Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhân sự kiện ở Cống Rộc - Tiên Lãng Ngẫm về công cuộc lấn biển của ông cha ta.

Nguyễn Anh Tuấn
Thứ ba ngày 24 tháng 1 năm 2012 5:21 PM

 

Đêm 30 Tết, sắp tới Giao thừa, tôi chợt bâng khuâng xa xót nghĩ đến thân phận của những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn... Lúc này, gia đình ông tan tác- người trong trại tạm giam, người vất vưởng tìm chỗ che mưa nắng, bàn thờ gia tiên bị vùi trong đống gạch vụn, bữa cơm tất niên ấm cúng đã trở thành ký ức... Nhưng, luật pháp sẽ công minh phán xử đúng - sai, và lịch sử sẽ công bằng xác định lại mọi giá trị...Tôi tin rằng, những người đã có công lấn biển, chinh phục biển từng được dân chúng coi là "anh hùng" của vùng Duyên hải Tiên Lãng sẽ không bị hắt hủi và lãng quên, bởi họ - giống như ông cha ta từ hàng ngàn hàng vạn năm nay đã đổ mồ hôi xương máu để tồn tại và làm giàu có thêm cho lãnh thổ Quốc gia, dù có gặp đủ thứ thiên tai nhân họa rồi cuối cùng cũng sẽ tìm cách đứng lên để khẳng định một "Chỗ đứng dưới ánh mặt trời" - như tên một cuốn tiểu thuyết nước ngoài được dịch sang ta nửa thế trước...
Như một cách để động viên, an ủi đôi chút những con người đang gặp cảnh hoạn nạn, trong đêm lạnh cuối năm Nhâm Thìn, tôi xin được phép kể lại vài cảm nghĩ của tôi về công cuộc lấn biển chinh phục thiên nhiên của ông cha ta sau một đợt làm phim ở vùng Duyên hải...
***
Hôm đó, đoàn làm phim chúng tôi có mặt ở cửa bể Ba Lạt.
Không ai bảo ai, chúng tôi đều lặng đi trong một cảm xúc chưa từng có, giống như lần đầu tiên đứng trước lá cờ Tổ quốc phấp phới trên đỉnh Lũng Cú, Hà Giang, hay ở miền cực Nam đất nước, mũi Cà Mau!
Đây là một vùng đất ngập nước còn giữ được vẻ thanh bình tĩnh lặng như từ hàng ngàn năm trước, hiện giờ thuộc huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Đây chính là nơi con sông Hồng (tức sông Cái) sau khi trải qua hàng trăm cây số với biết bao thác ghềnh trung du và vùng đất châu thổ, đã ra nhập với biển Đông sóng gió.
Đây cũng là khu bảo tồn thiên nhiên với các rặng cây sú, vẹt - tựa những người lính tiên phong mở đường cho công cuộc lấn biển. Đây là thiên đường của nhiều loại chim di cư từ phương Bắc giá lạnh bay về phương Nam ấm cúng, tìm đất lành sinh sống. Chim di cư đang đậu trên các cồn cát, doi cát. Khi nước triều lên, chim bay rợp trời. Máy quay của chúng tôi ở các góc độ các cỡ cảnh khác nhau đã cố gắng ghi lại được thật nhiều cái cảnh hùng vĩ thơ mộng đó.
Từ xa xưa, cách nay khỏang chừng trên hai trăm triệu năm, cả châu thổ sông Hồng còn mênh mông sóng bể. Đất liền tiến dần ra thu hẹp vịnh bể sau những cuộc giành giật dai dẳng giữa sông và biển. Sông tải phù sa để bồi đắp nên những bãi đất mới được sự hỗ trợ chắn giữ của sú vẹt, còn biển cả và bão tố lại cuốn trôi đi những tảng đất lớn... Cuối cùng sông đã thắng với sự hỗ trợ của con người. Cửa biển nhích dần từ Việt Trì đến Thái Bình - Nam Định, rồi đến cửa bể Ba Lạt, với tốc độ hàng năm lấn ra hơn bảy chục mét. Và những con đê đã được dựng lên trên bãi bồi còn lầy bùn, trên thềm biển còn ngập nước…
Ở nơi này đã từng sản sinh ra một truyền thuyết cảm động. Thời ấy ở núi rừng phía Tây, khi nhiều loài quái vật xuất hiện hoành hành, một người đàn bà đã đứng lên kêu gọi mọi người dũng cảm và khôn khéo chống trả lại chúng bằng các loại bẫy và vũ khí thô sơ. Cuối cùng, khi biết không thể địch nổi với hàng đàn quái vật, người đàn bà cho đóng bè, cùng mọi người bí mật trốn đi trong đêm, theo dòng sông Cái ra đến cửa bể. Mọi người kiệt sức vì đói khát và gian nan chồng chất. Còn người đàn bà tắt thở. Những người sống sót tháo bè, lấy lạt buộc lá quấn thi hài người đã mất rồi chôn ở ngay cửa sông, và dựng lên nơi đó một ngôi miếu nhỏ đặt tên là "miếu thờ Bà Lạt". Thấy nơi đây phù sa tươi rói, chim di cư tụ về đông đảo, khí hậu ôn hòa, những người chạy trốn sống sót đã trụ lại để khai phá đất hoang. Miếu Bà Lạt sau này được gọi chệch đi là "Ba Lạt", và được dùng để gọi cho một địa danh - một cửa bể quan trọng của Châu thổ sông Hồng...
Bao đời nay dòng sông Cái lặng lẽ chở phù sa đổ ra biển, theo các nhà khoa học, mỗi năm đổ ra các cửa sông trên 80 triệu mét khối phù sa - tương đương 30 triệu tấn. Đồng bằng miền Duyên hải thường lầy lội, chua mặn, bị ngật lụt vào mùa mưa. Đó là vùng nửa đất nửa nước, đầm hồ hình thành liên tiếp sau những cơn lũ và sau những lần sông đổi dòng. Muốn khai phá đất đai phải đắp đê kè trị thuỷ, phải nắm được quy luật của lũ lụt, và biết lợi dụng quy luật lên xuống của thuỷ triều... Đất bồi ven biển được con người chinh phục một cách chậm chạp, công phu, đầy gian khổ. Chúng ta hãy hình dung quang cảnh đất bồi trước khi đắp đê vào lúc nước triều xuống: khi đó là một cánh đồng bùn lầy nhão nhoét, còn người dân phải đào xới bằng xẻng thô sơ, thậm chí bằng tay. Các làng ven biển giữ cho đất khỏi xói lở và ngăn nước mặn bằng cách đóng cọc tre đắp đập, rồi sinh sống chủ yếu chỉ bằng cách đặt lờ, đặt bẫy chim, cua, cá... Một vị Thừa sai Công giáo phương Tây ở VN giữa thế kỷ XVII đã ghi lại cảnh di chuyển của người dân khai khẩn đất bồi ven biển như sau: "Lúc mặt trời lặn, chúng tôi rơi vào một cửa sông bùn lầy, khi nước rút chúng tôi đứng trên chỗ khô. Những người Bắc kỳ tội nghiệp sống ven biển đã đến trên một tấm ván dài độ sải tay, họ quỳ gối trên tấm ván, còn chân kia thì chống xuống bùn để đẩy, họ có thể đi nhanh một chiếc thuyền có nhiều tay chèo" (A.launay- Lịch sử hội truyền giáo Bắc Kỳ)
Như vậy là, cư dân vùng đất bồi Duyên hải- vốn là những cư dân “nòi” của Châu thổ đã nhanh chóng làm chủ được kỹ thuật khai thác đất bồi này trước hết là vì sự sinh tồn. Khai thác đất bồi ven biển đòi hỏi phải đắp đê về phía biển và về phía sông, và đào kênh thoát nước, đồng thời đưa nước ngọt của những con sông phía thượng lưu về để tưới và thau chua, rửa mặn - việc này cực kỳ gian khổ. Việc khai phá đồng bằng diễn ra từng bước, lâu dài, và phụ thuộc vào tốc độ bồi lắng của phù sa. Để làm được việc đó đòi hỏi cư dân phải có một nghị lực phi thường và công sức khổng lồ, nhất là phải có trình độ kỹ thuật nhất định. Vị Ủy viên thông tấn Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, tiến sĩ văn học nặng lòng với Việt Nam Pierre Gourou trong công trình nghiên cứu địa lý nhân văn "Người nông dân Châu thổ Bắc Kỳ" (năm 1936) có lý giải về các con đê cô lập một ô ngăn trong hệ thống thủy lợi cổ truyền- mà hệ thống được hoàn chỉnh ngày nay về nguyên tắc cũng không khác với phương pháp thời trước, và ông đã đánh giá: "Kết quả rất xuất sắc."
Theo sử sách cũ, vào năm 1828, khi triều đại nhà Nguyễn bắt đầu yên ổn, chính sách khai hoang lấn biển chinh phục vùng đất bồi đã được tiến hành. Nguyễn Công Trứ trong những năm làm quan được đi nhiều, ông thấy được tình cảnh đói nghèo của dân chúng, nhiều người phải bỏ làng đi xa kiếm ăn, trong khi đó lại có nhiều vùng đất hoang chưa ai khai phá. Ông tâu xin nhà nước cấp tiền gạo để chiêu tập dân nghèo khai khẩn đất hoang. Ông đã hướng dẫn nông dân chinh phục được nhiều vùng đất, nhưng ông tập trung sức lực vào vùng đất đai rộng lớn ven biển thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình, lập nên hai huyện mới mà ông đặt tên: Tiền Hải (có nghĩa là biển tiền) và Kim Sơn (có nghĩa là núi vàng), chứa đựng ước mong xứ sở mênh mông giàu có - cái ước mong của Châu thổ từ bao đời nay vốn ít được bình yên... Đầu tiên, ở Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ lập ra 7 tổng với 60 làng nơi trước đây không thể trồng trọt được gì, vốn là nơi ẩn náu của bọn cướp bị truy lùng, trước đây mang tên Cồn Tiền. Ông cho đo đạc vùng đất khai thác và cấp cho mỗi làng một dải đất kéo dài, thẳng góc với bờ biển và đê biển giúp cho mỗi làng đều có thể được hưởng những mối lợi sau này của biển. Ông còn lập nên những đơn vị nhỏ hơn làng là ấp, trại, giáp. Để lôi cuốn những người khai hoang, Nguyễn Công Trứ không chỉ cho họ trâu bò và dụng cụ làm ruộng, ông còn cho họ cả tiền bạc để làm nhà và để tự nuôi sống mình trong sáu tháng đầu tiên. Việc mộ phu được giao cho những người quản mộ - những người quản mộ này sau khi chết sẽ được thờ ở đình làng mà ông ta lập nên, bên cạnh bàn thờ chính dành cho Nguyễn Công Trứ. Sau đó, Nguyễn Công Trứ lập huyện Kim Sơn, với nguyên tắc và phương pháp cũng như ở huyện Tiền Hải, nhưng việc tổ chức quyền sở hữu và lịch sử khai khẩn phức tạp hơn. Huyện Kim Sơn phần lớn do giáo dân khai khẩn và nó đã bị tàn phá bởi triều đình nhà Nguyễn đàn áp. Tình trạng bất ổn và những sự rối loạn đã phá hoại sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ... Về sau, với sự nỗ lực của cha Sáu, một linh mục người Việt, công trình xây dựng huyện Kim Sơn mới tiếp tục phát triển. Ngôi nhà thờ đá Phát Diệm ở Kim Sơn do cha Sáu đứng ra thiết kế và xây dựng có một dáng vẻ thật đặc biệt: nó mang nhiều đặc thù kiến trúc của đình chùa quen thuộc ở Châu thổ sông Hồng. Cha Sáu - người kế tục Nguyễn Công Trứ là người hiểu biết sâu sắc Hán học và nền văn minh cổ truyền Việt Nam. Và công trình nhà thờ Phát Diệm, nói như học giả P. Gourou, đã "phối hợp ý nghĩa của sự cao cả với khiếu thẩm mỹ" của một "con người xuất hiện như một nhân cách mạnh mẽ."
Chúng tôi đã vào thắp hương trong đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Kim Sơn. Ở mỗi làng ở cả hai huyện, hầu như trong đình làng nào cũng có bài vị thờ ông. Ông là một danh nhân văn hoá, một nhà nho tài tử, đồng thời cũng là một con người hành động mang hoài bão lớn, ý chí lớn. Người đời sau nhớ đến ông còn bởi khí phách ngang tàng của một nhà nho thanh liêm, chính trực:
Đã làm trai ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
…Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng dứng trời mà reo!
Thực ra, từ cuối thế kỷ XV, đê Hồng Đức đã được đắp từ phía bắc Yên Mô đến đến Phụng Công, chứng tỏ hồi ấy biển còn ăn sâu hơn hai mươi cây số vào đất liền. Đầu thế kỷ XIX, một con đê ngăn nước mặn thứ hai được đắp ở quãng Thần Phù - Điền Hộ. Thời đó, biển nơi này còn sâu, thuyền bè tấp nập qua lại… Trong vòng một trăm năm trước Cách mạng Tháng Tám, dù chịu bao áp bức bóc lột nặng nề, người dân tiếp tục dựng nên nhiều đê biển, và biển đã lùi bước gần 10 km. Sau chín năm kháng chiến chống Pháp, nhiều con đê mới và dài xuất hiện ở hai vệ phù sa cửa bể Ba Lạt. Nông trường cói Tiền Hải, nông trường Rạng Đông được nấp sau dãy đê dài kiên cố. Ngay tại cửa bể Hồng Hà, công nhân nông trường Bạch Long đã vật lộn với sóng gió, đắp đê ngăn mặn Bạch Long để tạo ra trên một ngàn hecta đồng cói, đồng muối, và tiếp nhận hàng ngàn dân từ đồng bằng ra chung sức khai hoang… Cho đến nay, màu xanh của biển đã nối liền với màu xanh của cói, sú vẹt, phi lao…
Trước mắt chúng tôi, đảo Ngạn hiện lên trong ánh hừng bình minh rạng rỡ…Cuộc sống của cư dân đảo - công nhân nông trường bắt đầu một ngày mới bằng những cánh chim bay liệng và tiếng hót inh ỏi…Ngày nay dưới suối vàng hẳn Nguyễn Công Trứ phải hài lòng: những nỗ lực của ông đã không bị sóng biển cuốn đi. Mặc dù nhiều đê ngăn biển đã bị vỡ, cướp đi không ít đất đai do con người chiếm được, nhưng người dân Duyên hải vẫn hăng hái bền bỉ khai hoang, chấp nhận những công việc nặng nhọc nhất, bất chấp những khó khăn to lớn nhất. Tiền Hải và Kim Sơn ngày nay tuy chưa trở thành “biển tiền” và “núi vàng” như tên gọi của nó, nhưng người dân Duyên hải đã vững vàng trụ lại trước biển Đông. Với sự trợ lực của cả Châu thổ và Trung tâm đằng sau, miền Duyên hải - đáy của châu thổ sông Hồng đang bước vào Kỷ nguyên mới của cả nước. Và công lao của Nguyễn Công Trứ chỉ là bước tiếp theo của nhiều thế hệ người Việt khai phá mở mang vùng đồng bằng, làm lên một cái gạch nối giữa vùng đất Tổ Phong Châu với biển cả.
Tại Duyên hải, cây cói có một vị trí quan trọng, nó là cây được trồng đầu tiên trên những miền đất mới giành được của biển cả. Cói là cây có khả năng chịu được nước lợ, và nó đem lại thu nhập không kém gì lúa. Cói là cây trồng thường trực (sống từ 3 đến 10 năm), tạo thuận lợi cho việc bồi đắp đất bồi bằng cách giữ nước đục lắng xuống ở chỗ nước lặng, và nhờ vào sự phát triển của rễ, của thân. Sản lượng cói xanh đạt tới gần 30 tấn/ha. Tuỳ theo độ dài của cói và chất lượng của thân cây, cói được dùng để lợp nhà, đan chiếu và các đồ dùng dành cho nội trợ. Ngoài ra, còn có cỏ tranh trồng trong các mảnh đất nhỏ, nó cung cấp thứ lá đặc biệt để lợp nhà, và tre - loại cây có vai trò hàng đầu trong đời sống nông thôn Châu thổ cũng được trồng thành công tại miền Duyên hải.
Lúc biển lên đèn, chúng tôi đã đứng trên đê biển Đồng Châu nhìn ra khơi xa. Ánh sáng lờ mờ từ những chòi canh bãi vạng bãi ngao hắt xuống mặt biển mênh mông khiến ta có cảm giác sống trong khung cảnh huyền thoại thời tiền sử... Biển Đồng Châu vốn nằm kề bên cửa sông Hồng nên phù sa bồi đến dâu, dân trong vùng lại đắp đê lấn biển, thau chua rửa mặn đến đấy, mỗi năm cải tạo một ít, và công việc đó cần mẫn từ xưa cho tới hôm nay. Những cánh đồng cói dần thay bằng các ruộng muối và bây giờ là nuôi vạng nuôi ngao. Phía xa, chòi canh ngao vươn cao trên mặt bãi tựa những người lính âm thầm lặng lẽ... Nhiều năm sau nếu ta quay lại, sẽ thấy những chòi canh đó sẽ không còn ở nguyên chỗ ấy nữa mà vươn ra ngoài biển... Những con ngao bé nhỏ như chiếc khuy áo bắt từ ngoài biển đem về thả tập trung vào trong bãi; một năm sau người ta mới đào lên, độ vài chục con một cân, đem bán thì có lãi gấp năm sáu lần. Năm nào sóng yên bể lặng thì được mùa ngao, còn năm nào sóng to gió lớn thì coi như "đánh bạc" với biển khơi! Khi nước biển rút, người dân mang đồ nghề ra bãi cào ngao cào vạng và bắt cua ghẹ trên những vệt phù sa đỏ sẫm như máu. Người dân biển vốn đi chân đất, bàn chân to bạnh, riêng ngón cái choẽ ra tựa bàn chân người Giao Chỉ xưa và để lại trên bãi những dấu chân giống của người khổng lồ thời hồng hoang - đó phải chăng là một trong những dấu vết chân thực mang hình bóng những thế hệ người Việt đầu tiên tiến ra biển mở đất?... Mấy ngàn năm trước, khi người Cha Lạc Long Quân đưa đàn con 50 người xuống biển, biển còn vỗ sóng ở ngã ba Bạch Hạc- Việt Trì. Mấy ngàn năm sau, biển đã lùi xa bờ vài trăm cây số. Công cuộc phù sa lấn biển đó cùng mồ hôi xương máu vun đắp của người Việt sẽ còn tiếp tục, và không bao giờ dừng lại khắp miền Duyên hải…
Lúc này, ở cửa bể Ba Lạt, dòng sông Mẹ vẫn đang lặng lẽ đổ về nguồn. Trên dòng nước còn cuốn theo cả củi khô, lá tươi, rác mục... Có thể trong số những cây lá đang trôi miên man ấy, có cả những chiếc lá khô trôi từ trên thượng nguồn sông Hồng - nơi có đền Thượng thờ Cha An Dương Vương và Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo nằm trên đồi Hỏa Hiệu (Thành phố Lao Cai)... Lịch sử không bao giờ dừng lại, luôn cuốn trôi như dòng sông Đỏ kia, nhưng ký ức của con người thì dường như lại muốn lui thật xa về quá khứ, để tìm thấy ở đó nguồn sức mạnh kỳ lạ cho tinh thần không phải lúc nào cũng được khoẻ mạnh và yên tĩnh giữa cuộc sống còn ngổn ngang, nhiều biến động này…
                           
Hà Nội, đêm 22/1/2012
Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn