Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN ĐAM MÊ

Dương Kỳ Anh
Thứ năm ngày 29 tháng 8 năm 2024 2:07 PM


Họa sĩ, nhà báo, nhà thơ Trần Nhương tự nhận mình trên Facebook là ''Trần ham vui''. Cũng đúng, nhưng tôi lại muốn gọi ông là "Trần đam mê"... Ông mê vẽ, gần như ngày nào tôi cũng thấy ông đưa lên Facebook của mình những bức tranh ông mới vẽ. Tranh Trần Nhương thể hiện nhiều đề tài, từ cỏ cây hoa lá đến những người đẹp, kín đáo có, khỏa thân có...tn 2.jpg -1

Ông vừa gửi tặng tôi cuốn "Khoảnh khắc văn nhân" (NXB Hội Nhà văn ấn hành) với trên 400 chân dung các nhà văn, nhà thơ khá sinh động được in trong tập sách này. Trong Lời thưa in đầu cuốn sách, ông tâm sự: "Trong nhiều năm công tác tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, điều kiện ấy cho tôi gặp gỡ nhiều nhà văn. Vốn yêu thích hội họa, tôi thường quan sát, ký họa chân dung các nhà văn, ghi chép khoảnh khắc được gặp gỡ đồng nghiệp. Có những ký họa đã có tuổi trên 30 năm, bây giờ nhìn lại những ngày xưa ấy thấy nao nao nhớ về một thời sống đẹp. Có những bức vẽ được các nhà văn "nguyên mẫu" ghi bút tích lên tranh.

Họa sĩ, nhà báo, nhà thơ Trần Nhương.>>>>

Tôi chọn hơn 400 chân dung trong kho lưu trữ của mình để in...

Hơn 400 chân dung có đẹp, có xấu, thậm chí chưa giống nhưng tôi coi đó là nhật ký bằng đường nét, những khoảnh khắc kỷ niệm mà không thể quay trở lại ngày ấy. Có nhà văn tôi vẽ đến ba bốn chân dung ghi những lần gặp gỡ, họp hành với cách nhìn và cảm xúc khác nhau...

Cả tuần tôi ngồi xem cuốn sách với chân dung nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, trong đó có nhiều người đã ra đi, đi về cõi vĩnh hằng như Lê Đạt, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Chính Hữu, Bùi Giáng, Bùi Hiển, Đào Vũ, Nguyễn Thị Ngọc Tú... Tôi hơi ngạc nhiên khi có cả chân dung nhà văn tài năng Nam Cao! Tôi chưa nhìn thấy bức ảnh nào về Nam Cao, nên không thể hình dung nổi ... Nay xem bức chân dùng này, tôi tự hỏi phải chăng họa sĩ Trần Nhương vẽ chân dung nhà văn Nam Cao qua tưởng tượng?! Tôi gọi điện hỏi, họa sĩ Trần Nhương nói có lần tham gia đoàn đi tìm mộ nhà văn Nam Cao ở Ninh Bình và nhìn thấy di ảnh nên khi về Hà Nội hình dung lại, vẽ nên chân dung nhà văn Nam Cao. Tôi có quen biết con trai nhà văn Nam Cao dạo anh còn làm ở nhà máy Liên hợp dệt Nam Định và thấy cũng hơi giống!

Có nhiều nhà văn, nhà thơ thế hệ tôi, cả thế hệ sau này mà ta thường gọi là nhà văn trẻ, nhiều nhà văn nhà thơ đang đảm nhận cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn hiện nay như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương...

Trần Nhương sinh năm 1941 tại Lâm Thao, Phú Thọ. Con cháu đề huề. Con trai ông hiện đã mang quân hàm đại tá. Ở lứa tuổi ấy mà gần như ngày nào tôi cũng thấy ông có tranh mới vẽ đưa lên Facebook, thật đáng nể. Ông nói vẽ tranh chỉ là tay ngang! Vậy mà đến nay ông đã có 5 cuộc triển lãm tranh cá nhân. Là do ham vui! thôi ư?!

Thú thực, tôi đã được nhiều họa sĩ danh tiếng vẽ chân dung như Huỳnh Phương Đông, Phạm Văn Tư... Nhưng khi xem chân dung tôi được họa sĩ Trần Nhương vẽ, in trong cuốn sách "Khoảnh khắc văn nhân" tôi cũng thấy cảm động vì Trần Nhương đã nắm bắt được cái thần thái của chính tôi.

Họa sĩ Trần Nhương có trang "trannhuong.com" nổi tiếng. Đây là trang mạng được nhiều người đọc và tham gia viết bài. Tôi biết đến Trần Nhương từ trang mạng này. Một dạo, khi qua Hội Nhà văn họp hay có việc gì đó, thấy Trần Nhương từ xa tôi giơ tay "Chào trannhuong.com!" thật to, Trần Nhương cũng giơ tay chào lại... Trần Nhương cho biết trang mạng "trannhuong.com" ra đời đã gần 20 năm nay và có đến 30 triệu lượt người trong và ngoài nước truy cập.

Bìa các tác phẩm của tác giả Trần Nhương.>>>>kkvn b (1).jpg -0

Ông đã và đang là biên tập mảng văn nghệ Báo Người cao tuổi Việt Nam. Họa sĩ Trần Nhương cho biết, ngoài 400 chân dung in trong tập "Khoảnh khắc văn nhân" ông còn xuất bản cuốn "Khúc khích văn nhân" gồm 200 chân dung nhà văn, nhà thơ bằng cả họa và thơ. Thực lòng trước đây tôi chỉ coi ông là nhà báo, làm báo mạng rất có nghề. Những năm gần đây tôi mới đọc thơ ông, xem tranh ông, hóa ra nhiều bài thơ, nhiều câu thơ của ông cũng rất ấn tượng, tôi thích bài thơ "Chớm thu" của Trần Nhương trong chùm thơ ông vừa gửi cho tôi:

Đành hanh cái nắng chớm thu
Nửa như nhớ hạ, nửa như giận mình
Gặp thu cũng muốn ngoại tình
Lại e sen muộn đầu đình ngóng trông
Cốm xanh vương vít trái hồng
Xóm bên người ấy lấy chồng phố xa
Chớm thu nắng đổ về già
Bao nhiêu mắt mở vườn na dậy thì .
..

8/2001

Có hai câu thơ trong bài thơ "Thu vãn" tôi cho là hay, đã chép vào sổ tay để khi tái bản tập "Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ" (NXB Giáo dục 2013) tôi sẽ đưa vào: "...Những chàng trai mới lớn/ Thả rông nỗi buồn...".

Khi đọc những câu thơ này, tôi mới hiểu vì sao "Trần ham vui" ngoại 80 vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, hài hước:

...Em của anh ơi
Chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa..."

(Chẳng có gì quan trọng).

Cũng có người bảo rằng "Viết, vẽ nhiều thế để làm gì? Quý hồ tinh bất quý hồ đa... Ông cha xưa đã dạy". Tất nhiên, "quý hồ tinh", nhưng những thành tựu nghệ thuật mà người xưa để lại phải qua thời gian chắt lọc rất nhiều. Cũng là kết quả của niềm đam mê sáng tạo không ngừng, không nghỉ, không mệt mỏi của những người mà nay ta thường gọi là bậc thầy trong nghệ thuật. Cũng có người lại nói đừng đề cao quá, văn chương nghệ thuật cũng chẳng để làm gì! Nhưng, cũng không phải không là gì! Nó là đời sống tinh thần của nhân loại, con người có hai đời sống: vật chất và tinh thần...

Nhiều năm gần đây tôi mừng vì có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo vẽ tranh nghệ thuật. Nhiều bức tranh của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước, Trần Thị Trường, Như Bình, Giáng Vân ... tôi xem thấy thích, nhiều ấn tượng mạnh. Ngoài khả năng thiên bẩm, họ cũng là những người thực sự đam mê sáng tạo.

Trần Nhương là một người thực sự đam mê nghệ thuật, đam mê sáng tạo, thật đáng nể. Và tôi muốn gọi ông bằng cái tên "TRẦN ĐAM MÊ"...

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn 8/2024

Dương Kỳ Anh

Nguồn: Văn nghệ công an