Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT VÀI KỈ NIỆM VỚI NHÀ VĂN VŨ NGỌC TIẾN

Lê Ngọc Tú
Thứ sáu ngày 5 tháng 7 năm 2024 9:54 AM





Tôi quen biết anh Vũ Ngọc Tiến cũng tình cờ, sự tình cờ không gây ngạc nhiên, bởi cả hai chúng tôi cùng là “ người làm sách”: anh là nhà văn - ” phu chữ” ( cách gọi của Nhà thơ Lê Đạt), còn tôi làm xuất bản. Tôi có một ý nghĩ vui vui, đã từng nói với anh từ lần gặp đầu tiên: Trước sau anh em mình rồi cũng gặp nhau, không vào thời gian này, sẽ ở thời gian khác! Kỉ niệm gặp anh lần đầu, đến bây giờ, như vẫn ngủ yên trong kí ức của tôi… Đó là vào đầu giờ chiều một ngày cuối tuần giữa tháng 10 năm 2009, lúc anh Tiến đến Nhà xuất bản , đúng lúc tôi xuống dưới nhà tiễn một người bạn ở đơn vị cũ vừa đến thăm. Vì cả tôi và anh chưa gặp nhau lần nào , nên khi anh đang đứng đối diện trước phòng bảo vệ, khi đi ra, tôi cũng không nhận ra, nghĩ anh cũng chỉ là khách của cơ quan như bao người khác! Đúng lúc tôi quay lại, người bảo vệ chỉ về phía tôi, nói; Dạ thưa anh, sếp mà anh cần gặp đây ạ! Anh cười và đưa tay về phía tôi, tự giới thiệu…

Tôi mời anh lên phòng làm việc. Anh bước vào , thoáng quan sát phòng làm việc của tôi, anh cười nói: Giám đốc mà vẫn giữ phong cách của người lính…Tôi đoán điều anh nghĩ về tôi, chỉ sự đơn giản trong cách bài trí phòng làm việc, không chút cầu kì…Tôi cười, nói với anh, em cũng muốn khác , nhưng cơ quan còn khó khăn lắm, nhiều cái khác còn cần hơn! Chẳng là vào thời gian ấy, tôi phụ trách Chi nhánh của Nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới được điều ra Hà Nội nhận bàn giao vị trí người tiền nhiệm đã viết đơn từ nhiệm. Tôi cũng chỉ là người chân ướt, chân ráo…Tôi mời anh ngồi, pha trà. Hai anh em nói chuyện khá tự nhiên. Anh Tiến thuộc diện người kín đáo, thâm trầm, nói năng điềm đạm, khiêm nhường, dễ gần…Nếu tinh ý, dễ nhận ra cái chất của người trai Hà Nội trong cách dùng từ, giọng nói… ( Sau này, qua một người anh, dân Vật lý lý thuyết, một dịch giả nổi tiếng, cùng tuổi với anh Tiến, cũng là người quen biết của cả tôi và anh Tiến, tôi biết anh là người Làng Bưởi, phủ Tây Hồ, gốc Hà Nội, là dân địa vật lý, tức vật lý trái đất. Anh đến với văn chương theo cách của anh - cũng có thể hiểu nghề chọn người chăng?!). Biết tôi là dân ngoại thành, lại từng là cựu binh, anh như hào hứng hơn, dù mới gặp tôi lần đầu. Vài câu chuyện về gia đình, công việc, về nghề… chúng tôi vào chuyện chính. Anh nói , bữa nay anh đến, trước tiên là hỏi thăm và chúc mừng Nhà văn Đà Linh – Nguyễn Đức Hùng, anh biết, mới từ Nhà xuất bản Đà Nẵng về đầu quân ở Nhà xuất bản Lao Động (ngày hôm ấy Đà Linh không có mặt ở cơ quan, anh đang ở Đà Nẵng ). Việc thứ hai, gia đình có nguyện vọng làm tập sách của Nhạc phụ (mẹ vợ Nhà văn) nhân 90 năm ngày sinh của Cụ. (Anh có mang theo tập bản thảo) . Nhân nhắc đến chuyện thứ nhất, tôi nhận ra, anh Tiến vẫn cảm thấy có chút gì áy náy, anh nói, lẽ ra việc không như đã xảy ra giữa anh và Nhà xuất bản của Đà Linh! (Đó là việc Nhà xuất bản Đà Nẵng, dạo Nguyễn Đức Hùng còn đương chức Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB này, cho xuất bản tập truyện ngắn “ Rồng đá” của hai tác giả Vũ Ngọc Tiến – Lê Mai. Sách in ra, vì những lí do “ nhạy cảm “ phải thu hồi , không được phát hành!?). Anh Tiến nói, bữa nay đến Nhà xuất bản cũng muốn gặp Hùng để nói lời xin lỗi vì đứa con “ tinh thần” của các anh gặp tai nạn lại làm hệ lụy tới người “ cắt rốn” – bà đỡ ra nó! Để tránh rơi vào không khí nặng nề, nếu không sớm thoát ra, nhất là lần đầu gặp anh, tôi nói với anh: Nếu em là Đà Linh, chắc em cũng không muốn bản thảo của các anh chịu cảnh cô đơn ở phòng “chờ sinh” đâu. Có điều , mỗi người ở vị trí như bọn em sẽ có cách riêng! Anh Tiến hỏi vui: “ Nếu anh đưa bản thảo ấy cho nhà xuất bản của cậu , cậu sẽ kí in?”. Tôi nói, cũng muốn giảm bớt sự tiếc nuối của nhà văn, vì sách đã chào đời không được “mẹ tròn, con vuông” như những cuốn sách khác : “ Em sẽ kí in, nhưng sẽ bàn để thống nhất với tác giả 2 điểm : 1. Chọn thời điểm in sách. 2. Sẽ cùng tác giả bàn việc nên giữ ( hoặc phải gác lại) những chi tiết trong tác phẩm mà bạn đọc dễ nghĩ là có yếu tố tự nhiên chủ nghĩa…khi viết về chiến tranh, lòng hận thù, vị kỉ của người trong cuộc…khi phải chứng kiến những hành động phi nhân tính của kẻ thù với đồng bào mình, đồng đội mình. Thông điệp mà người viết văn qua tác phẩm muốn gửi đến bạn đọc không dễ như khi anh viết báo. Nhà văn mà tư tưởng nhà văn là tiêu chí để coi anh có phải là nhà văn thực thụ hay không!? Chưa kể, bản thân ngôn ngữ văn chương đã mang trong nó sự đa nghĩa, phải chịu nhiều sự liên tưởng, suy xét trái chiều của bạn đọc. Đấy là chưa kể, trong vụ này có sự không rõ ràng của phía đối tác liên kết (có thể do nhà xuất bản có buông lỏng khâu kiểm tra bản thảo sau biên tập , những chi tiết đã được người biên tập và tác giả thống nhất trong sửa, hiệu chỉnh… bên đối tác liên kết đưa in vẫn để nguyên mà không sửa(?). Sách in ra, đối tác liên kết đã không đợi thời gian hậu kiểm của nhà xuất bản đã đưa phát hành”?!)…Nghe tôi nói vậy, anh Tiến đứng lên và siết chặt tay tôi : Cám ơn cậu! Tôi nói thêm, em hiểu Đà Linh, trong chuyện này, bạn ấy không trách cứ ai cả! Sau phút ấy, tôi thấy anh Tiến vui vẻ trở lại. Anh nói việc thứ hai, anh đến là muốn nhà xuất bản cấp phép để anh in cuốn sách của Nhạc phụ, như một món quà sinh nhật của Cụ vào tuổi 90. Anh chuyển cho tôi tập bản thảo đã được vi tính , kèm 1 USB chứa file sạch. Tập bản thảo gồm: Thơ – Văn – Dịch thuật có tên: “Thao thức” của tác giả Minh Mỵ. Bản thảo có độ dày 600 trang A.4, có kèm theo ảnh phụ bản và maket bìa đã được họa sĩ thiết kế. Tôi hỏi anh Tiến thời gian sách sẽ in và có yêu cầu gì về phía nhà xuất bản. Anh nói ngày gia đình dự kiến tổ chức Lễ mừng thọ Cụ ( tác giả) và muốn tôi , với tư cách cá nhân,( tôi hiểu ý anh là tôi có mặt không theo suất “ đại diện” nhà xuất bản) người đọc bản thảo sớm nhất, đến dự ngày vui này của gia đình và có đôi lời cảm nhận… Tôi vui vẻ nhận lời đề nghị tình cảm của anh, cũng kịp coi nhanh Mục lục tập bản thảo, rồi nói với anh tôi sẽ trực tiếp đứng tên biên tập để rút ngắn thời gian chờ in sách. Tôi thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc khó diễn tả về lòng tin về điều tốt đẹp trên đời có ở anh và sự tin cậy của người anh mới quen biết dành cho tôi?!

Khi chia tay anh Tiến, đã hết ngày làm việc. Mải trò chuyện, cả hai anh em không để ý đến thời gian. Cơ quan mọi người đã về sau ngày làm việc nên vắng vẻ. Ngoài đường đèn đường phố đã bật sáng… Suốt một tuần sau khi nhận bản thảo, trong khi chờ số xác nhận đăng kí đề tài “Thao thức” từ Cục Xuất bản, tôi tranh thủ mọi lúc để đọc bản thảo. Cảm nhận ban đầu tạo sự chú ý ở chính bố cục , ( tôi nghĩ, ông con rể của nữ tác giả đã có những “ can dự” không ít vào chuẩn bị bản thảo của nhạc phụ!). Chỉ riêng việc này, đủ thấy anh chu đáo, quan tâm tới người và việc bên “ ngoại “ như thế nào! Cả một hành trình”cửu thập”, theo chân tác giả được dệt một cách sống động bằng những sáng tác chủ yếu từ 2001, có bổ sung một số sáng tác đã in và chưa in của những năm trước.( các sáng tác được phân chia theo chủ điểm, thời gian sáng tác để tiện theo dõi. Riêng phần “ Tổ quốc quê hương” sắp xếp theo vùng địa lí từ Bắc đến Nam). Có thể nói , bản thảo này thuộc diện “ file sạch” như cách chúng tôi phân loại bản thảo thời áp dụng công nghệ của người làm sách! Nhớ về tác giả “ phụ huynh”- Minh Mỵ và cộng tác viên sách liên kết – Nhà văn Vũ Ngọc Tiến – con rể của Cụ, tôi thực sự ấn tượng ở Lời thưa… chính tác giả viết và Phần dịch thơ Pháp và thơ chữ Hán ( qua phiên âm, dịch nghĩa) – theo lời tự sự trong sách, - tác giả tự học 2 ngoại ngữ này! Xin được trích lại đoạn đầu của Lời thưa… : “ Người xưa nói “ bát thập hồi nhi” nghĩa là sống đến 80 tuổi đã thành lẩn thẩn, ngây ngô như trẻ nít. Tôi nay đã tròn 90 tuổi, nhờ ơn Trời, Phật cho được còn chút minh mẫn để ôn cố tri tân đã là may lắm rồi. Ở tuổi này, nếm trải hay chứng kiến sự đời gần trọn một thế kỉ, tôi chẳng còn gì phải ham hố, chờ đợi qua tập sách này. Nó đơn giản chỉ là chút tình, là kỉ niệm gửi lại cho bạn bè, người thân ( con, cháu, chắt), thế thôi!...” .Tôi đọc một lần mà như thuộc lòng cả đoạn trích này, khi gặp lại anh Tiến bàn giao bản thảo và giấy phép xuất bản, nhân lúc vui, tôi đọc cho anh Tiến nghe mà không nhìn giấy, anh Tiến tròn mắt ngạc nhiên!

Trước ngày gia đình, bạn bè của tác giả tổ chức Lễ ra mắt tác phẩm, anh Tiến còn chu đáo đến tận Nhà xuất bản chuyển Giấy mời, in trên giấy lụa bóng cho tôi ( tôi có xin thêm vài Giấy mời cho bạn nữa!) Tôi nói với anh, không giấu được sự cảm kích: “ Anh, chị có lẽ là người hạnh phúc nhất trên đời vì có được một “ phụ huynh” vào độ tuổi xưa nay hiếm lại có một ngày nhị hỷ: Ngày sinh nhật của người và sách – đúng là một “sinh nhật kép” ( nói như cánh trẻ bây giờ là 2 in 1).

Ngày ra mắt tập sách “ Thao thức” của nữ tác giả Minh Mỵ được tổ chức trọng thể, ấm cúng tại Hội trường Đoàn kịch Công an, quận Đống Đa ( Hà Nội). Giữ đúng lời đã hứa với anh, tôi chuẩn bị sẵn bài phát biểu công phu với tựa đề : “ 3 cái được khi đọc “ Thao thức” của Nữ Nhà thơ, Dịch giả Minh Mỵ…”. Bữa ấy tôi nói mà không đọc bài soạn sẵn. Cả khán phòng lặng phắc… Khi tôi dừng lời, mọi người vỗ tay hưởng ứng. Mấy phóng viên trẻ các báo tới dự đưa tin xin bài phát biểu của tôi.( may là tôi cũng phôto sẵn mấy bản nên không bị bất ngờ?!). Những khách mời, bạn thơ trong Câu Lạc bộ Thơ Trung Tự , nơi tác giả sinh hoạt; các con, cháu, chắt của Cụ đã về đây trong ngày “ đặc biệt” , để được ngắm nhìn Cụ với gương mặt sáng, đôn hậu, ánh mắt tinh anh, nụ cười rạng rỡ, vận bộ áo dài lụa truyền thống màu gụ của phụ nữ Hà Thành và được nghe chất giọng trầm ấm, truyền cảm khi tác giả đọc…thơ! Và có cả các vị tướng lĩnh, sĩ quan trong ngành Công an ( nơi ái nữ của Cụ công tác), cùng các bạn văn thân thiết của anh, chị, các nghệ sĩ Đoàn kịch về dự cùng góp vui bằng các tiết mục đọc và ngâm thơ tác giả trong “Chiều Thơ của tác giả Minh Mỵ”…

Mới đó mà đã 15 năm , nay anh đã về miền mây trắng mà vì ở xa, sau lần đầu ấy, tôi không gặp anh thêm một lần nữa! Với tôi, kỉ niệm với tác giả “ Thao thức” và người cộng tác viên , Nhà văn Vũ Ngọc Tiến ( một đối tác liên kết xuất bản) vẫn còn như mới hôm qua vậy! Nhớ về anh, tôi muốn đọc lại lời anh, như một châm ngôn sống trong một tác phẩm của anh và tôi cũng thuộc lòng : “ Chỉ có đức hạnh và tình người hướng thiện là trường tồn, vượt lên trên mọi biên giới của không gian, thời gian” ( Nhà văn Vũ Ngọc Tiến). Bài viết này, một kỉ niệm nhỏ của tôi, xin gửi tới Chị Nguyễn Minh Thy, như một nén nhang tưởng nhớ người Anh, Nhà văn Vũ Ngọc Tiến…