Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÚC THI HỨNG VÀ LÃO TRẦN NHƯƠNG

Hoạ sỹ Lê Thanh Minh
Thứ ba ngày 20 tháng 8 năm 2024 9:34 AM



(Bài đã in trên TC Nhà văn và cuộc sông)

Hơn 30 năm về trước tôi gặp Trần Nhương ở Matxcova. Lão là nhà thơ. Biết vậy. Cũng bình thường như bao người bạn thơ khác của tôi. Tôi không biết lão viết thơ vào lúc nào. Cho đến lúc này trong tay tôi có duy nhất một tập thơ lão tặng tôi gần 10 năm sau đó. Trần Nhương còn viết văn xuôi. Vì lý do gì đấy cho đến nay tôi chưa cầm trên tay một tập sách nào của lão. Hay hay dở tôi không có ý định bàn ở đây. Điều không bình thường ở Trần Nhương chính là ở tư cách họa sĩ.

Trần Nhương trẻ lắm, mải chơi lắm mặc dù lão đã ngoài tám mươi. Nào phải tôi nói mà lão tự nhận mình là “Trần Ham vui”. Vui như lão thì ai chả thích, chỉ có điều thích là một chuyện, chơi được như lão lại là chuyện khác. Là tôi nói cái tố chất rất Trần Nhương ấy. Nhiều cô gái trẻ mê lão tít thò lò. Số lão đào hoa đã hẳn nhưng tôi không hiểu họ thích lão vì cái gì. Nhan sắc của lão cũng chỉ trung bình khá, tài năng của lão là không thể phủ nhận nhưng bảo các cô mê vì lão đẹp trai, có tài thì tôi quyết không phục. Thiên hạ có biết bao nhiêu chàng trai tài tuấn hơn lão... Quả là bí hiểm.

Hôm qua, không, phải là hôm kia mới đúng, lão rót vào tai tôi một lời đề nghị kinh người “viết cho tôi vài chữ, tôi sắp triển lãm....” Dù biết sức mình có hạn nhưng làm sao tôi có thể bỏ qua một cơ hội hiếm hoi châm chọc lão. Không phải châm chọc mà là cù cho lão cười đứt ruột. Sẽ như ý lão, tôi phải phang tẹt ga mới được... Dẫu sao thì lão cũng chỉ vui đùa thôi. Nào thì chúng ta cùng vui đùa nhé.

***

Nhà văn vẽ tranh. Điều tưởng như mới mẻ này cũng không làm tôi ngạc nhiên. Nhiều người bạn viết văn khác của tôi cũng vẽ tranh, như Đỗ Chu, Vũ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Thiều... Cái làm tôi ngạc nhiên chính là những điều "zích zắc" nằm trong những bức tranh của lão. Cái hiện thực cuộc sống hiện hữu quanh ta được Trần Nhương "miêu tả" thật khác thường. Không phải cái ta nhìn thấy mà là cái trong tâm tưởng. Không phải cái ta đang nhìn hôm nay mà là cái đã từng hiện hữu trong quá khứ. Đây đó trong tranh của lão hiện ra một vài đường cong thẩm mỹ. Nó không hiện thực mà nó là cõi mơ. Giấc mơ của Trần Nhương. Nhìn tranh của lão ta không nghĩ lão từng là người lính. Tranh của lão lả lơi, bỡn cợt người xem. Nó khác với cái ta hình dung về người lính. Tôi không đi tìm lời giải cho sự bỡn cợt đó. Nhưng tôi biết. Nếu không trải qua chiến tranh, đau thương, mất mát ta sẽ không bao giờ biết trân quý những gì đang có. Ta không biết nâng niu những cái bình thường, nhỏ nhặt của cuộc sống. Trần Nhương đang nâng niu từng khoảnh khắc. Lão đang yêu. Ai mà chả có tình yêu. Đúng vậy. Nhưng tình yêu được thể hiện trong tranh của Trần Nhương rất khác. Nó mãnh liệt, hoang dại chứ không mượt mà thơ mộng. Mầu sắc trong tranh của lão đang sống đời sống của cõi riêng. Nó đang cựa mình như chồm ra khỏi tranh. Có người từng hỏi tôi: "Anh thấy tranh Trần Nhương thế nào?" Thế nào là thế nào. Tôi không hiểu ý định của người hỏi. Xem tranh của Trần Nhương nếu bạn cần tìm một khuôn hình, một đường nét, một mảng màu "bác học" thì bạn sẽ thất vọng. Bạn chẳng bao giờ tìm thấy nó trong tranh của Trần Nhương. Lão tìm đến sự hồn nhiên ngây thơ. Lão như đang trẻ lại so với tuổi của mình. Nhưng trên hết. Trần Nhương đang chơi trò chơi của mình. Lão không cần phô diễn kỹ thuật, không cần lên gân. Trong tranh của lão mọi cái hiện ra như nó vốn phải thế.

Trong số những bạn văn của tôi có sở thích vẽ tranh thì Trần Nhương là người hào sảng hơn cả. Lão dường như không nghiêm túc, cẩn trọng thường thấy ở những người đang dạo bước trong gian hàng chọn cho mình một món đồ. Và cũng dường như lão không coi trọng món đồ mà là coi trọng phút giây ngó nghiêng, quan sát, xăm soi những đồ vật ấy. Hội họa, thơ phú đối với lão cũng chỉ là một món đồ, một thú chơi ngẫu hứng tuỳ ý lão nâng lên, đặt xuống, gia giảm... Bạn không tin ư? Cũng phải, bạn đâu phải Trần Nhương và quê bạn cũng đâu phải ở xứ rừng cọ, đồi chè.

Trước một tờ giấy, một tấm toan trắng bạn sẽ làm gì? Khó nói lắm, vì sức gợi của chúng vô cùng đa dạng, tuỳ duyên mà người thưởng ngoạn sẽ được ngắm nhìn. Đối với Trần Nhương, dường như cái mầu trắng vô duyên trước mặt trêu ngươi lão và thế là lão xắn tay áo nhảy vào bãi màu nhào trộn. Bức tranh trước mặt bạn hiện lên rõ ràng nhưng lại tù mù, rối rắm. Lão đưa người xem vào mê hồn trận làm họ hoang mang, bất ngờ. Cũng phải thôi, chính lão cũng bất ngờ, cũng không định trước nó sẽ như vậy. Nếu bạn hỏi lão, bạn sẽ chỉ nhận được một nụ cười phớt nhẹ trên môi thay cho câu trả lời. Tôi chưa khi nào hỏi lão. Hỏi làm gì khi mà câu trả lời chả phải đang nằm trước mặt ta sao?!

Có lần Trần Nhương bảo tôi:

-­ Cụ phang cho một bài, phang thật lực vào.

Tôi cười bảo:

-­ Anh không ngại à?!.

Trần Nhương quả quyết:

-­ Không, không ngại!...

Đúng là tại sao phải ngại. Lão không ngại, những bức tranh của lão hiện ra trần truồng trước bao cặp mắt của người xem. Chúng cũng không ngại. Tôi với tư cách người xem. Tôi cũng không ngại. Trần Nhương có cái đáng yêu hơn các họa sĩ khác là lão không che giấu sự lúng túng của mình, không che giấu sự vụng về của mình. Hơn tất thảy lão trung thực với chính mình.

Nếu tôi nói vì đa tình, đào hoa nên tranh của lão có hơi hướng sex. Nghĩa là rất phồn thực liệu bạn có tin? Tin hay không tuỳ bạn. Trần Nhương đến với hội họa bằng sự quả quyết vốn có của người lính, bằng trái tim run rẩy đang yêu nóng bỏng. Cái này ở những cây bút khác không có hoặc chưa đủ độ. Điều này giúp Trần Nhương thêm tự tin vượt lên trên sự khiếm khuyết, thiếu hụt bài bản vì không qua một trường lớp nào. Số họa sĩ thành danh qua trường lớp ít lắm nếu không muốn nói nó cũng không nhiều hơn những người tự thành họa sĩ. Nhiều người cầm bút được học hành bài bản chê lão. Lão cười. Lão chơi ngẫu hứng nhưng nụ cười của lão lại hiện thực đến nao lòng. Lão không chấp. Suy cho cùng lão có lý. Những bức tranh trên tường là công sức, là đam mê, là tình yêu, là gan ruột là... thú chơi của lão chứ đâu phải của họ. Nỗi lòng nặng trĩu suy tư của lão làm sao họ biết?

Cũng giống như “Thì hứng 1”, “Thi hứng 2...”, “Thi hứng 5” là tên gọi triển lãm tranh sắp tới của lão. Qua 5 khúc thi hứng quả là lão đã đi một chặng đường dài để đến với hội họa. Nếu tình yêu của Trần Nhương không đủ mạnh, đủ lớn lao làm sao lão có thể đi xa đến vậy.

Có lần từ nhà lão về tôi cứ mải theo đuổi ý nghĩ. Tại sao chúng ta cứ phải diễn vai diễn của mình. Dù có cố đến cỡ nào mình cũng vẫn chỉ là mình thôi.

Trần Nhương không giống ai. Điều này làm tôi suy nghĩ. Bạn vẽ của tôi nhiều người không được như lão. Nghĩa là họ giông giống một ai đó. Tôi rất ghét cái sự giông giống đó. Cái chơi của Trần Nhương cũng kỳ khu lắm. Tuy không qua trường lớp nào nhưng màu lão dùng nó chín đủ độ làm thỏa mãn ngay cả những cặp mắt khó tính. Chí ít dưới cặp mắt của tôi nó không sống sượng như một vài bức tranh tôi đã từng xem của ai đó.

Đừng nghĩ rằng tôi đang vì yêu mến mà nói hay, nói tốt cho Trần Nhương. Nếu không tin bạn có thể tìm đến phòng tranh của lão. Chúng sẽ nói với bạn nhiều điều. Những điều mà tôi, do hạn chế về góc nhìn chưa thể đề cập đến trong bài viết này.

Cái hay của Trần Nhương còn nằm ở chỗ. Lão chưa bao giờ coi những bức tranh mình vẽ ra là những tác phẩm để đời. Nó chỉ là sự phô diễn, gửi gắm những sắc thái tình cảm khác mà mảng văn chương lão không làm được. Có vậy thôi. Có người cho là lão cao ngạo. Ngay cả như vậy cũng rất bình thường vì lão có cái riêng để mà cao ngạo...

***

Hội họa của Trần Nhương có thể tóm gọn vào 3 mảng chính. Chân dung, phong cảnh, trừu tượng.

Bạn đừng cười tôi và cũng đừng cười Trần Nhương. Chân dung của bạn bè văn nghệ sĩ qua ngọn bút của lão cứ hao hao giống nhau. Chúng giống nhau hơn là giống người mẫu. Nhiều lúc tôi có cảm giác lão không vẽ người ngồi trước mặt mà vẽ cái lão muốn vẽ. Nghĩa là hiện trên tờ giấy là cặp mắt, mũi, mồm của một ai đó. Nghĩa là chỉ đủ cho bạn biết lão đang vẽ cái mặt người. Nhìn nụ cười hạnh phúc của người được vẽ và người vẽ bạn sẽ hiểu. Chân dung là giả, lão ngồi vẽ và người ngồi làm mẫu cho lão vẽ là thật. Nhà văn Vũ Thư Hiên rất tâm đắc với câu nói của Tề Bạch Thạch: “Nghệ thuật vừa giống vừa không giống. Giống quá là mị đời, không giống là dối đời.” Trần Nhương không mị đời lại càng không muốn dối đời. Với lão, vui là chính.

Mảng phong cảnh nói gì thì nói nó phảng phất hồn cốt rừng cọ đồi chè quê lão. Dù lão vẽ gì người xem cũng thấy lấp ló bóng dáng quê hương của lão trong nét bút. Lão là người yêu quê, vì lão hơn khối người còn có quê để yêu. Dáng những thiếu nữ trong tà áo dài lẩn khuất trong tranh lão vốn không phải cái lão định vẽ. Bất quá nó chỉ là cái cớ để lão chơi sắc màu cho thỏa nỗi nhớ nhung. Nỗi nhớ theo chỗ tôi hiểu thật vu vơ, vô định.

Cái phồn thực tràn ra ngoài mép tranh của lão ở mảng trừu tượng. Nói thật, tranh lão nào có trừu tượng, nó đang thở hổn hển đầy nhục dục. Nó đưa người xem vào mê lộ để rồi ve vãn, tán tỉnh những cặp mắt đa tình. Xem tranh của lão tôi không tin tim bạn không đập mạnh. Tranh lão dù có yếu tố sex nhưng không đến mức lộ liễu gợi dục. Lão đang chơi đùa trò chơi tình ái.

***

Tôi không phải loại người vô tư như bạn nghĩ. Tôi thiên vị mình. Yêu cái đẹp, thích người tốt. Ghét kẻ xấu. Và không thể dung hoà với những cái phản thẩm mỹ.

Tranh của Trần Nhương, thoạt đầu người ta tưởng lão vẽ trừu tượng. Tôi xin lưu ý với các bạn là lão không vẽ trừu tượng. Cái lão phản ánh là hiện thực. Hiện thực của Trần Nhương. Hãy nhìn sâu vào từng bức tranh. Hãy phát huy trí tưởng tượng. Bạn sẽ dần dần nhận ra cái hiện thực mà Trần Nhương muốn nói, muốn thể hiện. Nếu nói cho cặn kẽ thì tranh của lão có chất phồn thực. Tình yêu trong tranh của lão nó không những không trừu tượng mà rất cụ thể thông qua cái nhìn có phần hóm hỉnh của lão. Cặp mông của cô người mẫu lồ lộ trước mắt nói với bạn về vẻ đẹp của một đường cong mềm mại đã được lão cách điệu. Hoàn toàn không dung tục. Ngay cả cặp vú nổi trên khuôn ngực đầy đặn cũng mang vẻ đẹp hoang dại. Trong tranh của lão ta không bắt gặp một sự chủ đích nào. Mọi cái đều ngẫu nhiên, tự tại.

Tuy nhiên nói vậy không phải tranh của Trần Nhương cái nào cũng làm người xem thỏa mãn. Một vài bức, một vài hình làm ta thấy hơi sượng. Nếu lão dụng tâm gia giảm, dụng tâm cách điệu hơn một chút có lẽ (chỉ là có lẽ thôi) nó sẽ hay hơn. Hay đến đâu, chỉ mình lão biết rõ nhất. Tôi không biết gì đâu. Thật đấy. Nếu mà động vào thì tôi sẽ làm hỏng hết bữa tiệc màu sắc của lão.

49 tác phẩm sẽ được trưng bày là một phần khiêm tốn trong gia tài lão đang sở hữu. Về một khía cạnh nào đó lão là người giàu có. Lão vẽ hàng ngày. Cái xưởng vẽ mênh mông của lão nhiều họa sĩ cũng thèm muốn có được. Thú thật so với lão tôi chỉ như một tay mơ. Nếu bạn cần biết kỹ hơn điều tôi nói thì nên ghé qua phòng tranh để những bức tranh nói với bạn. Đừng hỏi Trần Nhương, vì khiêm tốn và cũng vì lòng kiêu hãnh lão sẽ chẳng đưa ra câu trả lời làm bạn hài lòng.

Cuộc sống hôm nay muôn màu, muôn vẻ. Văn học nghệ thuật cũng vậy. Tôi không phải là người viết phê bình. Và đương nhiên cái tôi nhìn và cái tôi nói không mang nét đặc trưng của một bài phê bình. Mặc dù đã "phang tẹt ga" tôi cũng phải thừa nhận tranh của Trần Nhương đã tìm được chỗ đứng cho mình trong dòng chảy của hội họa đương đại. Chỉ khiêm tốn thôi. Dấu vết của Trần Nhương.

Với tôi, một người xem tranh vô tâm. Thế là đủ.

Và cuối cùng, cái Trần Nhương muốn đấy là bạn hãy hài lòng với cái được cũng như chưa được trong tranh của lão. Chỗ này thừa một chút ý, chỗ kia thiếu một chút tình. Chỗ này màu hơi sượng, chỗ kia màu hơi chua, thêm một chút cháy khét. Không sao. Trần Nhương là thế. Nếu bạn chưa hài lòng, cũng không sao, sẽ còn những bức khác, những triển lãm khác trong tương lai. Dù bạn không thích lão, hay đúng hơn là không thích tranh của lão cũng không sao. Nói cho cùng thiên hạ đâu phải chỉ mỗi Trần Nhương là họa sĩ.

Hà Nội 2024

Lê Thanh Minh