Trang chủ » Truyện

CÁI ĐẦU ... AI CƠ ?

Nghiêm Lương Thành
Thứ ba ngày 15 tháng 11 năm 2011 9:06 PM

Truyện ngắn
 Ở cái nhà này, nó là kẻ làm người ở; ngoài con Minu, chẳng ai chuyện trò với nó.
Tên nó là Hoa. Nghe cộc. Quê một cục.
Cái họ thì đã đành, bố nó không thể tự ý đặt ra cho nó được. Nhưng sao lại là Hoa mà không phải là Diệu Hoa, Anh Hoa, Thuỳ Hoa, Hoa Hoa hay Anh Anh, Chi Chi, Mi Mi, Ly Ly ... như vẫn nghe đám trẻ con ở cái phố xếp này gọi nhau?
Một cục là nhà quê. Hai cục trở lên mới là nhà tỉnh. Hai là mức sàn. Nào có phải khổ công tu dưỡng lâu dài hay tốn kém gì cho cam, chỉ thêm nhõn một chữ sẽ được ngay một cái tên có âm kép và, vì thế, phớt bỏ luôn giai đoạn quá độ, tiến thẳng từ nhà quê âm lịch âm u ảm đạm lên thời thượng thành phố dương lịch long lanh huy hoàng. Có thể những cái tên biêng biêng, bay bay, phê phê, bốc bốc, yêu yêu, phim phim, nghe lanh canh như tiếng bát đĩa made in China va vào nhau trong các loại bồn rửa inox made in Vietnam ấy chưa được các dự án xóa đói giảm nghèo phổ cập đến tít tận những nơi nhà quê xa xôi nghèo khó. Hẳn bố mẹ nó mong khi lớn lên nó sẽ là một cô gái nết na, hiền hậu, sáng dạ, xinh xắn và, nói cho gọn, như một bông hoa toả hương đồng quê vậy.
Mong là một chuyện, thành tựu là một chuyện. Tàu hoả có khoảng cách bánh xe 1,2 mét không thể đi vào đường 1,4 mét. Khoa tâm lý đổ tại tư chất, khoa Tử vi thì quy cho số kiếp, nhưng Luân hồi luận lại nhìn nhận vấn đề trên cơ sở gieo nhân ở kiếp trước mà chính bộ nhớ của đương sự đã bị xoá hoàn toàn bằng một loại thực phẩm tinh xảo có tên là Cháo lú.
*
Nó cúi xuống nhìn bộ áo quần nhầu nhĩ của mình rồi bật cười, tự giễu: Đẹp nhỉ. Nếu không sạch sẽ thơm nắng thì chắc đã bị bà chủ đuổi việc rồi.
Một lần, chính bà ấy đã quẳng cho nó liền lúc hai bộ cánh và bảo: “Mày ... nhà quê một cục. Làm xấu mặt tao. Thay bộ này vào rồi vứt hết những thứ của khỉ kia đi!”. Thấy nó ngần ngại, bà mới giải thích xuất sứ: “Dào ôi, nỡm ạ, của cháu nội tao đấy. Nó sang Ốt chây lia với bố mẹ nó rồi. Bây giờ không mặc đến nữa”.
Nó nhìn bà. Mặt bà nghiêm quá. Nó sợ. Nó ôm mớ đồ lút cút đi vào nhà tắm.
Dừng lại trước tấm gương to đùng, nhìn đứa con gái gầy guộc, ngơ ngơ trong gương, nó tự nhủ: “Thật ... chẳng oan”. Nó đưa tay vòng ra phía sau vai, vắt cái đuôi sam ra phía trước, nắn nắn, vuốt vuốt mấy cái rồi chợt nhớ ra chính cái bím tóc này đây, mấy hôm trước, đã làm cho mấy cô thời trang trán ngắn chân dài đã phải, cùng một lúc, nhất tề buông chùng cả mấy bộ mặt không ngừng căm hờn ai đó mà tranh nhau đưa tay vuốt ve, mà xuýt xoa tá hỏa, mà thèm thuồng, mà ước ao khi gặp nó ngoài chợ đấy thôi! Nhưng kiểu gì thì cũng cứ phải tuân cái lệnh của bà chủ đã. Và khi nhìn lại mình trong gương với bộ đồ lạ, Hoa vô cùng ngạc nhiên nhận ra nó trông còn quê hơn cả lúc trước. Nó cảm thấy bộ đồ màu hồng nõn cổ rộng ngoác, có nhiều rua ren nhằng nhịt kia như cánh hoa lạc mùa, như tiếng hát véo von lảnh lót cất lên từ căn nhà có người ốm nặng. Và, tự dưng, mảnh lưng bé nhỏ của nó oằn xuống ... dường như có cả một gánh nặng khoai lang đang đè lên đôi vai mảnh khảnh dưới lần rua ren bông tơ nõn nường kia.
Mặt nó đỏ dừ. Nghĩ đi nghĩ lại chẳng ra được cái gì, nó bèn tặc lưỡi, mặc lại bộ đồ cũ, rồi rón rén đi đến chỗ bà chủ, thưa với bà rằng nó không quen mặc lòe xòe như thế. Với lại, mặc thứ này vào nó sẽ không làm việc nhanh được mà cái màu hồng nõn lại chóng bẩn, giặt tốn xà phòng lắm ...
Sao nó dám phụ cả lòng tốt của mình chứ? – Bà chủ sa sầm - Thật khó chịu, cái thời dân chủ này thật lộn tùng phèo; lối đâu ra, đầy tớ lại dám cãi giả cả nhà chủ chứ? Bà thì bà cứ cho mày tạch thì mày mới biết thân! Ấy là tức máu lên thì bà căm phẫn mà thầm xã luận ra như thế, chứ, thực cái lương tâm thời đại minh bạch, bà cũng phải chịu là con bé có lý. Thời buổi này, Thạch Sanh thì ít, lý thông, lý toét, xã xệ ... thì nhan nhản như tiến sỹ trong mùa bổ nhiệm; thuê đâu cho ra một con bé mặt mũi nhẹ nhõm, sáng sủa, thật thà, mau mắn, sạch sẽ, tinh ý, chăm chỉ, được việc mà tối không ngủ lại nhà mình với cái giá giời ơi đất hỡi, dưới cả mức bèo bọt như thế? Thế là bà đành ấm ức thực hành cái đức nhẫn đã từng được nghe giảng bao lần trên chùa, chẳng thua kém gì cánh thảo dân thời IT sơ khởi mỗi khi có công có việc phải đến cửa công nhà quyền luôn chủ động nín nhịn, cười tươi như hoa trong chậu xi măng, chỉ cốt sao cho được việc mình.
Ngặt một nỗi, mà điều này lại rất bất lợi cho cái đứa ở gái kia, bà rất dễ nổi quặu với những gì liên quan đến những sự chữ nghĩa. Một lần, thấy con bé đang ngồi bên chân cầu thang, mắt hau háu dán vào một cuốn sách, cạnh chân nó là Minu, con chó bé bỏng đang dụi mõm ngủ ngon lành, bà mới hầm hầm giật lấy thì té ra đó là cuốn Lịch Sử lớp 5. Bà quẳng đánh toạch cuốn sách xuống đất, quắc mắt:
- Rỗi việc thì bật tivi lên mà xem thời sự cho nó lành, cho mở mang đầu óc, chứ, kẻ làm người ở gì mà nhơn nhớn xí xớn, cứ xểnh ra là y như rằng mắt lại dán vào những sách với vở. Từ rày tao cấm hẳn!
Con bé hãi quá, mặt tái dại, khổ sở:
 - Bà ơi, cháu phải bỏ học, lúc làm thì quên đi, nhưng lúc rảnh việc nghĩ đến sách cháu thấy thèm thèm là. Bà thương cháu, cháu xin bà cho cháu đọc ... chỉ vào những lúc rỗi việc như thế này, cho đỡ nhớ thôi ạ.
 - Thần kinh à! – Bà cố đè nén bản thân, điều tiết âm lượng, chỉ rin rít lên qua kẽ răng - Nhìn xem, cả cái đời này, người ta chỉ thèm ... những cái đáng thèm, chứ có ai lại ra đến nông nỗi thèm cả đọc sách bao giờ. Mày tưởng những đứa có bằng cấp cao là chúng nó đều thèm học chắc?
 - Ơ, cháu thấy trẻ con thành phố đứa nào cũng đi học suốt từ sáng đến khuya mà. Có cả nhiều người nhớn nữa ... như bác Quang trong ngõ, con bác ý nhớn đã đi làm rồi mà lúc nào cháu cũng thấy tay bác ý cầm quyển sách dầy có in hình ông Tây không có tóc ngoài bìa.
 - Mày còn nhỏ. Rõ ngu quá là ngu con ơi – Đến đây, bà bèn thương cảm, lắc đầu giảng giải – Cái ngữ đọc nhiều thì có ai ưa ... đến cái xe tã tượi cũng chẳng có nổi mà đi. Đấy, mày xem ...
 Vừa lúc ông chủ lững thững đi xuống cầu thang. Chừng nghe thủng chuyện, ông mới nhỏ nhẹ át bà vợ:
- Xì, bà biết cái gì ! – Rồi ông quay sang đứa ở, ôn tồn khai sáng - Đúng là cũng có khối đứa học mà không cần bằng cấp đấy. Cũng phải nói chúng là những đứa biết nhiều,  sống không phạm pháp, nhưng thằng nào cũng chơi kiểu lưng ngay vai thẳng, mắt không trông ngang, chân không đi tắt đón đầu; thằng nào cũng lắm ý kiến ... đồng ý là chúng cũng … biết làm việc, nhưng có đứa nào ra đếch gì đâu ... chưa mưa đã ướt mặt, chưa nắng đã rát đầu. Tao nói thế có sai không ?  
Làm sao nó biết được ông ấy nói sai hay đúng. Thôi kệ. Nó chẳng nói gì, đứng đực ra, nhìn con Minu vẫn ngủ tít thò lò.
*
Ở cái nhà này, ngoài con Minu, nó chẳng thể chuyện trò với ai bao giờ.
Bao nhiêu buồn khổ, lo lắng và ước ao của mình, con bé chỉ có thể chia sẻ với Minu. Mỗi lần thủ thỉ với Minu, cái mặt câng câng của nó cứ ngước lên, cái đuôi ngoáy tít, đôi mắt nhớn nhác, bốn chân cứ rậm rà rậm rịch như đùa rồi cuối cùng nhảy tọt vào lòng con bé, chờ được vuốt ve. Chẳng phải riêng con bé, ngay đến bậc long trọng như ông bà chủ, rồi lịch sự thơm tho như những ông bà thớ lợ, lưng còng đầu cúi, cóm róm đến chơi nhà, chẳng ai là không quý hóa con Minu. Sinh nhật Minu tháng trước, có một ông tóc bóng choang, đen nhức nhối còn mừng cả tiền cho Minu nữa đấy. Bà chủ, không hiểu nghĩ thế nào, ghé tai bảo nó lấy một sợi giây buộc vào hai đầu cái bút bi, quàng qua cổ con chó rồi gấp đôi tờ giấy bạc, vắt qua cái bút bi như phơi chăn ấy. Cũng đúng thôi, tiền người ta mừng sinh nhật Minu thì là của Minu; bà chủ cũng thật là người đàng hoàng phân miêng. Thế rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại, trên cái bút bi lủng lẳng trước cổ con Minu, chẳng mấy chốc đã bộn lên cả một xấp giấy bạc, đủ cỡ đủ màu. Còn Minu ta thì cứ lăng xăng đi lại, thỉnh thoảng lại ưỡn ngực ra, tỏ vẻ rất khoái chí với cái vật trang điểm mới mẻ, sột soạt, êm ái và sặc sỡ ấy.
*
Bà chủ đã cấm nó đọc sách. Đành phải nghe thôi. Nếu không, gặp lúc bà đang khó ở, cái kết cục đuổi việc lúc nào cũng lơ lửng đâu đó sẽ ập ngay xuống đầu. Lúc ý lấy đâu ra tiền ... Đành rằng các cô giáo dạy nó ở trong quê đã bảo nhau gom góp, lo đỡ cho một phần tiền thuê nhà hàng tháng và bệnh viện đã cho bố nó chạy thận mà không phải trả tiền, nhưng vẫn cần tiền mua thuốc và chi tiêu cho những gạo nước củi lửa của hai bố con nữa ...
Mấy hôm nay, tay thì làm mà đầu óc nó cứ như để chỗ nào. Có chủ ý gì đâu, vậy mà chẳng hiểu sao, trong đầu nó cứ hiện lên cái dáng hình gày guộc đen đúa của bố đang nằm trong một cái buồng thấp tè, lợp bằng những tấm phi-bờ-rô xi-măng trộn sợi a-mi-ăng, được gọi là nhà thuê trong cái xóm chạy thận ấy. Không biết bố còn mệt như tối hôm trước không. Cái bô nhựa nó để trên mặt chiếc ghế đẩu đặt ở cuối giường để bố có thể tự lấy mà không phải cúi người, không biết đã đầy chưa. Hôm trước, thấy cái bô gần đầy, bố định bê đi đổ, loạng choạng thế nào mà ngã dúi vào góc tường, may mà nó vừa về đến nơi. Nó vừa mếu máo, vừa cố dìu bố lên gường. Nó biết, bố thương nó lắm. Bố chỉ muốn đỡ đần cho nó, được tý nào hay tý ấy. Buổi tối, bố con ngồi ăn cơm, chợt nhận ra bố gác đũa, ngẩng lên, thấy bố ngồi im, đang lặng lẽ nhìn nó, hai giọt nước mắt lặng lẽ lăn trên đôi má hốc hác xanh xao. Bố đặt bàn tay gầy guộc lên đầu nó, nhẹ vuốt như sợ nó đau, miệng lầm rầm: “Bố chẳng ra gì con ạ. Bố chỉ làm khổ thân con gái bé bỏng của bố. Giá mà ...”. Nó quay sang, đưa tay lên ấp vội lên miệng bố. Bụng nó thắt lại như có người cầm ruột mà rút. Nhìn khuôn mặt đen xạm, gò má hốc hác, cặp mắt sáng hiền hậu của bố, nó thấy tủi thân quá. Nó ngả người, nép vào lòng bố, nấc lên. Bố nó vòng cánh tay khẳng khiu, ấp lấy đứa con bé bỏng, bàn tay cuống quít vỗ về. Nó cảm thấy giọt nước mắt nóng hôi hổi từ má bố rỏ xuống trán mình. Nó cảm thấy làn hơi ấm từ người bố, qua chiếc áo màu cỏ úa cũ kỹ, đang dào dạt truyền sang người nó. “Bố ơi, bố thương con ... bố phải khỏi bệnh, bố không được bỏ con. Đến ngày bố khỏi hẳn, bố con mình sẽ về nhà bố nhỉ. Bố lại đi làm đồng. Con lại đi học thật ngoan thật giỏi. Rồi con sẽ làm bác sỹ chữa bệnh cho bố cho mà xem”. “Ừ, nhất định như thế. Bố phải sống để thấy con gái bố trở thành một nữ bác sỹ giỏi giang xinh xắn chứ. Nín đi con, nào ...”
*
Tết đến, nó không được nghỉ, vì nhà chủ đông khách lắm. Công việc của nó trong những ngày này chủ yếu là bưng bê các thứ từ buồng bếp sang phòng khách và ngược lại. Việc này thật nhẹ nhàng nhưng sao nó thấy mỏi chân quá chừng.
Từ hôm trước, trong nhà đã hết thuốc. Bố nó mệt lắm, không ăn uống gì, cũng không tự ngồi dậy được nữa. Tay mân mê cái vỏ hộp thuốc nó vẫn giữ để làm mẫu mỗi khi phải đến cửa hàng thuốc tây mà nước mắt lưng tròng, ruột gan rối bời. Nó đã thuộc bệnh của bố. Nó biết, nếu uống loại thuốc này, bố sẽ nhanh chóng thoát được tình trạng mệt lả. Bác sỹ bảo nó: “Nếu không có, chỉ mấy hôm sẽ rơi vào tình trạng suy trụy”. Lần túi, thấy chẳng được bao nhiêu. Nhìn quanh gian buồng, nó thấy chẳng còn gì đáng giá.
Buổi sớm, nó đã liều lĩnh hỏi bà chủ xin ứng trước tháng tiền công. Bặt bà sa sầm. Bà không nói gì, đi vào bếp mở tủ lạnh, miệng lẩm bẩm: “Mày là cô thần ám nhà tao đấy à? Vừa sớm mồng một ra ...”.
Lúc bưng đĩa hoa quả lên phòng khách, nó thấy một ông mừng tuổi cho Minu một lúc bao nhiêu là tiền. Rõ ràng nó trông thấy ông ấy nhét vào cái túi gấm màu đỏ đeo trước cổ Minu liền hai tờ năm trăm ngàn mà. Đúng lúc nó đang tròn mắt ngỡ ngàng thì ông khách nhìn nó, đôi quai hàm bạnh ra, chỗ lồi chỗ lõm, vằn lên mấy thớ thịt. Hình như do dự một chút, rồi chẳng hiểu nghĩ thế nào, ông ấy lại rút tiếp ra hai tờ năm mươi ngàn, chìa trước mặt nó:
- Mừng tuổi cho mày này.
 Đúng là nó đang cần tiền ghê gớm, nhưng ở quê nó không ai mừng tuổi nhiều đến thế bao giờ. Ngót nửa yến gạo đấy! Nó thấy sợ. Nó ngẩn mặt, ngơ ngác giấu tịt hai bàn tay ra sau lưng, cái đầu lắc lắc. Thấy ông khách trở nên lúng lúng, bà chủ đưa mắt sang nó, cười dịu dàng:
- Ông đã cho thì xin ông đi con. Đừng để ông bị sái cả năm.
Nó càng bối rối. Bà chủ khẽ nhíu mày. Thế là nó buộc phải đưa hai tay ra mà đỡ lấy hai tờ bạc màu nâu tím có in ảnh Bác Hồ. Nó biết tính bà chủ. Nó hiểu cái nhíu mày kia lắm. Rất có thể một cơn giông đổ ụp xuống đầu nó ngay sau khi khách ra về. Nhưng đã thế, sao bà ấy lại gọi nó là con chứ? Nghe lạ lắm. Người lớn cứ hay bị làm sao ấy! Nếu được chứng kiến, chắc chắn thằng Xứng sẽ bảo là bà bị ẩm IC cho mà xem.
Việc này làm nó nhớ đến Xứng, thằng bạn đánh giày, ông bụt hộ mệnh của nó. Chính Xứng, thằng bé đánh giày tháng cho gia đình này, đã xin cho Hoa vào làm chân giúp việc cho ông bà chủ, giúp nó thoát được cái cảnh xách ấm đi bán rong nước chè tươi trước cửa bệnh viện, thoát được cái nắng chang chang, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà tiền kiếm được chẳng đáng là bao.
Giờ này chắc Xứng đang vui lắm. Nó về quê ăn tết từ hôm hai mươi chín. Qua tết, xuống Tỉnh, thế nào nó cũng có quà cho Hoa. Lần nào Xứng về nhà xuống mà chẳng thế. Nhưng giá mà không phải là tết, Xứng vẫn ở đây nhỉ. Nó nhẩm tính: Cộng tiền trong túi với tiền được mừng tuổi, vẫn còn thiếu non nửa nữa mới mua được thuốc cho bố. Sớm nay, bố hốc hác hơn nhiều, chỉ ăn được lưng bát miến giong. Bột canh cũng hết rồi. Bụng quặn thắt, mắt nó nhòa đi.
Nó đi sang buồng bếp, rán mấy cái đùi gà và lấy cái bánh chưng từ lò vi sóng ra bày lên bàn. Đứng ngẩn ra một lúc, nó lấy chai dầu ăn đổ một ít vào vạt áo rồi đi ra chỗ ông bà chủ tạm thời đang không có khách:
- Mời ông bà vào ăn sáng ạ – Nó xòe vạt áo ra – Cháu vô ý để dầu ăn rớt vào áo. Cháu xin phép chạy ù về nhà thay rồi sang ngay ạ. 
- Rõ đoảng!  – Bà chủ rên lên xin xít – Thế có giết người ta không chứ! Nhanh lên. Hôm nay nhà nhiều khách đấy.
Nó chạy vội ra cổng, lao thẳng về nhà. Bố vẫn nằm mê mệt. Nó gọi, nhưng bố chỉ khẽ mở mắt. Nó hâm vội tý miến, múc ra lưng bát con, thổi rối rít rồi xúc cho bố. Bố không hé môi, cái đầu có vẻ muốn làm một cử động từ chối. Nó mếu máo: “Bố ơi, bố cố ăn đi”. Nó lay người bố. Nó sờ mặt bố. Bố nó vẫn thế. Rồi, bỗng dưng, như có ai châm vào người, nó đặt cái bát xuống, chạy như điên như dại về phía hiệu thuốc tây. Ngày tết, cửa hàng nghỉ bán. Nhưng cửa nhà vẫn mở. Nó xộc vào chỗ ông chủ đang tiếp khách, chìa tiền và cái vỏ hộp thuốc lem nhem ra:
- Chú ơi, chú bán cho cháu thuốc này với.
- Tết nhất cũng phải để cho người ta nghỉ ngơi một chút chứ! – Anh chủ hơi cáu nhưng cố kiềm giọng - Thôi, đưa xem nào.
Con bé đưa cả cái vỏ hộp thuốc và tiền cho anh chủ. Anh chủ cau có đếm mớ tiền lẻ.
- Thế là thế nào?  Còn thiếu đến hơn nửa tiền!
 - Chú bán tạm cho bố cháu đủ dùng hôm nay.
 - Không được, loại thuốc này đã mở ra là khó bảo quản lắm. Hỏng thì ai chịu cho tao?
 - Chú ơi, cháu xin chú. Ngày mai cháu sẽ đem tiền đến lấy nốt ạ.
 - Con này dai quá. Vừa sớm mồng một ...
 - Chú ơi, cháu xin ... cháu lạy chú ... bố cháu mệt lả từ hôm qua ...
 Con bé nấc lên, nước mắt nhoè nhoẹt, không nói được nữa. Chừng như động lòng, người khách cho tay vào túi áo khoác. Nhưng bàn tay ấy dừng lại giữa chừng, do dự một lát, rồi rút ra hẳn:
- Anh à ... cứ giải quyết cho con bé đi. Chắc nhà nó cũng đang túng.
- Ôi, anh mới ở nước ngoài về nên mới ... nghĩ thế. Thời buổi này ... chúng nó gạt xi nhan bên phải nhưng lại rẽ sang trái, biết thế nào mà lần. Mới mấy hôm trước, cũng có một thằng ranh con đến đây, nói y như đứa này. Tôi mới cho nó cầm cả hộp thuốc về, bảo hôm sau đem tiền đến trả nốt cũng được. Ai ngờ, chả thấy quay lại. Mãi sau mới biết, lúc sai đi mua thuốc, mẹ nó đưa đủ tiền, thế mà nó lại diễn trò nước mắt đau thương, mếu máo lừa tôi, rồi đem tiền chui vào quán internet mua thẻ, chơi game on line. Bây giờ chúng nó diễn khéo lắm cơ, kỹ năng nhà hát kịch chẳng là cái cóc khô  – Quay sang con bé, anh chủ hiệu thuốc nói tiếp – Thôi, tiền trao thì cháo múc. Có đủ tiền thì quay lại. Đi đi cho tao tiếp khách. Tết nhất thế này thì đến rông cả năm!
Thấy không thể lay chuyển được người bán thuốc, như đứa mất hồn, con bé chạy quýnh về nhà ông bà chủ. Thật may, ông bà đang tiếp dở một đợt khách. Bà bước ra, bảo nhỏ: “Cứ ở phòng bếp ấy, lúc nào cần tao gọi”.
Nó bước vào bếp, rửa vội đám bát đĩa ông bà chủ vừa tranh thủ ăn sáng. Song việc, không biết làm gì, nó ngồi xuống bên cái bàn ăn. Mặt ghế như có lửa, vừa ngồi xuống nó đã bật đứng lên. Nó đi ra phía ngoài, rồi không biết ra ngoài để làm gì, lại đi vào phòng bếp. Loanh quanh hồi lâu, cho đến khi đột nhiên con Minu xộc vào, cái đuôi ngoắy rối rít, quấn xoắn lấy con bé. Bế con Minu lên, bàn tay nó vô tình chạm phải cái gì trơn trơn lạnh. Nó cúi xuống, thảng thốt: Ôi, máu ! - Nó rụt tay lại, nhìn: Tay nó chẳng làm sao. Đấy chỉ là màu của cái túi gấm thôi. Nhìn cái túi gấm đầy lè những tiền, nó giật thót người, toan đặt con chó xuống đất và xua ra ngoài. Nhưng không hiểu thế nào, một tay vẫn ôm con Minu, tay kia vẫn tiếp tục vuốt vuốt lên bộ lông bờm xờm mềm mại của con chó. Không biết ngồi như thế trong bao lâu. Nó thấy tim mình đập thùm thụp, toàn thân cứng đơ, lạnh toát, mồ hôi trán rịn ra chảy thành vệt hai bên thái dương.
Đột nhiên, nó hít một hơi thật sâu, rồi, đưa bàn tay vào miệng cái túi gấm, lôi ra một mớ phong bì cùng những đồng tiền polime trần trụi, lộn xộn nháo nhào như một mớ nộm. Nhặt vội lấy hai tờ, nó cắm đầu chạy một mạch đến hiệu thuốc tây, để lại sau lưng con Minu đang thích thú thả sức nô nghịch, vờn chộp, vò ngoặm trong mớ nộm tung tóe tơi tả và sặc sỡ ấy.
*
Hơn mười giờ tối, nhà đã vãn khách. Trong buồng bếp ông chủ đang ngồi bên bàn ăn, rung đùi đọc Tờ trình xin xây dựng một sân golf nào đó; còn bà chủ, mặt nặng như chì, vừa cho xúc xích vào chảo vừa gầm gừ:
- Đầy tớ gì cái ngữ ấy. Cái đồ vô cảm, cái đồ vô kỷ cương, cái đồ vô đạo đức ... cái mồm lúc nào cũng cao mã leo lẻo. Đầy tớ nhận cơm nhận tiền của chủ thì phải chí thú, phải chuyên tâm hết lòng mà lo cho chủ chứ, đằng này chỉ nhong nhóng trốn việc, cứ thấy cái lợi là mặc xác thằng chủ con chủ. Cái ngữ ...
Nghe bà chủ bức xúc, ông chủ mới ôn tồn:
- Bà cũng nên thông cảm cho nó. Sinh ra trong một gia đình nông dân không có văn hóa, không có nề nếp, không được giáo dục tử tế thì được như vậy cũng là tốt lắm rồi. Thôi, để thư thả rồi tôi từ từ bảo ban cho nó hiểu. Nếu nó không chuyển thì cũng chẳng nên nể nang, tìm đứa khác khá hơn thay vào là được. Đời này có bao giờ thiếu người tử tế hẳn hoi, lo gì không tìm được.
Đột nhiên Minu vọt ra cửa xủa nhặng lên, cái đầu chúi xuống, cái mông chổng lên, cái đuôi ngoáy tít. Hai vợ chồng ông chủ cùng quay ra, thấy con bé hai tay túm lấy vạt áo, đầu cúi xuống, đang từ từ tiến vào phòng bếp.
 - Đi đâu giờ này mới dẫn xác về? – Bà chủ nổi đóa.
 - Bà ơi – Ông chủ kiềm chế vợ - Giờ này mọi khi nó cũng đã về nhà nó rồi mà.
 - Nhưng mà suốt từ buổi trưa đến giờ!
 Con bé, đầu vẫn cúi, khẽ khàng nói:
 - Cháu xin lỗi ông bà.
 - Từ trưa đến giờ, khách ra khách vào cứ bấn ngợp cả lên, việc gì cũng đến một tay tao. Chưa kể, chó với má, không ai trông, lôi cả mớ tiền trong túi ra, bới lộn vầy vò dẫm đạp dã man tơi bời như thế mày xem có phải tội với Kho bạc nhà nước không. Cũng còn phúc, tiền nhựa, chỉ bị nhầu chứ chưa rách tờ nào.
 - Vâng, đúng là tại cháu đấy ạ. Bà đừng đánh Minu mà tội nghiệp. Chính cháu lôi tiền trong túi ra đấy ạ.
 - Mày lôi ra làm gì? – Bà chủ thất thần.
 - Cháu lấy hai trăm ngàn.
 - Có còn không?
 - Cháu tiêu rồi ạ. Cháu xin ông bà trừ vào tiền công tháng này của cháu.
 - A, con này giỏi. Lại đem tiền đi đú đởn với mấy đứa ô sin mất nết phải không?
 - Không phải thế đâu. Bây giờ ông bà phạt thế nào cháu cũng xin chịu ạ. Chỉ xin đừng đuổi việc cháu.
 - Chỉ được cái nỏ mồm. Không biết xấu hổ à? Đi với tao ra công an ngay bây giờ!
 - Dạ, cháu đã khai với công an cả rồi ạ.
 - Láo toét! Nếu đúng thế, họ lại không gô cổ lại ngay ấy à, còn về được đây hẳn?
 - Cháu không dám nói dối bà. Mới đầu cháu cũng nghĩ giống bà nhưng không biết làm sao họ lại không bắt cháu. Họ bảo đã tự thú ra như thế thì cứ về trình bày với nhà chủ. Việc này chỉ nên giải quyết trong nhà với nhau.
 Nghe đến đấy, bà chủ trố mắt, miệng cứng đơ. Ông chủ đứng dậy, đi vào buồng ngủ, nhấc điện thoại, lặng lẽ bấm vào số của công an khu vực. Lúc sau bà chủ mới cất được lời:
 - Thì cũng phải nói cho tao biết tại sao mày lại làm như thế chứ.
 - Xin bà đừng bắt cháu phải nói. Cuối tháng cháu xin bà trừ vào tiền công ạ.
 - À, nó còn quanh co. Đi với tao đến công an. Ở đấy mày giấu diếm được à.
 Vừa lúc, ông chủ từ trong buồng đi ra.
 - Bà đừng cật vấn nó nữa – Ông quay sang con bé vẫn còn đang thút thít, kín đáo dúi vào túi áo nó tờ giấy bạc – Khuya rồi. Về đi. Bố con đang mong đấy.
 Con bé vẫn thút thít, cúi đầu chào ông bà chủ và xoay người bước ra phía cổng nhà.
 - Ông còn bao che cho nó! – Bà chủ vẫn cằn nhằn - Nhưng mà lạ lắm, nhìn vào mắt nó, có lúc tôi cảm thấy trong lòng nó như có điều gì đấy mãn nguyện ấy. Thời buổi ... thật không làm sao mà hiểu nổi!
 - Cảm giác của bà đúng đấy. Tôi vừa gọi điện cho công an khu vực. Ngồi xuống rồi tôi kể cho mà nghe.
 - Nhưng rồi ông cũng phải bảo ban điều hay lẽ đúng cho cái đầu nó sáng ra mới được.
 - Cái đầu ... ai cơ? 
Ông chủ lẩm nhẩm, khuôn mặt chùng xuống, phảng phất buồn.
HN. 13/09/2011