Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ QUÊ THIỆU LÝ

Lê Bá Thự
Thứ hai ngày 23 tháng 9 năm 2024 4:28 PM




Năm nào tôi cũng về quê nhiều lần, nhất là vào dịp giỗ, tết, hiếu hỉ… Tuy nhiên, lần này tôi về quê chẳng phải vì những lí do như tôi vừa kể. Tôi về quê lần này theo lời mời của Uỷ ban Nhân dân xã Thiệu Lý, mời bà con, con em của xã hiện đang công tác, làm ăn sinh sống tại Hà Nội, về dự lễ công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, chia vui với xã nhà.

Đối với tôi, một nhà văn sinh ra từ làng, đây là cơ hội tốt cho tôi lại được về thăm quê, nơi tuổi thơ tôi đong đầy những kỉ niệm làng, là mảnh đất mầu mỡ cho những sáng tác văn học của tôi, nhất là tác phẩm hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi”, và các tập thơ “Hoa giẻ”, “Đi về ngày xưa”.

Cuốn hồi ức “Tôi và làng tôi” là cuốn sách đã được tôi ấp ủ hàng chục năm. Câu cuối cùng của cuốn sách này tôi viết: “Giã biệt làng Nguyệt Lãng yêu thương, ngày 4 tháng 8 năm 1964, trong một ngày đẹp trời, tại Ga Hàng Cỏ Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”. Tôi xa làng kể từ ngày ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là xa về khoảng cách địa lý. Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời Ngã Ba Chè… Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này qua năm khác. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng, về quê Thanh. Và tôi đã mãn nguyện. Năm 2018 cuốn hồi ức tuổi thơ của tôi với tiêu đề “Tôi và làng tôi”, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết lời giới thiệu, đã ra trình làng và cho đến nay đã được in tới ba lần. Cuốn sách đã được nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2020 của Chủ tịch UBND và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt 800 cuốn sách này đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá chọn làm tặng phẩm tặng các đại biểu và các vị khách mời tham dự Đại hội XIX Đảng bộ Thanh Hoá, họp năm 2020. Hai tập thơ Hoa giẻ và Đi về ngày xưa là hai tập thơ “hồn quê” của tôi. Bài thơ “Miếng trầu của mẹ”, “Hoa giẻ”, “Cây đa làng tôi”… là những bài thơ “hồn quê” như vậy:

Yêu biết bao cái tên đẹp làng tôi

Làng Nguyệt Lãng một vầng trăng đang trôi

Cây đa giữa làng như trong thần thoại

Nơi chú Cuội ngồi - điểm hẹn lứa đôi


Ngày chia tay nhau bên gốc cây đa

Lòng rưng rưng trước lúc sắp đi xa

Dưới trăng thanh tôi nói lời li biệt

Thương em, càng nhớ cây đa quê ta


Có những đêm hè trời trong nơi xa

Ngồi ngắm trăng trôi đến tận đêm thâu

Nhìn cây đa trăng lòng buồn da diết

Nhớ cây đa làng, nhớ dáng áo nâu


Thắm thoắt thoi đưa người trẻ thành già

Cây đa làng đã bao mùa thay lá

Tôi về quê sau bao năm đi xa

Khấp khởi mừng lại được ngồi gốc đa


Đêm nay trên làng tôi trăng vẵn trôi

Nhưng cây đa giữa làng đã chết rồi

Ngồi ngắm trăng suông nhớ về kỉ niệm

Vắng cây đa trống vắng một khoảng trời.

Đi trên đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hoá, dài chừng 150km, hiện đại, êm thuận, chỉ sau hai tiếng rưỡi đồng hồ là tôi về đến quê, thay vì trên bốn tiếng ngày trước. Trước khi vào làng xe tôi băng qua cánh đồng lúa xanh, rộng mênh mông. Hồi tôi ở làng, đây là cánh đồng chiêm trũng, nước ngập quanh năm, nhiều cua, cá, ốc, ếch, là nguồn thực phẩm nuôi sống cả làng - Đồng làng tôi xưa lắm cua nhiều ốc/ Ốc nuôi người cả xuân hạ thu đông... Đây chính là cánh đồng ắp đầy kỉ niệm tuổi thơ tôi. Là nơi hầu như cả ngày lẫn đêm tôi đã từng lặn lội kiếm cá: câu cá rô, cá ngạo, úp nơm, đơm trúm, cắm câu, kéo vó te, bắt cua, bắt ốc… Đến nỗi người làng gọi tôi là “Con rái cá làng Nguyệt Lãng”, chuyện tôi đã kể trong hồi ức “Tôi và làng tôi”. Bây giờ cánh đồng chiêm trũng ngày nào đã trở thành cánh đồng cạn, tưới tiêu chủ động, cho năng suất lúa cao. Chỉ có điều trên cánh đồng này hầu như chẳng còn nhiều cua cá, ốc, ếch như tôi kể trên nữa. Tại vì, nước cạn, hoá chất nhiều, không còn là môi trường sống lý tưởng cho chúng. Tôi lấy làm tiếc về điều này, tuy nhiên, đây là cái giá phải trả để có năng suất cao, có nhiều lúa gạo hơn xưa. Cái được nhiều hơn cái mất.

Khi xe về đến đầu làng, thôn hai Nguyệt Lãng, một hình ảnh lạ, thú vị, đập vào mắt tôi, khiến tôi hết sức ngỡ ngàng và vô cùng xúc động: Đường làng được đổ bê tông nhựa đen nhánh, kẻ vạch phân cách đàng hoàng, phẳng lì, êm thuận và hiện đại chẳng kém gì đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hoá mà tôi vừa mới đi qua. Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh đổi mới bất ngờ này. Đây chính là hình ảnh “nông thôn mới nâng cao” ở làng tôi, ở xã Thiệu Lý thân yêu của tôi. Viết đến đây tôi lại nhớ kỉ niệm xưa: Những năm trước đây, hồi tôi còn nhỏ, sống ở làng, đường làng là một con đường đất kéo dài từ đầu làng đến cuối làng. Hễ mưa là đường làng lầy lội, trơn như mỡ, phải đi rón rén từng bước một, mười đầu ngón chân phải bấm chặt xuống mặt đường mới mong không bị trượt ngã. Tôi vẫn còn nhớ, hồi nhỏ, do đường trơn tôi đã rất nhiều lần bị té ngã, quần áo lấm đầy bùn đất, nom rất tội nghiệp. Bây giờ thì cảnh khổ này đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi mừng khi có thể bước đi thong dong trên đường làng, không còn sợ trơn, không còn sợ trượt ngã, không còn sợ lấm bẩn quần áo, giày dép. Xin chúc mừng làng tôi, xã tôi, và xin chúc mừng cả tôi nữa.

Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2024, tôi ăn mặc chỉnh tề, hồ hởi đi dự lễ. Con đường từ xóm tôi lên trụ sở uỷ ban xã dài chừng sáu trăm mét. Có lẽ không nên gọi là đường làng mà phải gọi là “phố làng” mới đúng. Vì dọc theo hai bên con đường rải nhựa là những ngôi nhà mới xây, đẹp và hiện đại như phố thị, cửa hàng, cửa hiệu liền kề nhau, nối đuôi nhau. Dọc theo phố làng sừng sững những cây đèn điện đêm đêm chiếu sáng con đường từ đầu làng đến cuối làng. Tôi thong dong thả bước trên phố làng, giữa những hàng cờ đỏ chào mừng ngày lễ lớn.

Trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Thiệu lý toạ lạc trên khu đất rộng, nhà cửa đẹp và khang trang, xứng với trung tâm của một xã nông thôn mới. Nhà văn hoá xã là một hội trường lớn với sức chứa chừng 300 người. Đây là một hội trường hiện đại, sân khấu đẹp, ghế ngồi sang trọng. Buổi lễ công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao diễn ra tại hội trường này.

Đứng trên khuôn viên trụ sở uỷ ban và nhà văn hoá xã thưởng lãm cảnh quan tôi chạnh nhớ tuổi thơ của mình: Hồi tôi còn nhỏ, khu đất này dân làng tôi gọi là “Đồng Bàn”. Đồng Bàn là vùng ruộng cạn, chủ yếu trồng hoa mầu, như lạc (ba tháng và sáu tháng) khoai lang, củ từ, khoai sọ, ngô, khoai. Tôi thường cắt cỏ, chăn bò tại đây với thú vui mà tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ: đổ dế (làng tôi gọi là đổ điến). Ở những ruộng lạc làng tôi thường hay có dế mèn sinh sống, có lẽ vì dế mèn thích ăn lá lạc. Dế mèn thường đào hố (sâu chừng 50cm) trú ngụ ngay gần gốc lạc và chui rúc trong đó. Để bắt được dế trong hang hốc, tôi và các bạn chăn bò của tôi thường dùng nón lá múc nước ruộng, rồi đổ nước vào hố, dế mèn bị nước làm ngạt thở đành phải chui ra ngoài và bị “tóm cổ”. Chúng tôi gọi cách bắt dế này là “đổ điến” (đổ nước bắt dế, làng tôi gọi con dế là “con điến” - phương ngữ.).

Trong lời phát biểu khai mạc và báo cáo trình bày tại buổi lễ trọng thể mừng sự kiện trọng đại của xã Thiệu Lý - đón nhận danh hiệu Nông thôn mới nâng cao năm 2023, đồng chí Nghiêm Quang Hải, Bí thư Đảng uỷ và đồng chí Lê Khắc Bảo, Chủ tịch UBND xã Thiệu lý đã nêu bật những nỗ lực và thành tích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, khẳng định xã Thiệu Lý hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý này:

Xã Thiệu Lý bắt đầu hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm sâu sắc từ tỉnh, huyện và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực, đồng thuận của nhân dân, cùng với nhiều cách làm hay và sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Đến năm 2023, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trong phát triển kinh tế, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Các mô hình kinh tế như trồng cây ăn quả, lúa cá kết hợp, và dưa vàng trong nhà màng, đem lại giá trị kinh tế cao. Xã đã quy hoạch 160 ha và liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và được truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, có một sản phẩm giò lụa được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 120 triệu đồng. Trên địa bàn xã có 22 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, và may mặc; 2 doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 59,53 triệu đồng, xã không còn hộ nghèo đa chiều, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 97,47%. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, và hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh. Hiện có 3/7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Phong trào xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu diễn ra sôi nổi và rộng khắp trong toàn xã, được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Toàn xã đã huy động tổng kinh phí trên 569 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó nguồn lực từ nhân dân đóng góp hơn 500 tỷ đồng, chiếm gần 90%. Nhân dân toàn xã đã hiến trên 1.896 m2 đất để mở rộng đường giao thông, thảm nhựa asphalt 3,2 km, chỉnh trang 7 nhà văn hóa, vận động xây dựng mới và chỉnh trang hơn 5 km tường rào mẫu, cùng nhiều mô hình có sức lan tỏa khác.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Trọng Cường, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá đã trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cùng tiền thưởng 800 triệu đồng của UBND tỉnh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thiệu Lý. Nhân dịp này, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa đã trao phần thưởng 500 triệu đồng cho cán bộ và Nhân dân xã Thiệu Lý. Hội đồng hương Thiệu Lý tại Hà Nội đã trao bức trướng lưu niệm cùng món quà tiền mặt 92 triệu đồng. Bức trướng ghi: “Hội đồng hương xã Thiệu Lý tại Hà Nội chúc mừng xã Thiệu Lý đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Về quê hương lần này tôi đã có cơ hội trao tặng tác phẩm “Tôi và làng tôi” và các tác phẩm văn học khác của tôi cho quê hương Thiệu Lý (lãnh đạo xã, thư viện xã, Trường trung học cơ sở Thiệu Lý và Thôn hai Nguyệt Lãng) để tri ân quê hương, nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Sau sự kiện này, xã Thiệu Lý tiếp tục phấn đấu, xác định ưu thế, lĩnh vực nổi trội để xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Rời quê hương, quay ra Hà Nội, tôi tin tưởng sâu sắc rằng, không lâu nữa xã tôi sẽ đạt được mục tiêu cao quý này, và tôi lại sẽ được mời về quê chia vui cùng bà con và lãnh đạo xã nhà.