Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIÊU QUỐC VƯƠNG TRẦN ÍCH TẮC KHÔNG PHẢN QUỐC ĐÂU

Vũ Bình Lục
Thứ tư ngày 21 tháng 8 năm 2024 9:28 AM



Các tài liệu từ trước phần nhiều đều viết rằng Trần Ích Tắc là một trong 6 hoàng tử của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Có tài liệu còn viết là Hoàng tử út. Có tài liệu viết là thứ 5, còn vị thứ 4 thì chưa biết là ai v.v… Còn người mẹ nào đã sinh ra Trần Ích Tắc thì hầu như còn rất mơ hồ.

Tắc Trần Ích là ai ?

Sau cuốn Đại Việt Sử Ký (1272) của Lê Văn Hưu, đến cuốn Đại Việt Sử Ký Tục Biên (1455) của Phan Phu Tiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1479) của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Thông Giám Thông Khảo (1511) của Thượng thư bộ Binh kiêm Tổng tài Sử quán Vũ Quỳnh, đến bài Tổng luận viết cho bộ sách Đại Việt Thông Giám Thông Khảo (gọi tắt là Đại Việt Thông Giám) của Vũ Quỳnh, do sử thần Lê Tung chấp bút.

Tiếp nữa là các cuốn Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ, rồi Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn v.v… mỗi người đều có những đóng góp riêng, có cách nhìn, có quan điểm thể hiện riêng. Bộ sách Đại Việt Sử ký Toàn Thư (ĐVSKTT) do Ngô Sĩ Liên chủ biên, là sự kế thừa các tác phẩm của các sử gia trước đó. Người biên soạn có bổ sung thêm tư liệu từ các sách vở, các câu chuyện dã sử, bi ký trong dân gian.

Bài Tổng Luận của Lê Tung (tên thật là Dương Bang Bản) viết cho bộ Đại Việt Thông Giám của Vũ Quỳnh, được đưa vào phần mở đầu cho bộ Đại Việt Ký Sử Toàn Thư. Tác giả đưa ra cái nhìn tổng quát nhất về lịch sử mấy ngàn năm nước Đại Việt, lấy triều Đại Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) làm Bản Kỷ.

Trước Triệu Vũ Đế, hơn hai ngàn năm triều đại các vua Hùng dựng nước, làm Ngoại Kỷ. Tuy nhiên, tất cả các nguồn sử liệu nói trên, vẫn chưa lấp đầy những khoảng trống, những khoảng mờ, thậm chí là còn lẫn lộn, sai lệch lung tung qua nhiều thế kỷ chiến tranh binh lửa điêu tàn, là không thể tránh khỏi. Huống nữa, giặc phương Bắc hàng ngàn năm đã tiêu hủy, hoặc cố tình làm méo mó đi, nhằm xuyên tạc sự thật, hòng nô dịch nước ta kể cả văn hóa…

Ở thời gian tiếp đó, chúng ta có thêm những tư liệu của người Việt sống lưu vong ở Trung Quốc, đặc biệt là cuốn An Nam Chí Lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Chương Hiến hầu Trần Kiện chạy sang Tàu, rồi thì các sách sử của nhà Nguyên (Nguyên sử), và của nhà Minh (Minh sử).

Cuối cùng là khá nhiều bia ký, thần phả, thần tích tìm thấy ở nhiều nơi trên đất nước ta, bổ sung thêm nhiều tư liệu quý, mới sáng tỏ thêm nhiều vấn đề bấy lâu còn nằm ở tình trạng tồn nghi, hoặc mờ tối. Thế nên, việc đối chiếu, so sánh các chi tiết lịch sử, những nhân vật lịch sử lẫn lộn trong khá nhiều tư liệu, để tìm ra sự thật, vẫn còn là vấn đề rất nan giải, chưa có hồi kết. Có những chi tiết dường như đã kết luận rồi, nhưng chưa hẳn là đã hoàn toàn chính xác.

Mẹ Trần Ích Tắc là ai?

Thái Tông Trần Cảnh “tiếp quản” bà Thuận Thiên, vợ ông anh ruột Trần Liễu, phong Hoàng hậu (Thuận Thiên Hoàng hậu), phế truất Hoàng hậu Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) xuống làm công chúa, rồi gả cho Lê Tần (Lê Phụ Trần). Bà Thuận Thiên đã có mang 3 tháng với Trần Liễu, sinh Trần Quốc Khang. Khang chỉ được phong là Tĩnh Quốc Đại Vương. Người con tiếp theo là Trần Hoảng (tức vua Thánh Tông, dòng đích).

Sau Thánh Tông là Trần Quang Khải. Còn 3 hoàng tử khác là Trần Nhật Vĩnh, tức Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng. Sau Quang Xưởng là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. Cuối cùng là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Ba chàng Hoàng tử này không phải do bà Hoàng hậu Thuận Thiên sinh ra, thì là con bà vợ nào khác của Trần Thái Tông? Thì đây!

Thần tích đền thôn Miễu, xã Mạt Lăng, huyện Tây Châu (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chép sự việc, đại ý, năm Kỷ Hợi (1239), vua Trần Thái Tông đi kinh lý (tuần du) vùng Thiên Trường, được dân làng ở đây đón tiếp. Vua gặp cô gái làng xinh đẹp, giỏi giang, tên là Vũ Thị Vượng, lấy làm Phi, sau gọi là Vũ Phi. Bà Vũ Phi (Vũ Thị Vượng) sinh ra các hoàng tử Trần Quang Xưởng (Chiêu Đạo Vương), Trần Ích Tắc (Chiêu Quốc Vương) và Trần Nhật Duật (Chiêu Văn Vương). Cả ba Hoàng tử này đều rất thông minh, tài giỏi, như ta đã biết. Sự hòa huyết họ Trần và họ Vũ, tạo ra những bậc kỳ tài, góp công rất lớn vào sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông, bảo vệ vững chắc đất nước Đại Việt vĩ đại dưới triều Trần…

Tại sao Trần Ích Tắc tự nguyện xin hàng giặc Nguyên?

Trước hết, phải nói về bối cảnh lịch sử. Sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc, gia thần của Trần Kiện chạy thoát sang nhà Nguyên, viết: “Trần Ích Tắc, con thứ 5 của Thái Vương (Trần Cảnh) thông minh tuấn tú, có tính hiếu học. Lúc ở nước nhà được phong tước Chiêu Quốc Vương, kiêm Đại tướng quân, trấn giữ vùng Đà Giang. Tháng 4 năm 1324 qua đời, hưởng thọ 76 tuổi, an táng tại núi Hạ Gia, đất Hán Dương”…

Nhóm quan lại người Tống trước đó chạy sang nương nhờ Đại Việt, được vua Trần phong quan tước, sau lại đầu hàng quân Nguyên, như Trần Văn Tôn (con Thượng thư nhà Tống Trần Trọng Vi (còn có tên là Trần Trọng Trưng), Chu Khởi, người Mân Trung, Tăng Uyên Tử, Mã Vượng, Vương Phục, Khả Văn Kiệt, Tô Cảnh Do v.v… Trần Văn Tôn còn dẫn đường cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan tiến quân sâu vào Đại Việt, khiến quân ta thua ở Vạn Kiếp. Việc này, khiến vua Trần Thánh Tông rất tức giận. Ngài cho bổ quan tài của cha hắn là Thượng thư Trần Trọng Vi (Xuyên).

Thượng thư Trần Trọng Vi nhà Tống, đã chạy sang nương nhờ Đại Việt, được vài năm thì mất. Vua Trần đón tiếp rất nồng hậu, còn phong chức Thiếu sư, Thiếu bảo. Lúc mất, Thánh Tông còn làm bài thơ viếng, rất cảm động. Tăng Uyên Tử được phong chức Tham Chính. Trần Văn Tôn có văn tài, được trao chức quản lý thư viện của nhà Trần ở núi Lạn Kha, Kinh Bắc. Một số người khác đều được phong quan chức, phục vụ ở các phủ đệ của các vương hầu…Vậy mà !

Các tài liệu khác cho hay, Trần Ích Tắc ở Thăng Long, mở trường dạy học, chu cấp cho các sĩ tử theo học. Học trò thầy Trần Ích Tắc vài chục người đỗ đạt cao, như Mạc Đĩnh Chi (Trạng nguyên) ở Bàng Hà (Nam Sách), Bùi Phóng ở Hồng Châu…Đến cả Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu, những tài năng lỗi lạc ở đời Trần, cũng từng theo học Trần Ích Tắc.

Trong các vị tôn thất đầu hàng, thứ tự trước sau, tạm xếp: Chương Hiến hầu Trần Kiện (con thứ Trần Quốc Khang), Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên (cháu đích tôn An Quốc Đại Vương, anh trai Thái sư Trần Thủ Độ), Chương Hoài hầu Trần Văn Lộng, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.

Trần Kiện, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng, đều do tình thế bị bức bách quá, phải hàng. Riêng Trần Ích Tắc tự nguyện đem gia quyến xin hàng. Lý do là vì Ích Tắc tự cho mình thông minh nhất, xứng đáng được làm vua. Không được thì bất bình, bỏ nước ra đi. Khi ấy, Trần Ích Tắc mới 15 tuổi. Sách Toàn thư còn chép: “Chiêu Quốc Vương Ích Tắc đã từng gửi thư cho phương Bắc, xin họ đem quân đánh ta”… Chi tiết này, qua khảo cứu, là không có thực. Vậy thực tế ra sao?

Toàn Thư chép: “Năm Mậu Thìn (1268), tháng giêng, vua nói với tôn thất: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông. Người nối tiếp tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó chính là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”.

Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau, để tỏ hết lòng cùng yêu quý nhau. Còn như các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kinh sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng”.

Quy chế nhà Trần có điều cần chú ý. Vua cha thấy cần giao việc quản trị đất nước cho Thái Tử, thì lên làm Thượng Hoàng, Thái Thượng Hoàng. Là để cho vua con “tập sự” làm vua, điều hành chính sự. Nhưng vua cha (Thượng Hoàng) vẫn theo dõi và có quyền phế truất vua con, thay một hoàng tử tài đức khác làm vua, nếu vua con tỏ ra yếu kém. Thế nên lúc nào triều chính cũng có hai vua (Nhị Thánh). Mặt khác, cũng là để ổn định ngôi báu, khiến các hoàng tử khác phải triệt tiêu ý đồ tranh giành quyền vị. Bài học này rút ra từ triều Hậu Lê và Hậu Lý trước đó. Trần Ích Tắc chỉ là một hoàng tử con bà Vũ Phi, lấy đâu ra vị thế trong cái cơ chế chặt chẽ của triều Trần để muốn làm vua? Vậy nên, nói rằng Trần Ích Tắc ganh tỵ, đòi làm vua là câu chuyện hoàn toàn không thể diễn ra như sách sử đã viết.

Bài ký chuông “Thông Thánh Quán” ở Bạch Hạc ghi: “Cuối đông năm Giáp Thân (1284), giặc Bắc đến xâm lược”. Sách Toàn thư chép: “Ích Tắc tâu vua rằng Nhật Duật đã làm phản”. Xem thế đủ biết Nhật Duật trấn giữ trại Thu Vật (biên giới phía trước), Ích Tắc trấn giữ Đà Giang (phía sau), hỗ trợ cho em trai mình là Nhật Duật. Chả là Nhật Duật thạo nhiều ngôn ngữ, thích giao du với một số văn nhân nhà Tống, cho nên khiến Ích Tắc nghi ngờ…

Đầu năm 1285, quân Nguyên tấn công mãnh liệt, đóng quân bên bờ sông Lô (sông Hồng), chuẩn bị vượt sông đánh Thăng Long. Vua Trần phải liên tục chạy trốn.

Giặc Nguyên đuổi theo ráo riết. Vua Trần phải vượt biển chạy vào Thanh Hóa. Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng chiến đấu ngăn chặn giặc, hy sinh bên sông Thiên Mạc (nay là bãi Mạn Trù, sông Châu, tỉnh Hà Nam). Sách “An Nam chí lược” chép: “Ất Dậu, Chí Nguyên (1285), Giảo Kỳ (tướng Nguyên) đem bọn Chương Hiến hầu (Trần Kiện) đã hàng, đánh phá quân Trần Quang Khải ở bến đò Phú Tân, chém ngàn người. Thanh Hóa và Nghệ An đều đầu hàng”. Vua Trần sợ, sai Trung Hiến hầu Trần Dương xin hòa. Lại sai cận thị Đào Kiên đưa An Tư công chúa sang cầu hòa”. Đó là kế mỹ nhân, hy vọng giảm bớt sức tiến công của quân Nguyên.

Toa Đô đem quân từ Chiêm Thành ra, hội quân cùng Thoát Hoan, Giảo Kỳ, đánh phá khu vực Thanh – Nghệ, khiến quân Trần gặp rất nhiều khó khăn. Một số quý tộc nhà Trần và bọn quan chức người Tống nối tiếp nhau đầu hàng quân Nguyên. Trần Ích Tắc đem gia thuộc xin hàng quân Nguyên ở thời điểm này. Tự nguyện xin hàng, chứ không ai ép buộc. Phải chăng, Trần Ích Tắc đã ngầm thực thi nhiệm vụ “tình báo chiến lược”, “di tản” theo đoàn quân hàng giặc, bỏ nước mà đi?

Chưa được biết công chúa An Tư, em gái (Quốc muội) của Thánh Tông, buộc phải hy sinh, mua vui cho Thoát Hoan (con Hốt Tất Liệt) có được giao thêm việc “nghe ngóng tin tức” từ Trấn Nam Vương Thoát Hoan hay không. Sách sử nhà Nguyên thì chép An Tư sau đó sinh cho Thoát Hoan 2 người con. Một số sách trong nước thì “hư cấu” rằng nàng An Tư tự tử sau khi Thoát Hoan thua chạy về Trung Quốc…

Theo bia mộ của Trần Tú Viên, chép: “Sau khi Thánh Tông thua ở Đại Hoàng (Ninh Bình), Vũ Đạo hầu (Tức Trần Tú Viên) ra hàng và dâng người con gái họ Lý (họ ngoại nhà Trần). Cô gái này lấy Thoát Hoan, sinh 2 người con”. Còn sách “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc thì viết: “Sau thua trận, Trấn Nam Vương (Thoát Hoan) trở về Hán Dương, lấy con gái họ Trần của Tú Viên, cũng sinh các Vương Tông”. Từ năm 1232, Trần Thủ Độ cho đổi họ Lý sang họ Nguyễn, lý do vì kiêng húy Trần Lý, ông nội nhà vua. Có người đổi sang họ khác, như họ Bàng, họ Lê (Lê Quý Đôn). Sách “Toàn thư” chép: “Thứ phi của Trấn Nam Vương vốn họ Lý nhưng là em bên ngoại của Trần Tú Viên, nên đổi sang họ Trần”…

Như vậy, ở thời điểm ấy, Thoát Hoan lấy 2 cô gái người Việt làm thứ phi là An Tư công chúa và em gái bên ngoại của Trần Tú Viên. Các cô gái họ Trần, họ Lý, có con nối dòng hoàng tộc nhà Nguyên, tức cháu nội của Hốt Tất Liệt (Nguyên Thái Tổ). Thế chẳng phải là đã có sự hòa huyết Việt – Mông từ đó hay sao!

Về Trần Ích Tắc, Sách “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc viết: “… Đến nay (1285), quân Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng (15-3-1285), được Hốt Tất Liệt phong làm AN NAM QUỐC VƯƠNG, chờ cho về nước. Tắc ở lại Ngạc Châu (Hồ Bắc), giữ chức “Hồ Quảng Bình chương chính sự”, gia phong Vinh lộc Đại phu, lại gia phong Kim tử Vinh lộc Đại phu, Nghi đồng Tam tư. Mất năm 1329 đời Nguyên Văn Tông, hưởng thọ 76 tuổi. Năm Chí Thuận thứ nhất, nhà Nguyên truy tặng tước Trung Ý Vương”…

Năm 1292 (tức sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3-VBL), vua Trần Nhân Tông sai Nguyễn Đại Phạp đi sứ nhà Nguyên, lấy cớ vua Trần đang có tang (Thánh Tông vừa mất), nên thoái thác sang chầu. Đại Phạp đến Ngạc Châu, vào tỉnh đường gặp các quan hàng tỉnh nước Nguyên, có chạm mặt Ích Tắc. Đại Phạp chào tất cả mọi người, chỉ không chào Tắc. Tắc hỏi: “Ngươi chẳng phải là tên biên chép ở nhà Chiêu Đạo Vương đó ư”? (Chiêu Đạo Vương, tức Trần Quang Xưởng, tức Nhật Vĩnh, anh trai Trần Ích Tắc-VBL chú). Phạp đáp: “Việc đời đổi thay, Đại Phạp vốn là tên biên chép cho Chiêu Đạo Vương, nay là sứ giả, cũng như Bình Chương (chức của Ích Tắc do Hốt Tất Liệt phong cho-VBL chú) xưa là con vua, nay lại là người đầu hàng giặc”. Từ đó về sau, Tắc luôn tìm cách tránh mặt các sứ thần Đại Việt sang, không dám ngồi ở tỉnh đường nữa”. Sách “An Nam Chí Lược” chép vậy đấy.

Bóc tách lớp vỏ ngôn ngữ thông thường trong các sử liệu, ta thấy gì ở điểm này? Lòng nhớ nước của Trần Ích Tắc, muốn gặp người trong nước mình để tâm sự, hỏi thăm tin tức, nhưng hoàn cảnh bấy giờ rất phức tạp, sợ có sơ xuất gì chăng? Bởi ông rất cần phải giữ mình, tỏ lòng trung thành với nhà Nguyên, để mưu đồ việc lớn hay chăng?

Sách ĐVSKTT (1293) viết: “Ích Tắc là chỗ thân tình cốt nhục, tuy bị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy”!… Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi. Pháp luật triều Trần rất khắt khe. Kẻ phạm tội bán nước, đầu hàng, kể cả tôn thất cỡ nào đi chăng nữa, cũng sẽ bị xử án vắng mặt, ở mức tội trạng cao nhất, xóa họ trong danh sách Hoàng tộc. Đằng này, với Trần Ích Tắc thì không. Chỉ gọi là Ả Trần thôi. Không thể là chi tiết bình thường được. Còn để cho đời sau như chúng ta nghĩ ngợi, tìm tòi bí ẩn lịch sử đấy sao? Thơ Trần Ích Tắc thể hiện tâm sự sâu kín của mình, được ghi trong An Nam Chí Lược:

Bỏ nước ra đi nhớ tự ngày,

Lòng trung canh cánh, có trời hay.

Chẳng qua Vi Tử buồn Ân mất,

Há phải Văn Công trốn nước ngoài.

Nghề mọn cơ cầu noi nghiệp trước,

Tiếng thơm sử sách để sau này”.

Ta thấy gì ở nội dung bài thơ thẳm sâu tình ý này của Trần Ích tắc? Hai câu đầu, tỏ ý vì nước mà phải ra đi, không hề nguôi quên, vẫn canh cánh lòng trung với nước. Nào có ai hay, ai hiểu được lòng ta? Câu “Chẳng qua Vi Tử buồn Ân mất”, tác giả nhắc chuyện xưa. Vi Tử là anh vua Trụ (nhà Ân, Thương). Trụ bị Chu Vũ Vương giết. Vũ Vương cho Vi Tử làm quan, phong làm vua Triều Tiên. Vi Tử đem văn hóa Trung Hoa truyền sang Triều Tiên, tựa như Sĩ Nhiếp truyền văn hóa Hán sang Giao Châu (nước ta) vậy. Liệu rằng Ích Tắc làm những việc thầm kín gì, để “noi nghiệp trước” hay chăng? Chứ đâu phải ông giống như Văn Công trốn ra nước ngoài, để sau đó quay về nước lên làm vua?

Nhà văn – nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục >>>>

Văn Công, tức công tử Trùng Nhĩ, vì trong nước có loạn, nên Trùng Nhĩ phải trốn sang mấy nước xung quanh, sau về nước, lên ngôi, gọi là Tấn Văn Công (đời Chiến Quốc bên Tàu)… Cho nên, phải nhẫn nhịn cam phận “đầu hàng”, mặc ai chửi ai khinh. Nhưng mà “Tiếng thơm sử sách để mai sau”. Mai sau! Mai sau! Chính thế hệ người sau, chúng ta đã thấu tỏ tấm lòng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. Sự nghiệp của ông và con trai Trần Hữu Lượng giành được trong nhiều năm, chiếm cứ vùng đất Nam Việt cũ, chẳng phải đã nói nên công lao ở ngoài nước của cha con Trần Ích Tắc đó sao?

Thực tế, sau khi Trần Ích Tắc xin hàng, trà trộn vào phe địch, quân Trần liên tiếp giành thắng lợi. Trận Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết cửa ngõ kinh thành Thăng Long, Toa Đô bị Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái đánh cho tơi tả. Toa Đô phải bỏ thuyền lên bộ, tháo chạy về Bắc. Đến đoạn Thị Cầu (Bắc Ninh), thì bị tướng Vũ Hải của Hưng Đao Đại Vương chặn đánh, chém đầu hắn tại đây.

Trận chiến lần thứ 3 sau đó 3 năm (1288), vua hỏi Quốc Công Tiết chế, thế giặc năm nay thế nào? Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Có thể là lãnh đạo nhà Trần đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu ở hai lần trước. Có thể, thế nước ta đang cực thịnh. Có thể là tầm nhìn xa trông rộng, hoạch định chiến lược phòng bị, chờ địch đến để tiêu diệt. Liệu rằng, trong cái nhàn nhã, tin tưởng chắc thắng ấy, có công “tình báo” chiến lược của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc hay không?…

Chỉ có Trời mới biết! Trời mới biết!

VŨ BÌNH LỤC

Theo Văn Hiến VN