Trang chủ » Truyện

ÁNH SÁNG CUỐI CON ĐƯỜNG

Đinh Thị Thương
Thứ năm ngày 8 tháng 12 năm 2011 8:40 PM
Đinh Thị Thương

   Truyện ngắn     
Tôi tên Hường, năm nay đã 22 tuổi hiện đang làm nhà báo cho tòa soạn Sức Sống Mới.  Trong sự nghiệp làm báo như tôi, đã trải qua rất nhiều thăng trầm và những khó khăn vướng mắc. Thật không dễ dàng gì cho cái thời mà tờ tiền 10 nghìn còn quý giá hơn tờ 100 thời nay. Nhưng đến nay, cứ ngỡ như cái khổ bây giờ không còn nữa chí ít thì lao động chân tay, đấy là ở thành phố, chứ tôi chưa tính đến nông thôn. Ngay cả tôi cũng đã từng lầm tưởng như vậy và cuối cùng tôi đã sai, cái nghèo vẫn luôn bị một góc rò rỉ nào đó trong xã hội công nghệ tiên tiến thời nay. Đâu phải trong xã hội hiện đại chỉ cần có tiền cầm trong tay hươ hươ ra trước mắt hay trải đầy nhà làm thảm thì cái xã hội, cái dân tộc đó là giàu đâu? Và đến đây có lẽ có thể bắt đầu câu chuyện hành trình ngắn của tôi.
“Hường! Đi ra chợ cùng với Nguyệt không? Đông vui lắm, biết đâu lại có ích cho bài báo mà Hường sắp viết ấy chứ? Hì hì…”
Nguyệt nhìn tôi cười toe rồi kéo con mắt tôi đang dán chặt vào cái máy tính, thật sự là đến giờ này, tôi chưa thể nghĩ ra bài viết nào thật độc đáo. Lúc đầu tôi hơi chần chừ vì tiết trời hôm nay không như ý tôi mong muốn nó thật là lạnh. Cũng có thể lục lọi được cái gì đó thì sao? Một thông tin nho nhỏ… nghĩ đến thế, tôi gật đầu đồng ý.
Lại một mùa xuân mới đến, khí trời se se lạnh và những hạt mưa phùn rơi xuống nhân gian, mọi thứ vẫn là âm hưởng lạnh giá mùa đông thấm vào da thịt khiến người ta vẫn phải khoác nhiều lớp áo. Nhưng dường như tiết trời lạnh như thế nào đi nữa, cũng không ngăn được cái phiên chợ đêm ồn ào giáp vào những ngày tết như thế này.
Những chiếc đèn nho nhỏ được treo trên giá đỡ của những gian hàng phẩm. Tôi công nhận một điều là mình còn yếu hơn cả những bông hoa rực rỡ kia cứ quấn mãi chiếc chăn mà ngồi trong nhà. Tôi theo chân Nguyệt bước chân ra khỏi ngưỡng cửa.
Chợ Tết lúc này thật đông người, mặc cho bây giờ đã gần 5-6 giờ chiều. Ai ai cũng bận rộn sắm đồ cho gia đình, chọn lựa thật kĩ càng vì một năm mới có một ngày vui như thế này, tiếng mời chào không ngớt phát ra từ những gian hàng.
Bỗng nhiên ánh mắt tôi dừng lại ở một góc nhỏ, tôi bắt gặp một đứa trẻ với dáng dấp nhỏ bé khoảng chừng năm, sáu tuổi gì đó đang chìa bàn tay đen nhẻm ra xin những đồng bạc bố thí của thiên hạ. Bờ vai gầy gò để trần tay đứa trẻ run run vì lạnh, khiến chiếc ca đựng tiền cũng đang rung lên từng hồi. Đứa trẻ nhìn mọi người đi qua với con mắt thật bi thương rồi đi lom khom ở dưới những chiếc bàn ăn ngoài vỉa hè, rồi lại chồm lên những chiếc đĩa thức ăn thừa mong tìm được cái gì đó lót bụng. Mắt tôi bỗng sáng lên, tôi có thể làm được một bài viết về cậu bé, biết đâu bài viết của tôi cũng có thể giúp được gì đó cho gia đình cậu bé kia?!. Thấy vậy con người tò mò của tôi toan chạy đến nhưng…“ Ê! Thằng bé kia? Cút đi không hả? Chỗ người ta còn bán hàng!”Tiếng người đàn ông đứng tuổi gào thét, tay giơ cây chổi toan đánh.Tôi tò mò nhìn thằng bé, vì chưa hề thấy một cảnh tượng như thế này mà chỉ được chứng kiến trên ti vi.
Giọng run run tôi huých vai Nguyệt hỏi: “Lẽ nào người ta có thể xua đuổi một đứa trẻ trông đến tội nghiệp như thế sao?!” Nguyệt lắc đầu.“ Chuyện này bình thường thôi! Cái thằng bé đó luôn lấm la lấm lét như muốn ăn trộm tiền của người ta vậy! Bẩn lắm, chúng ta đi thôi, hơi đâu mà lo! Trời mưa to rồi kìa.” Nguyệt nhìn tôi rồi lại nhìn đứa trẻ ngán ngẩm kéo tôi đi.“ Thôi kệ Hường! Nguyệt về trước đi! Có gì Hườngvề sau!” Tôi đi về phía đứa trẻ ấy vỗ nhẹ vào vai cậu bé tay đang bốc những cộng bún còn thừa trên bàn ăn, bỏ vào miệng. Khi nghe thấy giọng tôi, nó giật mình cúi người lạy, mồm liên tục nói:“ Cháu lạy bác, cháu lạy cô! Cháu không ăn cắp… cháu…cháu…xin lỗi…. cháu không ăn cắp…” Rồi bỗng dưng nó chạy đi về phía con hẻm nhỏ khuất sau một quán café. Tôi không đuổi theo, mà ngẫn ngơ nhìn về phía đứa trẻ đã biến mất.“ Cô không sợ nó à? Cái thằng ăn mày này bẩn lắm! Chả ai biết cha mẹ nó là ai hết chỉ biết nhà nó ở trong ngõ kia!….”Đứng trước mặt tôi là bà chủ quán với hình dáng phì nhiêu, đang thao thao bất tuyệt về cậu bé ăn xin với giọng khinh bỉ. Có lẽ tôi là người đầu tiên quan tâm đến một kẻ ăn mày, chắc thấy tôi giống như một người mới từ trên trời rơi xuống thì phải. Một nỗi đau dâng lên, một nỗi cảm thông đang bùng cháy dữ dội trong tim tôi. Hình ảnh cậu bé ấy nó hao hao giống bất kì những đứa trẻ mà tôi đã thấy ở những con xóm nghèo nhỏ quê tôi. Bất giác tôi vội vã chạy theo đi về phía con đường mà cậu nhóc lúc nãy chạy vào, tôi bây giờ thực sợ hớt hải, muốn kiếm tìm một thứ gì đó đã mất. Đến lúc này, tôi dường như mất đi cái suy nghĩ về tờ báo hay công việc của mình nữa.
Trời đã về khuya, con ngõ tối om. Mưa vẫn không ngừng rơi trên những mái hiên nghe lộp bộp ồn ào. Những căn nhà hai bên lối đi đã bắt đầu lên đèn, tiếng ễch ương ì oạp đâu đó như trêu ngươi bước chân của kẻ độc hành như tôi. Mọi thứ ở nơi đây thật trái ngược với không khí vui tươi ngoài kia.
“ Roạt….” Bóng cậu bé ấy lướt qua mặt tôi, tay tôi bất ngờ chụp được lấy cánh tay gầy gò kia như một định mệnh.“ Từ từ đã! Cô không làm hại cháu đâu, dừng lại một chút thôi!”Nó dừng lại không nói gì, cũng mạnh dạn đứng nguyên đó đầu hơi cúi như chờ tôi nói. Tôi nhấc cằm thằng nhỏ lên rồi ngồi xuống bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi:“ Nhà con ở đâu? Có thể….”
Nó vẫn lặng thinh không nói gì nhưng lại tháo chạy về phía trước. Nó muốn tôi đi theo nó? Tôi chạy theo, rồi đi chầm chậm phía sau cậu bé một khoảng cách xa, bỗng dưng đứa bé dừng lại chỉ về phía cuối con đường. Vẳng từ xa, tôi nghe thấy tiếng khóc của một đứa trẻ con, ai oán, đau thương...Trong cơn mưa tầm tã, chiếc cột trước căn lều tạm bợ xiêu vẹo như chực đổ bên này rồi bên kia vì gió quá mạnh.Trời ơi, đó là căn nhà ư ? Một căn lều tạm bợ cuối con hẻm nhỏ, phía trên che bằng những miếng tôn cũ nát, nilon che chắn khắp mọi phía.Tiếng trẻ con vẫn cất tiếng khóc, lẫn trong tiếng khóc ấy là tiếng người phụ nữ đang hát ru cho con ngủ.Tôi cảm giác đây không phải là căn nhà để ở, bởi nó lạnh lẽo đến vô cùng.Giờ tôi mới hiểu hai từ bi ai là như thế nào, chút ánh sáng của chiếc đèn dầu nhỏ có lẽ là vật nổi nhất trong căn nhà lụp xụp ấy. Tôi chỉ chực khóc khi thấy trong nhà chẳng có gì ngoài hai bóng người đang ngồi co ro chỉ có một mảnh chăn rách toác một đường dài bên là ánh lửa yếu ớt của đám tro bếp sắp tàn. Người đàn bà nhìn thấy đứa con trai của mình về, định vẫy tay ra hiệu cho thằng bé vào ăn bát cháo đang để trên sàn nhà. “ Cô là ai? Mà lại vào tận đây?”Tôi định quay ra thì đã thấy một người đàn ông mang dáng dấp lảnh khảnh đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi ngạc nhiên hỏi người đàn ông“ Ông là ai? Mà sao…” Người đó cúi đầu chào tôi :“ Tôi là người dân ở khu phố này! Thấy cô lạ nên tôi đi theo?? Vậy cô biết mấy mẹ con nhà đó à?”Tôi lắc đầu, ông ta gật gù cái gì đó rồi tiếp tôi bằng thái độ ôn tồn chân chất “ Thằng bé ấy, tên là Mốc! Nó có hoàn cảnh thật khó khăn, nhà đã nghèo, nhưng học giỏi lắm, người bố chạy xe ôm bị tai nạn xe mới chết năm ngoái nên phải bỏ học lúc thì đi bán vé số, lúc thì đi xin ăn. Bố mất, mẹ thằng nhỏ mới bán hết đất đai nhà cửa và những vật dụng trong nhà để làm ma chay và trả nợ. Và bây giờ những vật dụng trong nhà một phần là của bà con ủng hộ,  người mẹ đi làm cái nghề thu mua ve chai. Ngày nào nó cũng ra xin ăn ngoài chợ kia kìa, đói quá thì nó mới ăn thừa của người ta! Có hôm, mẹ nó không đủ tiền mua sữa cho em, nó đói nên lấy thức ăn dư của người ta để ăn, tội nghiệp, còn bị đánh bầm dập nữa….” Người đàn ông không biết tôi là ai nhưng ông lại cho tôi những thông tin hữu ích về hoàn cảnh gia đình cậu bé kia. “ Sao không có ai ủng hộ tiền cho gia đình họ để xây nhà?” Người đàn ông ngán ngẩm chìa hai bàn tay ra:“ Chúng tôi cũng không phải khá giả gì, cũng phải bươn trải với đời để sống thôi! Nhưng nếu như xây được cái nhà thì chắc gì đã giữ được? Đất này người ta sắp mua rồi…” Nói xong ông ta bỏ đi, để lại sau lưng chỉ mỗi mình tôi. Khóe mắt đỏ ẩu lên nhìn người đàn bà khắc khổ đói cái ăn, thiếu cái mặc và đắng cay cho một số phận .Tôi mạnh dạn bước vào căn nhà. Ôi căn nhà là đây ư? Một căn nhà lủng chỗ này hụt chỗ kia nước mưa lênh láng nền đất,nhìn lên chỉ thấy những hạt mưa đang thi nhau rơi xuống? Nó chẳng khác gì một căn lều nhỏ của những người chăn nuôi du mục thường làm tạm bợ trên cuộc hành trình lùa gia súc đến đồng cỏ mới mà tôi đã xem. Tuy biết tôi vào nhà nhưng mà người đàn bà vẫn không mở miệng nói câu nào chỉ ngồi đó run run có lẽ bà tưởng tôi là người đến xiết nợ hay thu mua đất.
“ Chị đừng sợ! Tôi chỉ là người đi đường thôi! Thấy cháu Mốc tội nghiệp nên…. Cảm phiền chị có thể cho tôi ngồi đây không ạ?”
Sau khi trận mưa đã ngớt, tôi chào chị và hai đứa nhỏ ra về. Tuy đôi chân tôi muốn bước nhưng mắt tôi không ngừng nhìn lại phía căn nhà kia, nơi vẫn còn ánh đèn dầu le lói và tiếng thở dài não ruột. Về đến nhà tuy đã mệt nhoài nhưng tôi vẫn cố gắng ngồi soạn thảo bài viết của mình như thể nếu sáng mai tôi thức dậy thì mọi thứ sẽ biến mất như một giấc mơ.
Hai ngày trôi đi, từ khi bài báo được đăng lên, rất nhiều người đã gọi điện thoại cho tôi hỏi thêm chi tiết về bài báo, để ủng hộ, còn có công ty X, công ty Y đến tận tòa soạn nhờ tôi dẫn đến nhà của bé Mốc trao tận tay những món quà cũng như một số tiền nho nhỏ.
Người đàn bà mang khuôn mặt khắc khổ, nước mắt cứ ứa ra lăn dài trên gò má bỏng rát, bé Mốc rơm rớm nước mắt, riêng chỉ có mỗi đứa bé con đang nằm trong tay mẹ thì vẫn đang cười như thể nó hiểu được đã có lối thoát ở phía cuối con đường, nơi ánh sáng của sự cảm thông và sẻ chia giữa con người đối với con người.
Tác giả: Đinh Thị Thương Học sinh lớp 8/4 Trường Trần Phú
Địa chỉ: 403/3 Trương Công Định phường 7 Tp Vũng Tàu
ĐT: 064 - 3572980