Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ LÀNG TIẾN SĨ BÍCH LA ĐÔNG KHÔNG HAY NGƯỜI ĐỜI ĐÃ KHOÁC ÁO GẤM CHO LỊCH SỬ?

Khải Mông
Thứ ba ngày 15 tháng 2 năm 2011 5:37 PM
 
Khi đọc Phóng sự “Địa linh sinh nhân kiệt” của tác giả Ngọc Quang trên báo An ninh Thủ đô ra ngày Thứ Bảy, 30-01-2010 (http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=67410&ChannelID=92) rất thích thú khi biết thêm thông tin về làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là vùng đất địa linh nhân kiệt, là làng Tiến sĩ, “Lò sinh quan, nôi sinh sĩ tử”… Bài báo cho biết:
“Miếu thờ nằm sát đình làng. Ngoài bia ghi danh Phó tướng Lê Mậu Doãn, miếu còn thờ nhiều vị tiến sĩ, trong đó có Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên, những người con đầu tiên của làng thi đỗ học vị cao nhất…
Chỉ tính riêng họ tộc Lê Văn làng Bích La Đông đã có 6 tiến sĩ. Người đầu tiên của họ tộc Lê Văn thi đỗ đạt cao là Tiến sĩ Lê Văn Nhượng, Tiến sĩ Lê Văn Chân, Tiến sĩ Lê Văn Nhiếp. Khoa thi cuối của triều Nguyễn có ông Lê Văn Tăng, bác ruột của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, đỗ Phó bảng và ông Lê Văn Lương đỗ Tiến sĩ...
(…) Dân làng còn lưu truyền câu chuyện công minh của một vị quan là người con của làng. Tham tri Lê Bá Thoại, đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Nguyễn, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình. Trước bá quan văn võ triều đình, ông thẳng thắn vạch thói kiêu căng, hách dịch của một quận công, rồi xin từ quan, về nhà làm ruộng, trọn đời chu toàn nhân phẩm.
Học giỏi, thi đỗ đạt cao, người làng Bích La Đông còn có truyền thống trung quân, ái quốc. Ông Lê Đăng Doanh, một người con của làng làm quan dưới thời vua Nguyễn, là người văn võ song toàn, từng làm Chính chủ khảo nhiều kỳ thi Hương. Ông từng được phong “Hiệp biện đại học sĩ ” dưới triều vua Thiệu Trị. Do có công dạy dỗ bốn đời vua liên tiếp nên khi mất ông được vua ban tặng nghi lễ cao nhất: “Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc/ Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”. Hai câu đối này đến bây giờ con cháu của làng Bích La Đông vẫn thuộc lòng”.
Với từ khóa “Làng Bích La Đông” tôi ra cứu trên Google được bài viết: “Làng Bích La - Quảng Trị: Làng nổi tiếng “Nôi sinh sĩ tử” (http://www.phahe.vn/Knowledge_Detail.aspx?ContentID=5265) của tác giả Minh Tứ (được chú thích dẫn nguồn là theo báo Văn nghệ) viết như sau:
“Qua bao biến thiên của lịch sử với gần 5 thế kỷ lập làng, người Bích La vừa chống chọi với thiên tai, vừa đấu tranh chống địch hoạ, đã hình thành nên một bề dày truyền thống tốt đẹp. Trước hết, đó là truyền thống làng có nhiều người đỗ đạt khoa bảng. Ngay tại khu miếu thờ của làng có thờ hai vị Tiến sĩ vào thời Lê, đi theo Cai tri Phó tướng Doãn Lộc Hầu: Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiếu. Còn theo gia phả các tộc họ trong làng thì làng có nhiều người đỗ đạt tiến sĩ trở lên dưới Triều Nguyễn như Tiến sĩ Lê Mậu Cúc, Lê Thuỵ, Lê Hữu Thường... Chỉ tính riêng tộc họ Lê Văn của đồng chí Lê Duẩn, thời đó đã có 5 vị: Tiến sĩ Lê Vãn Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837); Tiến sĩ Lê Vãn Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841); Tiến sĩ Lê Vãn Nhiếp đỗ khoa Mậu Tý (Đồng Khánh 3). Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn có ông Lê Vãn Tặng (bác ruột của đồng chí Lê Duẩn) đỗ Phó bảng và ông Lê Vãn Lương đỗ Tiến sĩ. Nhiều người đỗ cử nhân, tú tài... làm nên bảng vàng truyền thống khoa bảng của các tộc họ trong làng, nêu gương muôn đời cho hậu thế.
Nói đến Bích La, người ta còn nói đến mảnh đất của nhiều danh nhân, có truyền trống phò nước giúp dân. Theo Đại Nam Chính Biên liệt truyện (Nxb Thuận Hoá - 1993), ông Lê Đăng Doanh, tự là Lê Văn Doanh, người Bích La làm quan dưới thời Gia Long, là người văn võ song toàn, từng làm Chánh chủ khảo nhiều kỳ thi Hương, từng cầm quân đánh dẹp quân Xiêm ở Nam Kỳ. Khi về giữ chức Bố Chính sứ Quảng Trị thấy dân tình đói kém ông đã dâng sớ xin Vua miễn thuế cho dân và được Vua chấp nhận (năm thứ 17 triều Minh Mạng). Ông đã từng được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ dưới triều Thiệu Trị thứ nhất (1481), có công dạy bốn đời Vua nên khi mất được Vua ban tặng nghi lễ cao nhất: Nhất lão nghi hình thiên hạ tắc/Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”.
Phải nói thực lòng rằng, ban đầu khi biết những thông tin này, tôi rất lấy làm thích thú (tuy có hơi phân vân một chút về một số chi tiết chưa rõ ràng trong hai bài viết trên và tình trạng viết bài của một số nhà báo hiện nay) và ghi vào sổ tay. Nhưng sau đó, trong quá trình nghiên cứu về giáo dục và thi cử thời phong kiến, đặc biệt qua cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do Ngô Đức Thọ (chủ biên) với sự cộng tác của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Hữu Mùi (nhà xuất bản Văn học 2006, tái bản, có bổ sung chỉnh lý), tôi đã rất bất ngờ và hụt hẫng về những thông tin qua các bài viết này!
Trước hết, với hai vị Tiến sĩ Lê Cảnh Diệu và Tiến sĩ Lê Cảnh Phiên (hay Phiếu), được coi là những người khai khoa đỗ học vị cao nhất thì đều không có tên, mà chỉ có tên Tiến sĩ Lê Cảnh Trinh, người xã Lôi Xá, huyện Cẩm giàng nay là thôn Lai Xá, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, thi đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) ở thế kỷ XV; trong khi đó làng Bích La Đông được hình thành vào năm 1527, do phó tướng Lê Mậu Doãn nhận lệnh triều Hậu Lê vào xứ Thuận Hóa khẩn hoang, lập nên, lại ở thế kỷ XVI!
Còn với 5 (hay 6) vị Tiến sĩ dòng họ Lê Văn thì Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Nhượng đỗ khoa Đinh Dậu (1837) thì vừa không có tên Tiến sĩ và vừa không  có khoa thi năm Đinh Dậu (1837), mà chỉ có khoa thi năm Mậu Dần (1838) niên hiệu Minh Mệnh 19, với 20 vị Tiến sĩ và Phó bảng từ Đình nguyên Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) Nguyễn Cửu Trường (1808 – 1853), cuối cùng là Phó bảng Nguyễn Xuân Bảng (1812 - ?). Đây là khoa thi với nhiều vị danh sĩ như Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805 – 1880), Tiến sĩ Đinh Nhật Thận (1814-1866), Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872) tức Thần Siêu.
Về Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Chân đỗ khoa Tân Sửu (1841) thì khoa thi năm Tân Sửu (1841) niên hiệu Thiệu Trị 1 với 15 vị Tiến sĩ, Phó bảng, không có ai tên Lê Vãn (hay Văn) Chân. Trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” có ghi tên Tiến sĩ Lê Văn Chân nhưng là người xã Trà Lam, huyện Phù Nghĩa, tỉnh Bình Định – Nay là ấp Trà Lương, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và thi đỗ Tiến sĩ vào năm Ất Mùi (1835) niên hiệu Minh Mệnh 16.
Về Tiến sĩ Lê Vãn (hay Văn) Nhiếp đỗ khoa Mậu Tý (Đồng Khánh 3): Trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” không thấy ghi vua Đồng Khánh có mở khoa thi Tiến sĩ, mà chỉ có khoa thi năm Kiến Phúc 1 (1884), rồi đến khoa thi năm Thành Thái 1 (1889).
Khoa cuối cùng của Triều Nguyễn có ông Lê Vãn (hay Văn) Tặng (hay Tăng) đỗ Phó bảng và ông Lê Vãn (hay Văn) Lương đỗ Tiến sĩ: cả hai đều không có. Riêng đối với khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là của lịch sử hơn 800 năm khoa cử phong kiến Việt Nam chấm dứt, tôi xin dẫn cụ thể một văn bản gần với chúng ta nhất mà thế hệ những người Việt Nam đã mất gốc Hán văn (như tôi) đều có thể đọc được vì viết bằng chữ Quốc ngữ và độ tin cậy vào bậc nhất vì đó là trên báo chí Quốc ngữ đương thời (năm 1919):
Theo Nam Phong tạp chí số 24 (tháng 6 năm 1919) cho biết, khoa thi Hội cuối cùng trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam là vào năm Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định năm thứ tư (1919). Diễn biến cụ thể của khoa thi này như sau:
Ngày thi: 1-4-1919
Ngày ra bang trúng cách: 28-4-1919
Ngày 15-5-1919 thi Đình
(…) Kỳ thi này lấy đỗ 7 ông Tiến sĩ, 16 ông Phó bảng.
Nam Phong tạp chí in đầy đủ danh sách 7 ông Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) từ Nguyễn Phong Gi (ký lục tòa Khâm sứ; làng Nguyệt Viên, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, 31 tuổi) đến Dương Thiệu Tường (Cử nhân; làng Vân Đình, tổng Phương Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, 25 tuổi). Trong số 7 ông Tiến sĩ khoa thi cuối cùng này, có 2 người Thanh Hóa, 1 người Nam Định, 1 người Hà Tĩnh, 1 người Thừa Thiên, 1 người Quảng Bình và 1 người Hà Đông. Không có ai ở Quảng Trị. Có 1 vị Tiến sĩ họ Lê, tên là Lê Văn Kỷ, 28 tổi vốn là Cử nhân Hán học, giữ chức  Kinh đô thái y viện y phó; nhưng lại là người làng Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh!
Còn 16 ông Phó bảng từ Nguyễn Xuân Đàm (Tú tài, giáo sư, Hàn lâm viện đãi chiếu; làng Đông Lãm, tổng Nga Khê, huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, 31 tuổi) đến Hoàng Yến (Tu soạn sung hình chính hội lý tòa phán sự, Cử nhân; làng Minh Hương, tổng Vĩnh Trị, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, 31 tuổi). Trong số này có 4 người ở Nghệ An, 3 người ở Thừa Thiên, 2 người ở Hà Tĩnh, 2 người ở Thanh Hóa, 2 người ở Quảng Nam, 1 người ở Quảng Trị, 1 người ở Khánh Hòa, 1 người ở Quảng Bình. Có 1 người ở Quảng Trị, họ Lê, là Phó bảng Lê Nguyên Lượng 25 tuổi vốn là Hậu bổ trường Cử nhân nhưng quê ở phường Xuân Thành, tổng An Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị!
Tiếp theo, xin nói về “Tham tri Lê Bá Thoại, đỗ tiến sĩ dưới thời nhà Nguyễn, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình”. Tham tri là chức quan to, tương đương hàm Thứ trưởng Thường trực hiện nay, lại đỗ Tiến sĩ – tuy có không rõ ràng vào năm nào triều Nguyễn, nhưng trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” cũng không thấy có tên.
Tôi có dịp trao đổi với PGS Ngô Đức Thọ, người chủ biên cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, rằng liệu khi làm sách những người biên soạn có lỡ may bỏ quên vài vị Tiến sĩ trong cả nước hay không? PGS Ngô Đức Thọ cho biết, những người biên soạn đã tra cứu rất cẩn thận, kỹ lưỡng, rà soát trong tất cả các thư tịch, văn bia, tài liệu khắp trong cả nước, từ Đại Việt Sử ký Toàn thư, Đại Việt Sử ký tục biên, Đăng khoa lục, Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nma thực lục (chính biên), Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc triều khoa bảng lục, Nghệ An ký, Quảng Bình khoa lục, Bắc Ninh địa dư, Từ Liêm đăng khoa lục, Vũ tộc khoa hoạn chí… nên “Các nhà khoa bảng Việt Nam” không thể bỏ sót một ai!
Xin bàn tiếp đến “ông Lê Đăng Doanh, tự là Lê Văn Doanh, người Bích La làm quan dưới thời Gia Long, là người văn võ song toàn, đã từng được thăng Hiệp Biện Đại học sĩ dưới triều Thiệu Trị thứ nhất (1481)”. Có lẽ chính xác thì phải là năm 1841, vì năm 1481 là niên hiệu Hồng Đức thứ 12 đời Lê Thánh Tông. Ông Lê Đăng Doanh lại “có công dạy bốn đời Vua”. Các tác giả đều không nói được ông Lê Đăng Doanh đã dạy dỗ những đời vua nào? Và tuy không rõ năm mất nhưng việc một quan đại thần sống từ đời vua Gia Long dạy 4 đời vua sau đó là chuyện không thể xảy ra. Vì Nếu tính 4 đời vua từ Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) đến đời Tự Đức (1848-1883) nghĩa là trên 80 năm!
Trong thế kỷ XX, làng Bích La Đông có hàng chục tiến sĩ, giáo sư ở cả hai chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội & nhân văn cả trong nước và quốc tế. Trong nước có PGS.NGND Lê Mậu Hãn (chuyên ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại), Tiến sĩ Toán học Lê Bá Long, Tiến sĩ Sinh học Lê Thị Diệu Muội (con gái cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), Tiến sĩ Hoá học Nguyễn Từ; trên thế giới có Hoạ sĩ Lê Bá Đảng (Pháp), Tiến sĩ Nguyễn Giang Thạch (Austraylia)… đó là điều chúng ta ghi nhận và đáng tự hào. Nhưng việc các vị Tiến sĩ khoa bảng Hán học như thông tin các bài báo đưa trên đây, theo thiển nghĩ của người viết bài này cần phải kiểm chứng lại. Chúng tôi không trách các tác giả viết bài, vì họ chỉ là những người ghi chép thông tin theo lời kể lại, thêm nữa với thời đại công nghiệp hóa bùng nổ thông tin như hiện nay, không có mấy ai còn thời gian mà “cạo” thông tin, giở hết sách này, tra thêm sách kia để khảo chứng. Đó là còn chưa kể đến nhiều người quen dựa dẫm vào “giáo sư Google”, mà vị “giáo sư biết tuốt” này không phải vị tiên chỉ cái gì cũng đúng.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, sẽ có người đưa lý luận rằng các vị Tiến sĩ ấy có tên trong gia phả các tộc họ, có tên trong dân gian truyền lại. Vâng, nếu nói theo dân gian thì Trạng Quỳnh cũng là Trạng, Trạng Lợn cũng là Trạng, nhưng Trạng đấy không thể nào có tên trong bia Văn Miếu (Thăng Long – Hà Nội), bia Văn Thánh (Huế) như Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, hay Đình nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm được đâu ạ, mà chỉ có trong… bia miệng! Dẫu cho “Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” thì “bia miệng” cũng chỉ là để “mua vui cũng được một vài trống canh”, không có sức thuyết phục hơn “bia đá”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc khi điều tra điền dã tại làng Nghè, phường Nghiã Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội có được dân gian truyền lại rằng làng này có ông Nguyễn Kham đỗ Tiến sĩ, nhưng khi ông Nguyễn Vinh Phúc “tìm trong các sách Đăng khoa lục và ngay cả sách  “Các nhà khoa bảng Việt Nam” của nhóm Ngô Đức Thọ (Nxb Khoa học xã hội) thì không có tên” (Nguyễn Vinh Phúc: Mặt gương Tây Hồ - Nxb Trẻ 2004, trang 112). Đã từng có một thời báo chí chẳng đưa tin rầm rộ về cụ cuốn Ngọc phả của một dòng họ nào đấy, mà cuối cùng nó là bản chữ Quốc ngữ, chép tay, trên giấy kẻ ô-ly của học sinh Tiểu học đó sao?
Những năm 1940, trên Tạp chí Tri Tân, cụ Nguyễn Văn Tố khi phê bình những cuốn sách như “Hai Bà Trưng” của Nguyễn Tế Mỹ... đã hạ bốn chữ thống thiết: “Tai lê họa táo”. Lê và táo là những cây gỗ để khắc bản in đười xưa. Ý cụ muốn nói những cuốn sách sai về cả tư tưởng lẫn tư liệu gây tai vạ cho cả cây gỗ táo, gỗ lê, bởi vì người ta mượn chúng để truyền bá những sai lầm và độc hại.
Còn “làng tiến sĩ Bích La Đông” hiện nay, phải chăng đã được người đời khoác áo gấm cho lịch sử?/.
Hà Nội, Nguyên tiêu năm Tân Mão 2011.

Liên hệ tác giả: 0983. 905. 185
Email: kieumaison@yahoo.com.vn