Truyện ngắn
Dỡ tụi - bà Lờ Thị Đào - nhân một đêm thức khuy tỡnh cơ nghe đài đọc “truyện vụn về bác Tư Rụm” của tôi đó đựơc đăng trên báo Văn Nghệ dỡ cho em họ tụi ( con dỡ)là cụ Xuõn ( hồi nhỏ tờn là Cà) ra gọi tụi về bảo” con cứ hay kể chuyện tận đẩu tận đâu trong khi ở làng mỡnh mà ngay như chuyện của dỡ cũng đáng kể lắm rồi, lại có phải chuyện vụn đâu, rặt chuyện hệ trọng cả”. Theo lời dỡ tụi viết truyện này
NH.
I
Ở cái râu vểnh lên của con rồng bên tả trên nóc đình có một con chim sẻ béo núc ních đang loay hoay ngậm một sợi rác. Mỏ nó ngậm mà đôi mắt nó lại nhìn xuống dưới nóc nhà ông Bếp Liễn. Ở đó có một cặp bồ câu đang lồng mỏ gù nhau. Nếu con chim sẻ biết nghĩ nó sẽ nghĩ về sự chung đụng lộ liễu của loài bồ câu. Ai lại thế giữa ban ngày ban mặt, xác to kềnh càng, giấu đâu nổi thế mà... Gớm, cứ làm như không có cái đó thì chết ngay ấy. Thế mới hay, chẳng ai bằng giống sẻ nhà mình - kín đáo và ý tứ. Đang nghĩ thì con sẻ giật mình đột ngột bay vọt lên, đánh rơi cả sợi rác vàng nhạt. Đôi chim câu cũng hoảng hốt rời nhau ra, dang cánh hạ xuống đất. Sao thế? Mèo hả? Không, chả có gì trên mái đình cả. Trăm sự lại tại dưới đất. Dưới đất có gì đấy? Lũ trẻ chăn trâu lếu láo, nghịch ngợm, giương súng cao su à? Không, chẳng có đứa nào, mới quá trưa chứ mấy. Giờ này, chúng nó còn trốn trong vườn vải các cụ hay thiu thiu ngủ gật bên cần câu trên kè đá bờ sông dưới bóng cây sung. Thế thì vì cái gì? à phải rồi, tại ông Nham - bí thư Nham chứ còn ai nữa. Bây giờ xét theo kiểu ngày xưa thì ông to nhất làng Chiện này, như ông chánh bá, dưới ông là các ông chủ tịch, phó chủ tịch, công an xã, xã đội trưởng dân quân quyền hành như lý trưởng. Thế mới hay, thời dân chủ này, lý trưởng hóa ra còn đông hơn thời trước. Thời trước chỉ có một ông lý, cả xã một ông chánh. Bọn trẻ nghe các cụ già thều thào nói câu được câu chăng, lỗ chỗ như cái đũa trong tay thằng lười.
Các cụ chán lắm, không nói thì thôi, nói toàn ví von kiểu cổ. Bí thư là bí thư, chủ tịch là chủ tịch. Cứ bí thư ví chánh tổng, lý trưởng ví chủ tịch thì giời mới biết được. Các cụ vặc lại “con mẹ chúng mày, hiểu cái gì đâu, chúng mày thử xem từ nhà cửa, con cái quyền hành các ông ấy, rồi lối đối xử với dân. Bảo khác họa chăng nói năng không gọi mày, xưng tao với dân, các ông không xưng danh, xưng tước mà lấy cái tập thể, tập đoàn làm lý làm lẽ; a ý kiến của chi ủy đấy, a thường vụ đã tán thành rồi. ừ thế bây giờ ai làm ông bí thư Nham phật lòng để đến nỗi ông nổi giận. Mặt ông sa sầm, nặng trĩu dưới bóng của cái mũ phớt nan. Tay ông bất đồ vung lên làm con sẻ nhớ đến động tác ném đá, bắn súng cao su của bọn trẻ, thành ra nó hoảng, đánh rơi cả sợi rác. Bực thật, bực quá, bực không chịu được, có cách nào trút được sự giận này không? Giá có thể đánh, có thể mắng, nhưng sao lại có thể thế. Mình là bí thư kia mà, bí thư thì phải khuyên răn, giảng giải, chứ đâu phải chuyện thằng Dinh, con một của ông, đi bộ đội thì trốn, chú Din xã đội trưởng phải lên điều đình với huyện đội, trên ấy nể ông cũng xúy xóa. Tháng trước, trong lúc chờ đi xuất khẩu rỗi việc vùng lên Kê đánh nhau làm con người ta phải đi bệnh viện, đáng phải ra tòa. May ông nhờ chú Bân - chủ tịch xã lên nói với ông chủ tịch Nga trên ấy. Ôi, con với cái. Ông cáu ông còn đánh, còn chửi được, đằng này... Khổ chưa, bí thư có phải ông thần, ông thánh đâu? Làm công tác tư tưởng với ai, chứ với bà ấy, dốt ơi là dốt. Làm thế nào bây giờ, sắp đại hội Đảng bộ đến nơi rồi. Thế hóa ra nhiệm kỳ này do mình làm bí thư lại... Bà ấy giết mình không bằng. Phong trào xã đang được huyện đánh giá có triển vọng, các mặt kinh tế, trị an, huy động lương thực... Cái gì cũng chẳng nhất thì nhì, thế mà... Giận quá, giận quá. Cái thằng Lân nhận đại lý vật liệu xây dựng cho huyện, tốn có phải ít đâu. Nghe phong thanh 5000 gạch cho ông Lãm phó bí thư phụ trách tổ chức, hai nghìn rưỡi ngói tây cho ông Bân chủ tịch, bán rẻ cả cái xe máy con đi xuất khẩu mới gửi về cho ông Tụy thường vụ. Ông Nham biết hết, nhưng khi mọi người giơ tay biểu quyết Lân vào Đảng, ông đã định phản đối, nhưng rồi ông lại tắc lưỡi “thôi phải phiên phiến lên, thời buổi khó khăn, nên linh động, cốt là mình”. Cứ nhìn vào đấy, biết vào Đảng khó lắm chứ, vì vào Đảng bây giờ cũng nhiều quyền lợi lắm, dân cả xã đều biết, thằng dốt mà có cái mác Đảng viên còn béo bở hơn đứa giỏi là quần chúng. Thế mà con mẹ Đào, cái bà Đào, tự nhiên không hiểu nguyên nhân gì gửi ngay một cái đơn xin ra khỏi Đảng, thế có giết người ta không, có hủy hoại tăm tiếng cái Đảng bộ làng Chiện này không? Ông phải truy nguyên việc này xem có đứa nào phe cánh dùng bà để hại ông, tranh ghế của ông? Nếu biết được, ông sẽ cho du kích đến trói gô nó lại, khép nó vào tội “phá hoại Đảng”. Dứt khoát là phải làm thế thôi. Chứ ai đời một đảng viên kỳ cựu như bà Đào ít ra là hăm tám, ba mươi năm tuổi Đảng chứ ít đâu, sao bỗng dưng lại...
II
Kể về tuổi Đảng, đúng là bà Đào vào loại kỳ cựu, ngay đến ông Nham bí thư đương nhiệm cũng không thể sánh với bà. ở xã này, người có nhiều tuổi Đảng nhất là ông Mân; nhưng ông này nghe trong Đảng ủy nói ông hay nổi nóng, phát ngôn phổi bò không biết giữ gìn uy tín cho đồng chí, cái gì cũng muốn quần chúng biết, thành ra... Bây giờ chỉ là đảng viên thường. Xấp xỉ tuổi Đảng với bà Đào là ông Bân, ông Lãm, bà Tư Đình... Đa số các ông, các bà này nằm trong thường vụ và đều nắm chức vụ trong hợp tác xã... Bà Đào từ khi vào Đảng đến nay cũng chỉ là đảng viên trơn. Hồi cải cách rồi sau đó vài ba năm, đảng viên trong làng hiếm hoi như quả ngọt mùa đông, như măng tươi trong tháng tết. Khổ một nỗi, Đảng bộ xã lại phải họp liên miên, họp là phải uống nước ban ngày, đôi khi phải mổ gà nấu cháo ban đêm. Đun nước, nấu cháo cho Đảng bộ không thể là người ngoài Đảng được. Bà Đào hồi đó là cô Đào mới góa chồng. Chồng cô là anh hai Đào làm công nhân đường sắt ở trên Thái, bị ngã nước, về nhà nửa tháng rồi chết, để lại cho vợ cái thai trong bụng sau này là cô Xuân. Cô Đào thương chồng, mặc dù hăm hai tuổi vẫn ở vậy nuôi con; nhà chồng cô lại ở gần đình trong, nơi Đảng bộ hay lấy làm địa điểm họp. Thỉnh thoảng, cô Đào ra giúp Đảng bộ vài việc vặt thành ra - ông Cự - bí thư dạo đó quyết định kết nạp cô Đào vào Đảng cho tiện. Lý lịch cô Đào thì chẳng nói ai cũng biết, việc này thành ra đơn giản. Chỉ hiềm cô Đào đọc chưa thạo, việc này cũng chẳng ngại, đã có người viết giúp, dạo đó ông Cự đã cầm tay bà ký vào lá đơn, chả nhẽ lại điểm chỉ. Từ khi cô Đào vào Đảng, mọi công việc bếp núc của Đảng bộ, cô quản hết. Nước cho cuộc họp ngày không bao giờ thiếu, cơm cháo của Đảng bộ khi cần tử tế ngon lành, mà lại được cái tin cậy. Với cô Đào, ai làm bí thư, ai vào thường vụ, cô không để ý, chỉ cần ông bí thư làm ám hiệu cô một tiếng là cô giơ tay hoặc ghi nguệch ngoạc tên người nào đó vào phiếu.
... Dạo ở Đảng bộ xã phát động phong trào nếp sống mới trong thanh niên, đồng chí Lê Thị Đào đã đề nghị Đảng bộ xã không nên treo ảnh đồng chí Mác, đồng chí Ăng Ghen vì râu tóc các đồng chí bù xù quá, sợ thanh niên đua đòi bắt chước. Ông Nham hồi đó là thường vụ kiêm bí thư đoàn xã phải giải thích: ở bên nước các đồng chí ấy lạnh, họ phải nuôi tóc nuôi râu cho ấm.
Cô Đào bảo:
- à, thế ra chủ trương của Đảng ở mỗi nước lại khác nhau nhỉ?
- Đại để thế, cho hợp với hoàn cảnh mà lại.
Ông Nham nói ào cho qua chuyện. Chuyện bà Đào trong Đảng kể hàng tháng không hết, nhưng muốn nói gì nghĩ gì, cuối cùng bà Đào dần dần hiểu ra điều cốt lõi rằng “Đảng viên dứt khoát phải công bằng, phải tốt hơn người ngoài Đảng, mà Đảng lao động trước đây hay Đảng Cộng sản ngày nay ở các nước và ngay ở cái làng Chiện này dứt khoát phải làm cho dân sống sung sướng hơn, thoải mái hơn thời thằng tây, thằng địa chủ, cai đội, lý trưởng, chánh tổng cai trị. Đã là đảng viên là phải hy sinh, cái gì tốt, ngon phải để cho dân, cho xã, còn mình chỉ nhận cái vất vả, thiếu thốn mà thôi”. Nghĩ thế nên từ khi vào Đảng, bà Đào lúc nào cũng tất bật và lúc nào cũng được dân làng Chiện khen “bà ấy ít chữ, nhưng làm đảng viên ít ra phải như bà Đào thì...”.
III
Chia xong chỗ ổi cho lũ cháu ngoại, bà Đào định ra xem mấy con lợn nhà nó thì Xuân bước vào, không chào mẹ, chị hỏi luôn:
- Bà định xuống ở với nhà con đấy à?
- Nhà tôi tôi ở, việc gì tôi phải đi đâu.
Bà Đào nói xong thấy giận con, gặp mẹ chưa hỏi được câu ăn ở sức khỏe ra sao mà đã lục vấn. Còn chị Xuân không để ý thái độ của mẹ nói luôn:
- Con vừa gặp ông Nham.
- à, tôi hiểu rồi, lại lá đơn chứ gì?
- Việc gì mẹ phải làm thế, đâm mang tiếng ra, có ai xui mẹ không?
- Ngần này tuổi đầu, ai xui tôi được.
- Thế tại sao mẹ lại làm vậỵ?
- Tôi yếu, tôi già rồi.
- Yếu, già ở trong Đảng thì có sao, ai bắt mẹ công lênh gì mà mẹ phải xin ra. Mẹ làm gì cũng chả tính trước liệu sau.
- Việc gì phải tính, cô không phải dạy khôn tôi.
- Đấy, mẹ cứ thế chẳng trách, cả làng trên ấy bàn về cái đơn của mẹ, chuyện loang cả xuống dưới này, mẹ lại còn lôi vợ chồng, con cái con vào.
- Cô sợ chứ gì, thế thì tôi bảo thằng Vĩnh nó nói lại, nó tách nhà cô ra cho sạch sẽ.
- Sợ thì con chả có gì để sợ; nhưng rồi mẹ xem; nó ảnh hưởng lý lịch của con, đến nhà con, đến các cháu, mà có phải thế đâu, các con nhà con lớn rồi, việc gì mà phải chăm nom, bú ẵm mà mẹ vin vào.
- à, tôi biết rồi, ra anh chị sợ tai tiếng cho mình. - Bà Đào nhắc lại ý cũ rồi ngồi thừ ra, khuôn mặt già héo hẳn. Bà khẽ thở dài. - Tôi đã bảo thằng Vĩnh là chỉ cần nêu tôi già yếu không cáng đáng được công việc đảng viên, nó lại bảo nói thêm việc của vợ chồng chị vào cho chắc chắn. Thôi, chị cứ yên tâm, tôi sẽ rút đơn về làm lại.
Người con gái gạt tay đứa con gái định sà vào lòng mẹ:
- Bà hiểu cho, bà làm thế là thiệt đủ đường, ở làng bao nhiêu người trầy trật không vào Đảng được, mang danh đảng viên thì lợi đủ đường.
- Tôi vào Đảng không để cầu lợi.
- Mẹ cổ lắm, không hiểu gì cả, thời buổi khó khăn bây giờ. Mẹ có biết ông Nham bảo con, nếu mẹ rút đơn đi, ông sẽ nói với hợp tác cấp thêm cho mẹ chỗ đất địa liền ruộng 5% nhà con.
- Sau đó cô gộp vào ruộng nhà cô chứ gì?
- Vâng, nhà con hai thằng con trai, con phải liệu từ bây giờ.
- Tao có phải con ếch đâu mà ông ấy lấy hoa dâm bụt nhử tao.
- Khổ tôi chưa! Mẹ già rồi không hiểu thời thế bây giờ.
- Nhưng tao chưa ngu.
- Vì sao mẹ lại làm thế?
- Vì sao à? - Bà Đào nhìn ra ngoài trời, cái nắng cuối hạ hôm nay mà gắt gao, hầm hập là vậy. Bà lẩm bẩm nhưng không để ý đến người con gái đang chăm chú nghe, đôi mắt màu chì mở to nhìn vào luôn mặt mẹ. - Tao không muốn xấu hổ cùng các ông các bà ấy. Đừng tưởng làng nước người ta sợ, người ta giữ mồm giữ miệng vì họ ngại liên lụy đến gia đình con cái, người ta im chứ không phải người ta không biết đâu. Chẳng còn công bằng, chẳng còn luật lệ gì cả, ấy mà chưa kể đã chẳng làm cho dân cho làng bớt khổ, mà, chao ôi, đảo lộn, ngược ngạo hết...
Bà Đào kéo đứa cháu gái vào lòng, hai bàn tay già rẽ lên đầu cháu:
- Thôi, cô làm gì cô cứ làm đi, kệ bà cháu tôi.
- Mẹ!
- Tôi già, nhưng chưa ngô, chưa ngọng đâu.
- Mẹ...
Đầu người đàn bà cúi xuống, mũi bà phồng lên hít hít vào mái tóc đứa bé.
- Này cô, ra vườn hái cho tôi quả chanh, để đầu con bé khai khú ra thế này, đến đầu con còn chả chăm sóc nữa là.
Người con gái biết mẹ có điều gì chưa nguôi, chị liếc nhìn mẹ rồi lắc đầu bước đi.
IV
Bà Đào đẩy cổng vào nhà, may là tối nay có trăng. Mặt trăng mười sáu như miệng bát ô tô dính vào bầu trời xanh nhợt, tỏa ánh sáng nhợt, tỏa ánh sáng trắng nhờ xuống mảnh sân nhà bà, soi rõ hình con chó đang nằm giữa sân. Thấy động, con chó định ngẩng mõm cắn, nhận ra chủ, cái đuôi to xù của nó quay tít lên mừng, cổ họng nó khẽ rít lên. Con gà mái đang ấp cựa mình kêu cục cục. Bà đặt gói cơm mang từ nhà con gái xuống cho chó. Con vật phàm ăn bập vào ngay. “Cha đẻ mẹ mày, cái giống tham ăn thì thế nào cũng có ngày trúng bả”. “Nếu nó bị làm sao thì bà cũng chẳng thể bỏ nhà đi lấy một phút”. Nhà bà chẳng có gì, bao nhiêu thứ đáng đồng tiền, bát gạo bà mang hết cho vợ chồng nó. ấy vậy nhưng chuồng chim còn có cứt. Gà đấy, lợn đấy, rổ rá, quần áo, đồng hồ, phích nước... Mất cái gì phải sắm cái đó. Sắm là phải có tiền. Thời buổi này tiền làm ra thì khó, tiền tiêu thì như củi lụt, quá tiền quan kim, ai đời cái rá con cũng năm trăm đồng... Bà cầm cái thau đồng ra bể.
Bóng trăng vàng kệch sóng sánh trong chậu nước. Nước mưa mát lịm làm bà tỉnh táo. Bên kia đình có tiếng động mạnh, lại có đôi trai gái nào thôi. Gần hai chục năm nay, từ hồi Đảng bộ cho xây trụ sở Đảng ủy bên cạnh trụ sở ủy ban, ngôi đình đụn thâm nghiêm là thế bỗng trở thành lớp học trẻ con. “Nhất quỷ nhì ma mà”. Đã bảo trên thành cắm biển bảo tồn bảo tàng rồi, thế mà trẻ vẫn phá, trẻ phá đã đành, đến người lớn cũng phá. Người lớn thường đẽo dăm ba hòn gạch ở chân tường đình đi một nhẽ, đằng này ngay cả ủy ban, cả đảng ủy cũng chả ai tôn trọng. Đình sụt lở dần, chỉ có trụ sở ủy ban, trụ sở đảng ủy là như ganh nhau, chả bên nào chịu kém bên nào. Rồng phượng, trâu bò đắp đầy hai bên cổng. Chao ôi, bà bê chõng ra sân, rồi bưng rổ lạc khô ra bóc. Con chó đã ăn sạch chỗ cơm ra nằm phủ phục dưới chân bà. Bà vốn không ưa giống chó, ngày trước những đêm nóng, cửa cổng mở tung cả đêm chẳng mất mát gì. Còn bây giờ, hở cái gì mất cái đó. Ăn trộm đêm, ăn trộm ngày quá ăn cướp. Buồng chuối nhà bà quả ken nhau đều tăm tắp như răng lược như thế mà lãng một cái chỉ còn trơ cái cuống đang rỏ nhựa. Trẻ con thì hỗn láo quá thể, mà có ai dạy chúng phải kính trọng ai, kính trọng cái gì. Chỗ nào chúng cũng phá phách. Chà, trẻ con thì thế, còn người lớn toàn một màu ghen ăn với nhau hục hặc, lầm lầm chỉ rình nhảy vào nhau mà cắn mà xé, ngày xưa, dân làng có ai đói quá phải đi phu phen ở Sài Gòn, ở bên Tây về có giàu có, sang trọng một tí, nhưng ra đường vẫn cúi mặt vì xấu hổ bởi phận tha phương cầu thực. Mà nghĩ đi nghĩ lại số người đó toàn dân ngụ cư, toàn con nhà mõ sãi, hoặc ăn ở thất đức từ đời nào mới nên nông nỗi ấy... Thời buổi này, con ông nọ bà kia, toàn bí thư, chủ tịch tranh nhau đi phu thế giới, mang được dăm thứ đồ bên Tây về, vênh vênh váo váo với làng với nước. Bình bịch phóng ào ào, gặp người trên kẻ dưới mặt cứ vác lên, mắt nhìn trừng trạo. Chao ôi, lộn ngược, lộn ngược hết cả, thế mà... Con vàng bỗng hực lên mấy cái, bà ngẩng nhìn lên. Tay bà đau điếng vì thanh tre bóp lạc bấm phải tay. Bà vỗ bàn tay đau vào đầu con chó khi nhận ra ông Nham. Cái bóng của ông quăn queo trên nền sân đầy trăng trăng trắng.
- Ông đến chơi?
- Tìm bà suốt mấy hôm, may hôm nay gặp được bà.
- Vâng, tôi bận quá.
- Bà vừa ở nhà con Xuân về?
- Vâng, mời ông ngồi.
Bà Đào đứng dậy vào bưng bộ ấm chén, vừa vấp vào bậc cửa, bà hiểu rằng, “ông ấy đến vì chuyện ấy, còn bà, bà biết nói gì, nghĩ thì được, nhưng nói ra thì cứ rối tinh, rối mù... ”.
Lòng bà nặng như cối đá đeo.
V
- Ông xơi nước đi, nhà không có đàn ông, rặt chỉ có nước vối.
- ấy, tôi cũng thích thế. Hội họp bắt buộc phải uống nước chè khan cả giọng, chứ ở nhà, cái giống vối ủ lâu năm, chữa được cả đau bụng kinh niên.
- Vâng.
Sau tiếng “vâng” cả chủ lẫn khách đều im lặng. Trong đầu ông khách loay hoay tìm cách nói chuyện như đứa trẻ con tìm lối đi tắt qua vườn đầy cây ăn quả. Bà chủ nhà bóp lạc tanh tách. Thôi đằng nào cũng phải nói. Ông bí thư đằng hắng một tiếng dài, một tiếng ngắn sau đó rút tờ giấy từ trong túi áo ngực ra:
- Tôi tính bà nên cầm lại, vừa là đồng chí vừa là người trong họ ngoài làng, làm thế này tôi e ảnh hưởng đến uy tín của bà, đến các cháu.
- à, chuyện ấy hả ông, nếu chỉ để tôi khỏi bị cái này, cái kia thì tôi không rút đâu. Tôi già rồi, chả ai nỡ hành hạ tôi. Còn con cháu tôi, nó đeo đằng họ bố, chứ bà ngoại thì nhằm nhò gì.
Ông Nham hơi sững người, nghe bà nói, mới biết bà ấy không phải người không biết gì.
- Cháu Xuân đã nói với bà rồi chứ?
- Nó nói nhiều chuyện lắm.
- à, là cái chuyện miếng đất ưu tiên cho đảng viên lâu năm ở xã.
- Tôi ở thế này đủ rồi, ông ạ. Nhà nó có thằng chồng nó lo. Tôi có nằm xuống chỉ ba tấc đất, còn chỗ này lại đến vợ chồng nó, lấy nhiều làm gì.
á, à, rõ ràng luận điểm này là do đứa nào mớm vào, chứ ông biết người làng Chiện đã không nói thì thôi, chứ nói ra thì ông nào, bà nào chả hám đất. Đông đàn dài lũ cũng hám, mà tứ cố vô thân cũng chẳng từ. Đã thế thì ông phải đi thẳng vào vấn đề.
- Đảng là nơi quan trọng linh thiêng, trong khi người ta muốn vào không được, mà bà lại...
- Thì cũng như đền chùa là chốn thâm nghiêm, thế mà bây giờ... - Bà ngừng một lát để vẩy vỏ lạc ra khỏi cái kẹp... - à. Còn ai muốn vào tôi nhường. - Bà Đào đưa mắt lên nhìn vành trăng, rồi cúi xuống. - Ông xem bốn, năm năm trở lại đây, ta kết nạp được ba bốn người thì làng xóm biết cả, toàn một màu thớ lợ, không phải quân lừa thầy phản bạn thì lại... mà người vào Đảng lại phải quỵ lụy, phải cầu cạnh, phải mua gạch, mua ngói cho người trong cấp ủy, phải mua gà, mua chó cho đại hội chi bộ thì tôi tính...
Ông Nham thấy trong cổ coi chừng như có lửa hơ, ông tự ý cầm ấm nước rót vào chiếc cốc. Nước vối ngọt quá, mát quá mà không khỏi khát.
- Nếu thế thì bà phải đấu tranh, chứ đằng này...
- Tôi già rồi ông ạ. Tôi muốn nghỉ ngơi, ở nhà thì ở, xuống với vợ chồng nhà nó thì xuống.
- Thì có ai cấm bà. Sắp đại hội rồi, bà làm thế sao tiện.
- Tôi chả quan tâm gì nữa. Vì tôi không biết nói ra sao, chỉ xin phép ông cho tôi được nghỉ.
- Bà giải quyết thế chứng tỏ bà từ bỏ vai trò của người đảng viên. à, đúng rồi, phải phê bình, phải kiên quyết...
Nói xong câu này, bí thư Nham thích thú vì câu nói gãy gọn của mình.
- Vâng, tôi ít chữ, tôi lại không biết ăn nói. Với lại ngày xưa nói còn được, chứ bây giờ còn ai nghe, như ông Màn ấy.
- Sao bà lại so sánh với ông Màn? Chà, nói bà chưa hiểu, chứ riêng bà... Sao bà tự ti thế? - Lại thêm một chữ ông nhặt được trong đợt bồi dưỡng bí thư xã ở huyện.
- Tự ti là gì hả ông?
- Đại khái là bà, bà...
Ông Nham giật giật cái tay làm con chó vàng hốt hoảng nhổm dậy. Nó đưa đôi mắt nhấp nhoáng ánh trăng nhìn ông. Ông khách thấy vậy giật mình:
- Kìa bà.
- Vàng, nằm xuống. à, tôi hiểu rồi, tự ti... Ông xem con người ta đánh nhau thì bị giam giữ, trốn bộ đội về thì bị lao động cải tạo, tìm được việc còn khó nữa là tính chuyện đi đâu.
May có ánh trăng, ánh trăng chỉ có một màu vàng chờn chợt hơn nữa mắt chủ nhà cũng kém, bà lại đang cúi đầu xuống rổ lạc nên không để ý mặt ông khách như sẫm lại.
- Bà hiểu cho, tôi có mình nó là con trai.
- Tôi chả nói riêng ông, mà con cái ông chủ tịch, ông chủ nhiệm, cô hội trưởng phụ nữ, ông công an, toàn cấp ủy cả. Mà cũng chả cứ nguyên con cái mà bao nhiêu chuyện khác, dân làng...
Ông Nham chặc lưỡi:
- Thì bao nhiêu năm làm việc cho làng cho xã cũng phải được tí gì ưu tiên chứ.
- Ông nói thế tôi vô phép ông.
- Thế còn lá đơn?
- Tôi không rút đâu, ông ạ. Các ông cứ giải quyết cho tôi.
- Bà dứt khoát thế à?
- Vâng.
- Thôi, được rồi.
Ông bí thư động đậy thân mình định nhổm dậy, nghĩ thế nào ông lại thu tờ đơn về làm con chó hực lên mấy tiếng.
- Tôi xin nói thật, dù sao chưa xét đơn xin ra của bà, bà vẫn là đảng viên. Đứa nào bạo mồm nó sẽ bảo, bà làm thế là bà phá phong trào, phá Đảng ở xã, phá xã là bà phá huyện, phá thành phố, từ đó suy rộng ra là bà phá Đảng ở trung ương, Đảng cộng sản ta là Đảng của thế giới, thế là bà phá cả thế giới.
- Thế kia à? Vậy thì ông đưa đơn cho tôi.
Ông Nham nghe nói mừng quýnh lên. Ông không ngờ câu hăm dọa vớ vẩn của ông lại tác động đến bà lão cố chấp, cứng nhắc đến thế.
- Đây, đây, bà cứ cho nó mồi lửa, khổ quá, bà chưa hiểu chúng tôi, chưa hiểu cấp ủy, thường vụ đã ra nghị quyết phải làm từng bước để cải tạo xã ta, đưa xã ta lên.
- Vâng, vâng, tôi hiểu rồi, hiểu rồi.
Giọng bà lộ rõ sự mệt mỏi chán nản. Ông bí thư hình như không nhận ra, đứng dậy.
- Thế nhé, tất cả những điều tôi hứa với bà, với cháu Xuân sẽ được thực hiện.
- Tôi chả cần đâu, ông ạ.
Bà Đào buông xuôi, cố giữ một tiếng thở dài nhìn theo cái vạch hơi cong đen sẫm của cái lưng ông bí thư trong nền trăng mỏng manh.
*
* *
Chiều hôm sau, bà Đào lại đến trụ sở Đảng ủy. Bà lại nộp đơn. Nội dung lá đơn hầu như không mấy thay đổi, chỉ khác ở đầu lá đơn là nhờ thằng Vĩnh ghi rõ “Đơn xin ra khỏi Đảng ở làng Chiện”.
Tháng 9 năm 1988