Truyện ngắn
“Trân trọng tặng tất cả những ai quan tâm đến sự kiện:Đoàn tàu không số.”
Mãi đến hôm nay, tôi mới có dịp hướng dẫn các bạn đi tham quan những danh lam thắng cảnh ở Hà Nội. Tôi tự hào nói cho mọi người nghe về mảnh đất nghìn năm văn hiến. Các bạn trong đoàn bị cuốn hút trước những câu chuyện tôi kể. Mọi người trầm trồ:
- Cậu nói như hướng dẫn viên chuyên nghiệp ấy!
- Chắc bạn phải đọc nhiều sách, mới biết lắm chuyện hay đến như vậy?
- Chuyện, người nào muốn kể vanh vách từng sự tích nhỏ, chắc chắn phải nhập tâm từng giai thoại một. Hơn nữa, đây là nơi bạn ấy đã sinh ra và lớn lên.
Vậy mà Vang - một trong hai thí sinh có số điểm thi thử cao nhất, quê ở một vùng hẻo lánh ven biển lại thờ ơ, lơ đãng như một người biết rồi. Thấy thế, tôi hơi phật ý hỏi:
- Chắc Vang đã nhiều lần đến những nơi này?
Vang thật thà:
- Bận trước, tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc xong, mình về quê luôn.
- Thế lần này, Vang định bao giờ ra xe?
- Mình ở lại chờ ngày lên đường.
Những người trong đoàn nhìn nhau:
- Sao vậy? Mình không hiểu? Xa nhà lâu thế, cậu chẳng thấy nhớ hay sao?
- Được nghỉ những một tuần cơ mà! Về báo tin thời gian bay cho bố mẹ mừng.
- Hay người thân cuả bạn cũng đã có mặt ở đây chờ ngày đưa tiễn?
Thấy Vang lắc đầu, tôi nói:
- Mang tiếng là một đoàn, nhưng chúng ta chỉ có năm người. Bọn mình tuy ở các vùng quê khác nhau, song trong thời gian vừa qua đã gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi. Coi nhau như anh em ruột thịt! Vang gặp trở ngại gì, nói cho các bạn trong nhóm hay. Rồi chúng mình cùng bàn cách giải quyết.
Vang e dè:
- Mình cám ơn mọi người. Tối qua các bạn có xem dự báo thời tiết không? Ở quê mình đang có bão! Mà nhà mình chỉ là một con thuyền nhỏ. Trước đây, cái làng ghi trong lý lịch trích ngang được hình thành do nhiều con thuyền tụ lại, nay đây mai đó. Tuy bây giờ họ quây quần nuôi cá lồng bè, kết hợp với việc lập thành làng du lịch sinh thái trên biển. Song nơi đó lại nằm giữa các vụng đảo ngoài khơi. Biển động, không một tàu thuyền nào tới được!
Tôi kinh ngạc:
- Sao các thày bảo: Vang đến từ trường bổ túc công nông của tỉnh, nhà ở một xã thuộc vùng bán sơn địa.
- Mình chỉ được học ở đấy những năm cuối của chương trình trung học. Còn trước đó, kỳ mình theo Lớp Nhô của xã, lúc học nhờ trường bổ túc do bộ đội Hải quân mở. Quê mình có địa hình phức tạp, rừng núi đồng bằng và biển nằm xen kẽ. Những người dân không có đất, tụ lại với nhau lập thành vạn chài, phải đăng ký nhờ hậu khẩu nơi bến thuyền thường ghé. Mà này, lớp học đầu tiên của mình được kết bằng những con thuyền trên biển đấy.
Tôi thốt lên:
- Thảm nào cậu chơi bản: “Khúc nhạc chèo thuyền” hay đến như vậy.
Vang trầm ngâm:
- Bạn biết không? Người chỉ bảo cho mình cách thổi sáo, cũng chính là thày dạy những con chữ đầu đời đấy.
* *
Tôi còn nhớ ngày đầu tập trung, sau khi nghe các thày ở trung tâm phổ biến chương trình và nội qui buộc các thành viên trong đội tuyển tuân thủ. Mặc dù là người duy nhất nhà ở Hà Nội, tôi vẫn không được ngoại lệ. Lần đầu không có người thân bên cạnh, lại lạ nhà tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ngoài nỗi nhớ bố mẹ, thói quen dạo vài bản nhạc trước khi đi ngủ làm tôi trằn trọc hoài. Vừa chợp mắt được một lúc, đang trong trạng thái mơ màng, tôi choàng tỉnh mở toang cửa sổ. Trong màn đêm yên tĩnh, vang lên một giai điệu quen thuộc. Ai đang thổi sáo bản: “Khúc nhạc chèo thuyền”? Tác phẩm tôi yêu thích, thường chơi bằng đàn vĩ cầm. Tôi không khỏi ngỡ ngàng, vì lần đầu tiên thấy có người độc tấu bản nhạc này bằng sáo. Tôi mở toang cửa sổ, ngó xuống hàng ghế đá dưới gốc cây xà cừ, nơi những âm thanh đang vang lên dồn dập. Bóng tối không cho tôi nhìn rõ mặt người nghệ sĩ. Tiếng sóng biển dạt dào bị ngưng lại bởi giọng nói của thày quản sinh: “ Vang! Em mới tới chập tối, nên chưa biết nội qui. Lỗi tại thày không phổ biến kịp thời! Tiện đây thày cũng nói để em được rõ: Đây là khu tập trung nhiều học sinh, sinh viên và các nghiên cứu sinh về bồi dưỡng thêm kiến thức, trước khi đi nước ngoài học tập tại các trường Đại học có uy tín. Để giữ yên tĩnh cho toàn khu vực, cấm mọi âm thanh ồn ào, náo động! Nhất là vào buổi tối, vì đây là những giờ tự học quan trọng.”
Thấy tôi im lặng, Vang hỏi:
- Bạn mệt hay sao vậy? - Quay sang các thành viên khác, Vang đề nghị - Chúng mình ngồi nghỉ một lát, rồi hãy đi tiếp.
- Phải đấy! Tớ cũng đang mỏi chân đây.
Tôi yêu cầu:
- Vang kể cho mọi người nghe về lớp học trên biển đi.
...Bọn mình mang cá vụn đến bán cho chú Trang, người mới được bộ đội Hải quân cử phụ trách khu nhà bè. Chú mua làm thức ăn cho lũ cá được nuôi trong lồng. Khi chú đưa tờ hoá đơn, đề nghị bọn mình ký nhận số tiền thanh toán. Những đứa trẻ thuyền chài nhao nhao :
- Không biết chữ!
- Chỉ quen điểm chỉ thôi!
- Mọi lần vẫn thế!
- Làm vậy mà lấy được tiền thì học chữ làm gì cho mệt!
Chú nhìn bọn mình cười:
- Các cháu cứ đùa, hôm nọ chú còn thấy cả nhóm trao đổi với khách du lịch nước ngoài bằng tiếng Anh nữa là. Trẻ em ở thời buổi này chẳng đứa nào nói câu: Không biết chữ!
Lúc bấy giờ mình đã nổi cáu, gay gắt: “Không mua thì thôi. Cứ vặn vẹo hoài.” Chú đâu có hiểu, cái thứ tiếng Anh bồi đó bọn mình học lỏm từ các cô hướng dẫn viên du lịch trên vịnh. Biết để chào hỏi, bán cho được nhiều hàng thôi!
Chẳng hiểu từ bao giờ, những người dân vạn chài chỉ cần đẻ nhiều con trai, để có người đi biển. Người có chữ cũng không đánh bắt được con cá to hơn kẻ chẳng biết. Người lớn ở vạn chài vẫn thường bảo: “Cái quan trọng hơn là những thứ trong nồi. Ông bà mình từ xa xưa đến nay, không có chữ vẫn sống tốt đấy thôi.”
Bọn mình cạch xít không bán cá cho chú Trang nữa. Hai hôm sau chú chèo mủng tới nơi xóm chài thường tụ lại sau buổi đi biển. Chú bảo mình:
- Sao không mang hàng cho chú? Lũ cá trong bè chẳng đủ thức ăn đang nháo nhào phản đối đấy. Chú có quà đây! Vang! Giúp chú một tay phân phát cho các bạn.
Chú Trang đưa cho một bao tải đầy, mình tò mò mở ra ngó, thấy bên trong toàn tranh chuyện. Bọn nhóc vạn chài say sưa xem và thi nhau bình phẩm về nội dung của các câu chuyện qua những trang sách. Không đứa nào chịu thua, ai cũng có cái lý của mình, bèn nhờ chú Trang làm trọng tài phân giải. Thấy thế chú Trang nói:
- Những dòng chữ bên dưới ghi rất rõ lời thoại của các nhân vật. Bọn cháu chỉ học có tẹo teo là biết họ nói gì với nhau.
Bọn trẻ nghi ngờ:
- Chúng cháu không tin?
- Chú cứ trêu bọn cháu.
- Nào ai muốn học chú chỉ cho.
Từ buổi đó lũ nhóc vạn chài bám lấy chú, chơi trò ghép chữ. Chúng mình luôn cãi nhau chí choé, thi xem ai hiểu đúng nhất nội dung những trang chuyện tranh. Chú Trang đã gieo niềm khao khát học hỏi cho lũ trẻ thuyền chài như vậy đó. Cứ như thế, lớp học trên biển hình thành lúc nào chẳng hay. Chú Trang trở thành người thày đầu tiên, dẫn dắt bọn mình trên con đường kiếm tìm kiến thức của nhân loại. Lớp học được mở ở tất cả mọi nơi có thể, lúc bằng những con thuyền ghép lại sau buổi đi khơi, khi trên bờ cát trắng ven các đảo, trời nổi dông bọn mình lại chui vào hang động. Không những các dòng chữ hồi đó mình viết bồng bềnh như đợt sóng triều, mà nó còn mờ nhạt bởi hơi nước mặn. Có bạn đã từng hỏi: Tại sao trong vở bài tập làm hồi ở nhà, hình vẽ có lúc không chuẩn? Nằm xấp trên sạp một con thuyền nhỏ, vào lúc sóng gầm rất khó dựng chính xác các góc, cạnh theo yêu cầu của đề bài. Đấy cũng là một điểm yếu mà mình chưa khắc phục được.
Chẳng những chú Trang chỉ bảo bọn mình rất tận tình, mà còn tìm đủ loại sách giáo khoa trong phạm vi có thể. Ngoài ra, chú còn dạy mình các phương pháp tính toán không có trong chương trình học. Chẳng hạn như khi làm phép cộng nhiều số hạng, ta thường làm từ phải sang trái. Vậy mà chú hướng dẫn cho mình cách tính nhẩm, viết luôn kết quả ngược lại. Hoặc khi nhân một số với hai năm, ta sẽ chia nó cho bốn, rồi thêm hai số không. Chứ làm như sách giáo khoa, mất những hai lần nhân và phải thêm một phép tính cộng. Với mình, những lời chú Trang dạy giống như câu thần chú, chiếc chìa khoá trao tay, giúp mở cánh cửa kho tàng trí tuệ của nhân loại.
Một lần, thấy mình buồn rầu trước những trang sách nhàu nát, chú Trang hỏi:
- Sao thế?
- Cháu chẳng còn bài tập nào để làm!
- Muốn thử sức hay sao? Thôi! Để chú tìm cho một số tài liệu dành cho học sinh giỏi.
Lúc đưa cho mình, bao giờ chú cũng loại bỏ đi phần hướng dẫn. Chú nói: “Tự mình mày mò sẽ chẳng bao giờ quên! Cháu phải tìm được nhiều cách giải cho một bài toán.” Cứ thế, bọn mình không tuân theo một giáo trình nào cả. Đứa nào hiểu được đến đâu, học đến đó. Chú Trang phải dạy nhiều cấp học cùng một lúc. Sau này, đơn vị Hải quân tách hẳn chú ra phụ trách công tác giảng dạy. Để lớp học tồn tại, họ giúp bọn mình rất nhiều về vật chất. Rồi, chuyện của chúng mình cũng đến tai những nhà chức trách. Phòng giáo dục cử thêm giáo viên giúp đỡ chú về chuyên môn. Điều đặc biệt quan trọng là lớp của mình được công nhận trong hệ thống giáo dục của huyện. Lớp học trên biển trở thành: Lớp Nhô của xã sở tại, nơi xóm chài đăng ký nhờ hộ khẩu. Bố mình nói với mọi người: “Đáy biển ở đây nhiều chỗ trơn tuột, dòng chảy xiết, khiến thuyền toàn trôi mỗi khi buông neo, chẳng làm cách chi cho nó đứng nguyên một chỗ được. Lũ nhóc ở vạn chài cũng thế, nhiều lần người ta đã mở lớp, tìm đủ mọi cách nhồi nhét chữ, nhưng sóng biển cuốn đi tất cả. Vậy mà bây giờ chú Trang tài thật, đã neo được những con chữ trong đầu bọn nhỏ. Đó là điều kỳ diệu nhất xảy ra ở vạn chài này.”
Vào năm mình đạt điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, cũng là lúc đã học xong chương trình cấp hai được mở ở xã. Muốn học lên phải đến tận trung tâm huyện, nhưng gia đình lại không đủ khả năng. Chú Trang chạy vạy gõ cửa các nơi, xin cho mình vào trường Bổ túc công nông của tỉnh.
Thấy Vang im lặng, tôi hỏi:
- Thế còn “Khúc nhạc chèo thuyền”.
Vang nhỏ nhẹ:
- Nhà chỉ có hai mẹ con, bố chú ấy đã hy sinh trên biển vào những năm chiến tranh. Chú Trang thổi sáo rất giỏi, có thể bắt chước được hơi thở của biển, hót như những con chim gọi mặt trời, hoặc tiếng của bầy cá heo nô đùa trên mặt nước. Một lần bố mình đưa chú đi thăm một cái hang để hàng của ta hồi đánh Mỹ. Trên đường đi ông kể - Ngày ấy tôi mới mười bốn, mười năm tuổi. Cứ tối đến, cả vạn chài này đều tham gia vận chuyển hàng cho bộ đội. Hàng được chuyển vào kho trong các hang đá, hoặc áp mạn những con tàu không số. Dạo ấy chúng tôi chỉ hiểu, đó là hàng đặc biệt giành cho chiến trường, chứ đâu biết mình đang tham gia vào tuyến vận tải đặc biệt trong con đường mang tên Bác trên biển - Chiếc thuyền buồm cánh dơi no gió lướt như bay trên mặt vịnh. Chú Trang ngồi tựa mạn thuyền ngắm cảnh vật xung quanh, rồi lấy sáo ra thổi. Những âm thanh réo rắt vang lên dồn dập. Giống như con thuyền đang dập dờn trên biển, lúc lên cao chơi vơi, khi lao xuống tận đáy chân sóng. Giai điệu chấm dứt, bố mình lên tiếng - Dạo trước có đồng chí bộ đội nhận tôi là em, từng coi kho ở đây thổi sáo bài này rất hay. Anh ấy tâm sự, có vợ là nhạc công của một đoàn nghệ thuật, bài này học được từ cô ấy. Dạo đó, anh cũng có ý định dạy tôi học chữ, nhưng chưa kịp thực hiện đã phải lên đường nhận nhiệm vụ mới, từ đó đến nay bặt tin. Không biết còn sống hay đã hy sinh trong chiến tranh? Hôm chào từ biệt có gửi tôi một ít đồ với lý do: “Vì nhận nhiệm vụ đặc biệt, nên tất cả những thứ liên quan đến miền Bắc không được mang theo. Em giữ hộ, khi quay ra cho anh xin.” Vậy mà, tôi chẳng còn được trao lại số kỷ vật trên cho người gửi. Tôi vẫn gói cất kỹ, để trong đáy cái hòm thùng dưới khoang thuyền. Chiến tranh kết thúc, đợi mãi chẳng thấy anh trở về, tôi bèn mở ra xem. Gói đồ gồm mấy mét vải xanh, bộ quân phục, cái bút máy Trung Quốc nắp mạ vàng, quyển sổ tay ghi chép chỉ còn dăm trang giấy trắng, một cái ảnh của vợ con. À! Còn cây sáo làm bằng ống đuya ra, được chú trao ngoài gói đồ. Lúc đưa có nói - Anh làm vật này tặng cậu con trai nhân ngày sinh nhật. Sợ hơi nước mặn ăn mòn lớp vỏ, đã tẩm qua dầu lau súng, nên phải gói riêng ra. Ống sáo được khắc tên cháu – Chú Trang thốt lên – Thế tên cậu con trai của bác ấy là gì? – Anh không kịp nói, mà tôi đâu có biết chữ để đọc những thứ ghi trong đó. Vang! Xuống khoang thuyền mở hòm lấy tất cả lên đây. Bàn tay chú Trang run run, giở xem những kỷ vật của người đi xa. Mình cầm ống sáo lên, lấy giẻ lau qua lớp dầu bảo quản. Khi đọc dòng chữ và dẫy số mình thốt lên – Tên của chú Trang này! Mà có cả ngày tháng năm sinh nữa! Liệu... - Chú Trang đưa cho bố mình tấm ảnh đen trắng trong gói đồ - Đây là ảnh mẹ con cháu!
Nghi thức đầu tiên của ngày hội truyền thống đơn vị Hải quân nơi chú Trang công tác là: Lễ tưởng niệm những con tàu không số còn nằm lại ở đâu đó trong lòng đại dương mêng mông. Ba chiến hạm dàn hàng ngang nơi cửa vịnh. Những vòng hoa được thả xuống trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, các chiến sĩ Hải quân mặc lễ phục nghiêm trang xếp hàng trên bong tàu đứng cúi đầu, tay cầm mũ. Một đoàn thuyền đủ các loại của người dân vạn chài kéo tới đậu quanh các chiến hạm. Bọn mình thả xuống biển vòng hoa tự làm bằng những tờ giấy học trò đủ loại. Mỗi bông hoa chúng mình ghi một lời nguyện ước, cầu mong những điều tốt lành nhất đến với cuộc sống của con người. Không gian im lặng đến nỗi ta nghe thấy cả tiếng bầy hải âu chao cánh. Bất chợt từ con thuyền của nhà mình vang lên giai điệu: “Khúc nhạc chèo thuyền”. Hai mẹ con chú Vang say sưa song tấu. Người mẹ tóc bạc phơ đứng trước mũi thuyền kéo đàn vĩ cầm, còn cậu con trai đứng cạnh cột buồm thổi sáo. Bản nhạc chấm dứt, ba chiến hạm đồng loạt kéo còi. Các con tàu khác trong cảng nổi còi đáp lại. Khúc tưởng niệm của những con tàu, dành riêng cho các anh hùng chinh phục đại dương...
* *
Đêm đã về khuya, khu ký túc xá dành cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi toán quốc tế chìm trong im lặng. Sau những ngày học tập căng thẳng, với kết quả kiểm tra lần cuối trước khi lên đường khá tốt, tôi hài lòng những gì đã đạt được. Trước khi bay ra nước ngoài theo lịch, chúng tôi được nghỉ về thăm nhà một tuần.
Cả ký túc xá của đoàn học sinh giỏi, chỉ còn tôi và Vang. Các bạn khác đã được người nhà đón tới khách sạn, để sớm mai ra xe sớm. Tôi cũng rất muốn về báo tin cho bố mẹ biết, mình là người còn lại có số điểm cao nhất, song sợ Vang ở một mình sẽ buồn. Lúc chỉ còn hai đứa, tôi nói với Vang ý nghĩ của mình:
- Những ngày ở lại đây, cậu hãy đến nhà mình cùng ôn bài. Mà này, tớ cũng chơi được bản: “Khúc nhạc chèo thuyền” bằng vĩ cầm đấy. Hay, hai đứa mình cùng song tấu bản nhạc này trong buổi liên hoan trước khi đoàn lên đường.
- Mình chỉ biết chơi theo kiểu nhập tâm thôi.
- Tớ cũng chẳng cần nhìn bản nhạc vì đã độc tấu bài này nhiều lần, hai đứa mình chỉ điều chỉnh tý chút cho phù hợp. Hay mình chơi theo bè, tiếng đàn của mình sẽ lắng xuống làm nền, để tiếng sáo của bạn bay vút lên cao.
Vang ngần ngại:
- Mình sợ không làm được như vậy.
- Thế chúng ta mới phải tập.
- Mình ngại lắm.
- Để tớ mang đàn tới, hai đứa mình cùng chơi.
- Thôi, đừng làm phiền những người khác. Để mai đến nhà bạn, mình sẽ có câu trả lời sau khi chơi thử.
Đã mấy lần tôi cầm điện thoại nội bộ của trung tâm định thuyết phục Vang, yêu cầu có câu trả lời ngay. Song băn khoăn, chẳng biết cậu ấy còn thức hay đã ngủ? Thôi, đành cố gắng chờ đến sáng mai vậy. Giấc ngủ đến với tôi lúc nào chẳng hay. Tôi mơ thấy: Hai đứa đứng trước mũi một chiến hạm say sưa song tấu “Khúc nhạc chèo thuyền”. Trên mặt biển muôn vàn con chữ bồng bềnh, lấp lánh nhảy múa theo giai điệu của bản nhạc. Những xoáy nước xuất hiện, các con chữ nối nhau xoay tròn, tạo thành một bông hoa lớn. Rồi, dòng chảy đưa chúng lao nhanh về phía trước. Nơi đó, phía chân trời thấp thoáng những con tàu không số.