Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẠ QUANG BỬU – VỊ BỘ TRƯỞNG CÓ NHIỀU CẢI CÁCH:

Theo Vietnam+
Thứ hai ngày 9 tháng 9 năm 2024 7:42 AM



1,Cuộc đời và sự nghiệp


Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23/7/1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống học hành. Ông là một nhà khoa học lớn, nhà trí thức yêu nước nhiệt thành tiêu biểu cho cả một thế hệ các nhà trí thức Việt Nam đi theo cách mạng, niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam.

Nổi danh học giỏi từ nhỏ, đến năm 1929, ông đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây môn toán và đỗ hạng cao tú tài triết. Thành tích tuyệt vời này đã giúp ông nhận được học bổng của Hội Như tây du học Trung kỳ để sang Pháp học.

Tại Pháp ông theo học nhiều chương trình, chủ yếu là toán, lý và có học trao đổi sinh viên 1 học kỳ tại Anh (Oxfort)

Năm 1934, ông về nước sau 5 năm du học. Liền 7 năm sau đó, ông dạy học tại trường trung học "Thiên hựu học đường" ở Huế.

8-1945 ông cùng Luật sư Phan Anh ra bắc tham gia cách mạng. Tháng 1/1946, Tạ Quang Bửu được bầu làm đại biểu Quốc hội ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vào tháng 3/1946.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, Tạ Quang Bửu là một trong những thành viên trong phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Pháp tại Đà Lạt. Sau đó được cử tham dự Hội nghị Fontainebleau tại Pháp.

Ngoài ra, ông là người tiến cử với Bác Hồ những trí thức Việt Nam đang sinh sống tại Pháp như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân..., những người sau đó đã từ bỏ tất cả để theo Hồ Chủ tịch trở về phụng sự đất nước và dân tộc.

Hòa bình lập lại, ông giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã được Đảng và Nhà nước cử làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp giai đoạn 1967-1976. (Khi đó Bộ Giáo dục là bộ riêng)… “

2. HAI QUAN ĐIỂM MANG TÍNH CÁCH MẠNG TRONG ĐÀO TẠO:

-Cải cách thứ nhất:

Việc tuyển sinh vào đại học và sau đại học (nghiên cứu sinh) dứt khoát phải qua thi cử công bằng.

Trước ông, người ta tuyển người vào đại học cũng thi nhưng thi riêng từng trường, nhiều trường hợp tuyển sinh theo chủ nghĩa lý lịch và xét tuyển. Riêng tuyển đi hoc nước ngoài chủ yếu cử tuyển theo lý lịch.

Ông kiên quyết đấu tranh để áp dụng thi tuyển đại học khắt khe nhưng công bằng, nhất là thi tuyển để chọn đi du học nước ngoài.

Cuộc đấu tranh của ông gặp kháng cự rất mạnh từ các quan chức quen đặc quyền đặc ngx lợi cho con em đi du học hoặc vào các trường tốt. Nhưng cuối cùng ông đã thắng (chắc chắn ông được sự ủng hộ của các bậc lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng…)

Từ năm 1969 đã bắt đầu có chế độ thi tuyển vào đại học và từ 1970 thì áp dụng đại trà toàn quốc (miền Bắc). Chế độc này áp dụng mái về sau đến ngày nay.

Từ năm 1971, theo yêu cầu của Chính phủ và Ban Khoa giáo Trung ương, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tổ chức việc thi tuyển để chọn nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài. Rất nhiều nhà khoa học ưu tú và cán bộ lãnh đạo cao cấp của các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã mở đầu con đường khoa học và cống hiến từ những kỳ thi tuyển nhân tài hết sức đặc biệt này.

Với việc đặt ra chế độ thi tuyển công bằng, hợp lý, đề cao thực lực, nhiều con em những gia đình cán bộ viên chức bình thường và những gia đình nghèo vẫn có cơ hội đi học nước ngoài. Các thành phần ưu tiên được ưu tiên cộng điểm nhưng không thể không thi…

-Cải cách thứ hai:

Cải cách thứ hai của GS Tạ Quang Bửu là áp dụng mô hình đào tạo kỹ sư theo mô hình kim tự tháp. Mô hình này có 2 điểm:

+Từ bậc thấp giáo dục cơ sở đến trung học phổ thông, đại học và sau đại học nó phải theo hình kim tự tháp: càng lên bậc học cao số người học càng ít theo năng lực học tập. Sàng lọc theo thi tuyển…

+Trong đào tạo đại học: đầu vào có thể tuyển nhiều nhưng đầu ra chỉ hạn chế số lượng theo như cầu xã hội (mô hình Pháp, Đức).

Rất tiếc, cải cách thứ hai của GS Tạ Quang Bửu chưa thực hiện được bao nhiêu thì phá sản.

Một mặt, ngay từ khi giáo sư còn làm Bộ trưởng (trước 1976), quan điểm của các bậc lãnh đạo cao nhất thiên về mô hình đào tạo hình ống của Liên Xô.

Mặt khác, sau khi giáo sư thôi làm Bộ trưởng, đất nước dần chuyển sang kinh tế thị trường, người ta chạy theo mô hình kinh doanh giáo dục chạy theo thành tích và số lượng, bỏ qua chất lượng, mô hình hình ống được phổ biến đại trà…. Rồi hệ thống đào tạo theo tiền học phí ra đời, nhân rộng...

3.ĐÁNH GIÁ VỀ TẠ QUANG BỬU:

Nhiều nhà khoa học lớn ở Việt Nam như các viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo; các giáo sư Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính, Hà Học Trạc... đều đánh giá cao công lao to lớn của gs Bửu trong sự nghiệp.

Giáo sư Hoàng Tụy viết: "Có những nhân cách và tài năng mà chỉ sau khi vắng bóng họ người đời mới thấy hết khoảng trống mênh mông họ để lại. Anh Bửu là một con người như thế. Hơn hai mươi năm sau khi anh rời các cương vị phụ trách về khoa học và giáo dục, không lúc nào sự thiếu vắng một người lãnh đạo như anh, được cảm nhận rõ rệt trong ngành như lúc này."

Là người liêm khiết trong cuộc sống, trong sáng trong suy nghĩ và hành động, giáo sư đã không màng tới những đặc quyền đặc lợi cho mình và gia đình mình. Suốt đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, giáo sư luôn luôn giữ một nếp sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với mọi người.

Người ta thường nhắc đến một đặc quyền duy nhất của giáo sư là quyền được vào tận kho sách của Thư viện Khoa học Trung ương để lục sách và quyền được đem sách về đọc ở nhà cho đến khi dùng xong.

Đối với con cái, giáo sư cũng không dành cho những ưu đãi đặc biệt gì, mặc dù ông đã từng quyết định cử hàng chục nghìn học sinh đi du học ở nước ngoài. Tất cả các con trai của giáo sư đều hoặc đi làm công nhân, hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, rồi mới tiếp tục học đại học trong nước. Ông đã nhận được sự ngưỡng mộ, kính phục của nhiều nhà khoa học quốc tế, của kiều bào người Việt ở nước ngoài, của giới trí thức cả nước.

Giáo sư Tạ Quang Bửu là điển hình của bậc lãnh đạo kỹ trị rất phổ biến ở các ngành thời Chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Họa alf những người làm tăng uy tín cho chính phủ non trẻ thời Hồ Chí Minh, góp phần to lớn xây dựng đất nước VN để được như ngày nay.

Rất tiếc là thời nay ta không thấy có những bộ trưởng kỹ trị dám nghĩ dám làm như GS Tạ Quang Bửu, nhất là những ngành cần kỹ trị như Giáo dục, Y tế, Công nghiệp… Trong khi người tài của đất nước Việt Nam thì chắc chắn không ít đi mà có phần nhiều thêm… Hiện trạng đó làm cho những người tâm huyết với đất nước rất đau lòng và lo lắng…

(P/S: người viết bài này biết ơn GS Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vì nhờ có ông, nhờ có chế độ thi tuyển ngặt nghèo để đi du học đại học và sau đại học mà 2 lần được đi du học nước ngoài).