Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ “THÁNG GIÊNG”CỦA HỮU THỈNH

Lê Lanh
Thứ ba ngày 24 tháng 1 năm 2012 5:01 PM
THÁNG GIÊNG

Bánh xe của tháng chạp
Lăn qua mỗi ngày gầy
Tháng giêng về thêu cỏ
Sợi mưa phùn lay phay.
Màu chín những  trái cam
Ấm dần sang câu đối
Trời đất lại bén duyên
Mùa xuân lo dạm hỏi.
Mẹ vẫn nhắc đến em
Ngày thăm quê vất vả
Anh lặng lẽ ra vào
Để giàn trầu thêm lá.
         1.1996
                Hữu Thỉnh

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH :
Bài thơ có ba khổ. Hai khổ đầu là sự chuyển giao thời tiết từ tháng chạp sang tháng giêng, cũng là từ mùa đông sang mùa xuân. Khổ thứ ba là tháng giêng của một đời người.
 Thời gian “tháng chạp” được nhà thơ sử dụng phương pháp vật chất hóa qua hình ảnh “bánh xe”…Nhờ đó bạn đọc có thể tưởng tượng ra hình ảnh đoàn tàu “tháng chạp” nặng nề lăn trên những đường ray thanh mảnh “ngày gầy”. “Gầy” là một tính từ chỉ người,vật, gợi ra những vật thể sống,thiếu chất dinh dưỡng, gặp thời tiết  lạnh giá lại càng khô héo, quắt queo. Đoàn tàu…còn có ý nghĩa ẩn dụ về một cuộc sống vất vả của con người : “ Bánh xe của tháng chạp/ Lăn qua mỗi ngày gầy”. Tốc độ chậm chạp, nặng nề của con tàu thời gian như được nhẩm tính từng bước đi. Phải chăng đó là sự mong mỏi của con người sao cho tiết trời giá lạnh, tháng ngày vất vả, thiếu thốn nhanh trôi đi để đón nhận một mùa xuân mới, một cuộc sống mới.
Hai khổ thơ tiếp, tháng giêng được nhân hóa thành một người đang ngồi thêu bức thảm cỏ mùa xuân. Nghệ nhân hẳn là một cô gái đang tạo lập bức thảm bằng những sợi mưa phùn vắt nghiêng từ trên mấy tầng mây xuống mặt đất : “Tháng giêng về thêu cỏ/ Sợi mưa  phùn lay phay” . Từ láy “lay phay”, nhỡn tiền, rất rất nhiều sợi mưa mềm mại đan cài từ trên trời cao buông xuống không gian. Cái tài của nhà thơ là chỉ có vài ba từ mà ông đã vẽ nên một bức tranh tháng giêng rất sống động. Sống động tới mức hơn cả cảnh thực ở ngoài đời. Ở khổ thứ hai, bức tranh mùa xuân có thêm những nét chấm phá về màu sắc. Màu vàng của cam, hài hòa với màu câu đối đỏ. Cảnh ở vào thời khắc cao trào của mùa xuân. Hình ảnh câu đối là nét đặc tả về ngày tết : “ Màu chín những trái cam/ Ấm dần sang câu đối”. Câu đối là một thể loại văn học truyền thống, thường được sáng tác và thưởng thức vào những ngày tết cổ truyền, thuộc lĩnh vực tinh thần. Những trái cam mang tính vật chất. “Màu chín những trái cam” có gam nóng.Câu đối đỏ,cũng có gam nóng, truyền hơi ấm cho nhau. Hai yếu tố tinh thần và vật chất có quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau trong đời sống con người. Một hình ảnh mang tính ẩn dụ nữa là mùa xuân của đất trời được hiểu như một con thuyền tình yêu đang cập bến hôn nhân. Tác giả vẫn sử dụng những cụm từ nhân hóa: “bén duyên”, “lo dạm hỏi”. Đạt hiệu quả gắn kết, hòa nhập tình cảm con người với thiên nhiên.
Khổ thơ cuối cùng là tháng giêng của một đời người. Con người nằm trong sự tổng hòa của thiên nhiên, chịu sự chi phối của trời đất. Ta thấy quan hệ  giữa chàng trai và cô gái cũng đang ở giai đoạn “tháng giêng về thêu cỏ”. Cô gái đã ra mắt nhà trai và đã chiếm được sự cảm tình đặc biệt của bà mẹ chồng tương lai, là một thành viên quan trọng của gia đình. Ở đây có sự đồng hành giữa thiên nhiên và con người. Cái tình yêu sét đánh của  đôi lứa cũng như sự “bén duyên” của đất trời đều nằm trong qui luật tự nhiên : “Anh lặng lẽ ra vào/ Để giàn trầu thêm lá”. Câu thơ ngọt ngào, đầy hương vị tình yêu. Ai đọc cũng nhận ra mình. Sự lặng lẽ của anh là hiện tượng lắng đọng tình cảm từ trong sâu thẳm con tim đang yêu và đang được yêu. Sự sung sướng đang ngấm ngáp vào từng tế bào âm dương của mỗi người( Qua lời  của “anh” thì cô gái đang ở cạnh chàng). Niềm vui của họ hòa vào niềm vui của những mầm cỏ non gặp mưa phùn mùa xuân. Hữu Thỉnh thì so sánh tình yêu  con người với mùa xuân. Nhưng Xuân Diệu thì ngược lại : “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Tình yêu con người có sức lay động cả thiên nhiên, câyGiàn trầu ở ngoài vườn dường như cũng hiểu được nỗi niềm của con trẻ mà tươi tốt, sum suê hơn, lo chuẩn bị cho cái lễ chạm ngõ đang tới gần.  
    L.L