Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG BÍ THƯ TỈNH ỦY VÀ CÂU CHUYỆN VỀ CÁI CHẾT CỦA 'CẬU VÀNG'

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 2 tháng 4 năm 2009 7:46 PM
 
Có thể nhiều người chưa biết tên ông, nhưng đối với tôi và những ai đã sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng những năm đầu giải phóng thì đều biết, đều dành tình cảm quý mến và sự kính trọng đối với ông- một vị lãnh đạo lão thành, đầy bản lĩnh, sáng tạo và rất giầu lòng nhân ái. Không chỉ là người “nhìn xa trông rộng” trong lãnh đạo chiến tranh, mà sau này, như lời đánh giá của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là “người đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện”.
Cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975, nhất là hai năm nay, sau ngày ông mất, tôi lại  nhớ tới ông với những kỷ niệm không thể nào quên. Ông là Ba Phước, tức Hồ Nghinh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đặc Khu uỷ Quảng Đà, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam- Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng vinh dự khác. Ông mất ngày 15-3-2007, thọ 94 tuổi.
 
Vị tướng không có quân hàm
 
Năm 2003, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản cuốn sách: “Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người”. Cuốn sách dầy gần 600 trang, gồm bài viết của nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà báo từng hoạt động trên chiến trường Quảng Đà và của nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng kể về những kỷ niệm và dành tình cảm của mình cho ông Hồ Nghinh, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá ông “là một vị lão thành cách mạng tâm huyết, có chủ kiến và trung thực”; “ người đánh giá cán bộ không qua nói hay, nói đúng đường lối, quan điểm của Đảng, mà vấn đề là thực sự làm có hiệu quả…, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng” ;“người đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện”. Nhà nghiên cứu quá cố Trần Bạch Đằng coi ông “là một sĩ phu xứ Quảng, theo nghĩa chiều sâu của cách gọi này: không có gì khuất phục nổi cái tiết tháo của một con người biết sống cho ra sống”. Còn Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng ông câu đối : “…chất cộng sản ngời lên Nhân, Trí, Dũng; … tính nhân văn toả sáng Nước, Trời, Mây”.
Ông Hồ Nghinh sinh năm 1913, quê ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là một vị trí thức tên tuổi của Đất Quảng, bạn học cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trường Quốc học Huế những năm 1925-1926. Ông tham gia cách mạng rất sớm, bị đuổi học và bị bắt, bị tù từ năm 17 tuổi. Năm 1946 ông được kết nạp vào Đảng, và từ đó luôn đứng ở mũi nhọn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng và ở chiến trường Khu V, với cương vị Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh uỷ, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ Khu V… Mười chín năm ông làm Bí thư Đặc Khu uỷ Quảng Đà và Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông là một cán bộ lãnh đạo có tiếng sống thanh bạch, giản dị.
Ông Hồ Nghinh là con thứ năm trong một gia đình có mười người con, trong số đó ông và hai người em là Hồ Thấu và Hồ Liên đều là những người nổi tiếng về học hành và hoạt động cách mạng ở đất Quảng. Cả ba anh em ông đều là Tỉnh uỷ viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hồ Thấu còn là một nhà thơ có nhiều sáng tác đặc sắc đã được nhiều cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp chép vào sổ tay, tới nay đã qua hơn nửa thế kỷ nhiều người vẫn còn thuộc. Hồ Thấu có hai câu thơ khá nổi tiếng trong bài thơ cuối cùng “Gửi Phạm Văn Kỳ” viết trước lúc mất năm 1949 tại chiến khu, sau này đã được đưa vào tuyển tập “Một trăm năm Thơ Đất Quảng” (NXB Hội Nhà văn, 2005):“Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua”. Nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng cho rằng “chỉ với một bài, thậm chí với một câu thơ hay như thế cũng đủ là một nhà thơ, một sự nghiệp”,
Người em trai út của ông Hồ Nghinh là Hồ Liên, tức Hoàng Bích Sơn, một nhà ngoại giao tên tuổi, từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Ông Hồ Nghinh chưa bao giờ được phong hàm cấp tướng của Quân đôi Nhân dân Việt Nam, nhưng trong những năm chiến tranh chống Mỹ, không chỉ một lần khi đưa tin chiến sự tại tỉnh Quảng Đà, báo chí xuất bản ở Sài Gòn đã gọi ông là “Thiếu tướng Việt Cộng Hồ Nghinh, tức Ba Phước, người chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Cộng sản tại tỉnh Quảng Nam”. Chắc không có nhiều vị lãnh đạo lại được “phong” quân hàm cấp Tướng như trươnmgf hợp ông Hồ Nghinh. Ông đúng là “một vị Tướng không có quân hàm”!
Nhưng điều đọng lại trong lòng những người đã biết ông không phải là ở những chuyện như thế, mà là ở tình người của ông, là ở khả năng thu phục mọi người, từ cốt cách, từ tri thức và nhất là từ tấm lòng của ông.
 
Đọc thơ Đường trong tiếng đại bác
 
Lần đầu tiên tôi gặp ông Hồ Nghinh là vào cuối năm 1971, khi tôi được cử phụ trách Tổ phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung bộ (tức Khu V cũ) thường trú tại Đặc khu Quảng Đà. Khi ấy ông Hồ Nghinh là Bí thư Đặc khu uỷ.
Trước khi đến gặp ông Hồ Nghinh để báo cáo công việc và xin phỏng vấn ông, tôi không khỏi có chút lo lắng và thiếu tự tin. Bởi vì khi ấy, tôi mới ngoài 20 tuổi, là một phóng viên trẻ mới vào chiến trường, một đảng viên mới được kết nạp, còn đang trong thời kỳ dự bị; còn ông, tuổi đúng bằng tuổi mẹ tôi, lại là một vị lãnh đạo cao cấp nổi tiếng, Bí thư Đặc Khu uỷ, một người đã từng đậu “tú tài Tây”, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán từ khi tôi chưa ra đời. Sự lo lắng và thiếu tự tin của tôi phần nào có nguyên nhân bắt nguồn từ một câu chuyện không vui khi tôi mới bước chân vào nghề làm báo.
Lần ấy, khi còn là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam taị Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh trong thời gian chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, tôi tìm đến một Trạm phẫu thuật tiền phương của một Quân y viện dã chiến đang đóng tại miền tây Quảng Bình để tìm hiểu, viết bài về công việc cứu chữa thương bệnh binh từ mặt trận Trị - Thiên chuyển ra. Sau gần một ngày hăm hở cuốc bộ dưới các đợt ném bom, bắn phá của máy bay Mỹ dọc đường, chập tối tôi mới tới được Trạm phẫu thuật tiền phương này. Đợi gần hai giờ đồng hồ, bụng đói meo, tôi mới gặp được một vị thiếu tá, bác sĩ phụ trách của Trạm, trạc ngoài 40 tuổi. Sau khi xem xét khá kỹ giấy tờ, chắc thấy tôi quá trẻ, lại không phải là phóng viên quân đội, với ánh mắt lạnh lùng và vẻ kiêu ngạo hiện rõ trên nét mặt, vị thiếu tá này khinh khỉnh hỏi tôi:
- Xin lỗi, sao anh biết chúng tôi mà tìm đến đây? Anh là phóng viên dân sự sao lại đi viết về đơn vị quân đội chúng tôi?
Ngừng một lát, vị thiếu tá này tiếp tục cái giọng khinh khỉnh ấy:
- Anh đã học đại học chưa? Đã có bài báo nào về ngành y chưa?…  
Ông ta hỏi thêm dăm ba câu xã giao lấy lệ rồi bỏ đi, hẹn sáng hôm sau mới làm việc với tôi, mà không có một lời hỏi xem tôi đã ăn uống gì chưa và chỗ nghỉ thế nào!
Tôi giận run lên vì thái độ kiêu ngạo và những câu hỏi bất nhã của vị thiếu tá nọ. Ngay mờ sáng hôm sau tôi rời khỏi Trạm, tìm đến một Đội điều trị thương binh 45 để viết bài (xin xem bài “Điếu thuốc lá đêm giao thừa và câu chuyện của ông Phó Chủ tịch tỉnh” trên Trannhuong.com). Bài báo của tôi về Đội điều trị và đồng chí Trung uý, bác sĩ, Đội trưởng, sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được đăng trên báo, được Bác Hồ đọc và tặng thưởng Huy hiệu của Người cho đồng chí Trung uý, bác sĩ,  Đội trưởng, về thành tích cứu chữa và điều trị thương bệnh binh từ chiến trường ra…
Còn lần này, trong một hang đá ở núi Hòn Tàu, căn cứ của Đặc Khu uỷ Quảng Đà, ông Hồ Nghinh tiếp tôi với nụ cười hiền hậu và giọng nói ân cần, nhỏ nhẹ, làm cho tôi ngay phút đầu gặp ông đã có cảm giác dễ chịu, yên tâm. Ông hỏi thăm tôi mọi chuyện, từ chuyện cơ quan đến chuyện riêng tư trước khi vào chiến trường, rồi vui vẻ trả lời từng câu hỏi của tôi về tình hình của Đặc Khu Quảng Đà. Sau buổi làm việc, ông mời tôi ở lại ăn cơm cùng ông. Chắc biết tôi đang tuổi thanh niên, lại vừa trải qua những ngày đói quay đói quắt trên căn cứ Khu uỷ V, mỗi ngày tiêu chuẩn ăn của một người chưa tới nửa lon gạo trộn sắn khô, nên suốt bữa ông chỉ ăn gọi là, cố ý dành cơm và thức ăn cho tôi. Sau này tôi mới biết, trước bữa ăn ông dã dặn người lính công vụ của mình là lấy nhiều cơm và thức ăn để tiếp tôi!
 Buổi tối hôm đó, ông giữ tôi nghỉ lại ngay trong căn hầm của ông. Ông kể cho tôi nhiều chuyện cảm động của người dân Quảng Đà đối với cách mạng, đối với Bác Hồ, về những tấm gương chiến đấu ngoan cường của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an và biệt động thành phố.
Qua trò chuyện, biết tôi có học thơ Đường trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, ông hứng khởi đọc cho tôi nghe một số bài thơ Đường nổi tiếng, trong đó có bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế mà tôi rất thích:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hoả đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Lời dịch của thi sĩ Tản Đà: Trăng tà chiếc quạ kêu sương/Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn).
Thú vị thay, giữa tiếng đại bác từ các cứ điểm của quân đội Sài Gòn ở An Hoà, Đức Dục, Bồ Bồ bắn cầm canh vào khu căn cứ Hòn Tàu và trong tiếng máy bay Mỹ thỉnh thoảng lại gầm rú, trút bom xuống khu vực xung quanh, một già, một trẻ, một vị “tú tài Tây” nay là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Cộng và một anh nhà báo mới từ miền Bắc vào vẫn bình thản đọc thơ, vẫn như nghe thấy tiếng chuông từ ngôi chùa Hàn Sơn ở một nơi xa xăm nào đó từ Trung Quốc vọng về!
Từ sau lần ấy, mỗi khi tôi được cử ra Quảng Đà, ông đều dành thời gian tiếp tôi, nhiều lần giữ tôi lại cả ngày ở chỗ ông. Ông dặn Văn phòng Đặc Khu uỷ tất cả các anh chị em nhà báo, nhà văn từ Khu uỷ V về công tác tại Quảng Đà đều là khách của ông và của Đặc Khu uỷ; phải đối xử với anh chị em “vừa là người trong nhà vừa là khách quý”.
 
Cái chết của “Cậu Vàng”
 
Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quảng Nam- Đà Nẵng kể rằng, ông Hồ Nghinh có tình cảm đặc biệt đối với anh chị em làm công tác báo chí và văn nghệ, nhất là trong những năm chiến tranh. Ông không chỉ quan tâm đến công việc mà còn quan tâm đến cả cách ăn, cách ở của các nhà văn, nhà báo. Mỗi khi có nhà văn, nhà báo hy sinh, nhất là trước sự hy sinh của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo Trần Văn Anh, nhà báo Hoàng Kim Tùng, nhạc sỹ Văn Cận, diễn viên múa Phương Thảo…,ông đau đớn như chính người thân trong gia đình mình mất. Khi có người ác cảm với cách sống của mấy anh em báo chí, văn nghệ, có ý chê bai anh em là “trí thức tiểu tư sản”, xa cách quần chúng, ông biết chuyện, nói với họ: “Mấy ông ăn chuối cây, họ cũng ăn chuối cây. Mấy ông thái to chấm mắm, họ xắt nhỏ như thuốc rê, lại bóp với bột cam Mỹ, ăn ngon hơn! Thế là họ văn minh hơn chứ!...”.
Còn nhà văn Nguyên Ngọc đã kể lại câu chuyện về cách đối xử của ông Hồ Nghinh với một kẻ thù của cách mạng, một nhân vật chống Cộng khét tiếng ở tỉnh Quảng Nam trong chiến tranh.
Lần ấy, Lê Phước Lý, thành viên của Ban lãnh đạo cấp tỉnh của tổ chức Quốc Dân Đảng phản động, từng gây nhiều tội ác đẫm máu, lại bị ta bắt. Bị bắt lần thứ hai, Lý nghĩ chắc lần này không khỏi bị đền tội nên tỏ ra là người có “tiết tháo”, rất ngoan cố, ăn nói ngạo ngược. Thái độ của y khiến nhiều chiến sĩ căm giận, muốn giết. Ông Hồ Nghinh biết chuyện, ngăn lại. Ông trực tiếp gặp Lý, vẫn giữ giọng nhẹ nhàng, ôn tồn vạch rõ tội ác của hắn đối với nhân dân, đối với cách mạng, rồi thật bất ngờ ông quyết định thả Lý. Lý kinh ngạc trước thái độ và quyết định của ông, đang hung hăng, nghênh nghênh ngang ngang, được tha chết, y sụp xuống khóc, lạy tạ. Nhiều đồng chí biết chuyện này cũng ngạc nhiên không kém, thậm chí có người tỏ ra không đồng tình. Ông Hồ Nghinh ôn tồn giải thích: “Đúng là tội ác của Lý tày đình, nhưng y đã già rồi. Hãy rộng lượng cho y được chết bằng cái chết già đang đến, cái chết không để lại vết hằn trong lòng con cháu y”.
Còn tôi lại được nghe một câu chuyện cảm động khác về ông, lần này không phải là cách đối xử của ông đối với một con người mà là đối với một con vật.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người từng có nhiều năm lăn lộn trên chiến trường Quảng Đà đã kể cho tôi nghe câu chuyện về con chó Vàng, “Cậu Vàng” của ông Hồ Nghinh.
Sau một trận càn quét, đốt phá của địch vào cơ quan Đặc Khu uỷ Quảng Đà, lúc đó đóng trong nhà dân tại Gò Nổi, Điện Bàn, ông Hồ Nghinh và một số anh em bảo vệ trở lại nơi ở cũ, bắt gặp một con chó vàng từ đâu đến, cứ quanh quẩn bên chân ông. Ông dành một phần cơm của mình cho con chó và từ đó con chó theo gót ông trên mọi nẻo đường. Ông gọi con chó là “Cậu Vàng”, không bao giờ để cơm dưới đất mà dành riêng một chiếc bát sắt, đến bữa xẻ một phần cơm của mình cho “Cậu” ăn. Còn “Cậu Vàng” bao giờ cũng vậy, đợi ông ăn xong mới ăn phần cơm ông Hồ Nghinh dành cho Cậu. Nhiều hôm “Cậu Vàng” ra suối bắt cá, bắt được con nào “Cậu” cũng cắn ngang miệng mang về, ngoe ngẩy cái đuôi rồi nhả con cá xuống bên chân ông Hồ Nghinh. Ông Hồ Nghinh dặn mấy anh em cần vụ, bảo vệ nhớ để phần đầu cá cho “Cậu”. Tối tối, “Cậu Vàng” phủ phục sát bên võng ông nằm, đón nhận bàn tay vỗ về của ông. Một vài chiến sĩ bảo vệ không thật có thiện cảm với “Cậu Vàng” và hình như ông Hồ Nghinh còn đọc được trong mắt họ ý định hoá kiếp “Cậu Vàng” thành một bữa liên hoan với lý do tiếng sủa của “Cậu” có thể làm lộ bí mật địa điểm đóng quân của Đặc Khu uỷ. Có lần một chiến sĩ nói xa xôi về điều này liền bị ông Hồ Nghinh nghiêm sắc mặt, gạt đi.
Cho tới một hôm, ông Hồ Nghinh rời căn cứ, trực tiếp ra Bộ chỉ huy tiền phương để chỉ đạo chiến dịch chống lấn chiếm của địch sau Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Ông vỗ về “Cậu Vàng”, để “Cậu” ở lại căn cứ, không cho đi theo. “Cậu Vàng” như thấu hiểu được ý định của ông, nên nhất định không chịu, cứ bám chân ông không rời. Cuối cùng ông đành phải để “Cậu” theo. Đêm hôm đó, trước khi vượt một đoạn đường nguy hiểm, ông cứ bị “Cậu Vàng” cắn gấu áo giữ lại, không thể nào đi được. Khi ông dừng lại thì “Cậu Vàng” lao vút lên phía trước. Chỉ một lát sau, một tiếng mìn cờ- lây-mo nổ vang, xé cả màn đêm. Tiếp sau là hàng tràng đạn đại liên nổ liên hồi. Ông Hồ Nghinh và đoàn cán bộ thoát chết trong gang tấc.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục kể với tôi rằng, chính ông Hồ Nghinh đã rớt nước mắt khi tự tay mình chôn “Cậu Vàng” trước khi đi tiếp vào chiến dịch.
Khi kể với tôi câu chuyện này, Nguyễn Khắc Phục nói: “Phải là người như thế nào mới khiến trời đất động lòng để “Cậu Vàng” cứu mạng mình như thế!”.
Tôi biết giờ đây kể về tấm gương của những người cộng sản như ông Hồ Nghinh không dễ gì được mọi người chia sẻ, vì có không ít người cộng sản đã không còn giữ được phẩm chất của mình sau chiến tranh. Song, tôi vẫn muốn viết về ông Hồ Nghinh như những gì mình biết. Tôi cũng biết rằng, để Nguyễn Khắc Phục có thể thốt lên một câu như thế về một ai đó, ngoài ông Hồ Nghinh, không phải là điều dễ dàng!
 Tháng 3-2009