Trang chủ » Truyện

ĐI HOANG

Đoàn Nhất Trí
Thứ bẩy ngày 27 tháng 8 năm 2011 8:52 PM
                                               
1/     Anh lái xe tắt máy, nhẩy xuống đất định khóa cửa ra về, nhác thấy còn bóng hành khách lại dừng tay, thò đầu vào trong xe, gọi to:
- Đến Hà Nội rồi, xuống đi thôi Bố, con còn về ăn bát cơn nóng mẹ đĩ nấu cho chứ cứ vi vu bên tay lái, ăn phở mãi cũng ngán lắm rồi!
Nhìn kỹ, thấy ông khách chưa già lắm, gương mặt sáng sủa nhưng sao tương phản với lối ăn mặc cũ kỹ, nghèo khó, cử chỉ thì vụng về, dáng vẻ ngơ ngác, anh lái xe động lòng, hỏi câu chiếu lệ:
- Thế chú về đâu, chú ơi, để con gọi taxi cho?
Người khách lúng búng trong miệng, không rõ câu gì, chỉ thấy xua xua tay rồi như thả rơi người xuống đất, ngơ ngác định hướng.
     Từ cổng bến xe đi ra, người ấy lầm lũi bước giữa hai hàng quán nước và quà bánh san sát. Thủ Đô đã lên đèn. Ánh hoàng hôn tím thẫm pha màu đỏ máu, ánh sáng điện thời kỳ nhà đèn độc quyền, ánh đèn dầu, ánh sáng nến…hòa quyện với nhau tạo nên một thứ không gian cực kỳ khó tả. Nó không hẳn là âm phủ, địa ngục, cũng không hẳn là trần gian hay thiên đường. Chỉ một cảm giác, con người phải sống trong thứ ánh sáng ấy thấy tinh thần bất an. Trông xa về cuối phố, thấy có cái quán lẻ loi, chỉ với hai ngon đèn dầu, lại thụt sâu vào gầm cầu như cố tình giấu mình đi, ông khách liền rảo bước về phía ấy. Đến gần, khách nhận ra người bán hàng là một phụ nữ còn trẻ, chỉ trên bốn mươi ngồi bán bún riêu. Có đến hơn chục người ăn. Không bàn ghế sang trọng, mỗi người chỉ hai chiếc ghế con bằng nhựa. Một để ngồi, một để đĩa rau sống. Tô bún của ai, người ấy bê trên tay, thật dã chiến.
      Bà chủ quán thoăn thoắt phục vụ mọi nhu cầu của khách, cạnh đôi quang gánh nặng trĩu. Mọi thứ, từ nồi nước dùng sôi sùng sục đến rổ bún to đầy, bọc nilon rau sống, đến vịt nước mắm, lọ nước dấm tỏi ớt, giấy ăn, tăm, thìa, đũa…cho đến những chiếc ghế ngồi, tất tần tật đều ở trên một đôi quang gánh này.
      Ông khách quay đi, lộn lại trước gánh hàng bún dễ đến dăm lần. Bước đi, dừng lại. Tuy bận rộn, người bán hàng vẫn nhận ra cái dáng lưỡng lự ấy, bèn vồn vã:
      - Mời ông ngồi ăn bát bún của nhà cháu đã, đi đâu hẵng đi!
      Lời mời nhã nhặn của bà hàng bún như chiếc neo làm đôi chân ông khách tự tin dừng bước. Lựa tìm một chỗ thiếu ánh đèn dầu còn ánh đèn cột điện không chiếu tới được, ông khách uể oải ngồi xuống.
- Vâng, bà cho tôi một bát, giờ cũng đến bữa tối rồi!
- Ông có ăn mắm tôm không? Chủ quán hỏi.
- Dạ, có! Bà cho một chút thôi để có mùi thơm!
      Rất tinh ý, bà bán bún riêu nhận ra, không giống với mọi người khác, ông khách này có vẻ cố ý ăn uống nhẩn nha, vừa ăn vừa quan sát mọi thứ xung quanh như để ghi nhớ và tìm hiểu điều gì. Bún đã hết, lâu lâu ông khách mới từ tốn đặt cái bát không xuống rồi xin mảnh giấy ăn lau miệng, xin chiếc tăm đủng đỉnh xỉa răng… Mãi sau, chỉ còn hai người khách ngồi ăn phía xa xa. Ông khách nhấp nhổm, cưa muốn đi. Mà, ông đi về đâu bây giờ? Trong lòng ông hình như đã có phần hối hận vì cái sự tự dưng bỏ nhà ra đi đường đột này. Mãi sau, cố gắng lắm, ông khách mới ấp úng thốt ra thành lời, cũng chỉ đủ để bà bán bún nghe được:
- Bà…bà… có biết chỗ nào người ta cần người làm thuê, mách giùm tôi với?
     Bà bán bún lúc này mới nhìn ông khách từ đầu đến chân, giọng thông cảm:
- Chắc ông từ quê mới lên, còn lạ nước, lạ cái? Thế ông làm được những việc gì. Tôi thấy những người ở nông thôn lên, tụ tập nhau lại thành những chợ lao động, phố nào chẳng có…
     Khách lại bối rối, ấp úng:
- Việc gì …cũng được. À …mà không, tôi chẳng làm được việc gì. Giá được rửa bát, bưng bê hay bảo vệ thì tốt. Tôi cần những việc ổn định…Chỉ cần đủ ăn…
     Bà bán bún nén tiếng thở dài, lẩm bẩm như chỉ nói cho mình mình nghe:
- Rõ khổ, lại thêm một kiếp người cơ nhỡ lần về chốn thị thành kiếm ăn. Làm sao mà dung nạp hết. Còn ối người lê la đầu đường xó chợ, chui lủi gầm cầu ống cống đấy. Chỉ tổ làm mồi cho tệ nạn…
      Ông khách đã khoác ba lô đứng lên, lại ngồi phịch xuống, lơ đãng nhìn ra xa xăm.
      Đêm muộn. Có vài ngọn đèn dầu treo lủng lẳng nóc quang ra về cùng những bóng người miệt mài rảo bước. Quang gánh trên vai giờ nhẹ bẫng. Chẳng ai biết họ về đâu.  Sớm mai, đúng giờ lại tụ về đây cùng những gánh hàng nặng trĩu. Bà bán bún thấy chỉ còn ít bún và riêu cua, áng chừng đủ cho bữa tối, bèn đứng lên thu dọn đồ nghề, cũng là để ra hiệu cho ông khách biết ý. Khi đến gần để nhặt chiếc ghế lên, bà nghe giọng ông ngượng ngùng như nài nỉ:
- Thưa bà, hay…bà để tôi phụ giúp rửa bát, dọn dẹp…Tôi để ý thấy một mình bà cũng vất vả…Chỉ cần cho tôi ăn thôi!… qua những ngày đầu khó khăn.
      Bà bán bún đứng ngây ra nhìn ông khách, trong đầu hình như đang suy nghĩ, không biết trả lời thế nào. Hình như ông khách này có cái gì khác những người bà đã gặp trong tình cảnh này. Ông này ngơ ngác như từ tủ kính chui ra. Xem chừng, chẳng giống với người từng trải. Bà động lòng trắc ẩn, không biết cư sử ra sao cho phải. Tưởng bà bán hàng giận dữ trước lời đề nghị có phần thái quá của mình, ông khách vội vàng vơ lấy chiếc ba lô bên cạnh, chụp nhanh chiếc mũ cối rách lên đầu, bước đi, miệng không ngớt xin lỗi vì đã trót nói ra lời ban nẫy. Ông khách đã đi được hơn chục mét, bà bán bún mới như bừng tỉnh, vội gọi với theo:
- Này bác gì ơi! Quay lại tôi bảo cái đã!
     Phải đến ba lần gọi, ông khách mới tin và quay đầu lại, mở to mắt ngạc nhiên, bước về phía bà:
- Dạ, bà cho gọi tôi?
- Ông đừng “dạ” thế! Là tôi nghĩ chắc ông mới lên thành phố lần đầu lại không có nơi nương tựa…Tôi muốn giúp…Thế nhưng, ông nghỉ ngơi ở đâu, thế nào?
     Ông khách vui như chết đuối vớ được cọc. Ông bảo:
- Bà đừng lo, đêm, tôi có thể tá túc ở vỉa hè hay gầm cầu như ở đây cũng được, ông chỉ tay về phía những cái hốc tối đen của gầm cây cầu xi măng bắc qua con sông nổi tiếng vì màu nước đỏ. Được cái nếu ở quanh đây cũng gần chỗ ra nơi bà bán hàng.
      Suy nghĩ, đắn đo, một lúc, bà bán bún ái ngại cho tuổi tác của ông bèn tặc lưỡi:
- Thôi vậy, đã giúp thì giúp cho chót. Tôi sẽ gửi ông ngủ nhờ ở nhà người quen. Bây giờ ông hãy giúp tôi thu nhặt những cái ghế này lại. Xong việc, bà bán bún ghé vai gánh đôi quang gánh lên vai, đi trước, ông khách mới quen đeo ba lô bước thấp bước cao theo sau. Họ đi về phía bờ sông. Nơi ấy, san sát những túp lều tự dựng bằng mọi vật liệu nhặt được. Chúng tồi tàn hơn cả túp lều chị Dậu trong văn chương Ngô Tất Tố. Nơi ấy không hề có chút ánh sáng điện, chỉ le lói những đèn dầu, nến tù mù như ma chơi trong một nghĩa địa khổng lồ đeo bám vào rìa con sông. Dưới kia là dòng nước đỏ ngầu ngày đêm sùng sục cuộn xoáy.
2/ Bà bán bún đưa ông khách về đến cửa căn “nhà” của mình, nhẹ tay bê tấm liếp xích sang một bên, lấy chỗ khom mình chui vào. Ngọn đèn dầu bừng sáng soi tỏ căn lều:
- Mời ông vào nghỉ ngơi một lúc rồi tôi đưa sang ngủ nhờ ông hàng xóm. Cũng gần đây thôi. Mai lấy sức làm việc.
     Túp lều cũng khá rộng rãi, khoảng mười lăm mét vuông. Nó được quây bằng những viên gạch vỡ đủ loại mà chủ nhân gom góp được. Mái lợp bằng những miếng bromua xi măng sứt mẻ, to nhỏ khác nhau. Giường nằm kê bởi hai tấm ván cóc cáy, đầy vết mối mọt, ghép lại. Chăn màn gấp gọn ghẽ và đặt ngay ngắn trên chiếc chiếu đơn dung dúc…Tự tin và không bối rối, chủ nhà không cần hỏi han lai lịch khách cũng không tự nói về mình. Hình như bất kể ai rơi vào cảnh ngộ như dân “xóm liều” này đều thuộc lòng quy ước không thành văn là không phơi bày đời tư của mình, cũng không dòm ngó đời tư của người khác. Ai biết phận nấy.
3/ “Nhà” của ông hàng xóm chỉ cách “nhà” của bà bán bún chưa đến hai chục mét, về phía dòng chảy của con sông và cũng phải đi qua vài nhà khác. Cũng lại gần như thành quy ước bất thành văn, tấm lòng những người ở đây xa nhau, hay nói đúng hơn là bưng kín bao nhiêu thì về mặt địa lý, tức về mặt dựng lều ở, họ lại thấy cần thiết phải gần nhau bấy nhiêu. Những cái lều tựa lưng vào nhau hay sát vách với nhau là để dựa vào nhau mà chống chọi với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Kẻ yếu thế phải dựa vào số đông bầy đàn. Ai đó trong số họ có thể lấy cắp của thiên hạ chứ không lấy cắp của nhau. Có thể đánh nhau với thên hạ chứ không mấy khi đánh nhau ở ngay trong xóm.
     Ông khách được bà bán bún đưa đến tận mép ổ người đàn ông hàng xóm. Tự tay vén cửa cái màn rách rồi đẩy ông vào: 
- Ông ấy, hôm nào cũng uống rượu say bí tỉ rồi lăn ra ngủ từ chập tối. Khoảng nửa đêm gần sáng, thức dậy ngồi hút thuốc lào vặt và lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Miệng nói, tai nghe thôi. Không cần để ý đến ông ấy. Bốn rưỡi sáng mai, à mà thôi, năm rưỡi cũng được, sáng mai dậy, ông về lo làm hàng với tôi! Lom khom chưa chui qua cửa lều, bà còn với lại: Ông bỏ cái ba lô xuống mà làm gối. Cẩn thận thế thôi chứ ở đây chẳng mất gì đâu. Mà nào ai có cái gì để mất!
4/ Sớm hôm sau, còn tờ mờ sáng, ông khách đã trở thành người rửa bát thuê và phụ việc cho bà bán bún. Chỉ khác cái sự thông thường ở chỗ, chủ tớ tôn trọng và biết lựa ý nhau. Người ngoài nhìn vào, ai cũng cho rằng họ đã nên vợ, nên chồng theo cái kiểu người ngoài lề xã hội. Chẳng ai nói hay bình phẩm điều gì. Còn họ, hai người không thanh minh hay cải chính. Cứ như điếc.
      Hơn một tháng trôi qua. Tối ấy về muộn. Ông hàng xóm như có ý chờ bạn về mới uống rượu. Trên cái ổ thường ngày bày sẵn chai rượu cùng đĩa lạc rang, cái bánh đa nướng và hai cái chén. Họ uống cùng nhau. Rượu vào nhiều nhưng lời ra ít lắm. Đến khi cả hai cùng say và lăn ra ngủ, trong đầu ông khách chỉ còn nhớ được một ý quan trọng sau đây: Tôi không biết gì về ông nhưng chắc phải cùng cực lắm, không thể chịu nổi mới phiêu bạt đến chốn này. Xem ra, ông cũng là người tử tế như bà ấy, vậy thì từ mai hãy góp gạo mà thổi cơm chung cho nó bớt khổ được chừng nào hay chừng ấy. Cũng đã có mấy người muốn thế nhưng xem ra chỉ có ông là bà ấy ưng …Còn ông khách, bằng kinh nghiệm của cả cuộc đời dạy học và từng trải của mình, ông biết chủ nhà là một người có hiểu biết do có một cuộc đời cực khổ, lăn lóc đó đây và cũng là một người nhân hậu. Ông được dân cái “xóm liều” này nể trọng, coi như “già làng” cái gì họ cũng hỏi, cũng nhờ ông giúp đỡ, chỉ bảo.
       Tưởng tối trước chỉ là “rượu nói”, tối sau về thấy cửa nhà ông hàng xóm đã đóng chặt, còn buộc thêm cái gì nữa, ông khách không sao mở ra được. Mặc cho khách hết gọi, lại gõ, chủ nhà vẫn ngủ say như không hay biết gì. Cực chẳng đã, ông khách bèn ngồi tựa tấm liếp rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nửa đêm, lạnh, tỉnh giấc đành bò về ngồi tựa cửa căn lều bà bán bún. Sáng sớm dậy làm hàng, bà chủ nhà thấy vậy nhưng không nói gì. Ông khách cũng chẳng phân trần. Tối về, dọn dẹp nhà cửa xong, chờ cho ông chuẩn bị sang nhà hàng xóm ngủ nhờ, bà bán bún mới nói nhẹ nhàng:
- Thôi ông ạ, tối nay ông có sang, ông ấy cũng lại không cho nhờ nữa đâu! Ông giúp tôi lấy hai tấm gỗ này xuống rồi ra ngoài khuân ít gạch vỡ vào, kê làm giường mà ngủ!
          Hai cái giường ngủ đấu đầu nhau, tạo thành thước thợ. Bà chủ moi trong chiếc thùng các tông đựng đồ vải lặt vặt lôi ra chiếc màn cá nhân cũ, rách, đen màu mồ hóng, treo lên chỗ ngủ mới cho ông khách. Bà còn tỉ mẩn ngồi khá lâu vá víu, buộc túm những chố rách cho muỗi khỏi chui vào. Như một sự tất nhiên, không ai nói với ai lời nào, họ cùng leo lên giường ai nấy ngủ. Chẳng ai ngủ được trong một đêm khởi đầu như thế. Người nọ trằn trọc nằm lắng nghe tiếng thở khác thường bị nén lại cùng tiếng trở mình liên tục của người phía giường bên kia.
          Chẳng biết bao nhiêu thời gian nữa trôi qua.  Hôm ấy, bà bán bún chỉ bán hàng nửa ngày, buổi chiều còn lại bảo ông khách về nhà nghỉ ngơi rồi giúp bà dọn dẹp “cửa nhà” bà đi chợ về, làm cơm cúng giỗ. Ông hỏi giỗ ai. Bà bảo giỗ chồng. Bữa cơm cúng đạm bạc nhưng cũng có cá, thịt, rượu chè. Ông hàng xóm được mời dự như một khách quý. Phần hoa quả được bà chia nhỏ phân phát cho những đứa trẻ trong “xóm”. Cũng trong bữa giỗ, ông khách nắm được những thông tin cơ bản nhất về “bà chủ” cũng là ân nhân của mình: Quê Thái bình. Hai người lấy nhau muộn. Ông chồng có mảnh đất canh tác đủ nuôi sống gia đình nhưng nằm trong quy hoạch, phải bán rẻ cho chủ dự án. Số tiền thu được chỉ đủ xây căn nhà cấp bốn thay thế ngôi nhà tranh vách đất. Họ hứa tạo cho công ăn việc làm nhưng chẳng thấy đâu. Chán nản, người ấy bê tha bán hết mọi thứ đổ vào chai rượi. Trong một lần quẫn bách, chẳng biết vô tình hay hữu ý, người chồng xấu số đâm đầu vào ô tô. Người vợ xấu số sau bao nhiêu thăng trầm, phiêu dạt đến đây đã dăm năm trời. Đáp lại tấm lòng của người đã cưu mang mình, ông khách cũng cho bà chủ về mình như sau: Làm nghề dậy học từ năm mười chín tuổi. về nghỉ hưu năm ngoái. Vợ là một cán bộ nghiên cứu khoa học làm ở ủy ban khoa học tỉnh. Con trai là nghiên cứu sinh, lấy vợ rồi buôn bán, sinh sống ở nước ngoài. Hai người chung sống với nhau ở thành phố biển phía Bắc. Từ ngày đất nước đổi mới, mở cửa, người vợ hiền dịu, đảm đang và chịu đựng của thời bao cấp giờ đã biến thành người chỉ biết có đồng tiền. Bà đòi hỏi ông phải có cách kiếm ra tiền. Là nhà giáo ăn lương, ông làm sao có cách gì. Những dự án khoa học ở cơ quan bà cũng kiếm bội tiền. Lại còn tiền con thỉnh thoảng cũng gửi về, cộng lại có ít đâu. Hình như với bà, càng nhiều, càng ít. Thế là, ngày nào cũng cãi vã nhau vì tiền. Đầu năm ngoái, ông đưa mẹ đẻ từ quê lên chữa bệnh, cuộc cãi vã cũng không vì thế mà bớt đi. Có lần nửa đêm hai người cãi nhau to, mẹ ông ốm nặng lắm, cũng không chịu được, lết người đến tận cửa mếu máo, van nài trong đau đớn và tủi hổ: Thôi, tôi lạy anh, hãy thôi đi kẻo hàng xóm người ta cười cho! Quá hiểu con dâu, bà chỉ dám nói con trai. Cái bóng mẹ già gần đất xa trời quỳ lết, tay run rẩy bấu vào bậu cửa cho khỏi ngã, miệng rên rỉ cầu xin từ đêm ấy khắc sâu vào nỗi hận của người con trai không sao xóa đi được. Như giọt nước làm tràn ly. Kết cục của cả một đời dậy học nào ngờ hôm nay ông lại trở thành người trắng tay, sống ngoài lề xã hội như bao nhiêu người vô gia cư khác. Hôm bỏ nhà ra đi, ông chỉ vơ mấy bộ đồ rách, chiếc ba lô bạc màu, cùng tiền lương hưu một tháng. Số lĩnh lương hưu ông để lại trên bàn cho bà.
        Ngày tháng cứ trôi qua hình như ông giáo, bây giờ chúng ta gọi ông là ông giáo đã quen với cuộc sống của những người ngoài lề xã hội. Một hôm, bà chủ, ta cũng gọi bà bán bún riêu là bà chủ, mua về chiếc áo len dệt, đưa ông: 
        -  Mùa thu cũng đã đến rồi. Trời thường se lạnh về sáng, ông mặc chiếc áo len này cho ấm kẻo cảm lạnh thì khổ.
        Đêm ấy, nằm trằn trọc từ chập tối đến sáng, không sao ngủ được. Nửa đêm, ông giáo dặng hắng mấy lần rồi mạnh dạn nói với sang giường bên kia, giọng thì thào:
       -  Bà…bà cho tôi sang đấy nằm cùng với nhé?
       -  Sao lại thế?
       -  Bên đây… lạnh lắm, tôi không sao ngủ được!
       -  Không được đâu ông ạ! Giường bên đây với bên ông có xa nhau gì! Cố mà chịu đựng! Như có tiếng cười bị nén lại trong miệng bà. Nghe thấy thế, ông giáo không giám năn nỉ nữa, cũng không giám manh động. Cả hai thao thức đến sáng.
      Hơn một tuần sau, do ngủ muộn, lại không được bà chủ đánh thức, ông giáo mở mắt ra, trời đã sáng trắng. Quáng quàng nhìn trước, ngó sau, bà chủ đã gánh hàng đi bán. Trên mảnh chăn đơn hoa đặt bên chiếc gối thấy để một  cái túi vải và một mảnh giấy. Mảnh giấy ghi: Ông hãy về qua nhà xem tình hình thế nào. Em cũng là phụ nữ nên cũng phần nào hiểu được tâm tư của chị ấy. Nếu ông tha thứ được và chị nhà chấp nhận thì hãy ở lại và làm lại từ đầu. Còn như nếu thực sự không thể, và ông thấy chấp nhận được cuộc sống của những người ngoài lề xã hội thì quay lại với em. Túp lều nghèo khó này đủ để cho chúng ta sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời. Nó luôn mở cửa đón ông quay trở lại! Ông cầm theo một ít tiền làm lưng vốn, trong đó có cả hai triệu ông đưa em từ những ngày đầu lên đây. Thuốc ngừa áp huyết của ông chỉ còn đủ uống vài ngày, em đã mua thêm đủ uống cả tháng. Nhớ đừng quên uống thuốc. Có cả cái máy đo áp huyết cổ tay em đã mua để ông kiểm tra hàng ngày. Mọi thứ để trong túi vải. Thôi, chúc ông trở về nhà gặp nhiều may mắn. Kí tên, “Bà chủ bất đắc dĩ” của ông!
      Dọc xong lá thư, ông giáo khóc không thành tiếng. Đời ông chưa từng được khóc như thế này bao giờ. Khóc mà lòng thanh thản, nhẹ nhõm. Ông lấy ra một triệu cùng chiếc máy đo huyết áp với mấy vỉ thuốc cho cả vào chiếc ba lô, để lại bốn triệu vào chỗ cũ, dưới gối. Cũng đã gần nửa năm ra đi, đã quen với cuộc sống mới, ông định không quay về nhưng nghĩ lại lời bà nói là đúng. Nó như một mệnh lệnh. Trước mặt ông là điểm nút của ngã ba đường. Ông phải dũng cảm tiến đến, đối mặt với thực tế. Từ ngã ba, trong hai con đường trước mặt, ông phải chọn lấy một. Những ngày qua, thực tế là những ngày ông đã dấn thân trải nghiệm một cuộc sống khác thường mà trước đây chỉ nghĩ đến thôi ông cũng chưa từng. Cuộc sống tận cùng dưới đáy của những con người ngoài lề xã hội. Cuộc trở về với gia đình lần này thực chất là để bước đến cái ngã ba đường nghiệt ngã buộc ông phải chọn một mà đi. Nghiệt ngã nhưng đã chọn đi con đường nào rồi sẽ thấy lòng mình thanh thản.
      Ông giáo khoác ba lô lên vai, nhằm hướng bến xe bước tới. Vừa đi, ông vừa nghĩ, cứ theo như cái cách viết thư và cư xử của “bà chủ” thì văn hóa của bà ấy cũng chẳng “lùn” tí nào. Như ông, chẳng qua đời người phiêu dạt, chẳng ai tránh được cái số.

Hà Nội, những ngày nóng bỏng của tháng 6/2011