Trong con mắt quần chúng khi đó, viên cựu Tuần phủ xứng đáng bị trừng trị!
Vi Văn Định (1878 - 1975) xuất thân trong một gia đình quý tộc người Tày tại bản Chu, xã Khuất Xá, Lộc Bình (Lạng Sơn) đại diện cho uy danh dòng họ 13 đời làm thổ ty. Tổ tiên họ Vi được triều đình cử trấn giữ biên giới phía bắc. Dòng họ có nhiều người được phong làm quận công trong nhiều thế hệ từ đời Trần đến triều Nguyễn.
Vi Văn Định giữ nhiều chức. Tuần phủ Phúc Yên, Tuần phủ Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929 - 1937), Tổng đốc Hà Đông, từng được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo rồi nghỉ hưu năm 1942.
… Không biết làm thế nào mà việc bắt ấy đến tai Cụ Hồ. Chu Văn Tập được gọi lên Bắc Bộ Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thả ngay ông cựu Tuần phủ. Chu Văn Tập hơi bất ngờ nhưng cũng bộc bạch ngay với Hồ Chủ tịch rằng Vi Văn Định là tay sai đắc lực của Pháp. Rằng trong thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp (1936 - 1939) vị này từng viết bài nói xấu Cộng sản trên báo. Nhưng nghe hết, Cụ Hồ chỉ cười. Rồi buông một câu tiếng Pháp với Học Phi “làm cho người ta thích mình hơn là làm cho người ta sợ mình chứ?”.
Nghĩa cử đó lúc đầu có nhiều người thắc mắc, không tuân phục trong đó có cả những nhân vật cộm cán như Hoàng Hữu Nam ( chánh văn phòng Bộ Nội vụ). Cụ Hồ điềm tĩnh với Hoàng Hữu Nam như này “Một người có “tiếng khét” như cụ Vi Văn Định chắc cũng còn cả “tiếng thơm” nữa… Cụ ở với chúng mình thì tiếng thơm ấy có lợi cho sự nghiệp chung chứ?”.
Chắc mọi người sau này đều tường. Con trai cụ là Vi Văn Kỳ, làm việc ở Bộ Nội vụ. Con rể lớn là GS Nguyễn Văn Huyên, Tổng giám đốc Đại học vụ, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Một ông rể danh giá là GS Hồ Đắc Di, Tổng thanh tra y tế. Một ông cháu rể khác là GS Tôn Thất Tùng, thân sinh GS Tôn Thất Bách.
Phạm vi bài viết có hạn nên chả thể chi tiết về ông con rể cụ Vi là GS Hồ Đắc Di.
Chỉ xin trích ngang gia thế hơi bị “ khủng”. Ông nội GS Hồ Đắc Di là hầu tước Hồ Đắc Tuấn, Cử nhân Nho học, kết hôn với Công nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm.
Thân phụ của GS Hồ Đắc Di là cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, tước Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ rồi Bộ Lễ kiêm Bộ Công, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần, tứ trụ đại thần triều đình thời vua Duy Tân và Khải Định. Cụ cũng là Quốc trượng (bố vợ) của vua Khải Định.
Sáu người con trai của cụ Hồ Đắc Trung đều là những ông nghè ta và ông nghè Tây sáng danh: Cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải, Thượng thư Bộ Hộ triều vua Bảo Đại. Còn lại 5 ông nghè Tây là: Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm, Tiến sĩ Y khoa Hồ Đắc Di, Tiến sĩ Địa chất Hồ Đắc Liên, Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân và Tiến sĩ Điều khiển học Hồ Đắc Thứ. Ngoài ra, bà Ân phi Hồ Thị Chỉ là vợ chính thất của vua Khải Định.
… Tôi may mắn nhiều năm trước có cuộc gặp với nhà báo Hồ Thể Lan, con gái GS Hồ Đắc Di khi ấy chị đương đảm chức Người Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao. Trong câu chuyện, lựa lúc thân mật, tôi có mạo muội rằng, chị nên có một cuốn hồi ký. Hồi ký, tại sao không? Hơi bị thú vị vì thể nào cũng sẽ có chi tiết cơn cớ, duyên do như nào mà một anh công chức nhà nghèo Vũ Khoan lại trở thành rể của một gia đình đại quý tộc như GS Hồ Đắc Di. Và tất nhiên cả chuyện nhà báo Hồ Thể Lan trở thành vợ của Phó Thủ tướng Vũ Khoan như thế nào!
Viết đến đây cũng nhớ thêm đến vị Thủ trưởng cũ đáng kính, GS Đặng Quốc Bảo, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn. Cũng do công việc mà nhiều lần tôi được đặt chân đến số nhà 19 phố Phan Đình Phùng.
… Thoáng ngó vẻ lịch lãm và gì nữa, một chút thướt tha duyên dáng bên người chồng, tướng Đặng Quốc Bảo, tự dưng câu ngạn ngữ lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống cứ choán lấy tâm trí. Tông, giống ở đây hình như hàm cả nghĩa đen lẫn bóng?
GS Dương Quảng Hàm bỏ mình vì quốc sự thời điểm Toàn quốc kháng chiến sau này được truy tặng Liệt sĩ, trước năm 1945 là GS học giả nổi tiếng với nghiều công trình nghiên cứu mà một trong những trước tác, trí thức Việt lẫn bình dân thời Pháp cai trị đều thuộc nằm lòng. Đó là cuốn Việt Nam văn học sử yếu một công trình nổi tiếng đặt nền móng cho bộ môn Văn học sử Việt Nam.
Hổ phụ sinh hổ tử. GS ở chín suối hẳn ngậm cười vì khi GS nằm xuống, bầy con hẵng còn trẻ thơ bấy bớt nay thành đạt, phương trưởng.
Như cô con gái cưng của GS Dương Quảng Hàm, Dương Thị Duyên đã bén duyên với GS tướng Đặng Quốc Bảo. Từng la yếu nhân của TTXVN Dương Thị Duyên được chọn là nữ phóng viên duy nhất tại cuộc hòa đàm Ba Lê thời Trưởng đoàn Xuân Thủy. Cô em Dương Thị Thoa còn có tên là Lê Thi được ví như một nữ lưu, người vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Lễ Tuyên Ngôn độc lập ngày 2-9-1945 ở Quảng trường Ba Đình đã nên duyên với đại tá Lê Hồng Hà, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ. Một cô nữa là GS Dương Thị Cương GĐ Bệnh viện C thành gia thất với ông chồng là GS Vũ Văn Đính, Chủ nhiệm khoa, Anh hùng Lao động ngành Y tế.
Năm ngoái đi Thọ Xuân Nông Cống viết loạt bài “ Một địa chỉ đỏ có nguy cơ bị quên lãng” về cái làng Quần Tín- thủ đô kháng chiến từng nhiều năm quần tụ của văn nghệ sĩ sau năm 1946. Tôi có ghé lại nơi những tướng Nguyễn Sơn, Vũ Ngọc Phan, Hữu Loan… từng ở. Mừng nữa lại tìm được manh mối về cụ Sở Cuồng Lê Dư, một trí thức uyên bác. Cụ Lê Dư có mấy cô con gái rượu nhan sắc đều chim sa cá lặn. Nên rể của cụ, ông đầu là nhà văn Vũ Ngọc Phan ( vợ là nữ sĩ, thi sĩ Hằng Phương) Ông thứ hai là trí thức nổi danh Hoàng Văn Chí, từng vang danh sau này ở nước ngoài ( vợ là Lê Hằng Phấn ). Ông rể út hàm én mày ngài chính là tướng Nguyễn Sơn huyền thoại. Đám cưới của tướng Nguyễn Sơn với người đẹp Lê Hằng Huân tổ chức ở Quần Tín năm 1948.
Nhớ thời gian những năm cuối bảy mươi phải đi biệt phái ở vùng than những Tràng Bạch Vàng Danh, Uông Bí Hòn Gai… Hết lộ thiên rồi hầm lò. Cánh phóng viên chúng tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Bộ trưởng Bộ Điện Than Nguyễn Chấn. Ban đầu cứ nghĩ ông xuất thân là công nhân mỏ là thợ khai thác than. Bởi trên khuôn mặt ông có những vệt đen đen cứ như di chứng của một thợ cuốc than lâu năm “ ám” vào. Hóa ra ông mắc chứng dị ứng chi đó khó trị.
Thời ấy cũng giản dị, dễ thân gần. Quan chức, lính tráng có nhiều bữa chung bữa cơm thợ mỏ giản dị. Qua những anh em thân hay đi với Bộ trưởng, tôi có loáng thoáng biết vợ ông vốn là một hoa khôi. Ngạc nhiên biết thêm bà cũng là nhà báo công tác ở TTXVN. Hồi ở chiến khu Việt Bắc, bà được chọn là người đánh máy cho Cụ Hồ một thời gian. Biết thêm nữa là bà có người chị ruột, chồng là một yếu nhân của Bộ Ngoại giao!
Mãi sau này thân gần với anh Dương Đức Quảng cũng nhiều năm làm ở TTX, tôi được anh Quảng kể cho nghe rằng anh từng công tác nhiều năm với chị Phan Thị Oanh vợ BT Nguyễn Chấn. Chị Oanh sinh ra trong gia đình quan lại phong kiến có tiếng, dòng dõi con cháu cụ Phan Đình Phùng. Chị Oanh là cháu ruột nhân sĩ trí thức yêu nước Phan Tư Nghĩa. Chuyện thú vị là anh Quảng từng nghe chị bộc bạch rằng chị trở thành nhà báo là nhờ sự rèn luyện của người thủ trưởng kính mến, nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng. Năm 1960, khi chồng chị là Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, thì chị công tác ở Ty Thông tin của tỉnh, do nhà thơ Bút Tre làm Trưởng ty. Nhà thơ Bút Tre trực tiếp giao cho chị làm Bản tin tuyên truyền, cổ động phong trào thi đua sản xuất trong tỉnh.
Mặc dù biết chị là vợ ông Bí thư Tỉnh ủy nhưng trong công việc, nhà thơ Bút Tre không một chút châm chước, nể nang. Ông giao cho chị đi xuống cơ sở chụp ảnh, viết tin, biên tập, lên trang, đi nhà in, sửa mo-rát từng số Bản tin, phê bình "sát sạt" mỗi khi chị có sai sót, khuyết điểm.
Qua anh Dương Đức Quảng mới biết, người chị gái chị Oanh là Phan Thị Phúc, phu nhân của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Chị Oanh từng được chị gái đưa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Đã có nhiều thông tin về phu nhân nhà ngoại giao Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Khỏi nhắc lại ở đây. Chuyện một người từng làm vợ một Bộ trưởng rồi làm mẹ một Bộ trưởng, hơn thế một Phó Thủ tướng có lẽ cũng là thứ hiếm?
Định kết thúc bài viết, chợt nhớ thêm cái tình thông gia của hai cụ Kim Lân và Hoàng Công Khanh.
Chuyện thì dài nhưng vắn tắt thế này. Nhà cách mạng Hoàng Công Khanh ( Nhạn Lai Hồng) từng là cựu tù nhân nhà ngục Sơn La. Sau này cụ Khanh bị oan bị vướng vào vụ “ nhân văn” phải đi tập trung cải tạo.
Sau này tôi được cụ Hoàng Công Khanh kể lại. Lần đó nhà văn Kim Lân gác mọi thứ đồn thổi dị nghị và những liên lụy này khác, thập thững bị cói tàu xe lên một vùng trung du hẻo lánh thăm bạn. Hai người ôm lấy nhau. Ngồi với nhau suốt cả một buổi chiều mà cả hai chả nói năng gì.
Cái tình bạn viết, bạn già của hai ông bố ấy đưa hai em Đào và Việt Tuấn đến với nhau thành chồng vợ hay chúng tự tìm hiểu? Cũng chưa kịp hỏi.
Tôi đã hai lần theo vợ chồng Đào – Tuấn đi dự Lễ đặt tên đường Hoàng Công Khanh ( ở Hải Phòng) và đường Kim Lân ở Bắc Ninh.
Có thể là nếp nhà. Phúc nhà. Hoặc các cụ ( hay các ông mối bà mối) khéo lựa khéo chọn hoặc môn đăng hộ đối? Hay là cái duyên của người trong cuộc đã tình cờ làm nên những sự tác thành? Chả biết! Nhưng một thời một thuở sau Cách mạng tháng Tám, trong thời vệ quốc kháng Pháp ấy đã phát lộ nét đẹp thâm tình nét đẹp thông gia làm nên chất keo của thứ hạnh phúc gia đình mà hình như sau này càng ngày càng hiếm?