Trang chủ » Truyện

Người đàn bà đến vào giờ ngọ

Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 18 tháng 3 năm 2012 9:35 PM
 
Truyện ngắn
Cách đây mấy hôm, sắp đến ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi có đọc Tản văn viết về chiến tranh trên các Blog, phần lớn tôi tin văn Blog thường viết rất thật, từ nỗi lòng của mỗi con người muốn giải toả tâm tư, tình cảm, công việc, tất nhiên cũng có trường hợp phải xem xét lại vì họ bộc lộ quan điểm sống một cách thái quá. Tôi để ý đến một Blog có Tản văn viết về nỗi lòng của một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam sau chiến tranh có cách ứng xử rất khác lạ về việc gia đình. Qủa tình, trong lúc đọc, và những ngày sau đó, tôi cứ  ám ảnh mãi hình ảnh người sĩ quan quân đội có đôi mắt buồn còn hơn cả tiếng khóc khi trở về nhà lúc chiến tranh đã kết thúc. Nhưng không hiểu vì lý do gì ông đã không chung sống với vợ và hai đứa con trai tại Thành phố Vinh, mà cam lòng sống với người em gái cũng đã già nua tại thành phố Huế. Ngày người cựu sĩ quan quân đội qua đời cũng bi thảm, ít có người thân chứng kiến, đến lúc hai người con trai hay tin tìm tới thì ông đã nằm trong quan tài, bơ vơ, cô đơn ở sân chùa do nhà chùa mở cõi lòng từ thiện.
Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi khôn nguôi về chuyện này, về hậu quả cuộc chiến tranh, về những “chuyện thường ngày ở công sở” với cõi lòng nặng nề mệt mỏi. Trưa ngày trung tuần tháng 12 tôi không về nhà, mà nghỉ trưa tại phòng làm việc, mưa lun phun, đường vắng vẻ, xe máy, ô tô thi thoảng lại vụt qua như tránh rét. Lý do nguyên tắc của một gia đình nhỏ của tôi “ không mang lửa và nỗi buồn về nhà qua một ngày làm việc”, gia đình là tổ ấm. Tuân theo nguyên tắc đó, tôi tạm nghỉ ở chiếc ghế dài, ngao ngán cả nỗi lòng. Chưa qua giờ ngọ, tôi bắt đầu thiu thiu, ngáp dài. Cũng ngay vào giờ giấc ấy, tôi chợt nghe có tiếng cổng sắt bảo vệ cơ quan nhè nhẹ chuyển động, chắc là người đi đường vào xin nước? Không phải, im lặng tý chút rồi cánh cửa phòng làm việc của tôi từ từ hé mở, làn gió lạnh lùa vào, tôi rùng mình ngồi dậy mà không thể nào ngồi được, chỉ nhìn trân trối. Gương mặt một người đàn bà, cho đúng là gương mặt một bà già hiện ra. Bà cất mũ áo ấm che đầu, tóc trắng toát, da mặt cũng trắng, vì ăn trầu nên môi bà đỏ chót, đôi mắt sâu hun hút đầy bí hiểm. Bà già tự nhiên ngồi vào ghế, hỏi thì thào, cô làm nghề viết văn? Vâng, đúng đúng, tôi luống cuống. Viết văn thì phải khám phá nỗi lòng, cõi lòng của con người phải không? Đúng rồi. Cô đọc tản văn về chiến tranh và đang trăn trở? Ôi cha, sao bà biết tinh tường đến thế? Bà còn trên cha của nhà văn. Bà già chợt nhếch môi bí ẩn, cô chưa biết lý do vì sao người lính quân đội trong Tản văn không muốn về chung sống với vợ và con sau ngày chiến thắng trở về? Đúng là như thế, nhưng bà là ai, tìm đến nhà văn để làm gì? Tôi là vợ người lính trong Tản văn ấy đây, tôi đọc hết các Blog của người Nghệ An có viết về chiến tranh. Trời đất ơi, thế bà cho biết lý do vì sao chồng bà không chung sống với vợ con sau ngày chiến tranh? Người đàn bà có mái tóc trắng, nhìn trước, sau, như thể có người nghe trộm, rồi nói rất nhỏ, nhỏ lắm đến mức bà ghé vào tận tai, tôi mới nghe được. Người lính hy sinh nhiều vì chiến thắng, vì hoà bình, nhưng trong tình yêu thì ai cũng ích kỷ lắm, ích kỷ, cô có hiểu không? Tình yêu là thần tượng, khi người ta đã chọn thì đương nhiên họ tự cho mình là quyền sở hữu. Sao? Bà nói lại tôi nghe. Cô chưa hiểu à? Trong chiến tranh, người lính đi biền biệt, người vợ trẻ vò võ chờ trông, thiếu thốn đủ điều. Nhiều người trở thành vọng phu, nhưng có những người không cam lòng trở thành tượng đá, tự mình “ xoay xở” theo nhu cầu của con người, đời người chỉ sống có một lần, sai lầm có người được tha thứ, có người không…?
Theo thói quen, tôi bật cười, rồi im bặt, biết mình vô duyên trước nỗi đau của người khác. Tôi đã hiểu điều người đàn bà muốn nói, nỗi buồn của người đàn bà vắng chồng trong chiến tranh. Bà già kể, tôi có hai đứa con trai, đứa đầu không phải là con của chồng tôi, ông ấy đã biết, không nặng nề trách móc, nhưng sầu não. Sau chiến tranh ông ấy chỉ ở với vợ con có mấy tháng, rồi trở về Thành phố Huế là quê hương của ông. Hai đứa con ngơ ngác khi thấy bố lại ra đi, chúng không thể nào biết được nỗi đau của người lớn? Bố ơi, sao không ở với chúng con? Ông ấy hỏi các con có theo bố về Huế không? Hay là đứa em theo bố, đứa anh ở với mẹ nhé? Cả hai đứa rơm rớm nước mắt, chúng con muốn ở với nhau cơ, vì sao anh em chúng con lại phải chia lìa? Ông ấy thở dài, nếu vậy thì cả anh em ở với mẹ, bố về Huế. Ông ấy đã quyết ra đi, những đứa trẻ mếu máo trông theo. Trong chiến tranh,  ra đi còn hy vọng ngày trở về, vì tấm lòng vẫn hướng về nhau. Hoà bình rồi, tình cảm đã khác, hy vọng gì ngày trở lại? Tôi vẫn biết là mình có lỗi, ông ấy không tha thứ thì biết làm sao? Có lần tôi đã muốn tự tử trong im lặng, nhưng còn các con thì ai nuôi? Giờ thì chúng đã trưởng thành, một phần nào đó tôi cũng đã được thanh thản.
Người đàn bà không khóc, nhưng tiếng nói nghẹn ngào. Tôi hỏi một câu hết sức vu vơ, bà kể tôi nghe thì giúp được gì? Bà nói ít ra trên cõi đời này cũng phải có một người biết chuyện của tôi, ông ấy thì đã khuất rồi, các con đến giờ cũng chưa biết cha của chúng khác nhau. Dù sao tôi cũng cảm ơn cô đã chịu khó nghe chuyện của tôi. Tôi phải về, chào cô.
Bà già vội vàng ra đi bất ngờ như lúc bà đến, tôi giống như người bị đơ chân, không bước đi được, có sức mạnh nào đó níu kéo chân tôi đứng nguyên tại chỗ, chỉ trân trối nhìn theo, không kịp hỏi được tên bà là gì? Địa chỉ nhà ở đâu? Đến lúc ý thức được bản thân mình cần phải làm gì, tôi xô cửa chạy ra ngoài thì không thấy người đàn bà tóc trắng ở đâu. Đường chưa qua giờ ngọ, nên vẫn vắng lặng, một người đàn ông chậm rãi dạo bước vừa ăn quýt, vừa xả vỏ xuống đường, người đàn bà khắc khổ đẩy xe rác của công ty vệ sinh kiên trì nhẫn nại quét dọn, nhặt rác phía sau. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu được người đàn bà tóc trắng là nhân vật trong Tản văn của Blog như bà nói, hay chỉ là một người đàn bà nào đó trong vô vàn số phận của người đàn bà trong chiến tranh có sự trùng hợp, giống nhau đến lạ kỳ?
12-2011
 Đ-Q- N