Trang chủ » Truyện

THẦN THÁNH SINH SẢN VÀ SINH SẢN THÁNH THẦN.

Phạm Thành
Chủ nhật ngày 4 tháng 12 năm 2011 8:18 PM

Truyện ngắn
Làng Vũ Đại, từ hồi chuyển sang kinh tế thị trường, nảy sinh nhiều loại lòng tin. Người tin vào số phận, người tin vào tài năng, người tin vào sự cần cù… Lại có người tin rằng, ngay cái thân xác mình đang tồn tại đây, cũng chẳng phải là của mình. Họ cho rằng, mình là thần là thánh. Chẳng phải ở thành thị mới có miếu nọ, chùa kia, nhà này nhà nọ quanh năm có hương hoá, cháy như cháy nhà, mà ở nông thôn ngày nay, chuyện cúng bái, mê tín dị đoan, tin thần, tin thánh, sinh hoạt sôi động cũng chẳng kém. Tỷ dụ, nhà nọ có mấy sào lúa ruộng khoán, đang lên xanh, đẹp như tranh vẽ, gặp thời tiết âm u kéo dài, giá rét, nóng, lạnh thất thường… phát sinh sâu bệnh, tin tưởng ra cửa hàng, cửa hiệu mua thuốc trừ sâu về phun. Mấy ngày sau, kiểm tra lại, thấy sâu bọ không chết, cây lúa thi nhau rục xuống như rạ, thân lá vàng hoe, chết. Hoặc như, có nhà trồng ngô, trồng đậu, muốn ngô đậu ra nhiều bông, nhiều bắp, thi nhau mua phân, bón đạm, cây lá lên xanh, tốt bời bời, nhưng đến kỳ thu hoạch, chỉ thấy cây có quả, có bắp mà không có hạt… Có nhà, gặp vài vụ như vậy, cho rằng mình bị lừa, mua phải giống, vật tư nông nghiệp rởm. Nhưng có nhà lại không tin như vậy, cho rằng, đức nhà mình mỏng từ đời này nối đời kia, nên trời mới không cho hưởng lộc, tài. Thế là cúng bái; thế là lễ cầu; thế là lập điện thờ… cấp tập, nhằm nhanh chóng cứu nguy. Chẳng rõ lễ, cầu, cúng bái có được gì hay không, nhưng nhà này làm, nhà kia làm theo, cúng bái cứ như vết dầu loang, lan mãi ra.
Chính nhờ thế mà chùa chiền, miếu mạo bị ẩm mốc rêu phong từ thời bao cấp, nay lại thi nhau bốc vị thiêng, khai sáng dương gian, khai tâm, khai đức trở lại. Nhiều nhà cúng bái ở chùa chưa đủ, còn lập đền thờ ở nhà, rước thần, rước thánh về ở cùng; coi thánh thần như cha, như mẹ, như ông như bà, như cố, như cụ, hoặc hơn cả thế. Làng Vũ Đại, thôn nào, xóm nào mà không có dăm bảy điện thờ, vài chục thầy cúng, đệ tử, con nhang thì chưa phải là làng có kinh tế khá giả của thời kỳ đổi mới. Có thống kê như thống kê dân số quốc gia cũng khó mà đếm, mà ghi cho xuể.
Cả Đỏ thấy làng Vũ Đại có nhiều đổi thay, vui trong lòng, phán:
- Đúng là truyền thống Vũ Đại mà. “Voi đú, chuột trù cũng đú. “Trâu nứng, bò cũng nứng” theo. Mà chẳng thể khác được, đời sống khá lên thì phải lễ. Lễ nhiều thì hương hóa bay vào trời đất nhiều. Thần thánh sống bằng hương hoa, lẽ dĩ nhiên, nhờ thế mà cũng được bội phần sung sướng. Nhờ sung sướng mà thần thánh ngày một thêm khoẻ ra, thêm được thể mà linh thiêng dần lên. Mà, thánh thần càng thiêng thì dân chúng càng sợ. Mà, dân chúng càng sợ thì thánh thần lại càng thiêng. Bớ dân Vũ Đại ơi! Cái vòng tròn kín đáo này, cứ thế mà cao dần lên, sâu dần xuống, to dần ra. Hơ hớ! Vui đáo để!
Cả Đỏ đại ngôn như vậy, không phải một lần, chứng tỏ anh coi thần thánh cũng chẳng ra gì, chỉ như người trần, mắt thịt, thế mà thôi. Làng Vũ Đại, ai mà không biết, hồi trước, khi người vợ trước của Cả Đỏ (tên là Nguyễn Thị Tèo) chết, vừa tròn ba năm, có một cô đồng đến gạ anh:
- Anh Cả Đỏ này, có muốn gặp vợ anh không?
Như kẻ đang u mê chợt tỉnh, Cả Đỏ hớn hở:
- Muốn chứ. Được gặp vợ thì còn gì bằng.
- Anh đưa tiền sắm lễ để cô giúp cho.
Cả Đỏ đồng ý liền, nhưng thoảng có nỗi lo, vì, tuy cả làng Vũ Đại khá giả, nhưng nhà Cả Đỏ do vẫn quen lối làm ăn được chăng hay chớ như hồi ở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nên đương nhiên nhà vẫn nghèo, đến cần mua ngay mấy thẻ hương cũng không có tiền. Cả Đỏ phải rình mò, liệng liếc mãi mới chôm được con chó ghẻ của nhà hàng xóm, đem bán được mấy đồng, có tiền đưa cô. Cô đồng phấn khởi, tổ chức làm lễ cầu hồn mẹ đĩ  Tèo ngay ở đám đất sau vườn nhà Cả Đỏ. Hương khói ngào ngạt toả ra, len lỏi dưới khóm trà dại, quấn quýt bên gốc mít gìa, đám dưới dại. Những con kiến lửa có cánh bay ra, lảo đảo lao vào bát hương, gặp lửa nóng, quay tròn, dẫy dụa, chết. Tiếp đến là những âm thanh: chập chập, cheng cheng vang lên, cô đồng xoả tóc vào việc. Khi cô đồng cầm nén hương hơ hơ, khua khoắng một lúc thì bất ngờ rùng mình, miệng hô:
- Ta là Nguyễn Thị Tèo, lên gặp chồng ta đây.
Ba năm goá vợ, Cả Đỏ mừng như vớ được vàng, nhảy chồm lên, ôm chặt cô đồng lại, hai tay theo thói quen mò mẫm cuồng nhiệt thân thể cô đồng, miệng hân hoan:
- Cái này của tôi. Cái này của tôi…
Cô đồng bị bất ngờ, rùng mình trở lại, vội hô liến thoắng:
- Thăng! Thăng! Thăng!...( Tức là cô gọi hồn vợ Cả Đỏ nhanh chóng thoát khỏi thân xác cô mà biến đi). Cả Đỏ hiểu được ý đồ của cô đồng, nên lại càng ghì chặt hơn, tinh thần cương quyết hơn:
- Thăng là thăng thế nào? Ba năm mới gặp. Thăng là thăng thế nào?
Cô đồng chật vật, vùng vằng một lúc mới thoát được được vòng tay ôm mạnh mẽ của Cả Đỏ. 
Sau lần yêu hụt cô đồng, lòng Cả Đỏ chộn rộn không yên. Đêm đêm Cả Đỏ cứ mộng mị hoài về chuyện ấy. May cho Cả Đỏ, có một con hụi bị vỡ nợ ở làng bên, chạy sang, ăn nhờ, ở ké nhà Cả Đỏ, dần dần sống với Cả Đỏ như vợ chồng.
Một buổi trăng thanh, gió mát, mẹ đĩ thủ thỉ với Cả Đỏ:
- Thầy nó ạ! Cô đồng bảo, nhà mình nghèo khó từ đời này sang đời kia là do nhà mình vô đạo, không chịu thờ, chịu kiêng. Em nghĩ, cả làng người ta khá giả là do nhà người ta “Có thờ, có thiêng/ Có kiêng, có lành”, mà nên. Thầy em cứ nghe em, rước cô về một phen. Nhờ cô mời các cụ về hỏi xem, tại sao nhà mình cứ nghèo mãi? Sắm sanh đĩa xôi, con gà, chai rượu, cúng xong lại mời thầy nó xơi, chứ có ai đến ăn mất của thầy nó đâu?
Nghe có rượu thịt, Cả Đỏ khoái trí, đồng ý ngay. Nhưng để che giấu niềm vui, đôi lông mày rậm của Cả Đỏ rươn rướn lên - ra chiều còn suy nghĩ thêm; cái vết sẹo còn tím xanh ở ngang má (do bị ngựa đớp) giật giật lên – ra vẻ phải cân nhắc trước một điều hệ trọng:
- Được! Tao đồng ý. Nhưng bàn thờ nhà tao là chỗ thờ tổ tông nhà tao, thờ thánh nhân, thờ các đồng chí lãnh đạo, thờ Bác Hồ… làm lễ gọi hồn trước bàn thờ, cô đồng chỉ được cúng bái, cấm được nhảy.
 Mẹ đĩ nhà Cả Đỏ được lời như cởi tấm lòng, phấn khởi lắm! Đến ngày rằm tháng bảy, mẹ đĩ trịnh trọng rước về một cô đồng. Đi cùng cô đồng này, còn có một chú tiểu lon ton phụ lễ.
Trên ban thờ, khói hương ngào ngạt tỏa ra. Tiếp đến, những âm thanh: chập chập, cheng cheng… vang lên, cô đồng xỏa tóc vào cuộc. Chăm chắm nhìn lên mâm cỗ, độc có một chú gà ri không lông, luộc chín, vàng ươm đang lặng lẽ bốc khói, cô đồng bắt đầu rì rầm khấn vái. Rồi cô dậm chân thình thịch, tóc bù xù tung lên, miệng rú liên hồi, thân cô ưỡn à ưỡn ẹo. Chỉ vài phút sau, hồn tức khắc nhập vào cô. Cô phán:
- Ta có tài đi mây về gió. Ta là bà cô nhà mày. Ta yêu thương nhà mày. Cái thằng Cả Đỏ nhà mày là thằng mất dạy, bất trị, lâu nay coi thường thánh thần…Úm ba la. Úm ba la. Đồng cốt. Đồng hồ. Úm ba la. Úm ba la.
Cả Đỏ nấp trong buồng, nghe thấy cô đồng luôn chửi mình, lại cứ ưỡn à, ưỡn ẹo trước ban thờ mãi, thì điên tiết lắm. “Hắn định mời các cụ xơi cái của khỉ, ấy à? Láo! Láo quá!”. Bất chợt Cả Đỏ nhớ lời giao ước với mẹ đĩ: “Cô đồng lễ, chỉ được lễ, cấm nhảy”, Cả Đỏ nhảy xổ ra:
- Con đĩ, xéo ngay!
- Cô đồng nghe tiếng quát thì giật nảy mình, nhận ra ngay đối thủ có tính nói đi đôi với làm, vội thuận chân nhảy lò cò ra phía cổng, miệng vẫn líu la, líu lô:
- Ta có tài đi mây, về gió… Ta là bà cô nhà mày…
Mẹ đĩ thấy cô chuồn vì sợ Cả Đỏ hành hung, vội nằm lăn ra đất, bắt đền Cả Đỏ:
- Mẹ mày, Đỏ ơi! Tai hoạ rồi! Tai hoạ rồi!
Cả Đỏ vẫn hằm hằm:
Tai hoạ gì? Nó là con đĩ. Ban thờ nhà ông là chỗ thờ tự tổ tiên, thờ  thánh nhân, thờ các đồng chí lãnh, thờ Bác Hồ… không thể ưỡn ẹo, uế tạp được.
Thế là vợ chồng nhà Cả Đỏ lao vào nhau, cào cắn, chửi rủa nhau…ầm ỉ cả xóm giềng.
Mãi mấy ngày sau, vợ chồng Cả Đỏ mới làm lành với nhau. Mẹ đĩ trách yêu Cả Đỏ:
- Thầy nó không tin thì thôi, chứ chửi cô như vậy là không nên.
- Thế mẹ nó bảo, tôi nói thế là không đúng à?
- Chứ còn gì nữa? Chửi tôi là con đĩ còn được, chứ những người làm việc thần, việc thánh, có gái trai, sinh đẻ gì đâu mà chửi thế?
Cả Đỏ mặt tỉnh bơ, thủng thẳng:
- Ấy, tôi nói chẳng sai đâu. Cô ta làm việc thần, việc thánh, tôi hỏi mẹ đĩ, nếu thánh thần không ngủ với nhau để sinh sản, thì tại sao bây giờ, ở đâu tôi cũng thấy thánh mẹ, thánh con; thánh trai, thánh gái; thánh già, thánh trẻ; thánh có học, thánh vô học nhiều đến như vậy? Có ngày nào mà chúng nó không xanh xanh, đỏ đỏ, mồm năm miệng mười trên ti vi? Miệng chúng một đằng, bụng chúng một nẻo. Lúc cướp chỗ này, lúc hiếp chỗ kia. Lúc đi chùa này, lúc vái chùa kia, ô tô máy bay, xuất quỷ nhập thần còn hơn cả thánh thật.
Mẹ đĩ đưa tay, đánh yêu vào vai Cả Đỏ, mặt đỏ lựng lên, bụng nghĩ: “Đúng là từ có đổi mới đến nay, thánh thần có nhiều lên thật. Ơ! Ừ nhỉ! Nhiều như thế là do đâu mà ra chứ? Chẳng lẽ thánh thần thì có cái lỗ sinh sản khác. Ngay như cô đồng đây, năm trước đi đâu cũng chỉ có một mình, nay đã kèm thêm tử.
  Một ngày tháng 5.1994