Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÁI NHÌN VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN TỪ CHIẾN TRANH ĐẾN HẬU CHIẾN,Ở “BẾN ĐÒ XƯA LẶNG LẼ”

Trần Xuân An
Thứ ba ngày 31 tháng 3 năm 2009 7:55 AM

(tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức)
               
Bìa sách & nhà văn Xuân Đức
Nguồn ảnh: Điểm mạng Trúc Sơn Trang & Báo điện tử CAND. (Google search)

1. Hiệu ứng từ tiếng nói cõi âm
Ngay từ những dòng giáo đầu, cứ ngỡ như nhà văn Xuân Đức mặc nhiên xác định với người đọc, ông không viết tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ”, mà chỉ ghi lại hoài niệm cùng những quan sát, cảm nghĩ về một vùng đất ven sông Hiếu (Cam Lộ) và hai bờ sông Bến Hải trên cõi trần, trong những ngày tháng hiện tại bấy giờ của một người đã khuất đang hiện hồn về, trầm tĩnh sống với những người còn sống, thầm thì kể lại, và nhà văn nghe được. Nói chính xác hơn, nhà văn Xuân Đức tưng tửng bảo rằng, nhân vật xưng tôi (hồn ma Khảm), trong tiểu thuyết của ông, là một người chết đang hồi ức đồng thời cũng là một người cõi âm đang sống giữa cõi dương, nói lên những nỗi niềm, tâm trạng hiện tại bấy giờ của ông ấy (một hài cốt bị hại trong phiên toà có thật vào khoảng năm 1990), và nhân vật xưng tôi đó không nằng nặc thuyết phục người đọc hay “người vợ” mãi mãi chỉ là người yêu của ông (nhân vật Lương, được gọi là em) tin vào trí nhớ của tuổi xế chiều đã bắt đầu lẫn lộn âm – dương, tên đất, tên làng, năm tháng... 
Nhưng sau lời giáo đầu, tiếng nói, lời kể của người cõi âm tên Khảm ở nhiều chương đoạn, nhất là các chương đoạn đầu và giữa, chỉ là lời thầm thì hoài niệm với nhân vật người vợ chưa bao giờ cưới.  
Phải chăng nhà văn Xuân Đức đã viết “Bến đò xưa lặng lẽ”, dưới ánh sáng âm thế với hồn ma bóng quế? Hay để phù hợp với phiên toà kinh thiên động địa có thật tại Quảng Trị vào khoảng năm 1990, xét xử một bọn phạm nhân đã nỡ chia xương, nhân mộ liệt sĩ (từ một trăm trở thành ba, bốn trăm bộ di cốt [tr. 8], nhằm kiếm được nhiều tiền hơn định mức kinh phí chúng được nhận), nên nhà văn xem việc ông nhập thân người cõi âm bị hại (bộ di cốt duy nhất không bị phân xẻ nhưng bị làm khuyết danh) chỉ là một thủ pháp nghệ thuật?
Có gì thống thiết hơn tiếng nói của người đã chết, lại là người đã chết bị hại? Âm khí rờn rợn dường như phảng phất mà lanh lảnh, trầm lắng mà thôi thúc, trong những trang mở đầu tiểu thuyết, tái hiện lại phiên toà. Nhưng oái oăm là trong đám phạm nhân lại có cả những đồng đội cũ, những cơ sở cách mạng thời chiến tranh. Hiệu ứng âm khí quả nhiên là đã đạt được với thủ pháp nghệ thuật đó. Ngoài ra, với thủ pháp đó, Xuân Đức còn rất thuận lợi khi phản ánh lại không những gì đã diễn ra một cách hào hùng, đau thương trong chiến đấu, nhiều người đã chứng kiến, mà cả những góc khuất trong bóng tối, giữa rừng đại ngàn hoang vu, những hi sinh thầm lặng, những ý nghĩ thầm kín, chân thật nhất của con người, nhất là của những liệt sĩ, đồng bào đã chết dưới bom đạn chiến tranh. Thật ra, nhà văn nào chẳng thế, có điều, trước đây, người ta gọi là sắm vai thượng đế để sáng tạo nên vũ trụ, thế giới nhân vật hư cấu, theo cách phản ánh hiện thực rất riêng của mỗi nhà văn. Tuy nhiên, thành công trong việc tạo nên hiệu ứng âm khí ở “Bến đò xưa lặng lẽ” là một điều không thể nói là không đặc sắc.
Nếu ở Truyện Kiều, thỉnh thoảng hồn ma Đạm Tiên hiện về chuyện trò với Kiều, còn người kể chuyện vẫn là Nguyễn Du, thì ở “Bến đò xưa lặng lẽ”, nhà văn Xuân Đức lại sắm vai (nhập thân) hồn ma Khảm để kể chuyện và sống cùng những nhân vật còn sống suốt cả cuốn tiểu thuyết, kể cả lời giáo đầu.
2. Hiệu ứng đa thanh, không – thời gian đồng hiện
Chuyện kể được tái hiện với những mảng không gian, những khoảnh khắc thời gian không theo trật tự thông thường, mà những đoạn quá khứ xen lẫn với những đoạn hiện tại. Khác với nhiều tiểu thuyết thuộc loại truyền thống, chuẩn mực, đó là điều dễ nhận ra khi ngẫm nghĩ về kết cấu của “Bến đò xưa lặng lẽ”. Và ở “Bến đò xưa lặng lẽ”, không phải là một sáng tạo mới trong việc tổ chức các tình tiết, chương đoạn của tác phẩm loại hồi ức, tự sự, mà chúng ta quen gọi là thủ pháp đồng hiện. Có điều, người đọc không thể không nhận thấy nhà văn Xuân Đức đã cao tay thế nào mới vận dụng và xây dựng được kết cấu với một tỉ lệ nhất định thủ pháp đồng hiện cho tiểu thuyết này của ông.
Ở một vài chương đầu, nhà văn đã nói lên trước những gì lẽ ra theo kết cấu cổ điển là chỉ đọc thấy ở những chương cuối. Nhân vật xưng tôi tên Khảm, tất nhiên đã chết rồi, di cốt hiện đang bị hại (bị làm khuyết danh), nay hiện hồn về chứng giám phiên toà. Một nhân vật Li, nay là tỉnh uỷ viên, trưởng ban kiểm tra tỉnh uỷ Bình - Trị - Thiên hồi hưu (trước khi chia tỉnh lại), cùng con gái nuôi là nhân vật Linh, nay là giám đốc công ti tư nhân, họ đi xe hơi riêng đến dự thính, với tư cách là vợ đầu và con gái nuôi của nhân vật Đọt. Ông Đọt nay là phạm nhân đứng trước vành móng ngựa! Trong phiên toà, còn có Lương, nhân vật đang ngồi ở một trong các hàng ghế đầu, cũng với tư cách người vợ thứ nhất chưa bao giờ cưới của ông Khảm (hồn ma Khảm thường gọi là em trong chuỗi dài hoài niệm), cũng là người vợ chính thức bất đắc dĩ thứ hai của ông Đọt. Họ đều là những chiến sĩ du kích, lãnh đạo cấp huyện từ thời chống Pháp sang thời chống Mỹ hay trưởng thành, trở nên nhân vật trung tâm trong giai đoạn sau. Và Đình, con trai của nhân vật Đọt, hiện đang là một sĩ quan công an. Đình lại chở ông Đọt về lại làng quê ở Cam Lộ, vì sau khi kết thúc phiên toà, ông là người duy nhất được hưởng án treo, trong khi những kẻ khác bị án tử hình, chung thân hay ít ra cũng 5, 7 năm tù ở. Người đọc sẽ không còn tâm thế háo hức, muốn biết kết cục sẽ ra sao như khi đọc tiểu thuyết theo kết cấu cổ điển. Tâm thế của người đọc “Bến đò xưa lặng lẽ” ở điểm này cũng tương tự người xem các vở tuồng họ đã biết trước kết thúc của tích truyện từ lâu, nhưng những điều lôi cuốn họ chính là các diễn viên đã diễn như thế nào, độ sâu thể hiện tâm lí và chất giọng thể hiện làn điệu ra sao.
Ở “Bến đò xưa lặng lẽ”, nhà văn Xuân Đức đã thu hút người đọc bằng những trang độc thoại nội tâm, biểu đạt tâm lí nhân vật qua những mẩu đối thoại hay những tình tiết sinh động. Điểm lôi cuốn nhất của “Bến đò xưa lặng lẽ” là do nhà văn Xuân Đức có khả năng đi sâu một cách tinh tế vào tận cùng nội tâm của nhân vật với những tình huống gay cấn về tâm lí (như Lương gửi con mới sinh cho Li, sau đó vì tham gia đội cải cách ruộng đất ở bờ bắc Bến Hải, không thể nhận con, rồi không thể chịu nổi, lại nhận con, nhưng đứa bé không chịu). Thêm vào đó, ông còn thể hiện tính cách nhân vật với cái nhìn không chịu lướt qua các hành vi, cảm xúc và nhu cầu hoặc thói quen xác thịt, hoặc tham vọng quyền chức, thủ đoạn thăng tiến, vốn trước đây rất cấm kị khi phản ánh những chiến sĩ du kích, bộ đội và lãnh đạo kháng chiến, cách mạng các cấp. Người đọc có nhu cầu hiểu biết sự thật hay nhu cầu về tính chân thật của hình tượng văn học. Phần nào đó, người đọc háo hức, bị lôi cuốn bởi các nhân vật, tình huống được miêu tả, khắc hoạ không phải chỉ một mặt phải, mà còn cả mặt trái.
Về giọng điệu kể chuyện, có thể nói “Bến đò xưa lặng lẽ” mang tính đa thanh, phức điệu, hướng đến nhiều đối tượng trực tiếp nghe kể. Trong đó, chủ yếu là nhân vật Khảm xưng tôi thầm thì kể chuyện với nhân vật người vợ chưa bao giờ cưới (nhân vật được gọi là em) về chính họ và đồng đội; lại cũng có nhiều chương đoạn nhân vật tôi không còn xuất hiện ở bình diện chính, để cho câu chuyện diễn ra với tất cả các nhân vật (gồm cả Khảm) đều ở ngôi thứ ba như các tiểu thuyết ta thường đọc, nhưng nhân vật tôi thỉnh thoảng xuất hiện với tư tách người cõi âm, một hồn ma, xen ngang giữa mạch chuyện ở thì hiện tại, thậm chí “trữ tình ngoại đề” bằng cách nêu câu hỏi với cả người đọc tiểu thuyết, với những đồng đội còn sống. Với thủ pháp này, người đọc không bị chìm đắm vào quá khứ – thời gian câu chuyện xảy ra –, mà như thể luôn được nhắc nhở rằng ta đang sống với thời điểm hiện tại, một hiện tại gồm cả người cõi âm lẫn người dương thế, nghe kể về quá khứ chiến tranh trước 1954 và sau đó cho đến khi Bến Hải không còn là vết thương chia cắt đất nước (1973, 1975), cùng thời đoạn 15 năm hậu chiến (1975-1990).
Kết cấu của tiểu thuyết cũng không phân tuyến nhân vật để thắt – mở mâu thuẫn kịch tính. Dĩ nhiên có đối phương là linh mục, quận trưởng Cựu, quân đội viễn chính Mỹ, tuy nhiên, như nhận định của GS. Phong Lê ở cuối sách: “cuộc đối đầu địch – ta gần như lùi xuống bình diện phụ, hoặc chỉ là một cái nền mờ cho một cuộc đối đầu của những người cùng tuyến” (tr. 408). Thậm chí, cũng không có đối đầu, mâu thuẫn kịch tính nào giữa những người đồng đội cùng chiến đấu, chẳng hạn họ không nhất trí với nhau về kế hoạch hoặc xảy ra ngộ nhận để rồi sự thiếu nhất trí hay ngộ nhận ấy trở thành mâu thuẫn kịch tính. Nói cho đúng là nhân vật Phạm Đọt có bị ngộ nhận đầu hàng Mỹ (bị thương, bị bắt làm tù binh, rơi vào khả năng có thể trở thành kẻ bị chiêu hồi, “hồi chánh”) nên Mỹ mới thả về sau khi bị giam tù, để rồi Phạm Đọt lại lên cứ (chiến khu), được cử vượt tuyến ra bờ bắc; nhưng do bị ngộ nhận đã bị chiêu hồi, nên Đọt bị công an Vĩnh Linh giam giữ, cho vào trại thu dung, tiếp đó là cho đi an dưỡng dài hạn ở Nghệ An, khoảng tám năm trời, mãi đến khi thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ngộ nhận có thật ấy, nhà văn Xuân Đức (cũng là nhà viết kịch bản sân khấu) không muốn phát triển, đẩy lên cao trào như một mâu thuẫn kịch tính, mà ngay từ đầu, ông đã để cho hồn ma (người cõi âm) tên Khảm, với tiếng nói thuyết phục nhất của tiểu thuyết, khẳng định là Phạm Đọt bị oan, oan này liền oan khác, và ngay thời điểm bị oan “chiêu hồi” xảy ra, thì Phạm Đọt cũng đã được chứng minh ngay tức thì là chưa có một cơ sở cách mạng nào ở vùng tạm chiếm bị vỡ hay một cứ điểm chiến khu nào bị càn quét (chứng tỏ ông Đọt không khai báo cho dù bị tra tấn, dụ dỗ). Tính hấp dẫn của tiểu thuyết không phải là sự kiện sẽ kết thúc ra sao, mà ở độ sâu tâm lí, tình huống của vụ việc diễn ra như thế nào.
Nói cụ thể hơn, hồn ma hay người cõi âm tên Khảm ở những chương đầu tiểu thuyết đã nói mục đích của ông ta là minh oan cho ông Phạm Đọt, một chiến sĩ du kích, một vị trưởng ban địch vận huyện uỷ dưới quyền của ông trong chiến tranh, vốn nổi tiếng như một anh hùng, được mọi người kính nể gọi là “Gấu Xám”.
“Tôi [Khảm – ct.] bình tĩnh và tự hiểu ra động cơ của mình. Tôi muốn đến để được kêu oan cho một người, không phải là những người âm đã bị chia thân xẻ cốt, mà là một người dương, một người trong số mấy chục bị cáo đang đứng kia. Tôi biết tôi chẳng thể làm gì được. Bởi vì tiếng kêu của tôi, chẳng ai trong số họ nghe được. Rồi thì anh ấy có nói gì, họ cũng chả tin, bởi anh đang lẫn vào cái mớ hỗn độn rối như bòng bong kia, cái mớ tội ác cổ kim chưa từng thấy ấy” (tr. 9).
“”Những kẻ vô nhân đạo, vô luân lý” mà bản cáo trạng vừa mới lên án đang đứng chen chúc nhau, áo sọc đen, áo sọc trắng, đầu cúi, lưng hơi còng. Trong lũ chúng đã có kẻ đã qua tuổi sáu mươi, nhưng cũng có tên mặt còn non choẹt. Có kẻ thì thật sự bất lương, lợi dụng chính sách cấp tiền tìm hài cốt liệt sĩ, đã vắt óc nghĩ mẹo tìm cách chia ba, chia bảy thi thể người âm để ăn tiền. Có kẻ cũng chỉ là loại quan liêu, đầu gật, tay ký, thế nên tội ác mới thả sức hoành hành. Trong số đó, tôi [Khảm – ct] biết, anh là người oan ức hơn cả. Đầu anh cúi thấp hơn đầu những kẻ kia, không phải vì ngấm nặng những lời buộc tội sắt đá của công tố, mà vì anh bất lực. Anh không nhìn thấy vòm trời, cũng không nhìn thấy cả cái vòm nhà mới được xây cất. Anh chỉ nhìn thấy một khối đen khổng lồ được trùm kín bên trên, áp nặng xuống đầu... Nó là cái gì, thực sự anh không thể biết được.
Nỗi oan như một tiền định kiếp trước” (tr. 16-17).
Để giải oan cho ông Đọt, ông Khảm phải kể thêm với người đọc, thì thầm thêm với Lương (nhân vật được gọi là em) quanh chuyện Phạm Đọt, không chỉ Khảm mà con có Li, Lương (em) và hai đứa trẻ Linh, Đình cùng bí thư huyện uỷ Quang, y tá Sâm rồi các cán bộ trẻ Thuẫn, Dung, Sinh, những cơ sở cách mạng như thím Bướm, kẻ tuỳ gió xoay chiều như Cao Rệ (Rễ) cũng như nhân vật đối đầu với họ là Nguyễn Đình Cựu (linh mục, quận trưởng Cam Lộ)... “Bến đò xưa lặng lẽ” chính là câu chuyện về tất thảy những nhân vật ấy, được kể lại với thủ pháp đồng hiện dày hơn, lời thầm thì với nhân vật em nhiều hơn ở các chương đầu và thưa bớt ở những chương sau. Có lẽ sự thể thưa bớt những lời thầm thì kể chuyện với vợ ấy là bởi xuất hiện “ngã rẽ” bất đắc dĩ khi Lương với Đọt là vợ chồng hờ, hờ mà có khi lại thật, như một sự oái oăm của số phận. Làm sao tha thiết thì thầm với vợ khi sực nhớ đã đến “ngã rẽ” ấy! Cũng có lẽ sự thể thưa bớt những lời thầm thì kể chuyện với người vợ ấy là bởi khi đứa con gái ruột của họ lớn lên, vượt sông Bến Hải vào lại bờ nam quê nhà để chiến đấu, và chiến đấu rất dũng cảm, nhưng khổ thay, lại yêu đương vờ để lên chức thật. Cho dù đã là hồn ma, người cõi âm, cũng thật khó kể: “Xin lỗi, tôi không thể kể lại tỉ mỉ cái chuyện đã xảy ra. Tôi xấu hổ lắm. Có người bố nào lại đi kể vanh vách cái chuyện dơ dáy ấy của con gái mình? Chỉ xin nói vắn tắt và sơ sài thôi” (tr. 317-318). Do đó, lô-gíc nội tâm của hồn ma Khảm thể hiện qua lời kể, lời thầm thì với vợ hay lời trần thuật vắng bóng đại từ tôi, chủ thể kể chuyện, tưởng chừng không nhất quán nhưng lại rất nhất quán. Ở đây là nhất quán nội tâm, cách cảm nghĩ và nhất quán nội dung câu chuyện, chứ không phải là giọng điệu chủ thể kể (tôi), đại từ nhân xưng ngôi thứ hai được quy định bởi đối tượng nghe kể (em, đồng đội, người đọc) và tình tiết, vụ việc kể (chuyện chiến đấu, chuyện vợ, chuyện con ở những khía cạnh nào đó). 
Ngoài những chương đoạn có vận dụng thủ pháp đồng hiện cùng với thủ pháp kể chuyện đa thanh, phức điệu, người đọc có thể thấy mạch chuyện và thứ tự không gian – thời gian vẫn tuần tự là chủ yếu, và chủ thể kể chuyện chỉ là một. Do đó, “Bến đò xưa lặng lẽ” vẫn là một tiểu thuyết không “khó đọc” như nhiều tiểu thuyết được viết với thủ pháp đồng hiện đậm đặc hay thuộc loại “dòng ý thức”  (James A. A. Joyce...), vốn khá được yêu chuộng hay đã là thời thượng thế kỉ XX ở Âu Mỹ, và chúng ta cũng không xa lạ gì.
Một sức cuốn hút khác ở “Bến đò xưa lặng lẽ” là xây dựng tính cách nhân vật rất sinh động, chân thật và gây ấn tượng.
Để cảm nhận những điều trên, không thể không đặt trên cơ sở tối thiểu là cốt truyện của “Bến đò xưa lặng lẽ”.
3. Chuyện những người nông dân Vĩ tuyến 17 trong chiến tranh – hậu chiến
Suốt cuốn tiểu thuyết, người đọc không thấy thành phần nào khác ngoài những người nông dân cầm súng. Có thể nói, về phía cách mạng, ở vài ba huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị, dưới ngòi bút của Xuân Đức, cuộc chiến tranh vừa qua do chính những chàng trai, cô gái nông thôn trực tiếp tiến hành, cho đến khi thế hệ con cái của họ lớn lên, tiếp nối và giữ vai trò trung tâm trong giai đoạn hậu chiến.
Phiên toà xét xử bọn chia xương, nhân mộ liệt sĩ có thật, vào khoảng năm 1990, đi vào tiểu thuyết như một sự cố “bùng nổ” để hồi ức về 30 năm chiến tranh và 15 năm hậu chiến khởi đầu từ chương 1 cho đến khi kết thúc ở chương 16.
Hai cô gái xinh đẹp Li và Lương cùng chàng trai Phạm Đọt thấp đậm đều được sinh ra, lớn lên ở vùng ven sông Hiếu (Cam Lộ). Cả hai thôn nữ này được lọt vào tầm mắt diều hâu của linh mục do Pháp đào tạo là Nguyễn Đình Cựu. Và rồi, Lương được chọn vào nhà phúc, làm nữ tu, tại một xã gần sông Bến Hải. Hoá ra, dọc bờ sông Bến Hải thuở những năm chống Pháp, có nhiều làng giáo dân, lại có cả nhà dòng Thiên Chúa giáo, do linh mục người Pháp, người Ý cai quản. Phước Sơn, phía thượng nguồn, là một khu tu viện nam nhưng thực chất là một căn cứ chống Việt Minh. Phía dưới là nhà phúc nữ tu. Lương trở thành một nữ tu bị linh mục Cựu lợi dụng làm liên lạc viên, chuyển hàng, tài liệu cho một đồn lính bảo an nguỵ. Và Lương, trong cơn xung động tình dục do bọn lính bảo an đùa cợt gây ra cộng với tâm trạng bi phẫn, “xả láng” do thất vọng khi bắt gặp linh mục Cựu đang cùng với một thôn nữ giở trò đồi bại, Lương đã gặp Khảm, một chàng trai mù có quê quán là Giang Phao (xã Trung Sơn, Gio Linh) làm nghề coi bói giữa chợ. Thực ra, Khảm giả mù, vờ coi bói để làm trạm liên lạc cho Việt Minh. Và cuộc tình giữa Lương với Khảm xảy ra từ đó.
Lương mang thai với Khảm. Đến ngày sắp sinh nở, Lương về ở với Li. Sinh xong, ngay khi bé Linh chưa cứng cát, Lương đã đi tìm Khảm. Khảm bấy giờ sau hiệp định Genève 1954, đã ra bờ bắc Bến Hải. Lương và Khảm bị cuốn vào công tác, đặc biệt là cuộc cải cách ruộng đất, “bắt rễ, xâu chuỗi”. Li cùng du kích Đọt bồng bé Linh vượt tuyến, tìm Lương. Nhưng Lương và Khảm đang là cán bộ đội cải cách quá “tả”, trên danh nghĩa vẫn chưa kết hôn, nên không thể nhận con hoang. Li và Đọt thuộc diện cán bộ mới vượt tuyến, điều kiện dễ hơn, lại chưa chính thức khai là cả hai còn độc thân, nên họ phải hợp thức hoá thành hôn với nhau, âm thầm nhận Linh làm con ruột. Ban đầu rất hăng hái, rồi kinh hoàng vì những vụ đấu tố oan sai, Lương chạy đến con gái, bấy giờ mới khoảng năm, sáu tuổi, nói hết sự thật với ý định đưa con vào bờ nam. Nhưng bé Linh không chịu. Trong khi đó, Đọt bị nghi ngờ trong cuộc cải cách ruộng đất, phải làm anh chăn bò.
Rồi Khảm và Đọt được phân công vào Cam Lộ hoạt động, bắt nối, xây dựng lại cơ sở cách mạng, kháng chiến cũ. Li trở thành một cán bộ phụ vận đầy bản lĩnh, vẫn ở lại Vĩnh Linh, phía bờ bắc, nuôi bé Linh và một đứa con trai mang huyết thống Đọt.
Lương sống chênh vênh ở vùng tạm chiếm, giữa hai làn đạn. Lương sống một nửa theo bản năng sôi trào tính dục, một nửa phải vờ chả chớt, bông phèng như một ả rửng mỡ. Bấy giờ linh mục Cựu đã là quận trưởng Cam Lộ.
Đọt càng ngày càng nổi tiếng như một anh hùng trong chiến đấu, dưới quyền lãnh đạo của Khảm. Rồi Đọt bị thương bởi đạn Mỹ, què chân, bị Mỹ bắt làm tù binh, chở vào tận Đà Nẵng để khai thác. Đọt vẫn khai nhưng khai sai với sự thật, nên không một cơ sở cách mạng nào bị vỡ, không một cứ điểm chiến khu nào bị càn quét. Đọt bị chuyển ra Quảng Trị, trả cho Cựu. Cựu chở Đọt về nhà cũ bằng xe jeep. Do đó, người làng và cán bộ, du kích nghĩ Đọt đã “chiêu hồi”.
Trong nhà cũ, anh ruột cùng mẹ khác cha của Đọt, tên là Rệ (Rễ), có người vợ vô sinh. Để tránh những phiền toái, Rệ bàn với Cựu, cần gán Lương với Đọt, để hai người này yên bề gia thất, thôi hoạt động du kích. Với họ, đó là một cuộc hôn nhân hờ, nhưng có một lần họ đã chung đụng xác thịt một cách rất thật, trong khi đó Khảm vẫn còn yêu Lương. Nhưng rồi, Đọt vẫn “nhảy rừng”, lên “cứ”. Và sau đó, Đọt bị cử ra bờ bắc, tiếp tục sống trên đất Miền Bắc, nhưng không ngờ lại như một tù nhân, để phải được xác minh, rồi như một người được an dưỡng (an trí!), không đảm nhiệm công tác nào (1).
Ở chiến trường nam Bến Hải, sau năm 1968, Khảm bị hi sinh.
Bé Linh đang học ở Hà Tĩnh, một mình vào Vĩnh Linh tìm mẹ, để nhờ mẹ Li tìm cách minh oan cho ông Đọt, cha nuôi của Linh. Sau đó, Linh xung phong vào bờ nam chiến đấu. Linh chiến đấu rất dũng cảm nhưng lại  thăng chức nhờ quan hệ xác thịt nửa vời với lãnh đạo trẻ là Thuẫn. Cuối cùng, Linh dàn bẫy để Thuẫn bị bắt quả tang lúc trần truồng với cơn xung động dâm ô, trong khi Linh vẫn cố giữ được trinh tiết với áo quần nguyên vẹn trên thân.
30-4-1975, sông Bến Hải (1954) và sông Thạch Hãn (1973) không còn là hai vết thương chia cắt đất nước.
Trong khi Li vào Huế (tỉnh lị của Bình – Trị – Thiên), đảm nhiệm chức vụ tỉnh uỷ viên, uỷ viên ban kiểm tra Đảng bộ, thì chồng chính thức của Li, ông Đọt, về lại quê hương, được huyện uỷ Bến Hải (Gio Linh – Cam Lộ – Vĩnh Linh) phân công theo trình độ chữ nghĩa, nguyện vọng: về nông trường, làm đội trưởng chăn nuôi bò. Đọt lại bị lừa, ăn thịt bò của nông trường nhưng cứ ngỡ là thịt nai rừng, theo lời tên đội phó, nên suýt nữa lại bị tù.
Dĩ nhiên Đình đã là sĩ quan công an.
Giai đoạn hậu chiến trong “Bến đò xưa lặng lẽ” kéo dài 15 năm. Trong đó, mười năm từ 1980 đến 1990 là cực kì đói khổ, bức xúc, bị cấm vận, bị lâm vào chiến tranh chống bành trướng Bắc Kinh, bị cái “đuôi kinh tế” theo quy luật khách quan quăng quật, nhất là thảng thốt do biến động từ trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa. Trước và sau Đổi Mới, 1986, Linh là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán toàn khu Vĩnh Linh (rồi cả huyện Bến Hải), lại còn là một kẻ cầm đầu đường dây khai thác trầm và buôn trầm. Linh xin nghỉ việc, vào Huế, học hết cấp III, lại trở thành giám đốc một công ti du lịch tư nhân.
Linh và ông Đọt cùng bà Lương đi tìm và đã tìm ra di cốt ông Khảm trên rừng xưa.
Thế rồi, vụ án xét xử những tội nhân chia xương, nhân mộ liệt sĩ nổ ra. Trong đó, có ông Đọt. Lần này, ông Đọt lại là nạn nhân của lòng cả tin của chính ông, nhưng ông là nạn nhân trực tiếp của Cao Rệ (anh cùng mẹ khác cha).
Đọt bị án treo, nhưng Đình, con trai ông, muốn ông kháng án, vì không thể cam chịu tội tày đình và thất nhân như thế, trong khi thực chất là vô tội.
Kết thúc câu chuyện là cuộc truy tìm mộ phần cha ruột của Linh. Họ nhờ một thầy cúng kiêm nghề đồng cốt xác định mộ nào ở nghĩa trang liệt sĩ là mộ của Khảm, bởi các ngôi mộ trong đợt trọng án này đều khuyết danh và bị chôn cất khá mờ ám. Và thầy cúng sai vong xác định đúng thật, không biết bằng thủ thuật hay phép thuật nào.
 
4. Thông điệp từ hình tượng tác phẩm
Vụ án chia xương nhân mộ liệt sĩ có thật, xảy ra vào khoảng năm 1990 tại Quảng Trị, khi đi vào tiểu thuyết, phải chăng là sự phán xét lại cuộc chiến tranh 1945-1954-1975-1989? Tâm linh hay mê tín? Tư hữu xã hội chủ nghĩa hay tư hữu “phe phẩy”, “cò con”?
4.1. Nhà văn Xuân Đức vốn là một cán bộ ngành văn hoá, văn học nghệ thuật tại Quảng Trị. Ông là người hiểu sâu, chứng kiến tận mắt vụ trọng án ấy. Nhưng với tư cách nhà văn, hình tượng vụ trọng án chia xương, nhân mộ liệt sĩ trong “Bến đò xưa lặng lẽ” còn có một ý nghĩa khái quát sâu sắc, chứa đựng một cường độ cảm xúc cao hơn trăm lần so với trong thực tại. Phiên toà đó, trong tiểu thuyết của ông, được mô tả là “long trời lở đất”, “kinh thiên động địa” (tr. 8), khiến hồn người đã khuất phải sống dậy, cả cuộc chiến tranh 30 năm và 15 năm hậu chiến phải được tái hiện, chiêm nghiệm lại suốt cả tiếu thuyết. Đó mới là ý nghĩa thâm sâu, lớn lao hàm chứa trong hình tượng vụ trọng án. Bản án trong cũng như ngoài tiểu thuyết (tr. 16) và cả cuốn tiểu thuyết là một sự khẳng định, không phải là phủ nhận cuộc chiến tranh vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc.
Nhưng đó còn là một cuộc chiến tranh ý thức hệ hay nói cụ thể hơn, theo ngôn ngữ trên các văn bản chính thống ở nước ta: “ai thắng ai” về phương thức sản xuất, công hữu hay tư hữu, về chủ nghĩa duy vật, vô thần và chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo. Cũng như độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, về phương diện ý thức hệ mặc dù rất ít được nói đến một cách trực tiếp với từ ngữ đích xác, không có khẩu hiệu nào mang nội dung đó, nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy, ở dạng cụ thể là sự câu kết, liên minh ma quỷ giữa nhà dòng Thiên Chúa giáo tại Phước Sơn với thực dân Pháp (tr. 20-22, tr. 72), rồi càng rõ ràng, công khai, sau hiệp định Genève 1954, là câu kết với Mỹ, khi linh mục Cựu trở thành trưởng ban tố cộng, tiếp đến là quận trưởng Cam Lộ (tr. 148).
Tuy nhiên, tư hữu và chủ nghĩa duy tâm vô thần hay duy tâm tôn giáo đâu chỉ ở một dạng là đồng nhất với chủ nghĩa thực dân cũ – thực dân mới và Thiên Chúa giáo như thế. Trong thực tế lịch sử và cụ thể trong tâm tư người dân hai bờ sông Bến Hải còn là Phật giáo, Nho giáo, thờ cúng tổ tiên, chủ nghĩa dân tộc... Sự thật lịch sử và tâm tư nhân dân vốn không đơn giản. Nhà văn Xuân Đức không đi sâu vào lĩnh vực này (2).
4. 2. Quay lại với cuốn tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức, nếu lại nhìn tổng quát tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ”, chúng ta sẽ một lần nữa nhận ra âm khí bao trùm, xuyên suốt, và đặc biệt ở chương đoạn cuối, nhân vật Linh lại có khuynh hướng nghiêng về niềm tin vào cõi siêu linh, hồn ma bóng quế (tr. 362). Điều đó, có thể nhận ra một khía cạnh chủ đề là vấn đề huyền bí. Đáng tiếc dạng duy tâm, tôn giáo ở đây chỉ là cấp thấp, dân gian hoá mà thôi. Và có lẽ như thế mới phù hợp với tổng thể hình tượng tác phẩm, vốn được nói rõ ở lời giáo đầu: “Câu chuyện tôi sắp kể ra đây, như người ta thường nói là không nằm trong chính sử. Tôi không hát sử thi về một vùng quê, mà chỉ kể cổ tích đêm giao thừa” (tr. 7).
Chính chủ thể kể chuyện – người cõi âm – từng “trữ tình ngoại đề” về điềm gở điềm lành: “Các đồng chí theo duy vật, có khi nào tin vào sự linh cảm của mình không?” (tr. 251). “Như thế có phải là điềm báo trước không? Các đồng chí hôm nay đã có đủ sự tỉnh táo của thời bình và đầy ắp tri thức khoa học, hãy nói giùm tôi, như vậy có phải là linh cảm đặc biệt của con người?” (tr. 252). Cả bà Li cũng trăn trở: “Có phải linh cảm không? Là người duy vật, người lãnh đạo, có nên tin vào điều đó không? Không nên, không tin. Li cố gồng người lên để tự trấn an như vậy” (tr. 260-261).
Nhiều trang khác cũng thể hiện sự trăn trở như vậy về vong linh người đã mất, đáng lưu ý nhất là của ông Đọt (tr. 275-276, tr. 287). Hoặc, đó là băn khoăn về định mệnh, tiền kiếp (tr. 292). Đặc biệt, trọn cả ba trang sách (tr. 388-391), không còn thấy chủ thể kể chuyện, nhưng cảnh Linh tham dự buổi lễ thầy cúng sai vong, tìm cách xác định mộ phần cải táng của ông Khảm, cha ruột cô, được mô tả một cách tỉ mỉ, chi tiết. Như đã nói, sự xác định huyền bí ấy lại có kết quả chính xác đến không ngờ (tr. 391-397). Linh và mẹ ruột cô, bà Lương (vốn là nữ tu thời tuổi trẻ), lại phác ra cử chỉ có tính chất tín ngưỡng, tôn giáo: “Bất giác Linh chắp hai tay vào ngực, khẽ nhắm mắt lại, còn Lương đưa vội tay làm dấu thánh” (tr. 396). Đó cũng là cảnh kết thúc tiểu thuyết.
Như thế, không thể nói cách nào khác, rằng một khía cạnh quan trọng trong chủ đề của “Bến đò xưa lặng lẽ” là siêu linh, huyền bí. Cùng một dạng loại, còn có vấn đề năng lực ngoại cảm trong đời sống thực tại hiện nay. Đó là một hiện tượng rộ lên trong mươi năm gần đây. Phải chăng các thầy đồng cốt hay các nhà ngoại cảm có một khả năng đặc biệt thuộc về lĩnh vực sóng sinh điện? Phải chăng họ có thể bắt gặp những lượng thông tin được cất trữ trong trí nhớ của những ai đó, trên vùng đất nào đó? Phải chăng tất cả các bộ nhớ trong não bộ của mọi người còn sống đều chỉ là những kho dữ liệu, mà chỉ cần thực hiện thao tác sai vong (đồng cốt), vận dụng ngoại cảm (sinh điện), như thể tìm kiếm qua Google, Yahoo, MSN..., là những người có khả năng đặc biệt ấy có thể tìm ra kết quả muốn tìm? Có lẽ hoang đường và mê tín. Tuy nhiên, tiểu thuyết “Bến bờ xưa lặng lẽ” lại khẳng định điều đó.
Đến khi gấp lại cuốn tiểu thuyết, chúng ta nhận thấy không thể không nói rõ: chính nhà văn Xuân Đức đã tin chắc vào điều đó, chứ không còn nghi vấn, băn khoăn. Phải chăng, đây chính là hạn chế có thật của tiểu thuyết “Bến bờ xưa lặng lẽ”! Nhưng biết đến bao giờ khoa học thực nghiệm tiến bộ đến mức có thể khẳng định chắc chắn đó là hạn chế thật sự?
Sự khẳng định chủ đề này ở “Bến bờ xưa lặng lẽ”, dẫu sao, cũng là một bước quá dài, trượt xa thái độ tâm linh tôn nghiêm có tính chất tưởng niệm người đã khuất trong các lễ giỗ Quốc tổ, giỗ Anh hùng, Danh nhân dân tộc và giỗ Gia tiên.
4.3. Quá trình sau chiến tranh, nhân vật Linh trở thành hình tượng trung tâm, thể hiện một khía cạnh khác của tư tưởng chủ đề tác phẩm, ngoài khía cạnh duy tâm, thần bí hoá kể trên: tư hữu. Tiểu thuyết “Bến bờ xưa lặng lẽ” không nói gì đến tư hữu “cò con” trên các mảnh ruộng 5%, mà chủ yếu xoáy sâu vào tư hữu “phe phẩy” phát triển thành tư hữu khai thác và buôn lậu trầm ở ngoài và trong hợp tác xã mua bán của Linh. Không còn là “nữ chúa rừng xanh” thời chiến tranh, Linh trở thành một “nữ chúa buôn lậu” thời hậu chiến, rồi xin từ chức chủ tịch hệ thống hợp tác xã đặc khu Vĩnh Linh cũ, bấy giờ sáp nhập thêm, thành huyện Bến Hải, huyện lị tại Hồ Xá, để học bổ túc cho xong cấp III ở Huế, rồi nhanh chóng trở thành một tư sản với danh nghĩa hợp pháp sau Đổi mới: giám đốc công ti trách nhiệm hữu hạn về du lịch.
Ở trường hợp gần như Linh hay chính Linh, nếu “phe phẩy”, buôn lậu, có tính chất xã hội đen (bạo lực máu me và dâm ô đồi bại) là tư hữu cấp thấp, bất hợp pháp, thì làm giám đốc công ti kinh doanh tư nhân là tư sản có cỡ, hợp pháp, theo định hướng xã hội chủ nghĩa!
Khía cạnh chủ đề này cũng ẩn chìm trong hình tượng cụ thể, sinh động.
5. Nét riêng và chất Quảng Trị trong ngôn từ nghệ thuật
Tất cả những gì đã tìm hiểu, cảm thụ và bình luận, như cách tổ chức (kết cấu) tiểu thuyết, các thủ pháp văn chương, nội dung chứa đựng tính cách nhân vật, tư tưởng chủ đề của bất kì một văn bản nghệ thuật nào, cũng chỉ căn cứ vào cái đầu tiên và cuối cùng, ấy là ngôn từ của tác phẩm. Đối với “Bến bờ xưa lặng lẽ” cũng như thế.
“Bến bờ xưa lặng lẽ” cho ta nhanh chóng nhận ra những đặc sắc trong nghệ thuật ngôn từ của nhà văn Xuân Đức. Là một nhà viết kịch bản sân khấu chuyên nghiệp, khi viết tiểu thuyết, những lời thoại của các nhân vật trong “Bến đò xưa lặng lẽ” mang đậm kịch tính, thường sắc gọn, dân dã nhưng có khả năng biểu đạt tâm lí cao. “Bến đò xưa lặng lẽ” còn có nhiều trang thuộc dạng miêu tả, tự sự với ngôn từ vừa tài hoa, mới mẻ, bay bướm, vừa góc cạnh, mang ít nhiều yếu tố khẩu ngữ, tiếng địa phương đậm đà, có dăm bảy chỗ văng tục, tự nhiên chủ nghĩa một cách đắc địa (trong chừng mức nhất định, có thể dám nói như vậy), đơn cử như mẩu đối thoại giữa anh em dân dã vốn bất hoà nhau về chính trị, tính cách là Cao Rệ và Phạm Đọt (tr. 209).
Nhưng nghệ thuật ngôn từ trong tiểu thuyết của ông đôi khi lại không phù hợp với văn cảnh, tạo ra sự phản cảm, cũng tương tự như ý thức lúng túng, xấu hổ của hồn ma Khảm khi kể chuyện không cao đẹp của con gái mình (tr. 317-318). Làm sao hồn ma Khảm, chồng không cưới của Lương nhưng mãi yêu Lương tha thiết, lại kể chuyện một cách đầy cảm xúc, miêu tả hành vi, cử chỉ kết hợp với biểu đạt tâm lí tinh tế, với tất cả sự rung động của người kể đến thế, về những phút trước lúc và trong khi ân ái xác thịt giữa Lương với Đọt, cho dù họ đã là vợ chồng chính thức về danh nghĩa nhưng vẫn chỉ là giả vờ vì thế kẹt cả chính trị lẫn tình cảm! (tr. 230-233, tr. 324-327). Giá như những đoạn này, hồn ma Khảm nhường lời lại cho nhân vật nhà văn, hay để nhân vật Đọt hoặc nhân vật Lương tự biểu hiện.
Mặt khác, nói chung, không riêng gì nhà văn Xuân Đức, phải chăng có một điều rất đáng tiếc là phong cách ngôn ngữ văn chương Quảng Trị (hay cả vùng Bắc Trung Bộ từ Huế trở ra Thanh Hoá) chưa thật là một thành tựu đặc sắc, nếu so với phong cách ngôn ngữ văn chương Nam Bộ hay phong cách ngôn ngữ văn chương Bắc Bộ. Trong một so sánh khác, cũng tương tự như thế, phải chăng chưa thật nổi bật, đặc sắc như văn phong Bắc Bộ, văn phong Nam Bộ, ấy là phong cách ngôn ngữ văn học Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam vào Bình Thuận). Như nhiều nhà văn Bắc Trung Bộ khác, dường như Xuân Đức nghiêng về tiếng phổ thông Bắc Bộ.
Tuy vậy, nhìn chung và nhìn trọn vẹn các mặt của một tiểu thuyết, so sánh tương quan với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả khác trên bình diện tổng thể cả nước, “Bến đò xưa lặng lẽ” là một thành công đáng tự hào không chỉ của Quảng Trị mà của cả giai đoạn văn học Việt Nam sau Đổi mới. Trên bình diện chính thống, trong 14 tác phẩm đoạt giải thưởng tiểu thuyết 2005, Hội Nhà văn Việt Nam, “Bến đò xưa lặng lẽ” đứng ở vị trí số 1, dẫn đầu, chói sáng nhất.

Trần Xuân An
Khởi viết từ 14:00 ngày 29-03 HB9 (2009)
Viết xong phần 1 lúc 18:31 ngày 29-03 HB9
Chữa lại, bổ sung  phần 1 xong lúc 21:33 ngày 29-03 HB9
Viết xong phần2, phần 3 lúc 10:51, ngày 30-3 HB9
Viết xong phần 4 lúc 16:02, ngày 30-3 HB9
Sửa chữa xong, lúc 21:12 ngày 30-3 HB9
(1) Nhân vật Đọt cứ phải chịu đựng như thế, cho đến khi Nam – Bắc thống nhất, 1975. Như vậy cuộc đời của Đọt có đến 3 lần bị tù (1 lần tù Mỹ, 2 lần tù cách mạng), nếu kể cả lần bị tù do vụ chia xương, nhân mộ liệt sĩ hồi cuối thập niên 90 / XX về sau, tất thảy là 4 lần.
(2) Xin xem tiểu thuyết “Mùa hè bên sông”, 1997 & 2003, của Trần Xuân An, cũng viết về chiến tranh – hậu chiến ở vùng đất bên bờ sông Bến Hải (chú trọng vào lĩnh vực ý thức hệ):
http://tranxuanan.writer.googlepages.com/muahebensong