Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI BUỒN CA… RAO

Vũ Quốc Túy
Thứ tư ngày 29 tháng 9 năm 2010 8:13 PM
  Đi lang thang qua cửa quán bác Trần,  bỗng thấy vọng ra những lời ca cẩm , chắc là  của người vừa mới bị bọn xấu nhập cư vào đất Kinh Kỳ xỏ lá buông lời khiếm nhã,  nên đã  trút giận vào câu ca dao hiền lành vô tội . Nghĩ bụng, mình chả là cái thá gì, đây không phải chỗ của mình, đừng có chõ mõm vào chỗ văn chương chữ nghĩa của các cụ,  song ngẫm nghĩ mãi, đành phải có vài câu can gián . Nếu bị vặc lại, phản pháo lại thì  co cẳng  chạy thay vì đôi co. Câu ca dao này mình nghe quen, báo chí lẫn mồm thiên hạ vẫn thường ra rả “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An”. Lại có chỗ khác thì viết “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng thanh chẳng lịch cũng người Tràng An”. Mình thich câu sau hơn. Câu trước chỉ nói đến phép lịch sự chung chung, còn câu sau nói cả đến cái thanh cao, lịch lãm của người bản địa Tràng An.Ca dao, dân ca là vậy, có nhiều dị bản, bởi truyền miệng mà. Còn ông Tố Hữu thì hình như gọi hoa nhài là hoa lài, theo kiểu Huế, ở bài “Tiếng hát sông Hương” gì đó. Sách vở, văn bản… hủy đi thì dễ, còn câu truyền miệng mà cấm hoặc xui người ta đừng mở mồm, thật khó lắm thay! Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ, ca dao tục ngữ nói thế.
  Theo sách vở mà cụ Vũ Ngọc Phan đã soạn (Tục ngữ và dân ca Việt Nam) thì ca dao có ba thể :Thể phú, thể tỉ và thể hứng. Câu ca dao trên thuộc thể tỉ (so sánh). Mình nghĩ hoa nhài có mùi thơm đặc trưng, thường được người ta ướp vào trà để uống. Mùi thơm là thuộc tính của hoa nhài, là bản chất, là tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của ai cả. Dẫu ai đó ghét bỏ, chê không thơm thì hoa nhài vẫn cứ thơm, vẫn đáng yêu. Thật là khổ và đáng thương cho cô gái kia, khôn ngoan thế mà bị ép gả hay vì một phút nông nổi mà lỡ lấy phải thằng chồng dại , nên bị ca dao ví “như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.” Còn người Tràng An, người sinh ra và lớn lên ở đất Kinh Kỳ, thì bản chất là thanh cao và lịch lãm, do được giáo dục, ăn học tử tế từ nhỏ, nên phẩm chất đó đã trở thành bản lĩnh. Ứng xử thanh lịch là nếp sống văn hóa của người Tràng An, nên ai đó có ghét bỏ mà bảo rằng không thanh lịch do khác biệt về tập quán vùng miền hay vì lí do nào khác, thì theo lối ứng xử chung được nhiều người chấp nhận, người Trường An vẫn luôn là người thanh lịch. Ý nghĩa câu ca dao đơn giản thế, nhưng nếu phát ra từ mồm kẻ kiêu căng, hợm hĩnh, hãnh tiến, khinh người như rác…thì nó lại mang sắc thái khác. Bây giờ, đất Hà Thành là nơi hội tụ của người tứ xứ đến định cư, mật độ dân số ngày càng đông, cái sự hỗn tạp pha trộn của văn hóa các vùng miền khiến người ta dễ hiểu nhầm về bản chất người Hà Nội.
   Mình còn nhớ hồi sinh viên, vào những năm 70 của thế kỉ trước, không phải giờ cao điểm tan tầm, đi trên đường Hà Nội, cách khoảng 5-10 mét mới gặp một người. Vùng ngoại thành mênh mông lúa, nội thành phố xá phong quang, không nhiều khói bụi và biển quảng cáo như bây giờ. Thi thoảng mới nhìn thấy cái xe mô-bi-lét hay Sô-lếch máy nổ vần bánh trước. Toàn thấy người đi xe đạp. Không may có va quệt vào nhau một tý, một lời xin lỗi thật nhẹ nhàng và nụ cười khiêm tốn, mọi việc đều êm thấm vui vẻ.
  Mình nghĩ mọi sự hỗn độn, vô văn hóa có lẽ là hệ lụy từ cái sự phát triển không bền vững ở tầm vĩ mô, lại được phò tá đắc lực bởi  tay đầy tớ trung thành là cơ chế. Văn hóa giáo dục đi xuống cấp số nhân .
 Không thể xác định được câu ca dao kia được sáng tác từ  bao giờ,  người sáng tác có thái độ thế nào đối với cuộc sống. Song với trách nhiệm công dân, thiết nghĩ  cần phải bảo tồn những giá trị di sản văn hóa truyền thống- Văn hóa phi vật thể- Ca dao, thơ lục bát. Nghe mấy câu xửng cồ, phàn nàn kia, mình thật sự thấy buồn, nỗi buồn… Ka Rao.