Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠI HỘI XI BỎ QUÊN MẶT TRẬN VĂN HOÁ VĂN NGHỆ?

Bùi Công Tự
Thứ hai ngày 24 tháng 1 năm 2011 1:09 PM
 
VĂN HOÁ, VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG VỚI
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NÓ TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XI
Bùi Công Tự
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chúng ta luôn luôn đánh bại mọi cuộc xâm lăng của các thế lực phong kiến, đế quốc phương Bắc. Nhưng về văn hóa, văn học nghệ thuật – tôi đau lòng mà nói thật, nếu cần bạn đọc cứ trao đổi – là nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc ta đã bị nền văn hóa, văn học nghệ thuật Trung Hoa thống trị. Nó đã áp đặt chữ viết (chữ Hán), cách tổ chức nhà nước, xã hội và tư tưởng Khổng Tử tại đất nước ta. Vô hình chung nó kềm chế sự phát triển độc lập sáng tạo của người Việt trong mọi lĩnh vực trong đó có văn hóa, văn học nghệ thuật. Tôi viết những dòng trên để nói rằng văn hóa, văn học nghệ thuật có sức mạnh như thế nào giữa dân tộc này với dân tộc kia. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa với văn hóa Việt Nam tất nhiên có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nhưng tôi nhấn mạnh mặt tiêu cực.
Sau nền văn hóa Trung Hoa, văn hóa văn học nghệ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa La-tinh, đặc biệt văn hóa Pháp. Cùng với chữ Quốc ngữ, thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, tân nhạc, hội họa, kiến trúc…nửa đầu thế kỷ XX đều mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp. Nhiều thế hệ người Việt được nuôi dưỡng bằng dòng văn hóa này, trong đó có các nhà cách mạng. Đó là đóng góp của văn hóa văn học nghệ thuật đối với lịch sử.
Sau ảnh hưởng của văn hóa Pháp là tác động của văn hóa văn học nghệ thuật Liên Xô và các nước Đông Âu vào Việt Nam từ sau năm 1950. Các tác phẩm văn học nghệ thuật được dịch sang tiếng Việt đã đem lại cho văn hóa Việt Nam khuôn mặt mới mẻ. Nó góp phần đào tạo nên thế hệ chống Mỹ cứu nước và nền văn học kháng chiến của Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng rất nhiều nước trên thế giới được sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, văn hóa Pháp, văn hóa Nga như Việt Nam ta. Người Trung hoa, người Pháp, người Nga trong lịch sử đã biết cách làm nên nền văn hóa của họ. Và vì thế họ được loài người kính trọng. Còn chúng ta, dân tộc Việt Nam ta trong quá khứ có biết cách phát triển nền văn hóa của mình không ? Hiện tại Đảng và Nhà nước có biết cách phát triển nền văn hóa không? Câu hỏi trên tôi không dám trả lời.
Ở đây tôi xin được nói vài suy nghĩ sau một tuần theo dõi đại hội Đảng CSVN lần XI. Từ khi có Đảng, lịch sử 80 năm qua, đã ghi nhận sự đóng góp vô cùng lớn lao của giới văn hóa, văn học nghệ thuật. Bác Hồ nói đại ý văn hóa, văn học nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trân ấy. Từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Tổng bí thư Trường Chinh đã đề ra cương lĩnh phát triển văn hóa trong đó có văn học nghệ thuật. Bản thân các văn nghệ sĩ cũng được nhân dân tôn vinh coi như những người ưu tú nhất.
Tuy nhiên, theo thời gian, hình như càng ngày Đảng ta càng đánh giá thấp vai trò của văn hóa văn học nghệ thuật. Không nhận thấy văn hóa, văn học nghệ thuật là cái hồn của dân tộc, vẻ đẹp rạng rỡ của dân tộc. Điều đó thấy rõ qua Đại hội lần XI vừa qua. Tôi có đọc các dự thảo văn kiện Đại hôi XI phần nói về văn hóa tôi thấy nó rất chung chung, chữ thì nhiều nhưng không có gì mới. Nếu tôi không nhầm thì trong đại hội không có tham luận về văn hóa văn học nghệ thuật. Nghị quyết đại hội cũng không có một từ về văn hóa văn học nghệ thuật. Điều đó chứng tỏ văn hóa văn học nghệ thuật chưa được Đại hội Đảng lần XI quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó.
Dài dòng chút, tôi không biết có bao nhiêu nhà văn Đảng viên được là đại biểu Đại hội Đảng. Nhưng ra soát danh sách 200 vị trong BCH Trung ương tôi không thấy một văn nghệ sĩ nào. Chả lẽ bao nhiêu hội (nhà văn, nhạc sĩ, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc,…) không có ai có đức có tài ư? Ngoảnh lại quá khứ thấy các vị (có thể nói là công thần) như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi cũng không vào được BCH Trung ương. Chỉ qua một việc đó thôi cũng thấy rằng giới văn nghệ sĩ bị xem thường thế nào.
Muốn hay không thì văn nghệ sĩ cũng không thể sống, sáng tác tách rời chính trị. Hơn ai hết, ý thức công dân của văn nghệ sĩ rất cao. Vì vậy một khi giới chính trị quan tâm, coi trong văn hóa văn học nghệ thuật thì văn hóa văn học nghệ thuật sẽ phát triển đến trình độ cao. Chúng ta nhớ, sau Đại hội VI, một loạt các tác phẩm văn học xuất sắc đã ra đời nhờ sự cởi mở của chính trị khi đó.
Để kết thúc bài viết tôi xin trích lời của học giả hàng đầu nước Mỹ, giáo sư Stephen Walt trả lời phỏng vấn của báo Tuần Vietnamnet: “Sức cạnh tranh của một số quốc gia không chỉ là kinh tế, quân sự mà đó là văn hóa, để thu hút không chỉ nước mình mà là cả thế giới nữa, và khi đó họ sẽ trở thành một cường quốc. Điều này nước Mỹ đã làm được, họ tạo ra những thứ như phim ảnh, những thứ văn hóa phổ biến trên thế giới. Như vậy nếu nước nào tạo ra được những sản phẩm văn hóa cho nước đó, họ là cường quốc”.

TP Hồ Chí Minh, Ngày 22/01/2011.
*Bài viết do tác giả Bùi Công Tự gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog Xin chân thành cảm ơn tác giả
Nguồn Blog nguyenxuandien