Tản văn
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tiễn ông Táo về trời báo cáo với thiên đình tình hình một năm qua ở dưới trần gian, cũng là lúc mọi gia đình bắt đầu sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, quét vôi ve, sơn lại cho ngôi nhà của mình, mới hơn, khang trang hơn để chuẩn bị đón một mùa xuân mới lại về.
Ngôi nhà cấp bốn với năm gian của gia đình tôi được xây cất từ những năm 80 của thế kỷ trước, chất liệu chủ yếu là tường gạch, phần mái là tre, gỗ làm xương nhà, trên lợp ngói nung, là nơi trú ngụ của gia đình tôi trong suốt mấy chục năm qua. Cứ mỗi độ xuân về, cha tôi lại mua vôi củ vừa mới nung từ lò ra, mang về ngâm vào chiếc vại sành lớn, mươi ngày sau vôi ngấm nước, đem hoà tan với nước tạo thành dung dịch màu trắng, rồi hoà với ve màu để quét lên tường nhà, như thể thay cho ngôi nhà cũ một tấm áo mới, chuẩn bị đón chúa xuân về.
Sau khi dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, tường nhà mới sáng choang, cha tôi tiếp tục mang bộ đỉnh đồng, vật gia bảo nhiều đời của gia đình tôi để lại, đem đánh cho bóng sáng. Việc đánh đỉnh đồng, cha tôi giao nhiệm vụ cho hai anh em tôi là con trai làm, dưới sự hướng dẫn của cha tôi. Bộ đỉnh được đưa từ ban thờ xuống, đặt lên chiếc nong đan bằng tre, miệng rộng khoảng một mét hai, cùng với chiếc chậu thau đồng chứa cát và dung dịch tẩy, hai anh em tôi đánh cho tới khi nào màu vàng của bộ đỉnh đồng sáng bóng, khi ấy mới được coi là xong việc. Cha tôi xếp đồ thờ lên hương án theo thứ tự cũ, trên cao là chiếc mâm bồng vuông, to. Đặt trên mâm bồng là ba chiếc đài làm bằng gỗ mít, trên mỗi đài đặt ba chiếc chén mắt trâu để rót rượu thờ, bên trong là một chiếc đài to bằng chiếc đĩa men có đế cũng làm bằng gỗ mít dùng để bày biện mâm ngũ quả, bánh mứt, rượu Tết… Bên dưới là lư hương đặt chính giữa ban thờ, hai bên là hai cây nến làm bằng chất liệu đồng, chính giữa phía ngoài lư hương là chiếc đỉnh đồng, hai bên là hai con hạc cũng làm bằng đồng, và hai đài to làm bằng gỗ mít đặt hai bên để đựng bát nước và đĩa trầu cau mỗi khi cúng giỗ, tết. Những công việc này phải được làm xong trước ngày cúng ông công, ông táo về chầu trời.
Công việc chuẩn bị tiếp theo cho mấy ngày tết là vại rưa hành muối, một thứ không thể thiếu trong ba ngày tết. Việc đầu tiên là mẹ đi chợ, mua vài cân hành củ, to, tươi ngon. Một bó lá dong khoảng một trăm lá, một vài ống dang làm lạt bánh. Để xử lý những thứ mẹ mua về, bố tôi khéo tay làm nhiệm vụ chẻ ống dang ra thành nhiều thanh nhỏ, mỗi thanh nhỏ ấy lại chẻ mỏng thành những chiếc lạt dang, nhiều chiếc nối với nhau tạo thành một chiếc dây dài bốn năm mét để dàng bánh trưng dài. Mẹ giao nhiệm vụ cho mấy anh em tôi bóc vỏ hành, lau, rửa sạch lá dong rồi cuốn gọn buộc vào cột nhà cho lá róc nước, còn củ hành để cho ráo nước, sau đó để mẹ làm muối chua. Những công việc này phải làm trước Tết vài ngày.
Khoảng hai mươi bảy, hai mươi tám tết, các chú, các em trong gia đình chúng tôi tề tựu tại nhà tôi, vì ông nội tôi là trưởng, nên nhà tôi là nơi tụ hội trong những ngày giỗ chạp, chuẩn bị cho việc đi chạp mộ tổ tiên, mời tổ tiên về đón Tết chung vui cùng con cháu. Trong cuộc đời tôi, có lẽ tôi nhớ nhất hình ảnh ông nội tôi dẫn tôi đi chạp mộ, khi đó tôi lên tám, chín tuổi. Thời gian đó vào những năm 80 của thế kỷ trước. Một ông già tóc bạc, với chòm râu dài, mặc bộ quần áo nâu, cổ tròn, chân đi dép cao su, trên vai vác chiếc cuốc, một dụng cụ của nhà nông, tay cầm mấy bó hương. Ông đi trước, dẫn tôi theo sau cùng đi chạp mộ. Gió xuân nhè nhẹ thổi, mưa xuân rắc bụi trên đầu, những ngọn cỏ vàng úa, đó là những gì tôi còn nhớ được cùng với khói hương bảng lảng ở nghĩa trang đồng quê đang vẩn vơ bay trên những ngôi mộ đất, cỏ mọc. Khi đó, nghĩa trang chưa xây cất đồ sộ, hoành tráng như bây giờ. Lúc ấy, thời bao cấp, còn nghèo lắm. Trước những ngôi mộ tổ, ba bốn đời của gia đình nhà tôi, ông tôi đánh một vầng cỏ trên nấm mộ, thay vào đó là chút đất mới cho dễ cắm chân hương. Ông tiếp tục bóc vỏ những bó hương ra, lấy tờ giấy ngoài châm lửa để đốt hương, hương cháy, ông đem cắm lên những ngôi mộ ấy ba nén hương, sau đó ông chắp tay lên trước ngực, và những lời khấn thì thào lúc nhỏ, lúc to, sau này, lớn lên tôi mới hiểu những lời khấn ấy là những lời mời tổ tiên về dự đón Tết cùng con cháu. Trước mộ tổ tiên, ông tôi nhỏ nhẹ nói với tôi : - Sau này ông trăm tuổi, đến ngày giỗ ông, cháu cứ pha một ấm trà mạn, đặt lên hương án, thắp hương, khấn ông, ông sẽ về ! Lời căn dặn ấy làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ, cứ đến ngày giỗ, tết, bao giờ tôi cũng pha một ấm trà ngon đặt lên hương án, trước di ảnh ông nội tôi, như lúc sinh thời ông đã từng căn dặn.
Ngày hai chín, rạng sáng ba mươi Tết, từ đầu làng tới cuối ngõ vang tiếng lợn kêu eng éc, đó là một nét đặc trưng của làng quê mỗi khi Tết đến, xuân về. Người ta thường rủ nhau vài hộ gia đình mổ chung nhau một con lợn khoảng bảy tám mươi ki lô gam, rồi chia đụng, mỗi nhà vài ba kí cả thịt lẫn xương, đem về chế biến thành nhiều món, gói giò, nướng chả…Ngoài thịt lợn, còn có thêm các loại thực phẩm khác như thịt bò, gà, cá…Khắp các ngả đường làng, ngõ xóm nhộn nhịp, tấp nập người qua lại, tay bưng bê những rổ thịt vừa được chia phần mang về nhà để chế biến. Người ở nhà chăm chút nồi bánh trưng đang sôi ùng ục nấu từ đêm hôm qua… Khoảng 11 giờ trưa, khi tiếng pháo nổ râm ran khắp nơi cũng là lúc mọi nhà đã cúng tổ tiên bữa cơm tất niên vừa xong. Bữa cơm trưa ngày ba mươi Tết là bữa cơm sum họp cả gia đình, chỉ còn đợi hơn chục tiếng đồng hồ nữa là tới thời khắc giao thừa, bước sang năm mới.
Chiều ba mươi Tết, mọi việc đã xong, mấy anh em chúng tôi được mẹ đun nước lá, tắm giặt sạch sẽ chuẩn bị đón một mùa xuân mới như thể làm sạch tất cả những bụi bẩn của năm cũ còn rớt lại…
Những cái Tết của tuổi thơ đã qua đi theo năm tháng, mùa xuân mới lại về trên khắp đất Việt, Tết cổ truyền như thể nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về tổ tiên, cội nguồn của mỗi gia đình, của dòng họ,… Tết đến cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Còn với riêng tôi, mùa xuân này cả ông bà nội, ngoại, và người mẹ hiền của tôi không còn trên dương thế này nữa, nhưng hình bóng của ông bà nội, ngoại và người mẹ thân yêu, sớm hôm tần tảo, vất vả nuôi đàn con khôn lớn trưởng thành vẫn luôn hiện về, vẫn cùng con cháu đón một mùa xuân mới – xuân Nhâm Thìn với tràn đầy niềm tin, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của quê hương, đất nước trên đà đổi mới, hội nhập.
Phùng Hoàng Anh
Số nhà 28, tổ 40, phường Xuân Khanh, TX Sơn Tây, TP Hà Nội.