Trang chủ » Truyện

NGƯỜI ĐÁNH HỔ

Trịnh Văn Túc
Chủ nhật ngày 4 tháng 9 năm 2011 10:00 PM
 
 Không hiểu ở đâu một con hổ lạc về, con hổ dở hơi, nó còm nhom, bẩn thỉu, từng mảng lông ở đuôi, ở cổ chốc lở, ánh mắt của nó quá mệt mỏi và thờ ơ như một kẻ chán đời, có lẽ nó chẳng còn thiết gì nữa, kể cả ngay mối đe doạ của đám người hiếu kỳ đương xúm đông xúm đỏ ngó vào nó ở dưới chân dốc.
 Con hổ không ý thức được giây phút tận số sắp đến với nó. Cái lũ động vật hai chân đương đứng thành bầy đàn rất hiền lành và yếu ớt kia là giống người. Con hổ đã gặp họ đôi lần, họ nhút nhát và yếu đuối, nhút nhát đến mức khi giống người đơn lẻ đi ở bờ suối gặp hổ thì họ sợ nó đến mức lăn cu chiêng trên sườn đốc vì níu hết cả chân tay vào nhau, còn miệng thì ú ớ kêu một cái gì đó không thành tiếng, nó thảm hại như tiếng van lạy, cầu xin với chúa, một bậc thánh thần. Con hổ thấy buồn cười quá. Người là cái giống gì vậy, người thảm hại hơn con nai, con hoẵng, người yếu hèn hơn con thỏ, con nhím. Cái giống nai, hoẵng còn biết khôn ngoan mà thét lên những tiếng kêu nguy hiểm báo hiệu cho đồng loại, rồi co giò phóng thẳng, còn giống thỏ đế, tuy không có răng và móng vuốt song nó có bộ tai thính và lối chạy ngoắt nghéo khiến chúa sơn lâm hay vồ hụt và rồi thì nó chui tọt vào các hang hốc và nằm lì ở đố. Dù là Hổ có uy danh lừng lẫy cả chốn núi rừng cũng phải nản chí mà bỏ đi nơi khác.
 Con Hổ hôm ấy đã không thèm động đến cái giống động vật hai chân yếu hèn mà nó gặp. Nó động lòng trắc ẩn, sao trong tự nhiên lại có một giống vật không có móng vuốt, nanh sừng để mà sánh với các loài khác cơ chứ.
 Con Hổ đã sống những ngày thật hạnh phúc ở trong khu rừng này bởi một lẽ vì ở đây chỉ có hai con hổ, một là nó, một chàng trai vừa lớn, hai là nàng hổ đẹp tuyệt trần.
 Nàng mịn màng từ chân đến đầu, mỗi bước đi đều uyển chuyển và duyên dáng, nàng hổ đã hấp dẫn chàng và cả hai đã tìm đến với nhau, đã sống những ngày thật hạnh phúc.
 Những ngày ấy vẫn còn là giấc mơ đối với chàng hổ, một giấc mơ sáng lạng tuyệt vời. Bên bờ suối dưới ánh trăng vàng đôi hổ là vua và hoàng hậu. Cuộc sống thật hạnh phúc chàng hổ được tạo hoá ban cho một cây quyền trượng có sức mạnh tuyệt đối. Muôn loài ở cánh rừng này phải thờ phục chàng. Hươu nai, trâu bò, dê lợn, cả những con cáo có hàm răng nhọn hoắt và cái mũi nhậy thính được mệnh danh là khôn ngoan vào bậc nhất, cả những con gấu đen chũi và cục súc như một tảng đá có đôi mắt tí hí đểu cáng. Tất cả đều là thần dân phải hiến tế cho chúa sơn lâm. Chú hổ có cuộc sống ấm êm no đủ, có tình yêu dư dật để mà liếm láp chằm bẵm. Cái tình cảm gắn bó keo sơn của đồng loại khác giới mãi mãi không thể giải thích được tại sao nó lại như thế. Thế giới có chàng và nàng.. đó là một nét đặc trưng để sinh vật thoát thai ra khỏi thế giới vô tri đất đá. Nó có được một vinh hạnh đồng thời cũng là một nhiệm vụ là giao cấu để sinh con đẻ cái. Lạc thú giữa hai giới đực cái ấy làm nên phép màu chan hoà màu sắc và vì thế nó cũng nhận được sự trừng phạt của thượng đế là có sinh ra và mất đi, đây là chuyện sống chết, lại là một đặc tính nữa của sinh giới.
 Có thể nói chàng hổ đã sống trong một thiên đường, một cõi trời lý tưởng, ở đây có thiên hiên hùng vĩ và hào phóng, những đỉnh núi cao ngất, những trảng cỏ xanh non ngờm ngợp ánh trăng, những làn gió đại ngàn thổi về vuốt ve bộ lông óng mượt của chàng hổ, chàng nhìn cả vương quốc mà hài lòng vì sự hợp lý và trật tự đã được thượng đế sắp đặt dù vẫn có đôi chút buồn chán.
 Với một sinh vật sống và nhất là với một loài được thượng đế trao đặc quyền thống lĩnh lại dư dật một sự nhàn rỗi khoái lạc nhiều lúc chàng cũng chán, chàng nghĩ đến cái chết, đến sự đầu hàng và trao vương quyền cho các loài khác có sức mạnh và sự gian giảo như gấu, lợn nòi để hưởng cái cảm giác làm một kẻ thần dân chịu khuất phục và cống nạp. Có nghĩa là chàng muốn khám phá một điều gì đó có trong chính mình song không được, thượng đế không cho chàng rời bỏ ngôi vị chủ soái, Hổ thì trước sau vẫn phải là Hổ, không thể xếp cùng chó với mèo được. Hình chóp nhọn vẫn là cấu trúc duy nhất của sinh giới.
 Nhưng rồi không hiểu từ đâu có một con hổ khác lạc về mà lại là con hổ đực.
 Mọi cái đều lộn nhào trong chàng Hổ thống soái, trước đây mọi thứ là duy nhất là một mối, thì giờ phải san xẻ làm hai.
 Hai con hổ cùng giống đực cùng có nhu cầu giống nhau về tất cả các đòi hỏi của cơ thể, chúng cùng muốn ăn một con thỏ vào buổi sáng, cùng muốn vươn vai bên bờ suối rồi gầm vang núi rừng để biểu lộ sức mạnh của bậc chúa tể, muốn được con hổ cái vuốt ve liếm láp, ấy vậy mà hổ cái thì chỉ có một và vì thế hai chàng hổ phải lao vào chiến đấu để tranh giành ngôi vị.
 Thật buồn cho chàng hổ của chúng ta là chàng đã thất bại, kẻ thất bại phải từ bỏ tất cả, kể cả nàng hổ ngày xưa vẫn kề đầu, gối vai ở cái bãi cỏ tranh mượt mà mà trong cuộc chiến của hai bên giờ đã tơi tả và vục uống một ngụm nước suối ở nơi đầu nguồn dù nước suối là vô tận.
 Một sự nhục nhã, ê chề, thù hận dâng đầy trong chàng hổ. Chàng quyết định trả thù. ý nghĩ ấy nung đốt trong tâm trí chàng. Chàng mong một tai hoạ thật khủng khiếp xảy ra huỷ diệt cả cánh rừng này ví như một trận đại hồng thuỷ hay hoả hoạn hay sự vỡ vụn của trái đất.
 Chúa trời không chuẩn y những lời cầu xin kiểu “thua thì làm giặc” ấy nên những đại hoạ không bao giờ xảy ra và chàng hổ chỉ có một cách là nhìn vương quốc của chàng với một vẻ hằn học u tối.
 Chàng hổ quyết định rình để giết chết con hổ cái. Giống cái phản bội đáng khinh bỉ nhất. Hổ đực nhớ lại những ngày xưa bên bờ suối, khi thế giới còn là của chàng. Con hổ cái đã rên ư ử và nói những lời yêu thương đầy mãn nguyện rằng chàng Hổ là người yêu duy nhất, là linh hồn, là thượng đế của nàng. Ôi giống cái mà cái vẻ uyển chuyển đáng yêu thấm ướt trong tất cả mọi cử chỉ giờ trở lên ngàn lần đáng ghét. Mi sẽ phải nhớ lại và trả lời tất cả những câu hỏi của ta. Ta sẽ phải móc mắt cào bụng mi dù ta có phải chết.
 Con hổ phục trong một lùm cây rậm cạnh bờ suối nó chờ con hổ cái ra uống nước.
 Và kia rồi nàng hổ, vị hoàng hậu của núi rừng bước từng bước mềm mại và uể oải ra suối. Có lẽ trên ngôi hoàng hậu với vị vua mới nàng hổ vẫn được hưởng no nê mọi thứ vuốt ve như cũ nên nàng vẫn đẹp như xưa, bộ lông mịn mượt đáng yêu của tuổi thanh xuân đang sáng lên óng ánh. Nàng đung đưa bộ ngọc béo ú nhẫy mượt còn cái đầu mượt mà của hoàng hậu hổ thì ngúc ngoắc theo nhịp đi đầy kiêu hãnh. Nàng vẫn là chủ soái dưới một người và trên cả trăm vạn.
 Hổ đực nhảy ba bước đến trước mặt hổ cái. Nghe tiếng động, hổ cái dựng lông, biến sắc. Cái giống mãnh thú trời phú cho một bản năng tự vệ nhanh nhạy. Nó thay đổi ngay vẻ uyển chuyển điệu đàng bằng thái độ sẵn sàng chiến đấu, nhưng khi thấy trước mặt là con hổ đực bị thất trận, hổ cái thả mềm hết các cơ bắp, nó lấy lại vẻ duyên dáng của giống cái.
 - Ơ kìa chàng.
 - Đồ giống cái thối tha phản bội- con hổ đực gầm gừ.
 - Có lẽ điều ấy giành cho chàng, chàng nhìn lại mình xem người chàng giờ sặc mùi xác chết rồi, em tưởng chàng nếu có danh dự của một đấng quân vương từng làm chủ núi rừng sẽ đâm đầu vào đâu mà chết rồi chứ, chàng là kẻ bại trận.
 Hổ đực cúi nhìn cơ thể mình, quả nó thấy rõ lời con hổ cái là đúng, cả người hổ đực đầy những vết cào xước bầm giập giờ đã bốc mùi hôi hám, bộ lông trước kia được xem như một tấm hoàng bào nhẫy mượt giờ trở lên trọc trụi. Con hổ đã bị đối thủ đánh cho tơi tả.
 - Ta đến đây là để giết mi.
 - Tại sao vậy- con hổ cái giả vờ ngọt ngào: Thượng đế sinh ra em và chàng, giống đực và giống cái là hai nửa của một sinh giới hoàn thiện.
 - Không có gì đáng ghét bằng sự phản bội, mi có nhớ mi nói với ta thế nào bên bờ suối.
 - Chàng không biết rằng phái đẹp cũng là một thứ của cải, phải có cả vạn năm sinh tồn thượng đế mới làm ra điều đó, kẻ chiến thắng là kẻ giành được tất cả. Thật đáng buồn rằng từ lúc chàng sinh ra ở cánh rừng này chàng không có đối thủ, cuộc sống đã quá nuông chiều và hậu hĩnh để chàng không biết cái đắng cay của sự đấu tranh, chàng đã thành một kẻ lười biếng tham lam và hợm hĩnh, chàng muốn mọi thứ, tất cả phải là của chàng, thế giới sinh ra là vì chàng, ôi nếu có thật như thế thì cuộc sống này sẽ đi tới ngày diệt vong đấy.
 - Cái miệng lưỡi của giống cái trơn tru thật ngày xưa người vẫn nói với ta những lời như thế, bây giờ ta muốn hưởng cái cảm giác được trả thù, tàn phá, huỷ diệt. Con hổ đực giận run, gân cốt nó rùng rùng chuyển động, nó muốn nhảy vào con hổ cái để ăn gan, uống máu. Bạn chưa hiểu cái cảm giác ấy ở giống dã thú. Không có cái gì có thể làm nguôi đi sự tàn bạo ấy dù ở trạng thái sắp chết. Con hổ cái biết điều đó, nó nghĩ cách thuyết phục. Đấy là sự thực, lẽ phải ở cõi đời mà tất cả những sinh vật sống đều có. Không con hổ đực không nghe thấy gì hết, không xúc động, thức tỉnh một điều gì hết ngoài ý định trả thù.
 Bỗng có tiếng gầm của con hổ đực chiến thắng ở đầu dốc. Tiếng gầm uy nghi của kẻ chiến thắng đương ở ngôi vị chúa tể tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh, chỉ tiếng gầm ấy mới là thứ duy nhất kéo con hổ đực bại trận kia ra khỏi trạng thái trả thù, nó cúp đuôi đi thẳng.
 Nếu đúng có khí phách của bậc chúa tể, con hổ bại trận kia có thể tự vẫn. Song thượng đế đã trừng phạt loài dã thú bằng cách không bao giờ cho nó biết tự vẫn. Một con hổ dù có được muôn loài khiếp sợ đến đâu cũng không bao giờ dám đập đầu vào đá hay nhảy từ trên đỉnh núi cao xuống vực. Con hổ chỉ đi lang thang trong nỗi cô đơn hành hạ nó.
 Đó là một thứ bệnh lý, một căn bệnh thần kinh nếu ta nghiên cứu sâu về diễn biến tinh thần của giống hổ. Nó xa lánh đồng loại, nó rúc vào chỗ tối như hang động, bụi cây mở cặp mắt thao láo u buồn mà soi rọi vào quá khứ. Nó bỏ quên những đức tính vốn có của loài hổ như tàn bạo, say máu. Nhiều khi một con thỏ hay một con nai tơ chạy qua trước mõm nó, hổ cũng không thèm bắt. Con hổ trở lên hiền lành và bao dung và đây là lý do để cho các con vật vốn trước là thần dân của con hổ cười cợt:
 - Đúng là giống hổ già rụng răng vô tích sự.
 - Đồ thất tình ngớ ngẩn.- Con cáo đi ngang qua vuốt chòm râu kiêu hãnh. Cái giống hay đánh nhau giờ bại trận thấy cuộc đời này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Có lẽ nó đương muốn nhờ chúng ta cắt bỏ hộ bộ móng vuốt vô tích sự.
 Tất nhiên là con hổ không thèm chấp những lời xúc phạm ấy. Dù là kẻ bại trận con hổ vẫn còn thừa khả năng đánh bại cả chục con cáo. Nó lắc đầu xua xua cái tay ra vẻ bảo con cáo lắm lời hãy đi chỗ khác mà bàn tán. Thề có chúa nó đã không nghĩ đến sự tàn bạo của loài dã thú. Hãy để cho nó yên với nỗi đau khổ của nó.
 Con hổ đã đi lang thang nhiều ngày, bây giờ sức nó không còn để đánh ngã một con nai. Nó quên cả thú nhục dục, thú săn mồi, thù hận ngủ im trong nó song hổ vẫn là hổ, vẫn chẳng có con nào dám tấn công nó. Con hổ bước những bước đờ đẫn vô hồn.
 Một con thỏ vô tình chạy qua trước mặt hổ, nó sợ run cẳng ngã lăn ra song đôi mắt đỏ đọc và tròn xoe như hòn bi ve vẫn nhìn hổ long lanh như không hề biết sợ. Con hổ đặt cẳng tay nặng trịch chẹn bụng con vật có bộ lông xám đẹp đẽ và khốn khổ đó. Nó thú vị nhìn cặp mắt hồn nhiên của con thỏ.
 - Người không biết ta là hổ à.
 - Chết chết- con thỏ kêu lên những tiếng van nài thống thiết, tiếng ấy vừa bé nhỏ vừa kính cẩn.
 - Con xin ngài được tha chết, con vô tình không biết uy ngài.
 Cả tuần nay con hổ không săn mồi, cái cảm giác nhai xé bản năng của hổ trở lên mờ nhạt và vì thế loài ác thú trở thành thông minh hơn nó vốn có.
 - Thôi, hãy bỏ quên cảm giác tôn thờ ấy đi, mỗi con vật là một sinh linh, đều có quyền bình đẳng.
 - Đằng kia có một con người, con thỏ thì thầm vẻ bí mật. Có họ, loài hổ các ông sẽ không còn là chúa tể nữa đâu!
 - Con người ư!- Con hổ ngạc nhiên.
 - Vâng, giống người, nó có hai chân, không có móng vuốt, thậm chí họ rất dễ chịu là khác, họ sẽ làm chúa tể.
 - Với ta điều này không quan trọng. Kẻ nào là chúa tể cũng được. Núi rừng cũng vẫn thế, suối vẫn chảy, cỏ non vẫn mọc. Bận lòng đến nó làm gì cơ chứ? Nhưng ta muốn đi xem cái loài chúa tể đó.
 Con hổ lững thững rời chỗ nằm và bước tới đầu dốc.
 Hoá ra là kẻ quen biết hèn mọn. Con hổ nghĩ vậy và thờ ơ nhìn đám người phía chân dốc đương chỉ chỏ nó.
 Nói chung con người thì vẫn là con người, hệt như lúc họ đã gặp con hổ một lần ở bờ suối. Song lần đó là đơn lẻ, con người chỉ có một mình, cái cô đơn đã làm tê liệt sức mạnh sinh tồn trong họ, còn bây giờ đám người là cả một cộng đồng với đủ dạng thức đàn ông, đàn bà, trẻ con, người sang, người hèn, kẻ nhát, người bạo dạn, họ cứ kéo đến đông dần và bàn tán ầm ĩ.
 - Chúa sơn lâm này hôm nay thế nào mà lại tìm đường mò xuống bản.
 - ồ một con beo đói sắp chết.
 - Suỵt suỵt! - Một người nào đó lấy tay bịt mồm người vừa nói: Sao lại gọi là con beo, phải ông beo chứ, ngài ở ngay trước mặt mình, có lẽ phải mang cho ngài một con lợn để ngài xơi.
 - Lợn à. Cho nó một viên đạn, chúng mày về báo với lão phó Phiên đi, lão là thợ săn thiện xạ đấy, lão sẽ cho con này một phát đạn về nấu cao. Con này hôm nay vô phúc lại mò ra đây, chắc nó đến ngày tận số.
 - Không được, chạy về báo quan huyện đã, ngài mới về nhận chức ở vùng ta, ngài mới  là người có quyền quyết định.
 Vị quan phụ mẫu được mời đến vì sự tò mò và cả về sự vinh danh mà dân làng dành cho ông. Từ thuở nhỏ đến giờ ông chưa biết đến thế nào là con hổ, nay lại được đối diện để quyết định vận mạng của nó.
 Quan phụ mẫu đối diện với con hổ. Hai ngọn chóp của quyền lực, uy danh, sức mạnh, một bên là nguyên lãnh chúa đại diện cho dã thú, một bên là người đại diện cho tất cả mọi thứ ưu việt của trí khôn và bá chủ.
 Tất nhiên ông quan phụ mẫu không còn trẻ tuổi, ông sắp về hưu, cuộc đời ông đã trải qua bao thăng trầm dâu bể, ông đã phán quyết bao cuộc tranh chấp quyết liệt và bây giờ ông muốn giành một sự phán xét nhân bản cho con hổ.
 Còn con hổ, nó cũng đã trải qua bao đau khổ, sướng vui của kiếp dã thú giờ nó cũng ở đỉnh cao như ông, đứng trên tất cả sự thù hằn vui sướng của kiếp dã thú, nó nhìn ông thanh thản.
 Hai bên như đọc được sự đồng cảm thật thấm thía trong nhau, quan phụ mẫu nhìn được bàn tay thân thiện đưa ra từ phía con hổ và ông sắp giơ bàn tay ra đón nhận sự tri âm, tri kỷ,
 Song mọi người đâu có hiểu được cuộc đối thoại song phương đầy thông cảm và cởi mở ấy. Tất cả đám người bảo nhau nhất tề cầm gậy gộc giáo mác. Nếu con hổ kia dám khinh xuất tấn công quan phụ mẫu thì lập tức họ sẽ lao vào trợ chiến.
 Lão phó Phiên khôn ngoan hơn hết, lão là người quan sát con mồi và lại hiểu ra tình trạng sức khoẻ của con vật, một con vật ốm yếu, trầm cảm, có lẽ nó sắp chết, nhất là nó đương ngồi chồm hỗm với tư thế phơi chiếc ức ra thế kia chỉ một phát súng con chúa tể sơn lâm sẽ lăn quay ra mà chết không kịp ngáp.
 Lão rút súng, bằng động tác của kẻ đi sặn thiện xạ: Đoàng, phát súng nổ bất thình lình như giật tung không gian vốn im ắng.
 Chúa sơn lâm nghe đạn nổ và trong nháy mắt chân trước nó tê dại, song tiếng súng đã xua tan cái tâm trạng “hiền triết của nó” bản tính hoang dã thức dậy trong chớp mắt và loài mãnh hổ với phản xạ tự vệ không điều kiện vụt đập đuôi rồi vươn cong người lao lên như một tia chớp. Cả cái khối cơ bắp rắn rỏi cùng móng vuốt xoè ra úp chụp vào quan phụ mẫu.
 Các quan kêu thất thanh hoảng loạn rồi người ta kịp nhận ra điều gì, họ vác giáo gươm gậy gộc nhất loạt xông vào con hổ đương lả đi vì tử thương. một đầu đạn gém đã xuyên trúng ức vào đúng tim con vật, con vật rãy chết. Mắt nó mở thao láo điềm tĩnh như nhà hiền triết, trên vùng ức một dòng máu loang chảy dần đen sẫm lại.
 Quan phụ mẫu thoát chết ở cú vồ ấy song ông bị vết cào vào lưng phải nằm viện cả tháng, tinh thần thì hồn xiêu phách tán cả vài tháng ông mới hết sự bàng hoàng và sợ hãi. Ông cho lột da con hổ và nhồi bông thật khéo, con vật bại trận trong trầm cảm ngày xưa giờ thành một con vật tròn trĩnh dễ thương và hoàn toàn qui thuận. Ngày ngày nó nằm phục trong phòng khách chỗ ông như một kẻ đầy tớ. Từ đó ông có tên là Người giết hổ.
23/10/2009