Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN BÈ ƠI, ĐÂU PHẢI RƯỢU MÀ SAY !

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 17 tháng 2 năm 2011 5:22 AM
 
Dương Đức Quảng
 
 
Như thông lệ hàng năm, cứ mỗi lần sau Tết Nguyên đán lớp Văn, Khóa 8, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội (1963-1967) chúng tôi lại tổ chức gặp mặt, cùng nhau chúc Tết. Năm nay, sáng chủ nhật 13/2/2011, tức 11 Tháng Giêng Tân Mão, chúng tôi lại tề tựu tại tầng 12 của toà nhà Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội – nơi năm ngoái chúng tôi từng họp mặt, để mừng Xuân.
Năm nay có lẽ là năm gặp mặt đông đủ nhất từ trước đến nay, 50 người trong lớp cũ có mặt. Có bạn từ Hải Phòng về, như Trần Ngọc Thảo, Bùi Đức Nhận, từ Vĩnh Phúc xuống, như Nguyễn Dụ, từ Nam Định lên, như Trần Quang Vinh. Có bạn, như Trương Đàn thì bay từ Đà Nẵng, Phan Văn Kính bay từ Nha Trang, Dương Bich Hồng từ thành phố Hồ Chí Minh ra…Một số bạn vắng mặt trong những lần gặp trước hôm nay cũng có mặt, như Trần Quang Khải, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, bị xuất huyết não hơn chục năm nay, hôm nay đến phải có người dìu. Có bạn dễ cũng hơn chục năm tôi mới có dịp gặp lại, như Trần Ngọc Thảo, nguyên Hiệu trưởng trường Văn hoá Nghệ thuật Hải Phòng (mà chúng tôi thường gọi là “Thảo mờ”, để phân biệt với “Thảo mù”, cũng họ Trần nhưng đeo kính cận nặng hơn).
Năm nay các bạn về họp mặt đông đủ hơn các năm trước có lẽ một phần vì ngoài việc cùng nhau ôn lại chuyện cũ, chúc nhau năm mới an lành như mọi năm thì ai cũng muốn nhân dịp này có lời chúc mừng một người bạn cùng lớp là Nguyễn Phú Trọng vừa được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Năm ngoái lớp tôi họp mặt có mời Giáo sư Hà Minh Đức, thầy chủ nhiệm cũ, nhưng thầy không đến được vì vừa mổ mắt. Năm nay, như nhiều năm trước đây, thầy lại có mặt, vì như thầy nói thầy rất tự hào vì được làm chủ nhiệm lớp chúng tôi, một lớp rất đặc biệt của Trường Đại học Tổng hợp năm xưa, lớp mang lại niềm tự hào chung cho cả trường.
Nguyễn Phú Trọng đến, đầu tiên là chào Giáo sư Hà Minh Đức, rồi đến từng bàn bắt tay từng bạn trong lớp cũ. Mở đầu cuộc gặp mặt, Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và nhà báo Nguyễn Thị Minh Mẫn, nguyên phóng viên văn hoá xã hội của Đài Tiếng nói Việt Nam, thay mặt Ban liên lạc của lớp tặng hoa Giáo sư Hà Minh Đức và Nguyễn Phú Trọng, chúc mừng anh mới được đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, mời Giáo sư và anh phát biểu với lớp. Đã quá tuổi xưa nay hiếm, sức khoẻ của Giáo sư Hà Minh Đức có phần kém hơn trước, nhưng giọng nói vẫn thế, trầm ấm và truyền cảm. Giáo sư cho biết đã có 54 năm dạy đại học, nhiều thế hệ học sinh của giáo sư, từ Khoa Văn đến Khoa Báo chí của Trường Đại học Tổng hợp sau này, đều đã trưởng thành, nhiều người thành danh; nhiều người là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp; nhiều người là nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng… (Riêng tôi, không chỉ là học trò của Giáo sư mà cả con trai và con dâu tôi cũng là học trò của Giáo sư khi Giáo sư là Trưởng Khoa báo chí của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trong những năm 90 của thế kỷ trước). Còn lớp Văn Khoá 8, trước Nguyễn Phú Trọng đã có anh Nguyễn Thái Ninh là Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Giáo sư nói nhiều thế hệ học sinh của Giáo sư đều cho rằng những năm ngồi trên ghế khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tạo nên tố chất của con người nhân văn, giúp họ sống có ích sau này. Thầy Đức chúc mừng anh Nguyễn Phú Trọng đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư của Đảng và mong rằng anh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, lãnh đạo Đảng và đất nước đưa công cuộc đổi mới tiếp tục phát triển.
Tiếp lời thầy Hà Minh Đức, anh Nguyễn Phú Trọng thưa với thầy và tâm tình cùng các bạn là anh vẫn nghĩ buổi gặp mặt đầu Xuân này diễn ra bình thường như mọi năm, “nên đã chuẩn bị tiền để được đóng góp quỹ lớp và cùng các bạn đón Xuân”. Anh không nghĩ mình được các bạn tặng hoa và chúc mừng trang trọng như thế. Anh nói, những năm học tại khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, cũng như các bạn khác, anh học được tính nhân văn trong từng bài giảng của các thầy cô và từ bạn bè. Hôm nay mọi người đến đây đều là học trò của thầy Đức, của các thày cô trước đây ở Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, đều là bạn bè chung một lớp. Với giọng chân thành và điềm đạm vốn có, anh thưa với thầy Đức và giãi bày cùng các bạn: Lớp Văn khoá 8 ra trường mỗi người một ngả, mỗi người một số phận. Anh là người gặp may trong cuộc đời, bởi vì có nhiều bạn bè cũ và cả nhiều người khác tài giỏi hơn anh nhưng đã không gặp may. Anh nói, anh cũng như các bạn đến đây là đến với bạn bè của mình; mọi chức tước, địa vị xã hội chỉ như những đám mây trôi, cái còn lại với nhau là tình người, tình bạn bè, đồng chí….
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tặng Nguyễn Phú Trọng bức ảnh lớn, độc đáo phóng từ tấm phim chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 do một Việt kiều tặng giới nhiếp ảnh trong nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm Ngô Đức Thọ, một người anh lớn tuổi trong lớp tặng Nguyễn Phú Trọng câu đối: “Cách mạng tân kỳ, đĩnh nhĩ quần phương anh tú/Hữu bằng cố cựu, hi quân nhất đại thành công” (Thời đổi mới, nối anh là bông hoa đẹp nhất/ Bằng hữu xưa, chúc bạn một chữ đại thành công!) Còn nhà báo Dương Quang Minh thì tặng Nguyễn Phú Trọng và các bạn cùng lớp một tập thơ nhỏ gồm 13 bài do anh mới làm, nhan đề: “Mấy vần thơ kính tặng thầy và thân tặng bạn”, trong đó bài “Mừng bạn” viết sau khi Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, có hai câu kết: “Rời trường dốc sức vươn ngàn trượng/Với Dân với Đảng một chữ đồng!”.
Nghe Nguyễn Phú Trọng nói về số phận của từng người, tôi nhớ lại bài thơ “Bạn cũ” tôi làm để tặng các bạn lớp tôi sau cuộc gặp mặt đầu Xuân năm 1995, khi đó chúng tôi đang ở tuổi 50, tuổi “tri thiên mệnh”, tuổi biết mệnh trời. Bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy những điều tôi viết trong bài thơ đó rất đúng với số phận nhiều người trong lớp tôi. Lớp tôi có Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng, có hàng chục người khác thành danh, thành tài, nhưng cũng có những người bạn mà số phận thật hẩm hiu, gặp bao thua thiệt và nghiệt ngã trong cuộc đời. Đến thời điểm này, lớp tôi đã có 24 bạn trở thành “người thiên cổ”! Có người, như Đinh Dệ, nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, hy sinh tại chiến trường Khu 5 trong chiến tranh cách đây hơn 40 năm. Một số người mất vì ốm đau, bệnh tật cách đây gần chục năm, như nhà báo Nguyễn Văn Liên và bao người bạn khác. Nhà báo Dương Quang Minh còn ghi lại hai câu của Nguyễn Văn Liên triết lý về cuộc đời trước khi Liên mất trong một bài thơ bốn câu thật buồn: “Lúc trẻ dùng sức khoẻ tìm tiền/Về già dùng tiền tìm sức khoẻ”/ Ngồi nghe bạn buông câu triết lý/Thương bạn giờ sức kiệt, tiền không!”. Có người như nhà báo, đạo diễn truyền hình Nguyễn Hinh Anh mới mất đột ngột, ngay sau cuộc gặp mặt năm ngoái đúng một tuần vì bị tai nạn giao thông. Có người lại gặp tai hoạ như trên trời ập xuống, phải lâm vào cảnh tù tội suốt mấy năm trời, như Trần Niêm. Có người sau khi tốt nghiệp đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ việc về quê cày ruộng, chăn vịt, làm thơ, nuôi một đàn con ăn học trong những năm tháng của thời bao cấp đầy khó khăn, như Bùi Đức Nhận, Nguyễn Khắc Diệp, đến bây giờ các con của hai anh đều thành đạt, chỉ mong bạn bè ở xa thỉnh thoảng ghé chơi! Có người bị lừa đảo trong khi cùng làm ăn, buôn bán đã gây ra tội ác giết người rồi tự sát. Và có người, như Nguyễn Văn Quỳnh, ở vào tuổi 70, tuổi xưa nay hiếm, sau bao nhiêu năm lang bạt trên đất Nga, nay về nước một thân một mình, vợ bỏ, con không, anh em “nhất giả kiến phận”, tiền bạc, nhà cửa không còn, lại đang bị bệnh hiểm nghèo, một thân một mình nằm trong bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, chỉ mong được vào trại tế bần sống nốt những ngày còn lại! Ngay tại cuộc gặp mặt đầu Xuân này, ngoài số bạn bè hiện đang ở TP Hồ Chí Minh đã vào thăm anh, chúng tôi, người ít, người nhiều đã góp tiền để gửi vào trong đó giúp anh chống chọi với bệnh tật và sự cô đơn. Chị Thái Thanh trong lớp sau bao nhiêu năm theo đạo Phật, nay đã thành “bồ tát” như chị nói, ngay sau khi biết tin này đã nhận trách nhiệm liên hệ để đón anh vào chùa nương nhờ cửa Phật trong những ngày còn lại trên thế gian này!
Đúng như Nguyễn Phú Trọng nói, mọi chức tước danh vị đều trôi đi như những đám mây, chỉ còn lại mãi với nhau là tình người, tình bạn bè, đồng chí. Nghĩ tới bạn bè, nhớ tới bạn bè lớp tôi, tôi lại nghĩ: Bài thơ “Bạn cũ” tôi làm từ 16 năm trước đến nay vẫn còn có tính thời sự. “Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say!. Trong ngày đầu Xuân này tôi lại muốn được cất lên như thế để chia sẻ cùng các bạn, để mừng bạn, mừng Xuân!
 
Bạn cũ
Bạn cũ bây giờ đứa nào đầu cũng bạc
Nhưng chân có đứa dép, đứa giầy
Đứa sáng chiều ô tô đưa đón
Đứa lang bang năm mươi tuổi vẫn không nhà.
 
Bạn cũ một thời sống cùng bom đạn
Chia tay nhau chẳng hẹn ngày về
Quảng Bình, Kon Tum, Tây Ninh, Đồng Tháp
Chiến trường nào cũng có bạn cùng nhau.
 
Có đứa chẳng bao giờ còn về họp mặt
Hai mấy năm rồi hài cốt biết nằm đâu
Cô bạn ngày xưa đã thành bà ngoại
Mắt vẫn rưng rưng nhắc chuyện năm nào.
 
Có đưa bây giờ đã là bộ trưởng
Đứa về hưu mới tính chuyện làm giầu
Đứa lang bạt trời Tây, đứa tận cùng Đất Mũi
Đứa vẫn lênh đênh, lận đận suốt đời.
 
Bạn cũ gặp nhau ở tuổi năm mươi
Dẫu ông nọ, bà kia vẫn hồn nhiên đáo để
Chén rượu đầu Xuân cùng nhau chia sẻ
Bạn bè ơi, đâu phải rượu mà say!
Dương Đức Quảng
 
Chú thích ảnh: Lớp Văn, Khoá 8, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội (1963-1967) họp mặt đầu Xuân 2011
Nguồn: Blog quang194-Đầu gối-yahoo!360plus.