Bây
giờ, mỗi lần lên thăm Nhà Bảo tàng văn học Hội Nhà văn, tôi vẫn dành ra ít phút đứng tần ngần trước lối vào, để nôn nao nhớ với cảnh cũ, người xưa…Không còn khúc đường đất chạy giữa hai bờ rào cúc tần ngăn cách với bên kia là những vườn rau xanh tốt. Không còn những nếp nhà tre nứa sát tít mé hồ. Cũng không còn khoảng hồ ( hay ao? ) mà ngày xưa mỗi lần Đỗ Chu, học trò khóa trước ghé qua vẫn thí thầm với chúng tôi nửa bông phèng, nửa bí hiếm: “ Trông thế thôi, chứ cái đáy sâu cả chục mét nước đấy. Vốn nó là một phần của làng bị sóng hồ Tây nhấn chìm mà ! Những thợ lặn giỏi trong làng kể lại, lặn tận đáy vẫn còn nhìn thấy những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, cái giếng đá, bức tường rêu mốc, lở lói vây lấy một ngôi chùa cổ..Trước cổng chùa còn nguyên cả cây đa lá cành xum xuê, dưới gốc đa một chú trâu già bị cột ở đó từ đời nảo đời nào, cái miệng vẫn ngoành ra nhai cỏ…”
Khóa 6 của chúng tôi được triệu tập đâu đó vào đầu mùa hè năm 1973, tức sau ngày đã ký kết Hiệp định Paris.Nghe nói-hai khóa trước, khóa 4, khóa 5 nhắm bồi dưỡng những người viết trẻ để ngay sau khi kết thúc lớp học, các bạn nhận ba lô cóc, ruột nghé đựng gạo, tăng võng lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường. Đó là khóa học của các bạn viết như Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Triệu Bôn, Trần Thị Hồng, Nguyễn Tri Huân, Lê Ái Mỹ..Khóa 6, hơi khác chút, gom nhiều người ở các chiến trường ra, ở “ những điểm nóng” tới: Phạm Tiến Duật đang từ những Xê ca máng, Xê Băng Hiên- những con sông con suối cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh, phía Nam nước Lào được trở ra Hà Nội. Tôi từ vùng chiến sự Tân Cảnh, Đakto, phía Bắc Kontum. Từ tuyến lửa Nam Khu IV có Hoàng Vũ Thuật, Lê Thị Mây. Từ vùng mỏ Quảng Ninh vào có Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Sơn Hà.Từ bên kia sông Cầu, sông Đuống qua có Vũ Từ Trang, Trần Anh Trang. Lớn tuổi nhất có “ lão tướng” Ma Văn Kháng, còn nhỏ tuổi nhất là Lê Minh Khuê. Khóa 6 cũng ngấm ngầm tự hào vì “ hành trang văn chương” trên vai của nhiều học viên. Phạm Tiến Duật đang nổi lên như một vì sao thơ ca chống Mỹ với những bài thơ nhận giải thưởng của báo “ Văn Nghệ”. Anh Ma Văn Kháng vừa được tái bản tiểu tuyết đầu tay gây tiếng vang Đồng bạc trắng hoa xòe. Tô Ngọc Hiến vừa chiếm giải Nhất văn chương của Tổng Liên Đoàn lao động với những truyện ngắn viết về vùng than. Lê Minh Khuê đĩnh đạc xếp đội ngũ cùng đàn anh đàn chị với truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi vừa dữ dằn vừa mộng mơ về những người thanh niên xung phong trên các tuyến đường Nam Khu IV. Lê Thị Mây nhập học với một câu thơ ghi lại thoáng khắc khoải, thân vân của đám bạn gái ở nơi bom đạn , đã cứng tuổi mà chưa biết chuyện chồng con ra sao: Anh đến với em khi tuổi đã nhiều..
Hiệp định Paris đã được ký kết. Mặt trận dân tộc Giải phóng đã có thủ phủ chính thức ở Lộc Ninh ( phía Nam ) và Đông Hà ( phía Bắc ). Bom đạn đã thôi sôi réo.. Ấy vậy, nhớ lại, tôi nhớ rõ ở thời điểm ấy không một ai trong số học viên chúng tôi tin rằng đã có một nền hòa bình vĩnh viễn. Và đi kèm theo, như một logic tự nhiên, là cảm giác về một món nợ văn chương còn đeo nặng trên vai, chưa trang trải.Cũng nhớ rõ, chưa một ai trong chúng tôi có thể hình dung ra sẽ có lúc đất nước cờ hoa reo vui vì xum họp sau ngày 30/4/1975. Và tiếp nối là những khó khăn, bế tắc của những năm hậu chiến...
Vẫn moi óc nhớ lại, trong giờ thảo luận sau những tiết học, trong câu chuyện đàm đạo chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh, mất mát của đồng chí, đồng bào vẫn là những gì thao thiết, được động chạm tới nhiều nhất. Chưa ai gợi ý chuyện cách tân văn chương, thơ phú. Càng không thấy một ai bộc bạch dự định muốn lật ngược, đào sâu đề tài hơn, để tìm tới những gì ở phía sau chiến công; những “ được”, “ mất ” ..
Trẻ trung, tếu táo, đầy sôi nổi, khát khao của tuổi trong ngoài 30 nên cũng sinh ra biết bao chuyện không thể quên..Hai học viên ở chung một phòng, hai chiếc giường, hai ngọn đèn, hai bàn viết. Ở với nhau đâu đó chừng 2, 3 tuần không một ai muốn ở chung phòng với Tô Ngọc Hiến. “ Tớ là thợ tiện Nhà máy cơ khí Cẩm Phả.Cánh thợ chúng tớ quý ngày nghỉ phép còn hơn vàng. Thú thật với các cậu, động cơ ban đầu tớ tới với công việc viết lách này chủ yếu là để được nghỉ thêm nhiều ngày trong một năm”. Tối tối, thường 9 giờ Hiến đã chui vào màn. Rồi khoảng 12giờ hơn đã vén màn chui ra và cứ thế cho tới sáng bảnh đi vòng vèo trong phòng, miệng nói to lên câu chuyện sắp viết; hoặc vào vai các nhân vật trong truyện bàn thảo hay cãi cọ với nhau… Lại Đỗ Chu: “ Khôn hồn cứ để mặc lão ấy như thế. Bác sỹ nói nó mắc bệnh mộng du. Thằng nào chạm tay đánh thức, lão ấy lăn đùng ra chết là đi tù cả nút! Khốn nạn, mang cái vạ văn chương vào người khéo chết yểu mất! ”. Có một buổi tối, nhà thơ Xuân Diệu đến nói chuyện thơ. Giữa chừng nhà thơ khuyến khích ai có thơ đọc nghe chung. Một em gái áo lính, nghe đâu như Tổng Cục Hậu cần gửi tới lớp mau mắn giơ tay: “ Em xin đọc bài thơ có tựa để “Ngày giã bẩy cối” ạ!” . Nhà thơ mặt tái ngắt. Chúng tôi phá lên cười.Hóa ra em gái kia viết bài thơ ca ngợi một nữ “chị nuôi” ở trạm phẫu thuật trên mặt trận Khe Sanh đã giã ngày tới bẩy cối thịt nạc, bằng hai tay hai chày gỗ gié gai, để có đủ những cây giò bồi dưỡng cho thương binh. Cũng nhớ mãi Vũ Châu Phối từ Hải Phòng lên, với mấy bài thơ hay mới đăng trên báo “ Văn Nghệ”. Bữa đó nữ sỹ Anh Thơ tới lớp nói chuyện thơ, giờ nghỉ cũng khuyến khích học viên đọc thơ. Vũ Châu Phối giơ tay xung phong. Bước ra trước micro, Phối chỉ tay xuống một nữ học viên nói: “ Anh xin tặng em mấy câu thơ vừa chợt nẩy ra trong đầu: “ Em như một quả trứng tròn. Anh lốm một miếng có còn hay không?” Phối không nhận ra nữ nhà thơ Anh Thơ đã nghiêm sắc mặt, cứ hồn nhiên phân tích chữ “ lốm” hay thế nào, yêu nhau say sưa, thật lòng thì tất phải dẫn tới quy luật triết học phủ định của phủ định ra sao..Ngay tối hôm ấy nhà thơ Nguyên Xuân Sanh, phụ trách Ban Giám hiệu gọi Phối xuống văn phòng khiển trách. Vì theo nhà thơ Anh Thơ Phối cười rỡn, phỉ báng chị em gái...
Ôi những kỷ niệm như vậy kể sao cho hết!
Ngoài nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh ra, có mặt thường xuyên ở trường theo dõi những trang viết mới của chúng tôi có các nhà văn Đoàn Giỏi, Nguyên Hồng..Các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Nguyễn Thế Phương…, các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Quang Dũng..như những giáo viên thỉnh giảng lên trại Quảng Bá trao đổi, trò chuyện về kinh nghiệm viết, chuyện “ bếp núc “ của nghề.
Lại cũng cố nhớ cho thật chính xác, rằng suốt mấy tháng ấy không có một cán bộ tuyên giáo nào tới “ lên lớp” các bài chính trị khô khan, công thức. Cũng không một ai cao giọng uốn nắn nên sống thế này, viết thế nọ...Thày nếu dư dả đồng tiền rủ tró đi cà phê Lâm hoặc ra đường Thanh Niên ăn bánh tôm. Trò về quê, xách con gà, mớ cá lên liền “nổi lửa” làm một bữa “ ấm chân răng” mời thày. Những bài giảng đều là sự thủ thỉ, giãi bày, tâm tình của của cha chú với cháu con; của lớp đi trước với lớp đàn em đi sau. Nói thêm điều này, để thấy nếu dạo đó và mãi chục năm sau này nếu thơ phú vẫn lấy giọng Không có kính không phải vì xe không có kính,ở giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ..làm “ khuôn vàng, thước ngọc”; văn chương vẫn chưa vạch được lằn ranh với ghi chép báo chí bao nhiêu; cảm hứng anh hùng vẫn chiếm vị trí độc tôn…Lỗi ấy không phải do các thày, không do lớp bồi dưỡng năng khiếu;cũng không do một sự uốn nắn nào gây ra. Lỗi ấy là ở chính chúng tôi, do chúng tôi- khi xung quanh mình, ngước lên nhìn xuống, quay phải quay trái đâu đâu cũng cảm, cũng nghĩ như nhau vậy cả.
Nhiều nhà văn, nhà thơ vào chiến trường từ những năm 1965, 1966, dịp ấy ra miền Bắc để an dưỡng hoặc chữa bệnh cũng được mời tới trường. Nhà văn Lê Khâm với bút danh Phan Tứ đang được ngợi khen với tiểu thuyết Gia đình Má Bẩy. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tập truyện ngắn Chiếc lược ngà. Nhà thơ Liên Nam với những bài thơ rừng rực nhiệt huyết về chiến trường Khu VI đầy gian lao, thử thách. Các nhà văn, nhà thơ xếp ra trước mặt những chồng dày sổ ghi chép. Và mở ra đọc cho chúng tôi nghe những trang chưa phải thành văn vế tấm lòng yêu thương bộ đội giải phóng, về tấm gương chiến đấu của các bà má, các chị, các em nhỏ ở vùng đất Quảng Đà, ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cà Mâu…Chúng tôi vừa thèm thuồng kho chất liệu sống ấy, vừa bừng bừng nỗi khao khát được mau chóng đặt chân tới những mảnh đất chiến trường xa, để “ chia lửa “ với đồng chí, đồng bào; để gom tích lượng vốn sống không dễ gì có được kia..
Một buổi sáng bác Nguyễn Tuân tới lên lớp. Ông già chậm rãi, thủng thẳng kéo ghế ngồi. Cũng với tốc độ chậm rãi, thủng thắng ấy bác Nguyễn lấy từ trong chiếc túi đựng đồ bơi mang theo cái phích nước hãm trà và một chiếc bánh dày kẹp giò chả. Không để ý tới học viên phía dưới đang trố mắt thích thú theo dõi từng cử chỉ của bác, “ bậc trưởng thượng” ăn hết cái bánh dày, uống hết chén nước trà mới nhìn xuống đám chúng tôi cất tiếng hỏi:
-Ở nhà các anh chị có đọc sách không?
Phía dưới lao xao, nhưng không ai dám cất tiếng vì biết bác Nguyễn vốn là người thâm nho, hóm hỉnh.
-Tôi hỏi thật đấy! Ở nhà các anh chị có đọc sách không? Các anh các chị hãy cảnh giác với mình. Nhỡ các anh chị đang không đọc sách mà đang đọc chữ thì sao ?
Sau đó là 5 phút bác Nguyễn giảng giải: Đọc sách khác với đọc chữ ra sao.
Tiếp tới một câu hỏi nữa: Ở nhà đang viết văn hay đang viết chữ?Thêm 5 phút rạch ròi làm rõ viết văn khác viết chữ như thề nào.
Bác Nguyễn đứng lên xếp phích hãm nước trà, cái tách vào chiếc túi đựng đồ bơi, câu cuối quay xuống hỏi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh:
-Ở khóa này có tất tật bao nhiêu học viên cả thảy, ông Sanh ơi ?
Nhà thơ:
-Dạ thưa bác 45 ạ!
Bác Nguyễn:
-Chà, cứ mỗi năm Hội Nhà văn cung cấp cho đất nước 45 nhà văn. Vậy trong vòng 10 năm chúng ta sẽ có thêm 450 nhà văn. Lấy giấy má đâu mà in thơ, in văn nhỉ? Nghề viết lách khó lắm, cơ cực lắm. Qua lớp này, nếu anh chị em nào thấy đuối sức, không kham nổi hãy mau mắn trở về với nghề cũ, công việc cũ. Đừng tự hành hạ, dày vò mình cho khổ!
Đây cũng là một bài học thật bổ ích, thật thiết thực, thật rút ruột rút gan.. Mà càng lận đận, càng nhọc mệt, càng vật vã theo đuổi nghiệp văn, nghiệp chữ tôi càng cay đắng, xót xa tự trách mình vì không sớm ngộ ra lời khuyên của bác Nguyễn.