1.ÔNG CHÁU LÀ DÂN...
Giao thừa, bé Lan Anh đốt nhang thành tâm khấn vái:
- Xin khẩn cầu các đấng thiêng liêng cho ông cháu được lên thiên đường!
- Cháu có tin ông cháu sẽ được lên thiên đường không?
- Tin chứ cô!
- Tại sao?
- Vì ông cháu là dân. Ông cháu là dân thì đâu có ác được với ai…
2. THỊT NGƯỜI, THỊT HEO!
- Mười năm bám trụ thuỷ điện Trị An nắng bụi, mưa lầy để viết tập bút ký Đá nổi xôn xao nghe nói Hoài tố Hạnh vất vả lắm?
- Cũng thường thôi… Khi viết xong tập bút ký này tớ mất vài chục ký thịt người- trọng lượng cơ thể chỉ còn 33 ký thôi…
- Thế Đá nổi xôn xao giải nhất văn xuôi báo Văn Nghệ Việt nam năm 1987 cậu được thưởng bao nhiêu tiền?
- Không bằng một ký thịt heo!!!...
3. NỢ THẦY...
Sỏi đá, gió lào, bão, lũ, hạn hán, giá rét thay nhau quần đảo khiến cây trồng vật nuôi sụp đổ, rũ rượi… Đói quay quắt! Thi thoảng lại có đứa xỉu trong lớp. Ba lô giáo án thầy Trần Trọng Diện cựu binh luôn có ổi, thị, na, khoai nướng, sắn luộc cho những đứa học sinh tím tái. Thầy còn có tông đơ cắt tóc miễn phí cho cả trường, cả làng và manh áo lành cho đứa rách nát nhất lớp là tôi.
Một hôm không thấy thầy đến trường, tôi chạy ngược dốc tới căn nhà tranh vách đất chông chênh lưng đồi vắng. Con trai thầy Diện vừa chết vì sốt xuất huyết… Trên giường thằng bé vừa qua đời chiếu chăn mong manh, tả tơi, chiếc mùng chắn muỗi vá chằng vá đụp, càng vá càng rách…
Tôi oà khóc!... Nước mắt và lòng tri ân vỡ ra hai tiếng thầy ơi!!!...Con trai thầy- thiên thần bé nhỏ, ân nhân đã chết thay tôi mùa đông năm ấy chỉ vì thiếu một chiếc mùng lành lặn… Giá không lo cho chúng tôi hẳn thầy dư tiền mua chiếc mùng mới thì thầy đã không mất một đứa con. Với đồng lương ít ỏi cùng hoa lợi thu hoạch từ mảnh vườn chật hẹp đầy sỏi đá, thầy không đủ nuôi một đàn con nheo nhóc bảy tám đứa lít nhít lại còn phải cưu mang lũ học sinh khốn khổ … Thầy Diện ơi! Đời này, nghìn vạn kiếp sau em nợ thầy không chỉ con chữ, miếng ăn, manh áo mà nợ thầy cả một mạng người…
Gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy tôi một mình thập thững chân thấp chân cao, lảo đảo nghiêng vai vác xác đứa con thơ bó chiếu oặt xuống người thầy ngược lên đỉnh đồi, một mình chôn cất con…
4. ÂM OÁN…
Trong cơn mê, chốc chốc chị Hường lại kêu khóc thất thanh:
- Xin hãy tha mạng cho ta! Tha mạng cho ta…
…Bảy tám đời trước ông cố, ông sơ nhà chị cậy có quyền lực rắp tâm đày ải anh Tấn chết trên rừng thiêng nước độc để tự do cưỡng đoạt cô Lụa xinh đẹp nhất vùng là vợ sắp cưới của anh. Một đêm trên chiếc thổ mộ, cô Lụa đã chống cự đến cùng khi bị ông ta cưỡng hiếp. Trước khi cắn lưỡi chết, cô Lụa thét lên lời nguyền kinh hoàng:
- Ta sẽ báo oán ba đời con gái họ Phạm…
Đã bảy đời con gái họ Phạm hàng chục cô đang mơn mởn, lành lặn, sáng láng, cứ mười lăm,mười sáu bỗng chốc mù, què, liệt giường, ngơ ngẩn thần kinh, bỏ nhà lên rừng chết co quắp trên cây, chết sông, chết bể, chết cháy, cọp vồ, điện giật, voi quật, trúng độc,tự sát, chó cắn hoá điên… Chị Hường là đời thứ tám. Nhiều lần cứ chợp mắt chị lại thấy người con gái xinh đẹp máu me từ miệng trào ra ướt đỏ bộ đồ trắng toát nhìn chị đầy căm hờn rồi lôi xác chị đi…
Vài hôm sau, tôi được tin chị Hường chết rất thảm vì tai nạn giao thông. Nửa đêm, một chiếc xe tải phóng như bay cán thân chị từ đầu tới chân xẹp lép…
5. CON TRÂU TRẮNG!...
Làng chia của, ai nấy giành trâu ngon, bò đẹp. Con nghé bạc ghẻ lở, giơ xương không ai thèm nhìn. Tôi xót xa nhận về nhà tắm rửa, chữa bệnh, chăm chiu. Chú lớn nhanh như thổi, cày khoẻ nhất làng, chọi trâu vô địch, gồng gánh giúp tôi vô số việc nặng nhọc nhà nông. Căn nhà gỗ ba gian khang trang cũng mọc trên vai con trâu trắng sau hàng trăm chuyến kéo gỗ xuyên núi, vượt đèo. Rồi kéo che ép mía, trục lúa, chở củi xuống biển, chở cá mắm lên rừng cũng một vai trâu. Đồng đất sỏi đá cả làng cũng mỗi trâu trắng kham nổi. Có lần tôi sốt mê man, con trâu trắng rống riết thảm thiết rồi phá chuồng húc tung đống rơm để bố tôi biết đưa tôi đi cấp cứu…
Con trâu trắng được tôi chăm sóc như trên thiên đường thì sang chủ mới nó phải sống trong địa ngục. Ông ta không coi trâu như một con người, một ân nhân cứu nhà, cứu làng, cứu nước, chỉ biết bòn xương lột cốt con vật tội nghiệp mà không đắp bồi, chăm chiu nên nó tàn tạ rất nhanh. Ốm đói, già nua, bệnh đau không kéo được cày, những trận đòn kinh thiên động địa giáng xuống thân tàn ma dại của nó cùng những ngày tháng bị bỏ đói trong giam cầm, tù tội khiến con trâu căm thù lão chủ độc ác húc cho y lòi ruột, suýt chết… Y liền tru tréo- con trâu điên, không làm thịt nó, nó sẽ húc chết cả làng. Hỡi ôi! Thế là người bạn tốt nhất của tôi thủa ấu thơ, ân nhân của một nhà, một làng, một quốc gia đa số sống trên lưng trâu cày bị xẻ thịt…
Sau hàng chục năm lênh đênh, lưu lạc giang hồ, tôi mới có dịp trở về lối xưa tìm con trâu trắng. Tôi khóc nức nở khi bà hàng xóm bảo:
- Hạnh ơi! Con trâu trắng trước khi bị xả thịt nhiều lần tìm về chủ cũ, hết thẫn thờ ngó quanh như kiếm tìm ai lại nằm sóng soài ngay nơi Hạnh đang đứng đây... Nó thở dài thườn thượt, nước mắt lưng tròng, sụt sịt khóc, nấc nghẹn như người, chốc chốc lại rống lên thảm thiết trước khi bị người ta truy sát, đập đầu, xả thịt, hớn hở tranh nhau từng bát máu, miếng da, khúc ruột của nó... Hạnh đi xa quên nó chứ nó không quên Hạnh đâu. Khổ thân con trâu điên tử tế nhân nghĩa hơn con người nhiều lắm, vậy mà...