Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ STALAGENT NHỚ VỀ “CHÀNG KIM” - THI SĨ

Hoàng Yến
Thứ bẩy ngày 22 tháng 6 năm 2024 6:19 PM




“Chàng Kim !” - Tôi khẽ ngước lên và gọi "chàng" như thế. Vẻ ngượng ngùng của cô gái vừa ở tuổi trăng tròn, đang xốn xang, người mình thầm thương, vụng nhớ.

Kim Làng Thắng. Tôi người làng Râu, cách nhau một cây cầu với thôi đường chỉ hơn một trăm mét đường liên xóm.

Người cùng làng. Chênh lệch nhau chục cái lá vàng thu. Nghe xóm giềng thường đồn đại lời khen Kim. Lại nom dáng Kim vẻ thư sinh, thông minh, mẫn tiệp. Tôi mê Kim ở những bài thơ in trên Báo của tỉnh Kiến An cũ, khi chàng mới mười hai, mười ba tuổi, đang theo học trường làng. Rồi, vở Chèo “Vẹn cả đôi đường” mà Kim sáng tác (cái tên Kịch bản Chèo nghe hơi cải lương, ngày ấy) được đội văn nghệ làng Thắng dàn dựng, giành Giải Ba trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng mùa xuân của thành phố Cảng, năm 1964.

Rồi, cũng vì vở Chèo đẹp, xinh xắn như một bài thơ, mà Nhà viết kịch Hoài Giao đã “Ồ lên tiếng khen.” Để ông đã cất công tìm về tận trường làng xem mặt Kim, cậu học trò gầy nhẻm, xin cho “Cậu" nhập vào Đoàn Văn công Quân khu, khi chưa đầy mười bảy tuổi.

“Chàng Kim” của tôi, họ Nguyễn. Có Bút danh “Kim Chuông. Tôi mê chàng. Nhưng thầm giận, sao người mới mà lại “cũ” đến vậy.

Có lẽ, Bố chàng – Cụ Đồ Nguyễn Vọng từng mở trường dạy chữ Nho từ những năm cụ mới mười sáu tuổi, giáo huấn thi thư cho nhiều thế hệ môn sinh ở nhiều tỉnh quanh vùng. “Chàng Kim” cũng theo cha dùi mài thi thư, kinh nghĩa tới gần chục năm đèn sách, mơ giấc mơ “Cửa Khổng Sân Trình.”

Chớm tuổi thanh niên rồi, Chàng Kim còn thường xuyên lên chùa cùng nhà sư đọc Kinh, niệm Phật. Người trẻ măng, lại mặc tấm áo nâu sồng, những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, người thanh niên như chàng “có vẻ dị nhân,” bị lạc giữa dòng đời khác lạ.

Tôi được chứng kiến đám tang cụ Đồ Nguyễn Vọng. Được đằm vào thế giới cái đạo nghĩa cương thường, đạo "thần hôn" thầy trò, cha sinh, thầy dạy.

Học trò cụ Đồ Nguyễn có người là Quyền Chủ tịch UBND thành phố, Bí thư Quận ủy, Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy, hay cán bộ cấp cao trong quân đội. Suốt đêm trời, nhiều môn sinh tóc bạc, râu dài chấm đất, mặt úp chặt xuống chiếu, quỳ lạy, khóc thầy.

Ông Nguyễn Tụng, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền, Hải Phòng, trong đáp lễ, đã xúc động nói với đám đông, rằng :"Lễ tang thầy tôi hôm nay là bài học vô cùng quý báu về đạo đức cao đẹp làm người cho tất cả chúng ta, cho lớp trẻ hôm nay đang bước đi và mở mắt nhìn đời ..."

Điều đặc biệt ở cụ Đồ mà tôi mãi còn kinh ngạc, mỗi lần nhắc lại với "chàng Kim" khi sau này Kim đã trở thành nhà thơ, thành cán bộ biên tập ở một tờ Tạp chí. Đó là, trong phút nguy kịch, hấp hối, sắp theo tổ tiên về cõi vĩnh hằng. Môn sinh của cụ Đồ Vọng, từ mấy tỉnh kéo về xin phép thầy được đọc trước trang "Điếu văn" vừa thảo, để lễ thầy, dâng thầy chứng giám tấc lòng tôn kính, nhớ thương của các đệ tử. Phần nữa, cũng để thầy nghe, duyệt xem chữ nghĩa có gì bất đặng.

Trong "Lời điếu" có câu : "Nay thầy đã lên đường vân giá/ Cảnh tiên du thầy vui quá từ đây..."

Ông Bùi Văn Huy, đại diện Chánh trưởng tràng (Lớp trưởng) đang cao giọng lâm ly, đọc đến câu này, bỗng ngừng bặt, vì cụ Đồ đang nằm trên giường bỗng bật lên tiếng gắt, trong hơi thở đứt đoạn : "Quá, không được ! Quá không được" ...

Thầy cáu rồi. Thầy nhắc đi nhắc lại hai lần cái "chữ quá" bất ổn. "Ồ. Thật đúng. Chết sao lại vui quá cơ chứ. Sợ thật. Chữ nghĩa. Thầy tinh chưa? Nhưng, sửa thế nào ? Sửa thành chữ gì bây giờ được nhỉ ?"

Trong lúc mọi người còn đang lặng đi, nhìn nhau, lúng túng, cụ Đồ Nguyễn Vọng bỗng kêu lên một tiếng : "Thỏa !"

"Trời ơi. "Thỏa." Thật là bậc kỳ tài. Một bậc thầy chữ nghĩa. Một "Biên tập viên" thật siêu đến vậy. Bởi, thôi thế thì thôi, nay Thầy ra đi, âu cũng là thỏa một đời người. Phần nữa, chữ thỏa bảo đảm vẫn giữ được vần cho thơ với chữ giá ở câu trên. "Nay thầy đã lên đường vân giá/ cảnh tiên du thầy vui thỏa từ đây...

Thì ra, các nhà khoa học nói rằng, những người làm nghiên cứu, cái luôn động não đã làm họ có khả năng tỉnh táo cho đến khi nhắm mắt.

Tôi yêu quý Chàng Kim có từ niềm ngưỡng mộ ở gia phong, gia thế, của chàng như vậy.

Đầu năm 1965, Chàng Kim vào Văn công, vào lính. Khi Quân khu Ba chia đôi. Về Quân khu Tả ngạn, chàng Kim gặp Nhà văn Lê Lựu, nhận anh em kết nghĩa. Lê Lựu coi chàng Kim như em ruột, giúp Kim làm tốt vai trò một "Phóng viên mặt trận" của tờ báo Quân khu những năm chiến tranh đánh Mỹ, rồi sau đó giới thiệu Kim về làm cán bộ Biên tập, xuất bản của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, từ những ngày đầu, khi Hội VHNT - Thái Bình vừa đang thành lập.

Tôi biết, Lê Lựu cùng Kim Chuông có những gắn bó như anh em máu thịt. Lê Lựu từng về nông trường cói Trấn Dương, Vĩnh Bảo, đất Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi quê mẹ Chàng Kim. Lê Lựu nằm hàng tháng trời ở nhà Kim, Làng Thắng. Thường ngày, khi giải lao sau giờ ngồi miệt mài sáng tác, hai người thường xuống bãi, quê Kim, vừa đi bắt cáy, hay câu tôm bên bờ sông Luộc.

Những ngày đi thực tế này, chàng Kim làm được bài thơ "Đêm chiến trường Chính trị viên viết bài thơ "Chiến sĩ," in đẫy 1/2 trang Báo Nhân Dân cỡ lớn, được Nhà thơ Hoàng Trung Thông viết lời ca ngợi về sự ngổn ngang của hiện thực với chiều sâu có được ở năng lực tư duy. Lê Lựu hoàn thành truyện vừa "Người về đồng cói" in hai kỳ liên tiếp ở Tạp chí Tác phẩm mới (1971) rồi được Đạo diễn Bạch Diệp chuyển thành Phim mang tên "Người về đồng cói," Phim đã được công chiếu nhiều năm.

Một lần, trong chuyến đi viết bài về Đại đội 4 - Nữ Dân quân du kích anh hùng ở Tiền Hải Thái Bình, tôi gặp Kim ít phút ở quê, được nghe chàng tâm sự. Kim nói, "Có lẽ, bắt đầu từ người cha mê đọc Kinh Thi, mê đọc truyện Kiều và sáng tác thơ Đường, ngay từ nhỏ được tiếp cận với thơ cổ và những trang Kinh Phật, chàng Kim đã có hàng trăm bài thơ đẻ ra từ ngẫu hứng. Bằng cách đọc sách và thuộc sách của những người từng học chữ "Thánh hiền" với lối kể chuyện hấp dẫn, có duyên, người nghe từng bị cuốn hút khi Kim nói về "tứ đề, bốn pháp ấn" những vô tạo giả, vô ngã, vô thường… của Đạo Phật. Những "Nhân - nghĩa - lễ - trí - tín" ... của Đạo Khổng. Những lục nghĩa "phong, nhã, tụng và phú, tỷ, hứng" của Kinh Thi. Những "thể cách, phẩm cách, những duy cảm, duy linh, duy lý của thi pháp thơ Đường" …

Chàng Kim có gương mặt đẹp. Nét miệng rộng, nụ cười hiền và ánh mắt mộng mơ. Vẻ thi sĩ toát lên ở Kim có từ mái tóc, dáng đi, cái nhìn, giọng nói, nhất là giọng đọc thơ dễ mê đắm lòng người.

Sinh ra từ gia đình Nho giáo, chàng Kim ham học và có kiến thức sâu. Anh luôn giữ gìn và đề cao đạo đức truyền thống.

Quả tình, không phải chỉ anh em ruột thịt, Kim là người sống chân thành, hết lòng với bạn. Anh có những bạn trai không khác gì những "người tình say đắm." Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha từng ca ngợi mối thâm giao bạn hữu và viết về cái "Tình trai" giữa Chàng Kim và Nhà giáo - Nhà thơ Nguyễn Trọng Khánh. Khi có tới gần sáu năm trời, chàng Kim trai một, đơn thân. Trọng Khánh mải tối ngày vì chuyện dạy, học thêm của lũ học trò. Là Phó Chủ tịch Hội VHNT - Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chi Văn nghệ Thái Bình, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo Thái Bình, chàng Kim làm việc, ăn nghỉ ngay trong cơ quan. Gần sáu năm trời ấy, một chàng Kim chợ búa, nấu cơm, đợi bạn những buổi tối đi dạy học về, ăn cùng. Hai người thường ngồi nhìn nhau, nhâm nhi chén rượu cho tới khi Trọng Khánh giã bạn về nhà với vợ, lúc ấy, thành phố đã vắng lặng, khuya khoắt lắm rồi. Gắn bó với nhau vậy, nên có lần người ta bắt gặp chàng Kim ngồi chứa chan nước mắt, khóc, nhớ bạn, khi Khánh được cử, dẫn đoàn học sinh giỏi quốc gia đi thi môn Hóa Quốc tế ở Cộng hòa dân chủ Đức. Bạn Văn ở Thái Bình đùa rằng, Kim Chuông không lấy được vợ, vì Trọng Khánh. Hai người suốt ngày bên nhau như bóng với hình. Còn chị Đoan, vợ Khánh thì thương cả hai người, cảm thông hoàn cảnh của Kim mà sắm cho chồng và bạn từng cái bát, cái mâm đến nồi niêu nấu nướng để ăn chung.

Ngày Khánh bệnh trọng, ra đi giã biệt cõi đời, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã cho mời chàng Kim lên nhà khách 23 Nguyễn Đình Chiểu, viết Điếu văn cho Khánh. Kim đã cùng Nhà văn Đào Thắng lo tang lễ, lo cho Khánh cả một trang đầy đặn, trang trọng và chu đáo trên Tuần Báo Văn nghệ của Hội khi Trọng Khánh qua đời.

Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thái Bình thường tấm tắc khen :"Kim Chuông, con nhà Nho, sống có nghĩa, có tình. Ngày Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, quê gốc Gò Me, Nam bộ về Thái Bình làm Trưởng Ban thơ. Anh Nguyên bị dị tật từ nhỏ, phải đi nạng. Nhiều năm trời không ngại gian nan. Với tấm lòng yêu thương một Nhà thơ từ Miền Nam tập kết ra Bắc, Kim Chuông chỉ với chiếc xe đạp cà tàng, lai nhà thơ rong ruổi đi hết các vùng đất trong huyện, trong tỉnh. Khi thì thăm cộng tác viên. Khi hội họp. Khi tổ chức trò chuyện về văn chương bếp núc. Anh Nguyên nặng, người dị tật lại cứng. Nghèo. Xe hỏng phải thay, sửa nhiều lần, nhưng Kim Chuông lúc nào cũng vui, sẵn lòng, không một tiếng kêu ca. Ngày anh Nguyên bỗng dưng bị đột quỵ, Kim Chuông đã cáng anh vào Viện. Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên bị nhồi máu cơ tim, rồi mất sau hai tiếng khi Bác sĩ đã hết đường cứu chữa.

Từ những kỷ niệm đẹp ấy, Nhà văn Bút Ngữ đã giao cho Kim Chuông tập hợp, Biên tập, tập thơ của Hoàng Tố Nguyên mang tên "Từ nhớ đến thương" in ở Nhà xuất bản Văn học. Kim Chuông lấy thư tay Bút Ngữ, cậy nhờ Nhà thơ Chế Lan Viên viết lời bình cho tập thơ, với tình cảm của người đã quý yêu, xin cho Hoàng Tố Nguyên từ Ty Văn hóa Hà Đông về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình sinh sống và làm việc. Bút Ngữ cũng có bài viết dài về Kim Chuông với tựa đề :"Kim Chuông với bầu bạn và Thơ, in nhiều lần trong sách của Nhà xuất bản Nhà văn.

Gần bốn mươi năm ở Thái Bình, sau Bút Ngữ, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành văn xuôi, lịch sử ghi nhận, Kim Chuông là Nhà thơ đầu tiên của Thái Bình, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ở Thái Bình, chàng Kim còn có công trong vai trò Chủ nhiệm "Lớp Đào tạo, Bồi dưỡng Các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học" cuả tỉnh . Mười lăm năm trời, cùng với Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu... qua đào tạo, bằng cách Học và trực tiếp đi thực tế, sáng tác ... Lứa văn chương mang tên "Búp trên cành" đã có hơn năm mươi giải thưởng từ các cuộc thi văn chương trong nước và Quốc tế. Bây giờ "Nhóm "Búp" đã có gần 40 đầu sách in chung và riêng. Gần chục em trở thành Hội viên của các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, thành trên cả nước. Hai tác giả xuất sắc đã trở thành Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hiện thời, "nhóm Búp" đang hoạt động khá sôi nổi trong giao lưu sáng tác, xuất bản sách và Hội thảo về "Nghề" mà Thi sĩ Trần Huyền Tâm, "môn sinh" đã có mười đầu sách, giữ vai trò "Nguyên súy tao đàn" dưới sự "Cố vấn" của "Thầy Kim - Thi sĩ !." .


Tôi là người cùng quê hương với Kim, nhưng đã hơn mười năm rời xa chàng, lang bạt Xứ Người, sống với đất nước Cộng Hòa Séc rồi quê hương Thụy Sĩ. Bởi, làm Chủ nhiệm, sáng lập trang "Thơ mạng" : "Tình quê miền đất Trạng," thu hút gần bốn nghìn thành viên trong mười năm qua, số đông là con em quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có cả Nga, Mỹ, Đức, Anh, Pháp ... cộng tác. Bởi vậy, dẫu hình như, không phải "là chiếu" của Nhà văn đất nước như chàng Kim "đang ngự." Nhưng, "người làng nước, người nhà," tôi vẫn nài chàng làm "cố vấn," nhờ thi thoảng ghé trông và "gẩy" cho đôi ý hữu ích trong rất nhiều hoạt động. Từ chọn, sử dụng bài đăng. Phát động các chủ đề thi viết. Tổ chức diễn ngâm thơ trên sóng. Đến cả việc lo làm từ thiện với các trường lớp khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, hay các vùng từng chịu nhiều bão giông trên đất Việt ... Tôi vẫn có dịp gần Kim trong xa hình, cách bóng. Tôi vẫn "gặp" và "Biết" chàng Kim trong cái "Thấy." Cái ngẫm. cái Suy."

Trên thi đàn, tôi tin chàng Kim là Thi sĩ đích thực. Tôi đọc và mê thơ chàng từ những năm đánh Mỹ. Những năm, ở chặng đường đầu sáng tác. Thơ chàng Kim ôm chứa cái ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống bên ngoài. Nhưng không dừng lại ở việc mô tả bề mặt, Kim đã tìm cho thơ mình một cách nói riêng, cách nhìn nhận, cắt nghĩa sự vật mang chiều sâu của trí tuệ.

Có lẽ, từ những trang Nho học, chất triết lý đã thấm nhiễm vào Kim, để rồi những câu thơ hơi nghiêng về phần lý cứ bước ra trong dạng thức thế này:

Tôi là nét trong cái riêng như thế

Trong cái riêng tôi mới chỉ là tôi

Bỗng một sớm có một dòng sông chảy

Một dòng sông tôi biết khác tôi rồi

(Khi mà tôi đã khác)

Hoặc: Chẳng có gì trong tôi lại chẳng là cái khác/ Lại chẳng là cái khác có trong tôi - (Về những cuộc hành trình)

Hoặc, vẫn là liên tưởng của Kim ở năng lực tư duy:

Tôi như nét cắt ngang của thớ gỗ này

Rừng triệu năm cũng hiện về nét ấy

Tôi là cái mới hoàn toàn

Lại là điểm của hai đầu tiếp nối

Chẳng có gì đứng ngoài dáng tôi đây.

(Vốn liếng tôi tìm trong suốt chặng đường lên)

Hoặc:

Mọi tồn tại đều đi qua hai phía

Nơi chính mình và nơi phía không ta

(Tồn tại)

Nằm trong mạch đi, đến nay, chàng Kim đã có 40 tập sách, gồm 16 cuốn văn xuôi, 24 tập thơ liên tục trình làng. Từ :"Hoa nở ngày em đến, Câu hát người đang yêu, Mặt trời ba cửa sông, Một phương trời gió, Ở một góc cuộc đời, lưng túi ngày xa ... đến tập thơ Song ngữ "Những tia nắng ... Hoài nghi" vừa xuất bản ở Canada và Mỹ ... Kim Chuông còn có hai bài thơ được chọn vào giảng dạy trong nhà trường môn Ngữ văn Tiếng Việt trong Sách Giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam.

Nhìn chung, thơ của Thi sĩ Kim vẫn đi theo nguồn mở ấy. Dường như, ở thơ Kim , cái có trước đều bắt đầu từ một ý niệm. Kim luôn ép tìm trong vạn vật qua đối thoại để có được cái lấp lánh của tia sáng nhận biết. Từ cái nhu cầu của nội lực này, đòi hỏi người viết phải khai thác những gì, bám tựa vào đâu, biểu đạt thế nào để làm bật dậy và vang lên ý tưởng người viết?

Để thao tác, giải mã những ký thác của chính lòng mình, có lúc, thơ Kim tựa vào ngoại giới:

Em gái bỗng nhoè đi trong chớp giật

Em trẻ măng có thể hoá người già

Trăng còn đó có thể trăng mất bóng

Cánh lá tàn có thể ngỡ là hoa

Có thể xoáy lẫn nhoà đi tất cả

Mô đất còn, ngôi nhà cao lại đổ…

(Bão táp)

Hoặc ở phía khác, điểm tựa của nhà thơ là quay về chính mình để khơi dậy từ khoảng sâu nào đó :

Tia nắng ban mai. Tia nắng dọi đầu cành

Sao giữa hồn tôi sáng lên tia nắng ấy

Ý nghĩ nào trong tôi chìm khuất vậy

Thì sớm nay cái nắng cũng ùa vào

(Sớm mai này)

Hoặc:

Những cuộc hành trình mình đi tìm mình đấy

Tôi sẽ là gì đối với chính tôi?

Phải nói, cái vươn tới chiều sâu của thơ Kim hình thành rõ ý thức mà nhà thơ luôn quan tâm qua ngẫm suy và phát hiện. Nó thường lắng dừng trước những góc nhìn, những mối liên hệ hàm chứa sức vang động của vạn vật.

Ví như, nghĩ về thời gian, anh cảm nhận:

Em bé lần tay trên bậc thềm kia

Trong em bé có ông già trong đó

Hoặc:

Biết bao là cái Có cứ hiện lên

Có cái quả khi Không là hoa nữa

Hoặc đây là, khi bắt gặp con đường hành trình trong ý nghĩa của thuyết tương đối :

Lúc ta đi, bên này đường là PHẢI

Quay lại ư, phía ấy hoá TRÁI rồi

(Thơ hai câu)

Cái chiều sâu của thơ Kim nằm ở tứ thơ, biểu hiện thái độ, tư tưởng, tình cảm của thi sĩ. Những bài: "Khi biết được còn chút tôi như thế, Chẳng có gì là riêng, ý nghĩ thuộc về người khác, Vô lý, Nhân tố rời tất cả, Khi mà tôi đã khác…" là những minh chứng ấy. Hoặc nhiều khi người đọc nhận ra cái chớp sáng này ở ý thơ, ở thi ảnh, thi liệu cụ thể:

Cánh buồm con mang biển vào bờ rộng

Biển tự đẩy thuyền lên cao hơn sóng

Đẩy thuyền lên biển không tự nhỏ mờ

(Phẩm cách)

Hoặc:

Nẻo đường đời xuôi ngược

Cùng trên một mặt bằng

Một con thuyền ra biển

Mưa vùi, còn sóng nâng

(Tự cảm)

Hoặc:

Hình như cái đẹp dễ buồn

Dễ cô đơn đến ngọn nguồn hồn ta

(Viết ở Thuận Vi)

Nói đến thơ Kim, điều gốc rễ phải kể đến là hồn thơ mê đắm. Có lẽ, trời phú cho nhà thơ này cái sức rung với men say trong cái cảm, trong vía hồn câu chữ. Thơ Kim đi từ vô thức đến ý thức để rồi, từ ý thức ấy lại tiếp tục mở ra vô thức. Và, Kim tránh được cái khô cứng, luận đề nhờ ở tâm hồn dễ ngân rung, tha thiết này chăng?

Nhà thơ tự bạch rằng:

Bởi tôi đa tình cho đêm ấy trăng nghiêng

Cho trăng hoá thuyền ai lênh đênh không bờ bến

Lung linh quá tôi sợ niềm sâu kín

Sợ dào lên tiếng sóng ngả nghiêng thuyền.

Nhà thơ đa tình bởi sẵn mang trong mình một trái tim đa cảm, để rồi:

Tôi tự mình góp lửa, tự nhóm nhen

Để làm khổ ngọn gió chiều cuối phố

Để trời lặng tôi vẫn còn giông tố

Còn gió bay, cát bụi mịt mù đường

Rồi, bởi đây nữa:

Nỗi buồn trong mắt người ta

Tôi dong bão tố phong ba về mình

Thế đấy, chỉ một giọt nước rơi vào hồn thi sỹ đã hoá thành trận bão mịt mùng. Kim xót xa trước bóng dáng vầng trăng:

Em như một mảnh trăng chìm

Cầm lên thì mất, đứng nhìn thì đau

Kim dấn mình trong niềm say, trong vu vơ khát vọng:

Em như tăm cá lững lờ

Tôi quăng lưới vớt dọc bờ sông trôi

Kim ngậm ngùi trước nỗi đời, thân phận:

Tôi không khóc nỗi mất còn

Mà tôi khóc tháng năm tròn chắp se

Kim tự thức trước trái tim mình không thể nào khác được:

Ta còn là nắng héo hon

Để rồi hai đứa ta còn là mưa

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, gọi Kim là nhà thơ "hào hoa và đào hoa" là vậy. Qủa tình, Kim có một mảng "Thơ tình" khá hay, nó như một "đặc sản" chỉ có ở Kim. Nó giàu thân phận, tình đời. Nó bồng bềnh du dương, quặn thắt. Nó cao đẹp, uẩn súc ở ngôn từ. Nó "rất cá thể" ở hình ảnh, hình tượng. Nó bất ngờ và rất thần ở thi hứng và cú tự. Nó găm vào nơi con tim người đọc cái chân trời của con người thơ ấy, cái trong xanh, cái mê đắm, nổi chìm của nhà thơ lãng tử.

Đã bao lần nhà thơ kêu lên:

Đùng đùng tôi bỏ nhà đi

Thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao

Hoặc:

Tôi đi đã hết mùa thu

Mà lòng tôi cứ tưởng như vẫn còn

Hoặc:

Cửa ngoài hai cánh lá bay

Biết mùa thu đã đến đây tìm mình

Và, Kim cứ hồn nhiên, vu vơ là thế, bước đi giữa năm tháng, đời người và ngước trông nhân thế:

Người ta khép chặt cửa phòng

Sợ cơn gió lạnh lùa trong áo mềm

Còn tôi ra tận cửa thềm

Cởi khuy áo, thả hồn lên cành đào

Gian lao và có thể chua chát là vậy. Nhưng biết làm thế nào khi Kim luôn tự vấn về mình, về bạn:

Đời còn đâu lắm Thúy Kiều

Nên ta đã gặp là theo đến cùng

Hoặc:

Ba ta ăn thật ở hiền

Thương nhau lội bão giông tìm về nhau

Hoặc:

Ba ta như cánh lá hiền

Nắng lên là biếc, gió tìm là xanh

Tình bạn, tình yêu, tình đời trong cảm thương đắp đổi là nền móng mà Kim gây dựng, bởi anh đã nghiệm rằng:

Bạc tiền giây lát qua thôi

Ai đeo giàu nặng tình đời thì tin

Bởi sự đời đôi lúc là thế, nhưng:

Nhiều khi trót lỡ lầm rồi

Ta trong xanh, khác hẳn hồi trong xanh

Chàng Kim, chàng thi sĩ mộng mơ trên hai bờ nổi chìm đã bao phen đeo đẳng bên mình tâm trạng và nhìn rõ chính mình trong thao thức cảm thương:

Đêm nay bong bóng một mình

Một mình ta gọi cho thành ba ta

Nhớ em, nhớ bạn, nhớ nhà

Bạn ơi, ta sống được là có nhau

Lục bát của chàng Kim mượt, nhuyễn. Lời cao trong, lay động. Ngôn ngữ bùng nổ, nhịp điệu đột biến. Hình ảnh, hình tượng bất ngờ. Tôi thường hình dung ra Kim với giọng đọc rút lòng để sống với những giây phút trôi dạt, ngỡ như mình đang bị chàng thi sỹ ấy bỏ bùa.

Quả tình, thơ Kim hay, ám ảnh. Tôi rất thích những câu:

Tơ non đến thế là cùng

Bên em núi đá xem chừng cũng non

Hoặc:

Đêm nay hai đứa lặng thầm

Nghe tim bạn đập nhịp nhầm tim ta

Hoặc:

Bây giờ cầm được câu ca

Lại rơi giữa chính tay ta nâng cầm

Hoặc:

Đời tôi là của núi sông

Nên tôi có cả mà không có gì

Hoặc:

Chiều nay trong lặng im chiều

Có hai người lớn làm điều trẻ con

….v.v….

Có thể nói, chàng Kim là người đa tài. Với sự xuất hiện khá sớm, Kim có một vùng công chúng với không ít bạn đọc ngưỡng mộ và tâm đắc thơ anh.

Ở mảng văn xuôi, chàng Kim có hai tập truyện ngắn "Dưới đám mây xa", ,” “Trong bòng ngày đi” với những nhân vật được khắc họa khá điển hình.Vấn đề của truyện được nhìn nhận, khơi dậy khá sâu. Với những trang viết mà đặc biệt là ngôn ngữ của nhà thơ thật hàm súc. Tôi nghĩ, tài văn và tài thơ đều có ở Kim, một nét riêng ở một phía đóng góp.

Đầu năm 2005, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Nửa khuất mặt người". Sau năm tháng, Tiểu thuyết này được một nhà xuất bản Sài Gòn, tái bản. Rồi, Tiểu thuyết "Miền tấn phong Chúa đảo" được đón nhận, hội thảo ở Vancouver Island, đã khẳng định năng lực, phẩm chất một tiểu thuyết gia của Văn - Thi sĩ : Chàng Kim !.

Cùng với sáng tác thơ và văn xuôi, gần đây Kim Chuông đã cho ra mắt tập tiểu luận: “Nhìn từ áng văn chương" và Văn chương & Bạn văn” bao gồm những bài viết bình phẩm về cái hay cái đẹp của văn chương cùng những bài nghiên cứu, giới thiệu, phê bình những áng văn kim cổ … Ở phía nhìn này, người đọc lại bắt gặp một chàng Kim tinh tế ở cảm nhận, sâu sắc ở những phát hiện, riêng rẽ cuốn hút ở một cách nhìn, cách nghĩ, cách dẫn dắt, lý giải vấn đề …

Với Kim, anh còn vui và lấy làm tự hào ở tháng năm, miền đất, anh là người đến với gần 800 cuộc trò chuyện ở các diễn đàn thơ, ở nhiều buổi trò chuyện trước đông đảo công chúng của các cơ quan, đơn vị và các CLB.


Bây giờ, đã mười tám năm, Kim rời Thái Bình về Hải Phòng, quê mẹ. Thầm vụng đem lòng mê Kim từ cái tuổi trăng tròn. Rồi, lạc Kim, gần nửa thế kỷ mờ xa trên mặt đất, từ Stalagent - Thụy sĩ, tôi vẫn yêu Kim, nhớ về Kim. Nhớ về cái làng Râu, làng Thắng quê mình.

Với mảnh đất quê nghèo nghìn năm, nắng mưa, nặng nghĩa, tôi coi Kim - Một Văn Thi sĩ "hào hoa và đào hoa" như mặt trời bé bỏng của hồn mình, và mặt trời nhỏ nho, yêu dấu của mảnh đất quê mình trong niềm vui, niềm tự hào, dưới bóng đại thụ buông trùm của tuổi tên "Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trạng Trình" tỏa rạng ...


City of Stalagent, Thụy Sỹ 19 / 5/2022

HOÀNG YẾN

Email : hoangyenvb@gmail.com

Facebook : Ngân Hoàng Kim Ngân