Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHẬT GIÁO - NHỮNG NÉT KHÁI QUÁT

Nguyễn Hữu Oanh
Thứ ba ngày 2 tháng 7 năm 2024 9:09 AM



Nhân có việc tu hành của ông Lê Anh Tú người Hà Tĩnh ngụ tại tỉnh Gia Lai 43 tuổi, tu hành theo pháp tu hạnh đầu đà, tôi xin trao đổi khái quát về Phật giáo để các bạn cùng chỉ giáo.

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, trong điều kiện xã hội Ấn Độ thời cổ đại phân chia theo chế độ đẳng cấp (Vác-na) rất nghiệt ngã và bất bình đẳng, gồm bốn giai tầng: 1- Bà-la-môn, 2- Sá-đế-ly, 3- Vệ-xá, 4- Thủ-đà-la.

Trong đó, đẳng cấp Bà-la-môn là đặc quyền đặc lợi đứng trên tất cả, thống trị xã hội. Đẳng cấp Thủ-đà-la là đẳng cấp đông nhất nhưng lại làm nô lệ cho ba đẳng cấp trên. Chế độ đẳng cấp lại được bảo vệ bằng đạo Bà-la-môn và luật Ma-nu.

Phật giáo ra đời được coi là một trong những học thuyết xã hội chống lại chế độ phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ. Phật giáo ra đời còn là sự kế thừa, tiếp nối các trào lưu tôn giáo, triết học nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại.

Người sáng lập ra Phật giáo là Thái tử Cổ Đàm Tất Đạt Đa sinh năm 563 trước Công nguyên, con vua Tịnh Phạm ở trung lưu sông Hằng cách chúng ta 2568 năm. Thái tử Cổ Đàm Tất Đạt Đa từ bỏ cuộc sống nhung lụa ở nơi hoàng cung để tu hành và cuối cùng ông tuyên bố đã tìm thấy chân lý, thấu hiểu được bản chất của sự tồn tại, nguồn gốc của sự khổ đau phiền não của con người và con đường cứu vớt sự khổ đau.

Từ đó, ông được coi là người giác ngộ, gọi là Phật, gọi là Bụt, và được coi là Thánh của dòng họ Thích-ca (Thích-ca Mâu-ni). Sau khi tuyên bố giác ngộ, Phật Thích-ca đi truyền bá các lý thuyết của mình, để sau này trở thành tôn giáo lớn: PHẬT GIÁO.

Kinh sách của Phật giáo có rất nhiều, được chia thành ba loại gọi là Tam tạng kinh điển gồm: Kinh-Luật-Luận. 1- Kinh là những sách ghi những lời Phật dạy về giáo lý. 2- Luật là sách ghi về Giới luật, do Phật chế định để hướng dẫn việc tu học. 3- Luận là sách giải nghĩa về Kinh và Luật.

Tam tạng kinh điển hình thành sau khi Phật Thích-ca nhập diệt và phải trải qua bốn lần đại hội kết tập mới đi đến hoàn chỉnh. Nguyên bản kinh Phật được chép bằng chữ Pali và Sanskrit được sử dụng ở Ấn Độ thời cổ đại. Sau này, kinh sách Phật giáo được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.

Những vấn đề này được thể hiện qua các lý thuyết chính của Phật giáo:

· Pháp,

· Bản thể,

· Tâm,

· Tâm và vật,

· Vô thường,

· Nhân duyên,

· Sắc không,

· Vô ngã,

· Luân hồi,

· Nhân quả,

· Nghiệp,

· Nghiệp báo,

· Thập nhị nhân duyên,

· Tứ diệu đế,

· Giải thoát,

· Niết bàn.

Mỗi vấn đề trên là một chuyên đề hết sức sâu rộng, tôi sẽ trình bày ở phần sau. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ nêu những nét khái quát về Phật giáo để các bạn trao đổi và xin nhận được lời chỉ giáo.