Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG CÁT & MIỆNG THẾ NGƯỜI ĐỜI

Xuân Ba
Thứ ba ngày 9 tháng 7 năm 2024 6:14 PM
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang học
Cái năm 1974 ấy, làng Văn sao lắm việc chẳng lành. Văn có “Cây táo ông Lành” Thơ có “Vòng Trắng” của Phạm Tiến Duật. “ Sẹo Đất” của Ngô Văn Phú.
“CÁT” & “LÀNH”
Những thứ chẳng lành ấy, tạm gọi là có vấn đề. Những đồn thổi ấy lây lan đến cả đám sinh viên Văn khoa Tổng hợp lứa non non choẹt chúng tôi.
(Mãi sau này mới tường thêm nguyên cớ “ Cây táo ông Lành” Số là cạnh căn hộ tập thể của anh thương binh Hoàng Cát Hoàng Cát ở Hà Nội có một cây táo dại mọc hoang. Khi cây táo đang độ đẹp, Hoàng Cát đã ra dao chặt béng. Chặt vì nghĩ sau này cây có quả, trẻ con sẽ đến quấy rầy. Nhưng chặt xong, Hoàng Cát đã thấy mình ích kỷ một cách vô cớ và bỗng nhiên buồn vô hạn. Chợt nghĩ đến đoạn thơ tứ tuyệt của Tố Hữu, có câu “Xuân về táo rụng nhớ đàn em”, Hoàng Cát đã thức trắng một đêm và viết xong truyện ngắn Cây táo ông Lành)
Những năm tháng nhọc nhằn, hoang mang ấy, không thể không lật giở chồng sổ tay ghi chép ( dạng như nhật ký văn chương- đời sống văn học?) của nhà phê bình họ Vương được coi là “ ma xó” Vương Trí Nhàn.
“ Cây táo ông Lành” in trên Văn nghệ 1-6- 1974. Coi như phạm huý. Và bắt đầu thì cũng bằng đồn thổi. Người ta suy ra: Tại sao lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa các tên tuổi. Rồi những chi tiết tổ kiến, cái nhà đổ...
Hoàng Cát đi đâu cũng bị người ta... từ chối không tiếp. Gặp Ng Khải: Tôi là Hoàng Cát đây, tác giả Cây táo ông Lành đây. Ng Khải: ông làm gì mà cứ phải kêu toáng lên thế. Bây giờ cũng đừng nên đi đâu, đừng thanh mình, đừng gây gổ gì. Rồi sẽ qua đi thôi.
Chuyện thứ hai, thơ Phạm Tiến Duật, một bài thơ về cái vòng tròn, trong đó có những câu cái vòng tang như con số KHÔNG. Người ta cho là một bài thơ phản chiến, đánh giá rất nặng. Hiện nay ( năm 1974- XB nhấn mạnh) thơ Phạm Tiến Duật không được ngâm trên đài, bài “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” không được hát. Quân đội (Vũ Cao, Chính Hữu) kết luận chỉ là một bài thơ yếu về tư tưởng, đăng lúc này không có gì. Nghe Ng. Khải (do tôi đoán đầu tiên) bênh: chẳng qua Duật say mê về kỹ thuật, làm thơ tìm được một ý hay, nên cứ theo đuổi mãi.”
( Hết trích)
Rồi sẽ qua đi thôi! Nguyễn Khải khi ấy không phải khẳng định mà chỉ đoán định? Nhưng phải 15 năm sau cái “ nghi án’’ văn chương ấy mới tạnh mới ngớt. Ứng vào đoán định của nhà văn Nguyễn Khải “ sẽ qua đi thôi”
Kiểu kể, kiểu thuật của nhà phê bình họ Vương cứ như thứ chuyện vặt, vô thưởng vô phạt rằng “Người ta suy ra: Tại sao lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa các tên tuổi. Rồi những chi tiết tổ kiến, cái nhà đổ...”
Trở lại những hóng hớt nghe lỏm, nghe hơi nồi chõ của lứa sinh viên chúng tôi hồi ấy thì “ khủng” lắm chứ chả nhẹ tí nào. Chúng tôi truyền tay nhau nhiều bài “phê” cũng như lắm bài “bình” “ Cây táo ông Lành’’ chình ình nghiêm ngắn trên nhiều tờ báo chính thống ( bây giờ gọi là lề phải” Như trên một tờ báo lớn khi ấy đương phát hành với số lượng lớn.
“Truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt" truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút tâm trạng u buồn của một ông già có người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vào bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hòa bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go phức tạp, tác giả truyện ngắn đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc "từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" có dụng ý gì?
“Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính thu lại ruộng đất bị lấn chiếm, chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép bọn đầu cơ móc ngoặc, v.v.. mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ" tác giả đe dọa "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật chủ đề lại lấp lửng chi tiết, lại đáng ngờ gieo rắc những quan điểm tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại”
MƯỜI BẢY KHÚC BUỒN THƯƠNG
Quả là quá “ khủng”! Sự nhanh nhẩu ( có cả hóng hớt) suy diễn của đám báo chí phê bình “ lá chắn” thời ấy đã nâng tầm cấp hiu hiu đồn thổi thành thứ bão bùng độc địa. Vậy nên anh thương binh Hoàng Cát cụt một bên chân ở chiến trường Trị Thiên trở về nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nơi anh xung phong đi bộ đội những tưởng yên ổn yên thân tiếp tục nghề đứng máy tiện đã phải lất bất xang bang lên bờ xuống ruộng.
Không có bất kỳ một cái “ lệnh” một chỉ thị giấy trắng mực đen hay miệng khi mở “ chiến dịch” vu cáo Hoàng Cát. Cũng vẫn chỉ là đồn thổi miệng vu vơ về cái gọi là kỷ luật Hoàng Cát. Nhưng không một cơ quan báo chí nào dám in bài của Hoàng Cát. Bỗng nhiên anh bị treo bút mà không biết mình bị “tội” gì? Cũng vì chẳng có toà nào “tuyên án”, nên cái “nghi án” văn chương “Cây táo ông Lành” cứ lơ lửng trên đầu. Nhiều người lo ngại, sợ hãi khi tiếp xúc với Hoàng Cát, mà chẳng biết ngại gì và sợ cái gì? Bạn bè đến chơi nhà anh thưa vắng dần.
Năm 1979, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cho anh về nghỉ... “mất sức” khi Hoàng Cát mới chỉ có 37 tuổi, mặc dù mất một bên chân nhưng còn khỏe và tay nghề kỹ thuật của anh đang rất có uy tín.
Cũng vì không được hưởng chế độ hưu, nên Hoàng Cát mất luôn chế độ trợ cấp thương tật của một thương binh. Mặc dù anh chỉ còn mỗi chân phải, tay trái cũng bị mảnh bom làm khuyết thành một cái sẹo lớn. Và một mảnh đạn nhỏ vẫn còn nằm trong hộp sọ.
Trong một bài thơ tặng vợ, anh viết “Mười bảy năm ta chưa đi đến Nhà hát lớn/ Nhưng đã trải qua mười bảy nghề mặn nhạt có nhau”
Tại sao lại là 17? Là vợ chồng Hoàng Cát phải làm tới 17 nghề để kiếm ăn: dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì , làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn...
Hai vợ chồng nhiều đêm thức trắng để dán hàng mấy trăm cái hộp, kịp sáng mai đủ hàng trả theo hợp đồng. Gian phòng 12m2 chất đầy hộp giấy, không còn chỗ mà nằm nữa. Đi lại trong nhà cũng phải lách nghiêng, trong lúc chị Tâm vợ anh mang bầu đứa con đầu lòng, bụng cao vượt mặt.
Sớm bửng tưng, anh thương binh Hoàng Cát lại phải đeo chân giả vào, đạp xe thồ đống hộp giấy cao ngất ngưởng trên phố đi nhập hàng. Hoàng Cát cứ lê lết cái chân giả, cùng với người vợ bị bệnh bướu ba-dơ-đô biến chứng vào tim, tất tả kiếm ăn...
Cô con gái mới chục tuổi đầu cũng phải ngồi chợ bán hàng suốt ngày hè. “Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên... (Tha cho ba).
… Một lần ngồi lâu lâu với Hoàng Cát, tôi ngập ngừng nhưng cứ vuột ra những băn khoăn rằng trong cơn bĩ cực ấy tại sao anh không tới gặp ông anh kết nghĩa Xuân Diệu (vốn rất quý Hoàng Cát. Mà Xuân Diệu lại thân quen với Tố Hữu- anh Lành) về những đồn thổi ác ý này nọ?
Anh Hoàng Cát chỉ cười…
( Nhưng khi đọc Vương Trí Nhàn, tôi mới bừng tỉnh) “Xuân Diệu, thời điểm đó đã “ ngỏ” với Hoàng Cát (vốn được Xuân Diệu nhận làm em nuôi) : Em ơi, trong lúc này, đồng chí Tố Hữu còn đang bận bịu, em lại làm cho đồng chí phải vất vả thêm.
Nhưng một lúc khác, Xuân Diệu lại bảo với những người chung quanh: “Thế này tức là địch nó thắng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn đâu cũng ra nó hết cả rồi”
“ CÁT” gặp “ LÀNH”
Rồi ngồi lâu với Hoàng Cát, tôi biết thêm cái đoạn nhà thơ Hoàng Cát lên gặp Anh Lành, nhà thơ Tố Hữu.
Ấy là đâu như giữa những năm 90, Hoàng Cát nhận lời với nhà văn Ngọc Tú ( khi đó là TBT Tạp chí Tác Phẩm Mới) làm cuộc trò chuyện phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu về thơ và những kỷ niệm thời kháng Pháp. Khi gặp mà có lẽ là lần đầu tiên, Tố Hữu hết sức ân cần chu đáo. Hai người trò chuyện không chỉ về thi ca văn chương và nhiều thứ khác.
Nhà thơ rất ngạc nhiên và cảm động khi Hoàng Cát bộc bạch nhiều kỷ niệm với quê hương của nhà thơ. Năm 1967, Hoàng Cát đã từng nằm hầm bí mật dài ngày ở nhà ông Cửu là anh ruột của Tố Hữu ở làng Phù Lai huyện Phong Điền.
Ngoài việc chung, cũng có việc riêng. Hoàng Cát nhấn đi nhấn lại với tôi cái ý là Tố Hữu hoàn toàn không phải là người “ đánh’’ Cây táo ông Lành!
Nghe chuyện Hoàng Cát, tôi hết sức ngạc nhiên khi được biết, nhà thơ Tố Hữu không hề biết cái nghi án văn chương mà Hoàng Cát phải chịu cũng như bao nỗi oan khuất gian nan mà người em kết nghĩa của thi sĩ Xuân Diệu phải gánh!
Chao ôi! Những đồn những thổi, những tai bay vạ gió. Tưởng chỉ có bút máu mà còn “lời nói đọi máu” nữa!
( Cũng ngạc nhiên như đầu những năm 90, khi thực hiện hai kỳ bài viết “ Uống bia với nhà thơ Tố Hữu” tôi đã có dịp hầu chuyện nhà thơ Tố Hữu. Tôi nhớ trong câu chuyện, có một lúc đã đề cập đến nghi án văn chương “Cây táo ông Lành”. Và nhà thơ đã cười thoải mái kiêm cái lắc đầu rằng, nhà thơ không biết việc ni… ( !?)
Bữa ấy, tôi cũng được nhà thơ tiễn ra cổng 76 Phan Đình Phùng. Ngang qua cây táo cổ, tôi vuột miệng “ có phải cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt không ạ” Nhà thơ cười “ Hắn đó” rồi nói luôn. Mình nghĩ ra câu ni tặng cậu nhé “Nghĩ thương cây táo già nua. Già còn dâng vị chát chua cho đời”)
Trở lại cuộc hàn huyên của nhà thơ qua lời thuật của Hoàng Cát. Trong câu chuyện thân tình, cả hai người đều thoải mái thỏa thuận rằng, cùng chấm dứt câu chuyện Cây táo ông Lành ở đây. ( Tố Hữu dùng tiếng Pháp với Hoàng Cát nguyên văn là Tout Passé ( cho qua hết)
Khi chia tay, Tố Hữu sẽ sàng hỏi “ Anh muốn tui tặng quyển chi?” Không chần chừ, Hoàng Cát nói “Từ ấy” Nét mặt Tố Hữu thoáng chút vui và cũng thoáng chút buồn buồn “ Tôi không làm thơ. Tôi làm chính trị anh ạ. Lứa tuổi các anh thường thích Từ ấy hơn” Tố Hữu đưa cuốn sách tặng cho Hoàng Cát bằng cả hai tay với lời đề tặng “ Tặng anh Hoàng Cát thân thiết” Hà Nội ngày 29-4-1996. Với chữ viết và chữ ký, nói như Hoàng Cát là tuyệt đẹp!
Rồi chủ nhân tiễn Hoàng Cát ra tận cổng. Tố Hữu ôm ngang ngực Hoàng Cát, chất giọng sẽ sàng “ chúng ta sống, làm thơ và yêu Tổ Quốc, anh hí!”
… Chỗ cây táo hoang ngày nào Hoàng Cát chặt, anh đã thay thế bằng một gốc khế. Nhiều năm nay đã lúc lỉu những quả.
Vó ngựa chiến ( Hoàng Cát sinh 1942) từng bao phen trận mạc ở chiến trường Trị Thiên tưởng “ trời đánh không chết” đã thoát hiểm gần chục lần thương tật đận bom Mỹ chiều nay đã vĩnh viễn dừng lại sau 12 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.
Và suốt nhiều năm những quái ác của miệng thế người đời!
CHÚ ẢNH
1. Nhà thơ Hoàng Cát và nhà thơ Xuân Diệu
2. Nhà thơ Hoàng Cát & tác phẩm