Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHEN NHƯ THẾ THÀ… ĐỪNG KHEN

Vũ Duy Chu
Thứ bẩy ngày 22 tháng 1 năm 2011 4:24 PM
 
Trên VietNamnet hôm qua có bài viết Tân Tổng Bí thư đi xe máy tới thăm thày cũ. Chuyện cách nay đã 10 năm rồi. Thế mà tác giả bài viết làm người đọc tưởng sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng Bí thư liền chạy xe máy tới thăm thày giáo cũ. Giả sử có như thế chăng nữa thì chuyện một học trò đến thăm thày cũ là một nghĩa cử hết sức phổ biến, không chỉ có ở Việt Nam ta. Ai yêu những tác phẩm văn học viết về đề tài giáo dục mà không biết truyện ngắn rất tuyệt vời Xin cô tha lỗi cho chúng em, của Nhà văn Liên Xô Iuri Bonđarep viết về cô giáo cũ của ông. Tôi tin chắc ông Tân Tổng Bí thư đã đọc truyện này, vì ông từng là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Như thế thì ông cũng không phấn khởi gì khi đọc bài ca ngợi ông của phóng viên nói trên. Người viết viết ca ngợi mà kết quả lại bình thường hóa người được ca ngợi thì thật đáng buồn.
Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, hồi chống Mỹ, một chiến sĩ của chúng ta bị địch bắt và tử hình. Anh được truy tặng danh hiệu anh hùng. Những người viết báo viết văn cố tìm mọi chi tiết sinh hoạt đời thường của người anh hùng để ca ngợi. Có cả chuyện người anh hùng xách nước lên lầu cho vợ tắm, vì anh có phẩm chất là rất yêu vợ.
Chao ơi, thời ấy người đàn ông nào sống trong các khu tập thể vài ba tầng ở Hà Nội mà chả có phẩm chất rất là yêu vợ. Ngày nào mà các ông chả phải xách nước từ vòi công cộng chảy ri rỉ ở mặt đất lên tầng cho vợ con dùng cơ chứ.
Rồi khi người anh hùng hy sinh, thì vợ anh được người ta mời đi rất nhiều nơi để kể những chuyện về anh cho mọi người học tập. Ừ thì người nghe nào cũng tự hào về anh cả. Trước những buổi nói chuyện, bao giờ người chủ trì cũng giới thiệu đầy phấn khích, nhấn mạnh rằng chị là vợ người anh hùng. Hồi ấy, có một bà luống tuổi thì thào với tôi rằng: Chị ấy còn rất trẻ, nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai thôi. Chị ấy còn phải lấy chồng khác chứ. Người đàn ông nào lấy chị, là lấy một phụ nữ xứng đáng được yêu thương kính trọng, thế thôi. Nhưng chị đi đâu với người chồng mới, ai gặp cũng trầm trồ: Đấy, đấy, cô ấy là vợ góa người anh hùng liệt sỹ. Thế thì đừng trầm trồ còn hơn.
Hồi ông Phạm Tuân bay lên vũ trụ, có biết bao nhiêu bài báo ngợi ca ông. Có bài người viết nói rằng ông Phạm Tuân đã có ước mơ bay lên vũ trụ từ hồi còn chăn trâu trên cánh đồng làng. Bằng chứng là ông rất mê thả diều lên trời cao. Thật là hết cách ca ngợi.
Thế rồi mới đây khi báo chí ca ngợi Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải Nobel toán học, có tác giả một bài báo viết rằng hồi học cấp 2 ở Hà Nội, giáo sư có tính tự lập rất cao. Bằng chứng là ông luôn tự giặt quần áo, không phải nhờ mẹ. Tác giả này rất ít đi thực tế, rất ít đọc sách báo nên những việc hết sức bình thường lại nhầm tưởng đó là phẩm chất chỉ có ở các thiên tài. Hàng vạn, hàng triệu trẻ em Việt Nam ngày ngày phải tự bươn chải nuôi sống mình và gia đình bằng đủ thứ nghề, đủ thứ việc, sao tác giả không nhìn thấy nhỉ?
Chúng ta từng có một giai đoạn giáo dục cho trẻ em đeo toàn lăng kính màu hồng. Trường lớp toàn tranh tre nứa lá nhưng khi vào bài văn thì biến thành mái ngói đỏ tươi. Tả đồng lúa thì gợn lúa vàng như sóng xô đến tận chân trời. Tả bà ngoại bà nội ở thôn làng thì tóc trắng như mây bồng bềnh. Bà nào cũng làu làu truyện cổ tích kể cho cháu nghe cả đêm không hết. Tả lãnh tụ thì hiền lành như bụt như tiên, có tấm lòng thương yêu dân tộc mênh mông như biển cả. Hậu quả là một số trẻ lớn lên, khi đã đủ bản lĩnh và nhận thức thì chán nản, phủ nhận những điều đã được người lớn dạy dỗ, tự tìm cách đến với sự thật. Những đứa kém bản lĩnh thì nghi ngờ, mất phương hướng và buông xuôi. Còn những đứa trẻ ma lanh lớn lên sẽ sống vụ lợi, cấp trên nói điều gì cũng đúng. Chúng tìm mọi hình thức biểu lộ sự tán thưởng. Cấp trên sai chúng sẽ im lặng, như thể không biết gì…
Tôi đồ rằng sẽ còn rất nhiều những bài báo, những bài thơ, bài văn ca ngợi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng hãy ngợi ca những phẩm chất hàng đầu của một nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước. Đó là việc hoạch định những quyết sách chiến lược các mặt kinh tế, chính trị, chủ quyền đất nước, để nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi nghèo nàn lạc hậu.
Được như thế, các phóng viên chưa kịp viết bài ca ngợi ông, nhân dân chúng tôi đã ca ngợi ông rồi.
Sài Gòn, 21.1.2011
V.D.C