Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ LÊNIN

S. MARSHAK (Nhà thơ Nga)
Thứ bẩy ngày 6 tháng 11 năm 2010 9:06 PM
Nhân dịp 93 năm ngày Cách mạng tháng Mười (1917-2010)
Tôi nằm điều trị tại một bệnh viện ở Moskva.
Ngay ngày đầu tiên ở bệnh viện ai đó đã nói với tôi rằng ở đây có một nữ y tá đã từng trực bên giường bệnh Lênin. Nhưng trong bệnh viện có rất nhiều nữ y tá.
Sau 10 giờ đêm trên tất cả các tầng của bệnh viện đều im ắng. Trong các căn phòng đèn đã tắt, và chỉ ở hai đầu dẫy hành lang dài, vắng lặng những ngọn đèn trên bàn các nữ y tá trực vẫn cháy sáng suốt dêm.
Vào một đêm thao thức, sau khi đi bách bộ dọc hành lang, tôi đến ngồi bên bàn trò chuyện với nữ y tá trực. Và thật tình cờ, chị chính là người trực nhiều ngày đêm bên giường bệnh Lênin. Một tháng ở làng Gorky và hai tháng ở điện Kremlin.
Điềm đạm, hoạt bát, trông chị trẻ hơn nhiều so với tuổi 50 của mình. Có cảm giác như người phụ nữ nhỏ bé, rắn rỏi này - Maria Makarovna Petrasheva - trong tấm áo blu là thẳng nếp với chiếc mũ trắng trên đầu là một nữ y tá bẩm sinh. Và chỉ nghe qua giọng nói chậm rãi, sinh động, giàu hình ảnh của chị ta mới nhận ra rằng chị xuất thân từ một gia đình nông dân vùng thượng Vônga.
Ngày 29 - 5 - 1922, Maria được nghỉ trực. Sau khi giặt và phơi quần áo ở trong sân, có một nữ cứu thương đến tìm chị: Bác sĩ Aleksey Kozhevnicov gọi chị đến với bệnh nhân.
- Tôi đến gặp bác sĩ, - Maria kể. Cũng phải nói rằng ông ấy rất có cảm tình với tôi. Tôi còn trẻ và có lẽ vì thế mà làm việc gì cũng tốt. Ta đi thôi, - bác sĩ nói,- đến chọc hút cho bệnh nhân. Trong khi tôi vội vàng chuẩn bị, bác sĩ hỏi: Chị có biết tôi định đưa chị tới gặp ai không?- Không, tôi không biết - Lênin. Đúng lúc đó ô tô đến.
Con đường rất đẹp. Đang mùa anh đào và táo nở hoa. Bác sĩ hỏi: Chị có nhận ra nơi này không? Bên trái chúng ta là làng Saritsyno, bên phải là Rastorguevo. Chúng ta đang trên đường tới Gorky.
Chúng tôi tới một ngôi nhà nhỏ hai tầng và đi lên tầng hai, nơi Nadezhđa Krupskaya và Maria Ulyanova (em gái Lênin) đang chờ chúng tôi. Tôi khoác ngay áo blu, hỏi mượn bếp dầu và đun sôi y cụ. Người ta chỉ cho tôi chỗ bệnh nhân nằm. Tôi cầm đồ nghề một mình bước vào phòng. Vừa mới mở cửa, tôi đã nghe: Xin chào!. Còn chưa thấy mặt người mà Lênin đã cất tiếng chào hỏi. Sau này tôi mới biết được rằng Lênin luôn luôn chào trước tất cả mọi người: các nữ y tá, bác sĩ, các chiến sĩ hồng quân trong đội bảo vệ.
Nhìn ảnh, tôi nghĩ rằng Lênin tóc đen, hoá ra tóc Người màu bạch kim, hơi hung, vai rộng, phục phịch trong bộ quần áo trắng trên chiếc giường trắng. Đầu to, mặt chất phát, mắt nâu sẫm hơi nheo nheo, ánh nhìn sắc sảo như đang kiểm tra bạn. Khi tôi bước vào, Lênin chống khuỷu tay nhỏm dậy. Bác sĩ cùng vào theo, và chúng tôi bắt tay vào công việc.
 Lênin là người rất giỏi chịu đựng. Trong lúc chọc hút, Người chỉ khẽ đằng hắng, không một lời kêu ca, rên rỉ. Bác sĩ trao đổi với Nadezhda Krupskaya và đề nghị tôi ở lại chăm sóc bệnh nhân. Tất nhiên, tôi đã đồng ý.
Tôi được dành một phòng riêng. Ban đêm tôi không ở bên cạnh bệnh nhân. Tôi không hài lòng với kiểu trực này. Còn đâu là nữ y tá trực nữa, nếu ban đêm không biết điều gì  xảy ra với bệnh nhân? Không thể như vậy được!
Sáng hôm sau tôi nói tất cả điều đó với N. Krupskaya và M. Ulyanova. Lúc bấy giờ tôi còn rất trẻ nên không hiểu được rằng họ không thể ngay lập tức tin tưởng giao Lênin cho tôi. Tôi phản ứng. Hôm sau tôi được bố trí ngủ trong một căn phòng ngay cạnh Lênin. Người ta đặt ở đấy một chiếc đi- văng nhỏ. Tôi cố ý chọn như vậy để đêm đêm không ngủ quên. Cửa vào phòng bệnh nhân để mở và Lênin có thể thì thầm gọi tôi từ phòng mình. Và tôi thưòng xuyên thì thầm trò chuyện với Người như vậy.
Lênin thường hỏi tôi ngủ như thế nào, có gì phiền toái không. Người luôn luôn nằm trong phòng của mình nên không nhìn thấy tôi ngồi trên đi - văng như thế nào.
Lênin bị mất tiếng. Các bác sĩ đề nghị Người gọi tên một vật nào đó, nhưng Người không thể. Lênin cũng không viết được, khi thì tay, khi thì chân Người bị liệt. Ban ngày Lênin thường bảo tôi đi dạo, nói rằng Người không cần đến tôi. Tôi mang về cho Người những bó hoa cúc. Hoa tử đinh hương trong vườn rất nhiều, nhưng Người không chịu được mùi hăng hắc của nó, và khi tôi mang một bó hoa đồng nội về thì Người rất hài lòng.
Lênin thực hiện các qui định của bác sĩ rất nghiêm túc và chính xác. Còn nhớ, chúng tôi định mang sách ra khỏi phòng của Người. Thời gian này Lênin không được phép đọc sách, mà sách thì chất đống khắp nơi - trên cửa sổ, trên bàn. Mặc dù rất tiếc, nhưng Lênin không phản đối khi mọi người mang sách ra khỏi phòng.
Chỉ có một điều Lênin không nhượng bộ chúng tôi. Mọi người yêu cầu Người chuyển sang căn phòng của N. Krupskaya thoáng và rộng hơn, nhưng Lênin kiên quyết từ chối và ở lại căn phòng nhỏ của mình. Ở  đấy những hàng cây ngoài cửa sổ đêm đêm kêu rì rào làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của Người. Lênin cũng không hài lòng về các giáo sư ngoại quốc đến chữa bệnh cho Người. Đôi khi Người nói:Ôi, mấy ông Đức này! Không biết họ đòi bao nhiêu tiền đây?.
Lênin là con người giản dị và không thích bất cứ sự xa hoa nào. Còn nhớ, khi chúng tôi chuyển sang ngôi nhà lớn, Người không hài lòng: Quá nhiều đối với tôi. Lênin nằm ở nhà mới không lâu, vẻn vẹn chỉ vài ngày, sau đó Người được phép dậy đi lại. Vào một buổi sáng sớm, khoảng 7 giờ, tôi vừa thức dậy và đang dọn giường thì bỗng nghe tiếng kẹt cửa nhẹ. Quay mặt lại, tôi thấy Lênin đang đứng bên cánh cửa. Và như thường lệ, Người cất tiếng chào trước Chào chị!. Sau đó Người vừa cười vừa nói:
- Chị giúp tôi mặc quần áo với
Tôi bắt đầu khuyên Người trở lại giường nằm vì trời hãy còn rất sớm. Lênin không muốn nghe. Tôi còn định dậy sớm hơn, - Người nói - nếu biết quần áo của tôi để ở đâu.
Còn nhớ, ngày Lênin được phép dậy đi lại thời tiết rất xấu, trời mưa to mà Người định đến thăm đứa cháu gái Ônga vừa mới sinh. Em trai Lênin, Đmitry Ilích, sống với gia đình trong một ngôi nhà nhỏ, nơi trước đây Lênin nằm điều trị. Và thế là Lênin dứt khoát ra đi. Hãy đưa ủng và áo bành tô cho tôi! - Tôi không biết chiếc áo bành tô của tôi ở đâu. - Các người chẳng biết gì cả!. Rồi Người tự tìm áo khoác của em gái Maria và ra đi. Dù tôi có yêu cầu đến bao nhiêu thì Lênin cũng mặc. Một khi Người đã quyết thì không ai ngăn nổi.
Ít lâu sau Lênin hoàn toàn bình phục. Bây giờ Người mới cảm thấy khổ sở vì sự săn sóc thường xuyên của người khác, kể cả tôi. Chúng tôi chia tay nhau vui vẻ và thân mật.
Lần thứ hai tôi phục vụ Lênin vào tháng 12 năm 1922 và tháng giêng 1923 ở Kremlin. Vẫn bác sĩ A. Kozhevnicov đến gặp tôi và nói rằng tôi được mời tới điện Kremlin. Tôi lại gặp Lênin trên giường bệnh. Người bị liệt tay và chân phải. Nhưng không bị mất tiếng. Gặp tôi Lênin rất buồn:Tôi lại bị ốm rồi!.
Tôi được bố trí ở cạnh Người trong một căn phòng trước đây là phòng ăn. Người ta treo vào giường tôi một chiếc chuông nhỏ và tôi đặt dưới gối hoặc trên chiếc tủ bên cạnh để ban đêm ngoài tôi ra không ai được nghe thấy tiếng chuông. Lênin yêu cầu như vậy. Thời gian này Lênin quan tâm đến phong trào hợp tác hoá nông nghiệp. Vào tháng hai, khi sức khoẻ Lênin đã tốt hơn, Người được phép đọc sách. Tôi phải cầm đồng hồ trong tay theo dõi thời gian làm việc của Lênin. Khi tôi đến và nói: Thời gian của Người đã hết, Lênin rất buồn nhưng vẫn phải phục tùng. Người bực bội nói với tôi: Chị không thể ngăn chặn được ý nghĩ của tôi đâu. Đằng nào tôi cũng nằm và suy nghĩ.
Lênin bị bệnh mất ngủ. Các bác sĩ động viên Người. Giáo sư V. Kramer nói:Vlađimir Ilích kính mến, xin hãy tin tưởng, chúng tôi sẽ giúp Người bình phục. Lênin không thích điều đó. Rõ ràng, Người luôn luôn suy nghĩ, suy nghĩ không ngừng. Người nheo mắt nhìn đi đâu đó  trong khoảng không dường như đang giải quyết một nhiệm vụ nào đó. Đến cuối tháng hai sức khoẻ Lênin khá hơn, còn tôi hết sức mệt mỏi sau hai tháng trực không nghỉ. Lúc bấy giờ một nữ y tá khác ở bệnh viện thành phố được cử đến chăm sóc Người thay tôi.
Tôi biết nhiều bệnh nhân, nhưng hiếm có người nào can đảm và lịch thiệp như Lênin. Người trân trọng bất cứ công viêc nào và rất thương chúng tôi, các nữ y tá. Có lần Người so sánh công việc của chúng tôi với công việc của người đánh xe ngựa chở hàng. Tôi ngạc nhiên hỏi: Ở đây có gì giống nhau, tại sao Người lại nghĩ như vậy?. Lênin trả lời: Người đánh xe ngựa phải khiêng những tải hàng nặng, còn các chị thì dìu tôi. Phải chăng nhẹ nhàng hơn?.
Maria Makarovna dứt lời, sau cửa sổ trời đã rạng. Những ngọn đèn nhỏ trên các cánh cửa căn phòng thi nhau bật sáng: bệnh nhân lần lượt gọi các y tá tới giúp đỡ.
     Tháng 4 - 1938
 Trần Hậu (Dịch từ Sputnic)