bắc qua sông Cái vào một chiều cuối năm đầy vơi nỗi nhớ, nỗi buồn - có hay đâu, đó lại chính là những giờ phút cận kề trước thêm của một mùa Xuân./.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh