Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐĂNG BẨY NHỮNG RỦ RỈ THƯƠNG MẾN

Xuân Ba
Thứ bẩy ngày 17 tháng 8 năm 2024 10:05 AM



 Ông bạn Trịnh Nguyên Hùng người cùng làng, lần ấy ở Đà Nẵng ra, lão đột ngột hỏi có biết Đăng Bẩy làm ở báo Văn Nghệ không?

Ngạc nhiên bởi trước nay đã mặc định lẫn định hình, lão này vốn kỹ sư kinh tế, dân kỹ thuật (lão từng phụ trách một trung đoàn công binh ở Quân Khu 5) tự dưng hỏi vậy chắc có chuyện? Gạn hỏi thêm mới hay hóa ra Đăng Bẩy ngày trước cùng học tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad với lão ở Leningrad (nay là Saint Peterburg).

Biết chứ! Đăng Bẩy làm ở mảng dịch thuật báo Văn Nghệ thì nhiều người biết.


Tôi đang hình dung một Đăng Bẩy vì từng có một dịp được ngồi với nhà văn, nhà viết kịch Hồng Phi khi ấy làm ở báo Văn Nghệ. Nhà văn Hồng Phi ngạc nhiên thấy Đăng Bẩy đã đành biết, thạo tiếng Nga (vì đi Liên Xô về), nhưng có phải ai thạo tiếng Nga, am hiểu thơ ca Nga cũng có khả năng chuyển ngữ mau lẹ như cái anh cán bộ kỹ thuật ngó củ mỉ cù mì cùng chất giọng rủ rỉ này? Hồi ấy Đăng Bẩy đang là nhân viên thiết kế máy ở Viện Máy công cụ.

Thế là nhà văn Hồng Phi tìm cách “bê’’ bằng được Đăng Bẩy về báo Văn Nghệ.

Tôi dẫn ông bạn người làng đến báo Văn Nghệ. Hóa ra hai ông Trường Rừng (tên gọi quen của Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad) một thời chơi thân với nhau. Cùng Viện cùng khóa. Nhưng Hùng học chuyên ngành Lâm sinh. Đăng Bẩy học bên cơ khí.

Đăng Bẩy có một tuổi thơ tất tả. Nhà nghèo đói dài đói rạc, Đăng Bẩy phải bập đủ việc để kiếm sống. Đào mương, cắt tóc, thợ may, phu hồ… Rồi Đăng Bẩy đi Thanh niên xung phong (anh kể thời gian này nguy hiểm bom đạn nhưng may cái là được… ăn no! Rời Thanh niên xung phong (TNXP), Đăng Bẩy vào làm công nhân cơ giới Cục Trồng rừng. Rồi công nhân Khu gang thép Thái Nguyên. Đăng Bẩy thông minh. Đói khát, bom đạn vậy mà thi đại học thừa điểm đi học nước ngoài.

…Ngồi nghe cả hai thuật lại chuyện một thời thấy ngồ ngộ. Ấy là lần ở Leningrad thanh bình, Đội bóng CA Hà Nội sang thi đấu hữu nghị với Dinamo Leningrad. Cũng nói thêm, thời ấy Đăng Bẩy là chân sút trong đội bóng sinh viên của Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad. Trước khi sang Liên Xô, Đăng Bẩy là cầu thủ đội bóng đá Gang Dẻo, từng đoạt giải Nhì Khu Gang thép Thái Nguyên năm1969.

Quân ta từ khắp nơi kéo đến Leningrad hò hét cổ vũ cho đội nhà. Khỏi nói Đăng Bẩy tích cực hăng hái như nào. Ai cũng thầm mong đội CA Hà Nội thắng hoặc hòa. Nhưng tiếc thay, đội CA Hà Nội thua to.

Ở Khu Gang thép Thái Nguyên, Đăng Bẩy ngoài tài đá bóng còn làm thơ. Anh chơi thân với nhiều cây viết Khu Gang thép Thái Nguyên, trong đó có nhà thơ Hoàng Hữu, một cây viết khá nổi hồi ấy.

Lần ấy, Hoàng Hữu nhờ Đăng Bẩy chuyển bản thảo của Hoàng Hữu cho nhà thơ Ý Nhi để xếp hàng chờ in tập thơ riêng ở Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Nào ngờ trên đường về Việt Trì, Hoàng Hữu đột ngột mất.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ấy đang trực cuộc thi thơ bèn “lệnh” cho Đăng Bẩy rút ruột tập bản thảo, lấy ra một chùm thơ của Hoàng Hữu để in. Vậy là bài Hai nửa vầng trăng được công bố, gây giật mình cho người yêu thơ và đoạt giải cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ.

Ðội bóng sinh viên (Ðăng Bẩy người đang nằm?) thời ở Leningrad

…Tôi quen Đăng Bẩy do nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn dẫn sang báo Văn Nghệ chơi. Rồi quen biết luôn Hoàng Minh Tường ở đó. Đó là thời gian Đăng Bẩy nổi danh với bản dịch bài thơ Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi của nhà thơ Xô viết Alexey Fatyanov viết từ năm 1945.

Tôi nhớ nhiều người đã thuộc lòng bản dịch của Đăng Bẩy.

Trong ánh chiều tà tôi đi tha thẩn/Trước cổng nhà gỗ sực mùi sơn/Có thể người lính quen hiện đến/Gió hãy đưa đường người bạn tôi mong?

Nhỡ đâu bạn vẫn còn chưa vợ/Thì bạn thân ơi, đừng vội chi buồn/ Đây rất nhiều bài ca và trong huyện/Nhiều cô em xinh đến mê hồn.

Đêm tháng năm những đêm ngắn ngủi/Tiếng súng lặng im, trận đánh xong rồi/Giờ bạn nơi đâu, bạn cùng trung đoàn hỡi/Các bạn đường đồng đội của tôi?

...

Dịch giả Đăng Bẩy đã dịch nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ ca Nga. Nhiều năm anh là biên tập viên trang Văn học nước ngoài của báo Văn Nghệ.

Đăng Bẩy chả phải là dạng người quảng giao, nhưng chất giọng rủ rỉ của anh lại có sức níu kéo... Nhờ Đăng Bẩy mà tôi đã có những biên chép về người Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), cái làng Đăng Bẩy tài năng mà có thời người ta gọi năng động sáng tạo với cơ chế thị trường.

Chưa phải ngay sau thời điểm tháng 4/1975 mà trước đó, giải phóng đến đâu, người Thổ Tang có mặt ngay! Họ đã có mặt ở Huế, Đà Nẵng, Phú Yên… Nhờ người quen của Đăng Bẩy, mà tôi đã có dịp ngồi chuyện với cụ Vũ Hồng Khanh, một yếu nhân của Quốc Dân đảng trước khi cụ mất 2 năm (1991) ngay tại quê Thổ Tang. Thổ Tang cũng là quê hương của lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Loạt bài viết của tôi về Thổ Tang cùng người cháu cụ Nguyễn Thái Học cũng được Đăng Bẩy ưu ái đưa đăng trên Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc.

Lại nhớ thêm dịp 50, rồi 60 năm báo Tiền Phong. Bài viết về dịch giả Ngô Vĩnh Viễn (tức Nguyễn Vĩnh, dịch giả những Chuông nguyện hồn ai của Ernest Miller Hemingway, Chiếc lá cuối cùng của O.Henry), nguyên PV báo Tiền Phong, sau đó chuyển sang báo Văn Nghệ phụ trách trang văn học nước ngoài cùng ban với Đăng Bẩy.

Tác phẩm chính của Nguyễn Ðăng Bẩy đã xuất bản: Ra đi không trở lại (truyện dịch V.Bykov – 1983). Thu trong rừng sồi (tuyển truyện ngắn Liên Xô – 1984). Kẻ đánh cắp thần linh (truyện ngắn hiện đại châu Á -1985). Tình yêu khôn lường (biên soạn – 2008).

Bài thì viết rồi. Nhưng một sơ suất điếng người là cả báo Tiền Phong, báo Văn Nghệ, đồng nghiệp bạn bè nào đã không lưu giữ một tấm hình nào của Nguyễn Vĩnh cả. Tôi có cậy nhờ Đăng Bẩy nhưng anh cho biết, gia đình ông trưởng ban đã chuyển đi nơi khác sau khi Nguyễn Vĩnh mất.

Dịp kỷ niệm 50, rồi 60 năm qua đi.

Đến dịp 65 năm báo Tiền Phong, tiện mồm lại cậy nhờ Đăng Bẩy. Mấy ngày sau, anh điện thoại mách cho một nguồn thử tìm đến may ra…

Tôi đến chợ Hàng Da mà Đăng Bẩy nói là có nhớ mang máng thôi, rằng cụ Nguyễn Vĩnh có người nhà bán quần áo ở đó, nhưng Đăng Bẩy không nhớ tên.

Tôi đã có một buổi lùng tìm khắp căn nhà rộng thênh dày rịt sạp hàng quần áo vải vóc trên gác ngôi chợ. Mật khẩu phải nghĩ ra và chả mấy chốc phải thuộc lòng là “Bác (chị, em, cháu…) có người nhà nào tên là Ngô Vĩnh Viễn không ạ?”.

Đến cái sạp thứ ba mươi mấy thì may gặp được người cháu.

Báo hại cho tôi, người cháu trong lúc vội đã ghi sai tên dãy nhà. Hôm sau tôi lộn lại ngôi chợ. Và tìm đến một dãy nhà trong trận đồ bát quái của Khu Tập thể Nguyễn Công Trứ.

Rồi người mở cửa một căn hộ chính là con trai của dịch giả Nguyễn Vĩnh!

…Nghe tin anh bị trọng bệnh. Sáng nay lại vừa nghe thêm tin dữ. Anh Đăng Bẩy ơi, đã khuất rồi những rủ rỉ thương mến!

Đêm 14/8/2024

Xuân Ba