Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỬ TIẾP CẬN VỚI NHỮNG KHOẢNG TRỐNG KHÔNG THỂ LẤP CỦA THI HOÀNG

Nguyễn Long Khánh
Thứ ba ngày 31 tháng 3 năm 2009 12:39 PM
 
Trong những nhà thơ đương đại Việt Nam đã thành danh tạo được dấu ấn với người đọc , Thi Hoàng là một hiện tượng lạ. Đầu tiên là về hình thức không giống ai của anh: Có một nhà thơ ở tỉnh xa mê thơ Thi Hoàng quá, ao ước được gặp anh, nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, bắt tay anh một cái cho thoả sự đời... Mong ước mãi, cũng có lần được gặp, nhưng khi gặp rồi, anh thất vọng bảo tôi: “Trông ông ấy chả có gì đặc biệt, đã bé nhỏ lại ăn mặc xuềnh xoàng, râu ria để tứ tung, tóc búi củ hành sau ót, nói năng thì dè sẻn... Thế mà sao thơ ông ấy khiếp thế?”. Tôi cười bảo: “Ông mới gặp , chứ nếu chuyện trò, ngồi uống với nhau dăm chén rượu, ông ấy mà hăng lên thì cũng đủ mọi chuyện trên đời !...”. Mà chuyện nào của Thi Hoàng cũng sâu xa, ý nhị, hài hước chết người như bỡn, lại chính xác từng chi tiết làm người nghe khoái chí cười ha hả...rồi lát nữa lặng lẽ rơi nước mắt. Những người làm văn chương ở tỉnh xa, tỉnh gần, ở hải ngoại đã về Hải Phòng ai cũng muốn đến thăm anh vì quý mến tài năng và cũng tò mò xem ông ấy sống thế nào, vợ con ra sao, có hay say rượu, tán hươu tán vượn, có hám danh, hám lợi, tự cao tự đại ? Chắc phải nghĩ mình ghê lắm mới lấy bút danh là Thi Hoàng? Nghe nó kênh kênh thế nào ấy? Và tất cả những điều ấy, khi gặp Thi Hoàng, chuyện trò với nhau bên bàn trà, uống với nhau chén rượu lâu lâu sẽ có lời giải đáp giản dị, dễ hiểu: Thi Hoàng  chân thật, mộc mạc, dễ gần...  anh  thông minh, uyên bác , hóm hỉnh lạ lùng. Gần anh, người ta thấy mến, quý anh hơn. Chỉ có điều đọc thơ anh, ai cũng giật mình khi tiếp cận với những bộc bạch tư tưởng, những quan niệm rõ ràng quyết liệt của anh về cuộc sống. Anh mong có một khoảng không “không bị tẩm độc”, “trong lành như ánh nắng ban mai” cho mọi người được hít thở, được sống trọn vẹn  mình. Anh đau đớn dằn vặt về “những khoảng trống không thể lấp” làm con người ta sống độc ác, vô luân, mất đi bản chất hướng thiện  của mình. Anh căm giận, bất bình với những kẻ vô học, xấu xa hám danh, lợi dụng chức quyền, nhân danh những điều to tát để vun vén, trục lợi cá nhân làm tha hoá, khốn đốn  người dân lương thiện... Những quan niệm đó được anh nói đường hoàng, công khai,  bằng những bài thơ,  trường ca với  lời thơ đặc biệt  giọng “Thi Hoàng”...
Ở thành phố chúng tôi, người đọc thơ Thi Hoàng không nhiều  Những suy nghĩ, bằng hình ảnh, lối lập luận, triết lý của anh trong các trường ca làm đau đầu người đọc... Đã có ngưòi đọc thơ anh đã thốt lên: “Thơ thẩn gì nghe chát chúa như kim loại va nhau, nói  những chuyện  đâu đâu, không tiêu hoá được”. “Ông ấy tỉnh quá nên mất cả giọng điệu trong thơ”. Có thế thật, ai  đọc thơ Thi Hoàng thường bị anh cuốn vào cơn lốc tư tưởng suy tư, quyết liệt, dữ dội khi anh bày tỏ, bộc bạch quan điểm về nghĩa vụ công dân, trách nhiệm của một nhà thơ với nhân dân, đất nước mình...
 Vì lý do đó, mọi người “quên” mảng thơ Thi Hoàng viết về đời thường rất đằm thắm, dung dị, trong trẻo, yêu thương biết mấy: Đây là những câu thơ anh viết về cô con gái duy nhất của mình khi ngoài tuổi 50:
Triết lý tí thôi thì ai bắt tội
Bố càng già thì con càng xinh
và nỗi sung sướng tột cùng của anh khi đứa con gái cắp sách tới trường:
Nỗi buồn của bố cũng lon ton
Theo lúm đồng tiền đựng nước non
Thua thiệt cũng đang thành thắm thiết
Có con cái mất cũng như còn
(Nắng mới và con)
Thật hay và cảm động...  Sao người đọc không chú ý đọc thơ tình của Thi Hoàng nhỉ? Khi anh nói với người mình yêu thế này:
... Anh đeo trên cổ mình tiếng cười em trong như chuỗi ngọc
Em thả tóc vào trong suối nước
Cho cánh rừng hồi sinh
Và đây nữa, đã có ai nhìn người yêu mình mê đắm, tha thiết và cao sang như Thi Hoàng:
Vòm ngực em như vòm nhà thờ
Làm run rẩy sợi dây leo ngớ ngẩn...
... Nước ngùn ngụt như lửa cháy
Nước tìm mặt đất... Anh tìm em...
Anh thấy người yêu giữa lô xô cao ốc, nhà tầng mà cái nhìn vẫn rất dịu dàng:
Từ khuôn cửa tầng cao nhìn xuống lưng em
Ôi ! Tấm lưng thơm hương bí ẩn của chùa chiền
Đẹp nức nở bên làn xe cao tốc
Và cũng chỉ có anh có ý nghĩ về người mình yêu thế này:
Em mát lành với khoảng không bình dị
... Em như cơn mưa ở giữa thị thành
Làm dịu mát cả những lời dối trá...
. Nhưng những lời gọi chẳng giống ai của Thi Hoàng với người yêu sau cuộc chiến đã đeo đẳng tôi suốt một thời gian dài đầy ma mị:
Anh gọi em từ bùn lầy cho tới nhụy hoa sen
... Anh gọi em trong tiếng kèn đám ma tiễn đưa người đã chết
Trong chiếc giầy bỏ lạc bên đường sau cuộc chiến
Anh đứng trên mũi dao của những người lương thiện
Mà gọi em ! Em hỡi ở phương nào?
(Thơ viết cho em)
Có thể nói đó là những câu thơ yêu lạ, đa tình đầy mê hoặc của Thi Hoàng...
Thi Hoàng còn có những bài, những câu thơ cảm động, day dứt  nhớ đến người mẹ đã khuất của mình, anh viết:
...  Chim ôi, đỗ xuống mái nhà
Hát lên cho nhẹ tuổi già mẹ tôi
và   Mẹ là vằng vặc trăng sao
   Mẹ là vách đất chiến hào chở che
Cho nên với mẹ, anh muốn là đứa trẻ ngu ngơ mãi:
Con không làm thánh, làm thần
Chỉ làm con mẹ khi đần, khi khôn
Mẹ mất đã hơn chục năm rồi, anh vẫn đau đáu nghĩ đến bàn chân đau của mẹ:
Mẹ ta mất đã hơn mười năm rồi
Không biết chân trái của người đã khỏi đau chưa ?
(Thơ viết dâng mẹ)
Với anh, những bông hoa dại trên mộ bạn mất ở tuổi 20 sẽ găm lại trong tim anh suốt cuộc đời:
Tuổi 20 nằm lại trong rừng
Người chỉ nhận vài bông hoa nhỏ
Còn để lại cho ta, cho ta tất cả
Hoa như là nước mắt, phải không hoa ?
(Thơ viết tặng bạn)
Thi Hoàng còn nhiều bài thơ viết tặng tuổi thơ (như Những đứa trẻ trước cổng đền, Tốc kí trẻ con, Thơ nhớ tuổi thơ, Trò chuyện với con gái, Nắng mới và con v.v...). Trong những bài thơ ấy anh thấu hiểu, nhân ái, chan hoà, gửi gắm tình yêu thương hy vọng vào trẻ nhỏ, cầu mong cho chúng làm ra những ban mai cuộc sống:
Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất
Làm được buổi chiều rất giống ban mai ...
(Những đứa trẻ trước cổng đền)
Rõ ràng Thi Hoàng thật tình cảm, bao dung chứ đâu có khô khan, lạnh giá? Anh chỉ trở nên dữ dội, quyết liệt khi bày tỏ về trách nhiệm công dân của nhà thơ trước thời cuộc, trước sự thăng trầm, nhốn nháo của cơ chế thị trường, của những tư tưởng bảo thủ, thiển cận, hẹp hòi và những hành động xấu xa làm cả khoảng không bị ô uế ngay từ nhà của những kẻ vô sỉ đó.
Có kẻ bốc hơi cá nhân tẩm độc cả nhà mình
Như dưa khú, cá thâm trong vại
Những kẻ đó tạo cho mình cái vỏ đạo đức, vênh vang cho rằng ta đang đứng trên đầu thiên hạ, luôn giảng đạo lớ bất cứ nơi nào, họ làm vẩn đục, ô uế cả khoảng không, họ đến đâu tạo ra những khoảng trống không thể lấp... Ví như có ông “quan” lãnh đạo  cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc làm khổ tai bao người, mà Thi Hoàng đã chỉ ra trong trường ca: “Cộng sinh và  những khoảng trống”:
Có ông thủ được câu: “Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn không ít”
Mà nhởn nhơ chơi được mấy khoá địa phương
Và anh không ngần ngại nói thẳng với những ông quan “cửa quyền”, “hách dịch” làm mất lòng tin của người dân:
... Bởi cái ông mặt mày tớn vén ngồi sau bàn
đang giải giải quyết quyết.
Mặt ông là một trong những cái dấu chấm chấm.
Mà người ta không biết điền cái gì vào đấy...
Đọc những câu thơ gay gắt trên làm nhiều người giật thót mình, có ông còn tá hoả lên vì sợ... Hình như số đông các nhà thơ bây giờ vẫn thích viết kiểu “khóc, say, bay, hát” về mọi chuyện để vừa tai tất cả mọi người ở mọi cung bậc xã hội: Họ nói về hoa quỳnh nở giữa đêm, về tiếng dế nỉ non, tiếng ếch ộp oạp đêm mưa, về sự đau khổ trong tình yêu, niềm vui sướng hoan lạc trong lễ hội
Ở đây, anh đã nói hộ điều bao người nghĩ mà không nói được, anh nhắc mọi người phải luôn nhìn sâu vào đáy lòng mình để có những cảm xúc chân thực, chín chắn hơn đi trên con đường của mình. Anh sợ những sự “rưng rưng vô ý thức”, vô cảm của những ai đó:
Chỉ thấy khoảng không rưng rưng
Mà rưng rưng thì mình cũng đâu có biết nó là gì
Già cứ lòng mình mà đi...
Trẻ hãy tìm đường mà đến !
Anh gióng lên hồi chuông cảnh báo những kẻ cậy quyền thế, coi thường đạo lý, coi thường tất cả, công khai nói rõ quan điểm của mình.
Rác chẳng coi ai là gì
Mùi hôi ngày càng quá quắt
Đại diện hay là thay mặt
Chẳng bao giờ được vỗ tay
và:    ... Sáng suốt sạch sẽ càng sáng suốt
         Đã ngu thì bẩn thỉu càng ngu
Thực ra, cách đây chục năm Thi Hoàng đã chỉ đích danh những kẻ cơ hội đầy tham vọng xấu xa ấy:
Quả đắng mà trèo cao thế
Mùi hôi đòi vẽ chân dung
Nhưng không sao, không sao cả
Trước sau còn có vô cùng.
Phải, trước sau còn có vô cùng... Những dự báo của Thi Hoàng đã thành sự thật chỉ ra những kẻ cơ hội, tội đồ đó. Đại hội lần thứ X của Đảng với những tư tưởng, cái nhìn quả cảm, cởi mở, thông thoáng đã mở đường cho nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, vạch mặt những kẻ xấu xa, tham quan hủ bại, những kẻ ác làm tha hoá tuổi trẻ, tẩm độc cả khoảng không, làm tàn úa thiên nhiên tươi xanh. Chúng chính là bọn tham nhũng ăn cả đất đai của tổ tiên, như lũ sâu bọ đục khoét ngay cơ thể đất nước mình... Với những kẻ tội đồ ấy, Thi Hoàng đã chỉ thẳng vào mặt chúng:
Kẻ ác thường nghĩ ngợi bằng hàm răng
(Cũng lắm khi bằng bộ phận sinh dục)
Kẻ ác thường tìm cách nâng quần lót lên thành mốt
Kẻ ác thường nhắm mắt như khoá cửa lại
Kẻ ác thường vặt quả chứ không hái quả
Kẻ ác thường chỉ thích chứ không yêu
Kẻ ác thấy “bùn lầy lại cứ tưởng đám đông nên
đi ủng lội vào để phát ra tiếng ộp oạp chính trị”.
Kẻ ác với cái nhìn vơ vét quăng mọi thứ vào lòng như bãi rác !
Những câu thơ dữ dội, chính xác của Thi Hoàng đã làm kẻ ác hiện nguyên hình. Đấy chính là tiếng nói của một người yêu nước chân chính có tự trọng. Hơn ai hết Thi Hoàng mong có những khoảng không trong sạch  để mỗi buổi sáng “mở cửa ra để làm người tử tế”. Anh luôn khẳng định một điều:
Văn hoá là con dâu
Chính trị là con rể
Tổ quốc là cha mẹ
Ta là con đẻ mà
Với anh, không gian đẹp trong sạch vĩnh hằng như cái nhìn của người mẹ quê hương:
Không gian thơm là cái đẹp vô hình
Không ví được với gì ư, thì ví như cái nhìn của mẹ
Mẹ nhìn ta
cả khi mất đã lâu rồi người vẫn đang nhìn
Chính vì cái nhìn của mẹ mà mỗi người cầm bút phải ngẩng cao đầu, sống xứng đáng, cốt cách hơn, gắn mình với vận mệnh dân tộc, với đất nước, nhân dân yêu quý của mình.
Đọc Thi Hoàng, tôi chợt nghĩ đến một vài nhà thơ trẻ mà đâu còn trẻ, đôi nhà thơ già chưa hẳn đã già, đang tìm mọi cách làm “lạ” thơ mình, họ đi vào những rối rắm tâm linh, thần bí nói về đủ mọi trạng thái tâm hồn phức tạp của mình, kể cả phơi bày các bộ phận thân thể trên trang thơ để kéo “mình” lên bằng mọi cách? Ôi, những cái tôi “dị hợm” mãi chỉ là cái tôi “khốn khổ”? Tự nhiên tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Thi Hoàng:
Hoa sen không định thơm
Không định thơm thì mới thơm như thế
Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ
Để ta thành con cái của làn hương...
Thi Hoàng đã sang tuổi 65, anh có thể nghỉ ngơi, đi chơi đâu đó, vui thú với bạn bè bên bàn trà, tiệc rượu, vì kinh tế nhà thơ cũng không đến nỗi nào... Nhưng anh vẫn say sưa làm việc quên cả thời gian và bệnh tật đang rình rập con người bé nhỏ mang xung điện lớn trong đầu. Anh bảo tôi: “ Minh lại đang viết một cái dài dài, chắc không phải trường ca, cũng chẳng là tập hợp thơ, nhưng sẽ rất riêng và có cái gì...”. Nhất định rồi, đã là giọng Thi Hoàng thì sẽ rất rieng, chúng tôi  hy vọng đuợc đọc anh  vào những ngày sắp tới !
N.L .K