Người Việt ai cũng biết một nghi thức quan trọng trong dịp Tết Nguyên Đán là mâm cỗ cúng lúc Giao thừa.
Theo quan niệm xưa, Giao thừa là lúc Quan Hành khiển năm cũ bàn giao công việc cho Quan Hành khiển năm mới, về thiên đình nghỉ ngơi sau một năm vất vả làm việc nơi hạ giới. Tháp tùng các Quan có ngựa xe, quân lính đông đúc, đi như gió cuốn. Người trần mắt thịt chúng ta không thể nhìn mà chỉ có thể cảm thấy thời khắc ấy thật thiêng liêng, cả đất trời như cùng chuyển động. Cuộc bàn giao này diễn ra rất nhanh, nên các Quan không có thời gian ghé thăm nhà, có khi cũng chẳng kịp ăn nên vào lúc Giao thừa, nhà nhà đều bày lễ vật ra trước cửa mong được các Quan thu nhận, chứng giám lòng thành. Lễ cúng Giao thừa vì vậy phải hoàn tất trong giờ Tý, tức là trong khoảng 11 giờ đêm Ba mươi đến 1 giờ sáng ngày mùng Một Tết, nhưng nhà nào cũng cố gắng cúng vào thời khắc Giao thừa.
Lễ vật cúng Giao thừa bao giờ cũng có gạo muối, trầu cau, hoa quả, mứt kẹo, tiền thật, tiền mã, vàng đỏ, mũ áo và hia cho Thần linh… Đĩa xôi gấc cho “đỏ” cả năm cũng không thể thiếu. Ngoài ra, tùy theo năm con Giáp là gì, gia chủ sẽ sắm lễ mặn thích hợp. Ví dụ, năm “ông Hổ” thì cúng chân giò luộc; năm Mão cúng cá chép rán; năm Dậu chớ cúng gà... Bọn trẻ con, sau khi tròn mắt nghe giảng giải, hay đưa ra những câu hỏi cắc cớ khiến cho ông bà cũng khó trả lời. Đại loại như: Thế năm Ngựa, năm Dê, năm Trâu thì cúng cỏ ạ? Còn năm Rồng, năm Rắn thì sao?... Thông thường, lễ vật là con gà trống hoa nhanh nhẹn, mào cờ thật đẹp. Khi luộc gà, gia chủ phải buộc cánh, gài giữ đầu gà cẩn thận, sao cho khi đặt lên mâm lễ, đôi cánh gà giang ra như sắp bay, cái đầu vươn kiêu hãnh, mỏ ngậm bông hồng đỏ. Đôi chân gà sau khi cúng Giao thừa được gia chủ cất cẩn thận để nhờ người xem hộ có may mắn không. Nhà nghèo, thay con gà bằng khoanh giò lụa, trước cúng sau ăn rồi cũng xong.
Trước giao thừa mươi lăm phút, dạo qua các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc… những con phố buôn bán sầm uất nhất của Hà Nội, thấy san sát trên vỉa hè những mâm lễ cúng Giao thừa. Ở những phố này, mặt tiền mỗi nhà chỉ 3m đến 5m, thường nhiều chủ, nên có số nhà bày hai, ba mâm lễ. Phố sang, gia chủ giàu có nên những mâm lễ cũng hậu hĩnh: tiền vàng nhiều hơn, bộ áo mũ dâng lên Thần linh cũng to hơn, rực rỡ hơn, hoa quả “xịn” hơn, lễ mặn cúng theo con Giáp cũng thuộc loại đặc biệt. Nhiều nhà cúng ngựa cho Thần linh, những con ngựa hồng cao lớn, yên đai lóng lánh trang kim. Trong nhà, con cháu ăn mặc đẹp đẽ, hớn hở chờ mừng tuổi. Các quầy hàng đã tạm che lại, bật hết đèn lên, phô cành đào, bình hoa, bộ đồ trà rượu để sẵn sàng sau Giao thừa đón khách vào xông nhà năm mới. Ông hay bà chủ nhà, áo khăn tề chỉnh, trịnh trọng châm ba nén nhang, rót rượu, cung kính dâng lời cảm tạ đất trời đã cho mưa thuận gió hòa, ban phúc lộc dồi dào cho gia chủ và con cháu.
Lui xuống một đoạn phố, các mâm lễ đã đơn giản hơn. Nép sau gốc bàng già, người đàn bà luống tuổi loay hoay sắp đặt đồ lễ của mình trong cái khay tròn, kê trên ghế đẩu. Nhà nghèo, mâm lễ cũng đủ lệ nhưng trông vẫn sơ sài. Chạnh lòng nghĩ câu “tốt lễ, dễ van”. Người ta cầu lắm bạc nhiều vàng, cầu thăng quan tiến chức. Còn người đàn bà này cầu ước những gì ? Liệu bà có thỏa nguyện hay không? Gió lạnh, lập cập mãi mới châm được mấy nén nhang, người đàn bà ngồi sụp bên hè phố, khấn vái rất lâu, mặc mưa bụi giăng đầy trên vai, trên tóc…
Những con ngõ nhỏ và tối cũng lập lòe đèn nến. Đứng ngoài ngõ nhìn vào, có thể biết bao nhiêu nhà đang làm lễ. Giây phút thiêng liêng này, lời nguyện cầu của dân chúng theo mùi hương vấn vít bay lên, thấu tới trời xanh.
Tàn một tuần nhang, tất cả lễ vật bằng mã được “hóa”. Đó là một cảnh tượng lạ lùng và kì bí mỗi năm chỉ có một lần: những đống lửa to nhỏ bập bùng từ đầu đến cuối phố, mờ tỏ soi những khuôn mặt thành kính. Những ngựa giấy, mũ hia, tiền vàng… bùng lên rồi lụi dần trong đống lửa. Người ta vừa lầm rầm khấn vừa rưới rượu lễ, rắc gạo muối bốn phương. Hoa lửa và tàn giấy cùng mùi hương trầm theo gió bay khắp phố… Bỗng quên đang là thế kỉ 21, quên ánh đèn cao áp để trở về Hà Nội của ngày xưa với những lễ nghi, tập tục ông cha truyền lại, trang trọng và thiêng liêng. Bỗng sống dậy trong kí ức mỗi người những Tết ngày xửa, ngày xưa với biết bao thương nhớ dịu dàng…
Nửa tiếng sau Giao thừa, tất cả những hình ảnh trên biến mất như chưa từng tồn tại. Lễ vật được dọn vào nhà. Bọn trẻ sau khi xem pháo hoa lại dung dăng dắt nhau đi lễ chùa hái lộc. Tiếng rao “Ai mua muối…” ngân nga vuốt dài trên những con phố cổ. Một năm mới rạo rực những khát vọng tương lai đã bắt đầu…
Xuân Nhâm Thìn