(Bài viết của tác giả Lại Nguyên Ân đăng trên Tiasang 12/2007)
Khi nói những gì đó về “người Việt” như một tập hợp có chung tính cách và tâm lý, tôi chợt nhớ ngay điều mà một vài bạn trẻ nhắc nhở: có vẻ như vấn đề này chỉ rõ rệt trong điều kiện đầu thế kỷ XX; còn ngày nay điều nổi lên lại là những lựa chọn cá nhân vốn thường đa dạng, việc nói đến những nội dung tính cách hay tâm lý chung của “người Việt” liệu có khả chấp hay chăng, nhất là xét về mặt phương pháp?
Tôi nghĩ là tuy điều kiện ngày nay ít nhiều đã khác, song ở các cộng đồng cư dân người Việt vẫn còn đậm nhiều nét gần gũi, đủ để nói đến “tính cách và tâm lý người Việt”.
Có lẽ con người nào cũng sống trên đời với một chút ảo tưởng, nhưng dân Việt nói chung thì quả là chúng ta thường sống với hơi quá nhiều ảo tưởng, những ảo tưởng vốn có từ quá khứ như là đặc tính thơ ngây của những con người thuộc các xã hội chưa phát triển, lại cộng thêm những ảo tưởng do tiếp nhận một cách thật thà những nhận xét phỉnh nịnh mang tính tuyên truyền.
Ảo tưởng một chiều về sự tốt đẹp của dân tộc mình khiến chúng ta quên mất rằng cộng đồng chúng ta chưa trải qua rất nhiều trải nghiệm mà các dân tộc hiện đại đã trải qua, ví dụ: sự cạnh tranh khốc liệt trong mưu lợi kinh tế; sự phấn đấu vượt qua các giới hạn, các quan niệm tưởng muôn đời hợp lý để có sự phát minh về trí tuệ, về công nghệ; sự “sống chung” giữa những cộng đồng đa sắc tộc và đa nguyên văn hóa… Thử quan sát và tự quan sát mà xem, rất nhiều người Việt trên đất Việt cho đến hiện nay vẫn là những kẻ “chủng tộc chủ nghĩa” một cách hồn nhiên, vẫn là những kẻ ưa thích xã hội nam quyền, xã hội phụ quyền, vẫn sống theo những thói quen vô trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên… tức là vẫn còn xa lạ với những điều đã thành chuẩn mực thông thường ở các xã hội đa chủng tộc, đa nguyên văn hóa, ở các xã hội mà văn hóa lý tính đã đi sâu vào sinh hoạt thường ngày.
Ảo tưởng về sự tốt đẹp một chiều của dân tộc mình, nhất là về “bản sắc dân tộc”, cũng khiến nhiều người trong chúng ta chủ trương duy trì lâu dài những khác biệt của xã hội ta so với các cộng đồng bên ngoài. Chẳng lẽ phải bị thiệt hại nhiều hơn nữa trong các chuyện từ lớn đến nhỏ, từ những thiệt hại chung trong các vấn nạn y tế, giáo dục, giao thông cho đến những thiệt hại riêng trong các bê bối nhà đất, đầu tư chứng khoán, mua hàng đa cấp, chất lượng hàng hóa… dân ta mới nhận ra được rằng cần tạo dựng một thể chế pháp quyền, hình thành một xã hội dân sự với mức tương đồng cao so với các xã hội dân sự ở các nước phát triển khác? Ta nên biết rằng các nền kinh tế thị trường đều phải tồn tại trong tương tác chặt chẽ với chính trị pháp quyền và xã hội dân sự, không thể khác.
Trong các bậc tiền bối chúng ta, tôi thấy các chí sĩ, các nhà văn hoá đầu thế kỷ XX như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh… là những người nêu lên sâu sắc nhiều thói hư tật xấu, nhiều nhược điểm căn bản của người Việt; chính các tác gia này là những người đề xướng một sự tự nhận thức, tự thức tỉnh dân tộc quy mô nhất trong lịch sử của cộng đồng dân tộc Việt. Di sản đó của họ hoàn toàn chưa mất tính thời sự trong xã hội người Việt hôm nay.
Dăm bảy năm nay, tôi chuyên tâm sưu tầm các tác phẩm từng đăng tải trên báo chí khắp ba miền của một tác gia thuộc thế hệ kể trên là Phan Khôi (1887-1959). Có thể nói Phan Khôi, trong các bài viết của mình, từ chính luận nghiêm túc đến những hài đàm mang tính cười cợt châm biếm, đã chỉ ra gần như không thiếu một thói hư tật xấu nào của người Việt, từ những thói tật mà người nước ngoài đến đây thời ấy thường nói tới nhiều nhất tật nói dối và tật ăn cắp đến những thói tật mà người trong cuộc cũng tự thấy rõ song không chịu từ bỏ, ví dụ tật mê tín, tật hám hư danh. Thế nhưng về chủ nghĩa cá nhân mà văn hóa phương Tây nhập vào xứ này thì Phan Khôi lại có cách hiểu và đánh giá khác hẳn cách hiểu và đánh giá mà cho đến hiện giờ ta vẫn quen nghe. Ấy là quan niệm xem chủ nghĩa cá nhân là tư lợi, ích kỷ, phản xã hội; trên thực tế, người ta đã đem những nội hàm tư lợi ích kỷ gán cho chủ nghĩa cá nhân, rồi luôn thể bôi đen nó, xem nó như con quỷ gây hại, lại quảng cáo nó là cái mà phương Tây đem đến phương Đông, sẵn sàng bổ sung nó vào danh mục thói hư tật xấu của người mình. Phan Khôi chỉ ra rằng chủ nghĩa cá nhân của người Âu Tây trước hết hàm nghĩa sự tự chủ của con người; mỗi con người đến tuổi trưởng thành phải tự chịu trách nhiệm về mình, phải tự lo liệu lấy cuộc đời mình, từ chuyện cơm áo nuôi thân đến con đường đời mình sẽ đi, sự nghiệp mình sẽ làm, ý kiến quan điểm mình chủ trương hoặc theo đuổi. Điều này khác hẳn so với xã hội cổ truyền Đông Á, nơi con người thành niên vẫn chịu sự sai khiến, sắp đặt của gia đình, và điều này tạo ra thói dựa dẫm, thiếu tự chủ cho khá đông những người ít ý chí, nhưng lại kiềm chế những người có ý chí và nghị lực. Chính chủ nghĩa cá nhân sẽ đòi hỏi không gian tự do cho sự phát triển tài năng và nhân cách. Không gian ấy chính là chính thể dân chủ, tức là chính trị pháp quyền, gắn bó hữu cơ với kinh tế thị trường và xã hội dân sự.
Chưa bao giờ như ngày nay, người Việt chúng ta cần suy nghĩ về dân tộc mình, so sánh dân mình với các dân tộc hiện đại khác, tự thanh lý những ảo tưởng tự tôn không đáng có, và đó là cơ sở cho sự tiến bộ thực sự chứ không phải những ảo giác ưu việt mình tự có hoặc do bị phỉnh nịnh mà có.
----
Mời cô chú anh chị và các bạn cùng tham dự CÀ PHÊ GẶP GỠ VÀ ĐỐI THOẠI:
- Chủ đề: VIỆT NAM, TỰ HÀO, TỰ TÔN HAY TỰ TI?
- Diễn giả: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
- Chủ trì: GS Trần Xuân Hoài
- Thời gian: Thứ Bảy ngày 06 tháng 7 năm 2024
+ 14:30: Đón khách
+ 15:00: Bắt đầu chương trình
-Địa điểm:CÀ PHÊ THỨ BẢY HÀ NỘI - Shophouse 09 Park 1, Times City, 458 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội.