Trang chủ » Truyện

QUẢ TÁO MÈO

Phùng Hải Yến
Thứ hai ngày 29 tháng 8 năm 2011 6:17 PM
  Truyện ngắn
Năm tuổi. Tôi mất đi tình thương yêu, vòng tay ấm của mẹ. Năm tuổi: Ngôn ngữ chưa bật lên ngôn từ tả về nỗi đau, tôi mới vẽ nỗi niềm bằng hình tiếng khóc ở mùa khát ấy.
- Oa, oa! Chẹp, chẹp! Oa, oa!
Âm thanh xoáy vào tôi, đôi mắt 5 tuổi ngơ ngác. Thằng cu Phù hai tuổi - em tôi cố bò, lao vào mẹ "ôi mẹ ôi!" Tiếng khóc đói sữa chưa dứt cơn, vì tiếng "Chẹp chẹp" phát từ miệng em tôi là tiếng bú mút trên một cái xác. Hai bầu vú mẹ tôi tím tái, linh hồn bà đã bay xa cách đây vài giờ đồng hồ. Một bàn chân thằng bé co lên, bàn chân kia vẫn gác lên bụng mẹ, cái chiếu rách dưới mẹ và thằng Phù như muốn rơi ra từng mảnh. Rách quá! Khát quá! Tôi sợ và tôi không dám khóc.
Đoàn người đưa mẹ tôi ra đồng, mộ đắp bằng từng viên đá. Cái thằng tôi năm tuổi chân đất không biết rằng từ đó cuộc sống của mình sẽ sa xuống địa ngục.
Năm tuổi rưỡi, bố tôi mang tôi đi ở đợ. Vùng quê ngút ngát màu hoa thuốc phiện và những gié lúa cằn cỗi lúc nào cũng cần có người cấy lật lên. Năm tuổi rưỡi, bàn tay cuốc đất, cái lưng địu trẻ, công xá mỗi ngày của tôi là vài chỉ thuốc phiện về để bố hút cắt cơn.
Tôi năm tuổi rưỡi, không biết nói câu cảm ơn ngọng nghịu. Chỉ nhớ nhà chị Mẩy, nhà cô Lưu không đánh mình, lại cho ăn mỗi bữa một phần cơm to bằng quả trứng vịt. Nhà bà Sếnh cuối bản làm tôi sợ và ghét (đó là những cảm xúc mà mãi đến sau này tôi mới diễn tả được thành lời).
Mùa thu - quê tôi lạnh, không man mác gió mà buốt giá đến từng lỗ chân lông. Mùa đông thì khỏi nói, đó là mùa nước đóng băng dày trên các thửa ruộng và sương muối trải thảm lên cây lá. Cũng một buổi chiều thu gió táp rụt cả những mảnh vá trên vai, tôi - lúc ấy đã sỏu tuổi địu thằng em nhỏ con bà chủ mới lờn hai mà béo như con lợn. Tôi xốc nó, chạy liêu xiêu lên đồi hoang. Lưng tôi oằn vì mỏi nhưng hai hạt sao ở tròng mắt lại nhấp nháy sáng. Lũ trẻ con trong bản đang túm tụm chơi đánh cù. Con cù xoay tít, cái dây trên tay thằng chủ trò bỗng như có phép lạ "Vù, vù! Bốp". Con cù quay chính bị đánh bật ra, còn con cù vừa buông sợi dây thì xoay tròn như thằng trai Mông say gái múa khèn tít mù, ngả nghiêng bên chảo thắng cố. Tôi thú quá! Nhẩy cẫng lên, quên mất trên lưng còn ục ịch lợn con! "Bụp" - tôi vấp ngã trên tảng đá to gần đó, thằng bé đang ngủ ngon giật mình khóc ré lên làm tôi phát hoảng. Bàn tay tôi vội xoa lên mặt - vấy máu, chưa kịp hoảng hồn thì con lợn mẹ đã sồ sề chạy tới, chửi bới lu loa "Bốp"! Bàn tay to đùng còn in thêm vết trên gương mặt nhớp nháp máu của tôi. Cái đau thân xác làm tôi xót, nghĩ mình bị ngã không ai thương, còn xót hơn. Tôi còn bé quá, chưa đủ thông minh để hiểu và chưa cú nhiều suy nghĩ nhiều, nhưng bị đau nhiều, tôi đâm ra chai lì vì những mùa đắng đót lặng lẽ đi qua mà không ai nhìn đến mình. Con thú trong tôi tự liếm láp vết thương, tự đau, tự mưng mủ, vỡ nát và chai sần lại.
Bảy tuổi và lì lợm, tôi là đá trên cao nguyên, là cây trên đại ngàn. Tôi không yêu em Phù không phải vì nó được cưng chiều trong căn nhà trình trường ấm áp. Tôi không yêu nó vì sau ngày mẹ mất, tôi không còn được chơi, được gần nó nữa. Mẹ kế ôm nó tối ngày, bố tôi ôm bàn đèn, còn cái thân tôi - tôi ôm con trâu của gia đình mình đi làm công ở đợ, ngủ cùng chuồng với nó. Cái thằng tôi là con trâu lạc loài mất mẹ. Tôi là con trâu mất đi tiếng khóc quen thuộc của con người. Sẽ không có gì để nhớ, đáng nhớ ở mùa đông thứ tám tôi được sinh ra nếu không có buổi hôm đó…
Mảnh nương tôi được nhà chủ giao phải lật lên để trồng đỗ răng ngựa vụ mới đã cuốc xong. Hai bàn tay bé nhỏ mỏi nhừ, vết chai phỏng rộp, đỏ ửng chứ không còn tướp máu như ngày đầu mới tập làm. Tôi thở dốc. Đầu núi có tiếng gọi, thằng Sơn - bạn chăn trâu ở bản hốt hoảng:
- Pao ơi, Pao, về thôi! Bố mày chết rồi!
Ô! Bố tôi chết ư? Bố tôi chết - tôi chẳng biết mình nên vui hay buồn? Ông bố bốn mùa nằm trong vách gỗ rít tẩu thuốc phiện bên mớ chăn rách rưới, nhàu nát đã không còn? Hay kẻ mang cái xác tôi, vắt kiệt sức lao động của một đứa trẻ từ lúc năm tuổi rưỡi đến đổi lấy vài chỉ thuốc phiện đã chết?
"Ông ta chết rồi!".
Tôi lầm bầm nhắc lại, lòng chẳng nghĩ gì cả. Đúng thế! Không thể vui vì tôi mang họ của ông, cũng không thể buồn vì ông ta chết đi, nghĩa là tôi không phải làm trâu nữa.
Bước chân tôi về đến đầu sàn, mẹ kế mải sụt sịt than khóc nên quên chú ý đến tôi. Cô Hoa kéo tôi ra, cái kéo tay quá đà làm ống tay áo của tôi rách xoạc. "Mặc kệ" - bụng tôi réo lên "ọc, ọc" vì từ hôm qua đến hôm nay làm quần quật mà mới ăn một nắm cơm độn ngô bé bằng quả trứng gà. Thoáng chau mày khi nghe âm thanh ấy, chừng hiểu ra, cô xót xa:
- Sao khổ thế hả con? Vào đây, cô xới cơm cho mà ăn.
Run run nhận bát cơm có miếng thịt lợn ở trên, các giác quan trong tôi chợt thức. Không phải vì đã quá lâu không được nhìn thấy cơm trắng và ngửi thấy mùi thịt, mà vì bàn tay ân cần của người đàn bà hàng xóm gợi nhớ lại bàn tay của mẹ xưa thường vỗ về tôi.
- Đấy! Các ông, bà, chú, bác nhìn đi. Bố nó chết mà nó có biết thương, biết xót gì đâu, chỉ cắm mặt cắm đầu ăn như con chó, con lợn.
Mọi cảm xúc trong tôi tê điếng, chết lặng trong tiếng chửi chát chúa, cay nghiệt vút lên từ đôi môi thâm sì của dì ghẻ. Lẽ ra tôi phải đặt bát xuống và bỏ đi, nhưng bản tính ngỗ ngược trỗi đậy trong thằng tôi ương bướng, giục tôi cầm bát lên, và lấy và để trong ánh mắt hung hãn của bà ta. Tôi cười thầm vì nghĩ mình dã làm cho bà ta tức điên. Giá tôi được nghe mẹ kể về mụ phù thủy ác độc trong cổ tích, để tôi có thể ví với bà ta. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ bà ta giống con ma cà rồng xuất hiện trong những câu chuyện kể mà lũ bạn chăn trâu thường dọa nạt nhau.
Bố chết. Chiều. Tôi lang thang trên quả đồi sau nhà. Không còn đi làm thuê cho nhà nào nữa, giờ tôi mới tin là bố đã chết. Rồi tôi thấy lố nhố những người mặc áo đen dưới con đường dốc, tiếng thằng Sơn đã sát bên tai.
- Pao, Pao, mày không biết gì à? Dì ghẻ mày đang đưa người Thái ở vùng thấp về, bà ấy định bán mày làm con trâu, con ngựa cho họ đấy! Trốn đi.
Tôi trợn mắt nhìn nó, không hiểu. Rồi tôi chợt hiểu ra. Quá sợ rồi những ngày bố mang tôi đổi lấy thuốc phiện. Tôi cắm mặt chạy. Không ngẩng lên. Không dám suy nghĩ. Một, rồi hai ngọn đồi. Tôi phải chạy thật xa bản thôi! Trí óc non nớt bảo vậy, đôi chân cuống cuồng. Tôi cứ chạy, chạy mãi.
Tôi choàng tỉnh dưới một gốc táo mèo quả còn xanh lét. Tôi đói, mắt hoa lên, chân mỏi rã rời. Tôi trèo thoăn thoắt mặc cho gai táo mèo cào thịt da xước xác - với tôi thế đã thấm gì?  Quả táo mèo chua chát đượm vị nơi đầu lưỡi, nuốt xong rồi để lại dư vị ngòn ngọt khó quên.
Đằng xa, một người đàn ông và hai cậu bé đi tới bác trai hỏi thăm tôi, cũn lũ trẻ thỡ nhìn tôi ngơ ngác. Tôi không biết tiếng phổ thụng nên chỉ ú ớ ra hiệu kể với bác vì sao tôi ở đây và nghe được bập bõm những điều bác nói. Bác rủ tôi cùng về huyện vì xưởng mộc bác đang làm cần một đứa trẻ phụ việc, hai đứa trẻ đi theo bác là em Hùng và Mạnh ở nhà không có bàn tay chăm sóc của bác gái. Tôi chậc lưỡi, giờ tôi còn biết nơi nào để đi? Tôi không có nhà và trực giác của tôi thằng nhóc vô học tám tuổi thúc giục, mách bảo tôi nên đi theo bác. "Bố Minh" đó là tiếng Việt đầu tiên bác dạy tôi. Bác lắc đầu nhìn bộ quần áo nhuộm chàm vá đụp đầy rận với ghẻ và đôi chân bốn mùa cắm xuống đồng ruộng của tôi. Hôm sau, bác ra hàng bách hóa mua về một cái áo trắng, quần đen và một đôi dép cao su rồi bắt tôi cắt tóc, tắm rửa, gội đầu. Tôi thay đồ mới xong đã thấy tiếng cuốc vang lên ở sau vườn. Bác đang đào một cái hố chôn bộ đồ rách rưới của tôi xuống đó. Tôi òa khóc khi bác lấp đất. Hình ảnh trở lại với tôi lúc đó là tiếng khóc của em tôi khi mẹ bị cuốn vào manh chiếu, thằng bé cố sức lăn vào đòi bú. Tôi khóc - vừa mừng, vừa tủi.  Cuộc - đời - không - tuổi - thơ của tôi đã chết rồi! Tôi hôm nay là Pao, con trai của bố Minh, anh trai của hai em Hùng và Mạnh, không cần đến cả lễ đổi tên bắt buộc của con trai dân tộc Dao khi tròn mười ba tuổi. Tôi tưởng mình mơ - tôi cười, tôi khóc. Nửa đêm, tôi không dám ngủ. Tôi giật mình thon thót, sợ rằng nếu thiếp đi, sáng dậy tất cả chỉ là mơ. Tôi gối đầu lên đôi dép cao su, rồi lại ôm lòng vì sợ nửa đêm có kẻ lẻn vào lấy đi mất…

*    *    *
        Cô gái mặc áo đỏ đi giữa mùa đông cao nguyên lách qua đám người chen lấn vào chợ phiên. Ngoài cổng chợ, chiếc xe láng cóng mở sẵn cửa chờ cô. Người đàn ông tóc muối tiêu khi nhìn thấy những quả táo mèo trong túi bóng trên tay cô gái, đôi mắt ẩn sau cặp kính râm phút chốc cay xè.
      Chiếc xe dừng bánh ở khu đồi đá. Ba ngôi mộ nằm chính giữa lô xô đồi to đồi nhỏ đá bạc màu với thời gian. Những ngôi mộ tạo hình bằng chi chít đá. Tuyệt nhiên không có tên tuổi, quê quán hoặc khung ảnh thờ. Bằng thái độ trang nghiêm như khi đến dự những Hội nghị lớn, người đàn ông sang trọng cúi đầu vái lạy và cắm những thẻ hương cô gái mới đốt vào từng kẽ đá. Cô gái không nhìn cha, trước mắt cô những vòng hương cong queo đang vẽ hình vu vơ trong không gian, uốn cong vút dấu hỏi lên nền trời mà cha gọi là Quê Hương.

 
                P.H.Y