Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ VĂN THÙY - NHỮNG CHUYỆN CHẲNG GIỐNG AI

Nhà văn Phùng Văn Khai
Thứ năm ngày 9 tháng 2 năm 2023 10:33 AM

Đền thơ có bác Văn ThuỳNhà thơ Văn Thùy - những chuyện chẳng giống ai
Rạ rơm chộn rộn, vân vi nỗi đời
Thơ ca cứ tưởi tười tươi
Chéo ngoe cẳng ngỗng tơi bời gió mưa

Đó là thơ Nguyễn Anh Nông làm tặng nhà thơ Văn Thùy.
Không ai có thể hình dung chuẩn xác về Văn Thùy khi chưa đọc thơ ông. Người đời mới gặp lần đầu bảo ông là một kẻ gàn, râu tóc xõa xượi cứ đi lang thang khắp nơi khắp chốn, vui đâu chầu đấy người lúc nào cũng như nửa tỉnh nửa say. Tôi gặp Văn Thùy trong một Đại hội văn nghệ tỉnh. Như không nghe thấy những cãi cọ om sòm mất thể diện về tiền bạc, nghệ thuật, thậm chí có đại biểu còn kể tội lãnh đạo hội đi nhà nghỉ với thái độ rất ăn thua. Trong mịt mù tạp nham ấy, một ông già khó đoán tuổi xách cái bị cói lân la đi tới các đại biểu ngồi dãy ghế dưới những tập thơ viết tay đóng xén xồm xoàm, xộc xệch tặng bạn bè. Mà tặng rất chính xác, không nhầm lẫn kể cả là những người chưa gặp, ví dụ như tôi. Văn Thùy bảo: Phùng Văn Khai hả, tặng mấy tập đọc chơi. Bắt tay ông rồi mở tập thơ nhỉnh hơn lòng bàn tay với chữ thư pháp rất đẹp, với các tiêu đề: Lục bát lên đồng; Chữ mới giọng xưa - HTX thơ Hồn Rơm - Phụ bản chép tay - Véo ra trong điệu ru của mẹ. Tôi giật mình đưa mắt tìm tác giả thì ông đã xách chiếc bị cói đi đâu mất. Người này điên chăng? Hay là thần kinh có vấn đề gì chăng? Đã thế bìa lại vẽ một con trâu đang tắm chua thêm dòng chữ Cho xuân Kỷ Sửu. Phía sau còn nghộ nghĩnh hơn nhiều: HTX thơ thủ công Hồn Rơm.Tiếp đó như là giới thiệu trích ngang và ngành nghề của mình: Chuyên chế tạo ca dao/ Sản xuất thơ sạch/ Nguyên liệu cổ truyền/ Ngôn ngữ dân gian/ Bền cùng trí nhớ/ Kiểu dáng độc nhất/ Chữ nghĩa gì nhất/ Giọng điệu ấy nhất/ Độc giả lạ nhất/ Giá bất đồng nhất. Tiếp đó, ngài còn kẻ một cái khung trông như chiếc quan tài nghoệch ngoạc mấy chữ Thơ chui cấm đọc trộm, phía dưới kèm thêm dòng chữ Không bán chỉ mừng tuổi thơ. Một bạn văn nghệ không biết tên ghé sang vì tò mò thốt ngay hai tiếng: Điên rồ!
Nhưng Văn Thùy không điên. Văn Thùy hoàn toàn tỉnh táo chưa kể có phần khá tinh quái nhưng hồn nhiên nhất quán như chính thơ của ông. Lẻn vào cửa Khổng sân Trình/ Véo câu lục bát tụng kinh ghẹo rùa/ Xé rào lấm lét góc chùa/ Dứ vần lục bát bỏ bùa vú chuông… Tết này nghé ọ mấy câu/Ra giêng lại vắt họ trâu đi cày/ Trâu ơi ta hỏi trâu này/ Gảy bao lục bát cho đày tai xuân. Ngay trong hội nghị ấy, tôi đã đọc sạch sành sanh thơ của Văn Thùy với một sự say mê và đau xót. Văn Thùy định nghĩa về nghề thơ rất lạ lùng: Làm thơ khổ cái thân chưa/ Răng thiếu lục bát mồm thừa thất ngôn. Xổ ra một đống thơ tình/ Nửa thành giấy góa nửa rình tặng nhau. Bóng ta đổ dưới chân ta/ Cả đời không bước nổi qua bóng mình... Hãy nghe dã nhân Văn Thùy giới thiệu gia cảnh, sở thích, tâm tư nguyện vọng, chí hướng…của mình: Được phong danh hiệu hộ nghèo/Nhà ta phấn đấu noi theo kiệt cùng. Cưới xong con cái ăn riêng/ Tụi bay như mẻ bóp riềng tự lo. Anh đi em ở lại nhà/ Lá chanh em thái đùi gà em băm. Bây giờ tôi chẳng giống tôi/ Ngày đi săn nắng đêm ngồi bẫy trăng…thì tôi đã thấy gan ruột của Văn Thùy đã bày cả ra cho người đời xem mặc kệ kẻ khen người chê ông đã như một ngư ông đắc lợi. Mà gan Văn Thùy là loại gan cóc tía, gan hùm, mật rắn chứ không phải loại thường: Lời chào nhạt thếch nhớ mong/ Bắt tay lạnh ngắt gan lòng bàn chân.
Văn Thùy quê ở Thị trấn Ân Thi - tỉnh Hưng Yên, ông luôn thoắt ẩn thoắt hiện như chính thơ mình. Ngày xưa con bận con mọn vất vả đã có cái tính ham chơi ấy. Bây giờ con cái phương trưởng ông càng đi tợn, đến mức nhiều lần chúng tôi săn tìm ông không được hỏi con cái không biết bao giờ ông đi đâu và càng không biết bao giờ sẽ về. Thế là các anh chị hò nhau sắm cho ông cái di động nhưng tính ông rất hay quên và nhiều khi nghe máy chính ông cũng không biết mình đang ở đâu, phải ôi a một lúc kết hợp trí thông minh của nhiều người mới xác định được.
Nhân đây, cũng xin nói thêm một chút về sự lạ tính lạ nết của Văn Thùy. Bằng những mối lương duyên, Văn Thùy được bạn bè văn nghệ, đặc biệt là những người trẻ tuổi quý mến. Một hôm, giám đốc Nhà máy nước Nam Định Ngọc Đạt mời Văn Thùy về chơi. Do trọng nhà thơ, muốn chiêu đãi ông anh hoành tráng, giám đốc nhà máy nước Ngọc Đạt rước Văn Thùy lên xe đưa đến khách sạn sang nhất thành phố và hỏi thuê một phòng vip. Còn đang thương thảo đôi chút thủ tục thì bỗng nhiên Văn Thùy xổ ra một tràng nửa tây nửa tầu khiến mấy nhân viên hoảng hốt nhìn nhau lo ngại. Ở đây từng có tiền lệ khách nước ngoài đến trọ lễ tân không làm thủ tục đúng quy định sau ông khách lăn cổ ra ốm vô cùng rầy rà phức tạp. Suy đi tính lại, để chắc ăn, một cô lễ tân có ý muốn kiểm tra Văn Thùy là người Việt hay người nước nào. Ngọc Đạt mới bảo Văn Thùy nói tiếng Việt cho các em nghe. Càng nghe Văn Thùy nói tiếng Việt các nhân viên lễ tân càng bán tín bán nghi vì ngoài giọng nói khi Nam khi Bắc, điệu bộ trông cứ gian gian như lão thầy bói đang cao trào phán quyết lừa bịp lương dân khiến tình hình đã trở lên căng thẳng. Đã thế, kiểm tra giấy tờ vị khách đặc biệt lại chẳng thấy thống nhất và ăn nhập với nhau gì cả. Từ tên tuổi, năm sinh, cơ quan đoàn thể, ngay cả những tấm ảnh ố vàng dán ở trong giấy vừa xộc xệch vừa không giống nhau. Ngài còn lủng lẳng ôm theo một chiếc điếu cày và không buồn phân bua gì nữa mà lảng ngay ra một góc hút lọc xọc trên nền đá hoa cương của phòng lễ tân. Bí quá, giám đốc nhà máy nước Ngọc Đạt đành phải đem uy tín cá nhân để bảo lãnh ông anh còn căn dặn lễ tân chăm sóc chu đáo, kể cả cái khoản kia thì cứ chiều thật lực sẽ được thưởng rồi đánh xe về nhiệm sở.
Đêm đó, các nhân viên khách sạn càng lấy làm lạ lùng hơn khi thấy lão dị sĩ không nằm trên nệm vip mà nhảy xuống nền nhà bỏ đồ nghề là đám giấy mực tùy thân quỳ chổng mông lục xục suốt đêm cứ như một tên gián điệp vẽ bản đồ quân sự địa điểm được chỉ định đánh cắp nào đó mà không hề nhắc đến khoản kia.
Gần sáng, trí tò mò càng tăng cao và sau những bàn bạc, suy xét, trao đổi, kết luận thì các nhân viên đi đến thống nhất rằng đây đích thị là một lão thầy bói. Thì đấy, cứ nhìn vào vóc dáng của ngài trông đích thị nửa nam nửa nữ, bộ mặt rõ ràng đàn ông nhưng mái tóc rõ ràng đàn bà, dài chấm vai, được búi tó gọn gàng, quần bò đàn ông nhưng sơ mi không ai đoán được là của đàn ông hay của đàn bà vì nó là loại áo chim cò bà già mặc cũng được mà thanh niên mặc cũng không lỗi mốt. Sau những đoán định, một cô có vẻ tợn tạo tiến vào đề nghị lão thầy Tàu bói cho một quẻ hết bao nhiêu tiền chúng em đây thanh toán sòng phẳng. Văn Thùy vừa hết cơn thơ, sau nửa giây ngơ ngác đã hiểu ra cơ sự và bằng trí thông minh đột xuất của mình phán ngay rằng phải đợi đến sáng thì cô mới cho lộc, mới bói được chứ bây giờ đang bẩn mình, mong người đẹp thông cảm. Cô kia dường như cũng từng nhiều phen xem bói xem toán thấy thầy thành thực như vậy lại cũng xổ ra những ngôn ngữ cho lộc, bẩn mình... tin ngay tắp lự và kể từ đó không quấy rầy nhà thơ nữa.
Những chuyện như vậy thường xuyên diễn ra ở Văn Thùy.
Một lần, khi anh em nhận được lời mời cưới con trai út Văn Thùy bèn hò nhau đến tư gia của nhà thơ tại Trương Xá. Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được đến nhà ông nhưng phải mở mắt thật to thì mới nhìn thấy bởi nó đã bị những cành hoa giấy vốn là một loài phát triển rất nhanh che lấp toàn bộ. Trong bụi cây rùm ròa ấy, Văn Thùy như một lão nông đang tả xung hữu đột ra sức phạt ngang phạt dọc để dọn lối vào nhà đã bị lấp kín từ lâu. Chúng tôi vừa hè nhau kéo những cành hoa giấy vứt xuống con sông cạn phía trước vừa chúc tụng Văn Thùy mà thấy ái ngại quá. Thực ra ông và đôi vợ chồng mới sẽ ở Hà Nội nên đây là việc đối ngoại với dân làng và ông giải thích đã thuê hội trường ở xã mé bên kia đường rồi còn đây là để thắp nén hương cho ấm nơi thuở nhỏ cái thằng bé kia, cái thằng bé mà mai nó cưới ấy, ngày xưa nó chạy nhảy ở đây, bên rìa sông này thì nay cũng muốn bạn hữu biết nơi vợ chồng tớ sinh ra cậu quý tử. Chúng tôi chẳng cần ông phải giải thích vì đã quá biết đường ăn nết ở của nhà thơ. Bà vợ đang ở với cậu con cả trong Sài Gòn cứ ái ngại xuýt xoa cho đám bạn đi xe ô tô sang trọng mà phải dọn dẹp nhà cửa, phát cây cối, lau mạng nhện, sửa ống nước, lắp bóng điện cứ như một đám dựng rạp. Nhưng rất vui và kết luận cuối cùng là những thứ gì vứt được xuống sông thì vứt hết như bàn ghế hỏng, chăn chiếu rách, thiết bị điện nước cũ nát... và nhân thể vôi ve và sắm mới vật dụng luôn thể còn tuyên bố coi như hôm nay cưới lại cho vợ chồng Văn Thùy và từ rày trở đi Văn Thùy phải có trách nhiệm phụng dưỡng vợ cho đến lúc sang thế giới bên kia. Tất cả mọi người vừa ồ lên tán thưởng còn chưa kịp hỏi ý kiến nhà thơ thì đã thấy tiếng Văn Thùy léo nhéo ở phía ngoài bụi cây vừa phát. Tất cả ớ ra khi thấy tự nhiên con người lạ lùng này đột ngột chu đáo dẫn vào hai mâm cỗ khá thịnh soạn với đầy đủ bộ lệ của một đám cưới sang trọng. Mấy anh em vừa đương nháy nhau bụng bảo dạ dọn dẹp cửa nhà xong thì mời luôn hai vợ chồng nhà thơ ra một cái quán nào đó ngoài thị trấn đánh chén chứ mấy khi gặp được nhau, về với nhau ở đây quý là quý ở tấm lòng chứ còn việc cỗ bàn phiền nhiễu nơi thôn ổ anh em cũng ngại lắm. Hóa ra lần đầu tiên trong đời thấy được ông bạn vàng cũng chu đáo ra trò, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Hay cũng như thơ, Văn Thùy luôn muốn tạo ra sự bất ngờ cho bè bạn.
Và hôm ấy, chúng tôi đã đánh chén một bữa rất ngon miệng nơi căn nhà nằm nép bên mố cầu chỉ rộng độ năm, sáu mét vuông trong hân hoan hạnh phúc của đôi vợ chồng già ở những phút đĩnh đạc hãnh diện nhất của bậc làm cha làm mẹ.
Những chuyện như thế dường như chỉ có ở Văn Thùy “dã nhân”.