Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÌNH BẠN TRẦN HOÀI DƯƠNG - TRẦN HUY QUANG

Trần Huy Quang
Thứ hai ngày 6 tháng 2 năm 2023 10:24 AM



Trần Hoài Dương là người được rất nhiều bạn hữu yêu quý, tôi cũng là một trong số bạn bè yêu quý anh.
Tôi với Dương không có gì đặc biệt, lần nào gặp Dương, Dương cũng tha thiết, tiếc quá lần này ít thời gian... giọng rất xuýt xoa như người có lỗi. Giống như một lần cách đây lâu lắm, anh trả bản thảo cho tôi. Hồi ấy anh làm Trưởng ban Văn Báo Văn nghệ, tôi có gọi điện hỏi cái truyện ngắn của tôi gửi thế nào.

Tình cờ gặp anh thôi, chứ tôi chưa quen, anh Quang ơi, truyện của anh đang đánh máy, chắc là tuần tới. Thế nhưng đầu tuần tới, bất ngờ thấy anh sang Báo Độc Lập gặp tôi, giọng cứ như người có lỗi, xuýt xoa mãi, bảo là trên không duyệt..., thôi thì Quang có gì mới cho Dương xin trước, còn bản đánh máy này gửi Quang để Quang khỏi đánh máy lại.

Tôi cứ nghĩ mãi về anh, nếu như tôi làm biên tập chắc tôi cũng chỉ gọi điện bảo là truyện của anh bị trục trặc rồi, anh gửi cho cái khác. Thế cũng là chu tất đối với một cộng tác viên chưa quen biết gì. Thế mà Dương lại làm cho tôi quá bất ngờ. Lúc đó, tôi chỉ có một cảm giác anh là một người tử tế hiếm có ở đời, nếu cần một người bạn tốt thì tôi mong có được Dương. Thế nhưng tôi và anh lại ít gặp nhau, không có duyên để trở thành bạn từ ngày đó.

Đến Đại hội Nhà văn lần thứ 4, tôi mới gặp lại Dương, chỉ mới chụp với nhau vài kiểu ảnh, chưa kịp hỏi han gì Dương đã bị người khác kéo đi. Rồi đến năm 1992, khi tôi bị tai nạn văn chương, bạn bè nhiều người xa lánh, trong thời buổi này thế cũng là lẽ thường tình nhưng có hai người, không theo lối thường tình, viết thư hỏi thăm, an ủi và nói mấy tuần nay không thể làm được gì, cứ bức bối, bức bối quá, hết vào vào lại ra ra, cứ muốn đập một cái gì đó mà không biết đập cái gì... Đó là nhà văn Nguyễn Quang Lập ở Quảng Trị và nhà văn Trần Hoài Dương ở Sài Gòn. Lập với tôi còn chơi với nhau nhưng Trần Hoài Dương thì quá bất ngờ. Từ ngày anh đến báo Độc Lập trả bản thảo cho tôi đến khi đó, chúng tôi cũng mới gặp lại nhau một lần. Tôi quí trọng anh nhưng vì tôi vô duyên nên chỉ là mới quen biết. Thế mà hai con người ấy đã băng qua những thói đời để viết cho tôi những lá thư giống như bát cơm Phiếu mẫu.

Tuy nhiên mãi đến Đại hội Nhà văn lần thứ 5 năm 1995, tôi mới thân thiết với Dương, người mà trong lòng tôi đầy trân trọng. Trần Hoài Dương nhìn xoáy vào tôi bảo, ôi còn phong độ lắm, Dương cứ tưởng... Lại hỏi, đời sống của Quang thế nào? Tôi bảo lâu lắm mới được gặp lại Dương, còn nhìn thấy nhau cũng là may lắm rồi. Khi vào họp ngồi cạnh nhau, Dương lại bảo, mình bỏ hết rồi Quang ạ, bây giờ không có gì ràng buộc nữa, thích viết cái gì thì viết. Tôi ngồi lặng đi vì buồn, một điều gì do liên tưởng từ Dương làm cho tôi buồn. Cái đó gọi là gì, một tiết tháo, một người quân tử, một nhân cách, người ấy không vì chút lợi mà sống luồn cúi, sống trong giả dối.

Người xưa thấy đời đục thì từ quan về nhà dạy học, không vì một chút bổng lộc thừa mà tha hóa, sống không còn là mình, bán rẻ nhân cách. Đời nay có mấy ai, còn mấy ai? Nhưng Dương đã làm được điều đó. Về làm người dân thường, không lương hưu, không bảo hiểm để được sống là chính mình, để được ngẩng cao đầu, để được tự do nghĩ... Trần Hoài Dương đó.

Dương có rất nhiều bạn bè thân thiết, đều muốn đi thăm cả mọi người vì anh lâu lâu mới ra Hà Nội. Thế mà lần ấy, Dương trước khi bay vào Sài Gòn còn đến nhà tôi chơi. Anh thấy nhà tôi có treo chữ Thiền thích quá, tôi định lấy xuống tặng Dương nhưng Dương bảo hôm sau lấy, hôm nay ta đi nhậu đã. Nhưng không hiểu sao khi Dương vào Sài Gòn lại không đến lấy.

Tôi gọi điện thì Dương lại xuýt xoa, Quang ơi, thật là Dương thích lắm lắm nhưng không nỡ lấy của Quang, Quang đang treo mà gỡ xuống thì Dương có lỗi. Tôi bảo nếu Dương nghĩ thế thì Quang sẽ gửi bưu điện vô. Tuần sau, không hiểu nghĩ sao anh lại gọi điện bảo Quang tặng thì Dương sẽ nhờ bạn vô Sài Gòn đến lấy. Tôi nhờ họa sỹ Phạm Minh Hải viết cho bài Đăng U châu đài ca của Trần Tử Ngang:

“Tiền bất kiến cổ nhân - Hậu bất kiến lai giả - Niệm thiên địa chi du du - Độc thượng nhiên nhi thế hạ”... Nghĩ rằng hợp với tính cách và tinh thần của Trần Hoài Dương lúc này. Không ngờ nhận được quà tặng, Dương liền gọi ra chỉ đọc hai câu thơ “Quen biết khắp thiên hạ - Tri âm được mấy người”, của Thiền sư Trí Bảo thế kỷ XII đấy, Quang ạ. Tôi rất vui sướng khi Dương coi tôi là bạn tri âm của anh. Đến năm 2007, khi tặng tôi cuốn “Trần Hoài Dương - Truyện chọn lọc”, Dương lại ghi tặng thêm lần nữa thế này “Rất thân yêu tặng Trần Huy Quang, bạn chí cốt, tri âm, Quen biết khắp thiên hạ, Tri âm được mấy người”.

Một lần, cũng trong khi khủng hoảng tinh thần, thấy bức bách và buồn, có người rủ tôi đi bói bài tây ở một người phụ nữ nghe nói hay lắm. Lần mò xuống Ngõ Quỳnh, nhà nhỏ chật, cầu thang lại bé, tôi nhìn thấy bà thầy bói khoảng 35 tuổi, nói năng chừng mực không ba hoa như những thầy bói khác. Khi biết tôi làm báo, chị hỏi có biết anh Quỳ em không? Hóa ra cô là em bé tật nguyền mà Trần Hoài Dương những năm trước đây mỗi tháng trích lương của mình gửi nuôi em ăn học, bây giờ đã là người đàn bà có chồng có con đây. Tôi thấy trên đời Dương đã làm được hai việc mà người đời vì danh lợi không mấy ai làm được. Anh có cái sự tử tế lớn lao, trong lòng anh có một chữ NHÂN cũng lớn lao và tôi cứ tự hỏi Dương là ai trong cái thời buổi này. Trước không có, sau không thấy, không biết anh có lên núi ngẫm trời xanh mây trắng không?

Tôi nhớ năm 1998, một lần ra Hà Nội Dương mang đến tặng tôi cuốn “Truyện chọn lọc” in lần đầu. Hai đứa rủ nhau ra quán bia vỉa hè phố Lý Thường Kiệt ngồi. Tôi bảo, hôm nay ông ngồi với tôi lâu lâu nhé. “Không, Dương nói, mình chỉ ngồi được với Quang một tiếng thôi, không mấy khi ra, cho mình đi thăm vài người thân, nhân tiện tặng sách luôn, Quang đừng trách nhé. Tôi biết Dương nhiều bạn, nhiều người yêu quý Dương, Dương đã tranh thủ ngồi với tôi một tiếng đã là quí rồi. Tôi ngắm nghía cuốn sách của Dương thấy lời đề tặng chiếm gần hết trang bìa lót:

Rất thân mến tặng Trần Huy Quang cuốn sách tôi ao ước cả một đời. Tôi đã rũ bỏ tất cả để giữ cho lòng mình được trong sạch và để viết được những trang đẹp cho trẻ em. Tôi đã phải trả bằng một giá rất đắt, có thể nói là đắt vô cùng... Chỉ kẻ nào hóa thân thành con trẻ mới xứng đáng được bước vào nước Trời” (Jesu Christ). Hãy chịu khó đọc tôi biết đâu Quang sẽ được hóa thân thành con trẻ trong giây lát. Thân yêu. Sài gòn ngày 24.X. 98. Hoài Dương”.

Tôi chúc mừng và cảm ơn Dương đã tặng sách nhưng không nén nổi tiếng thở dài, tại sao trí thức lại khổ thế hả ông Dương? Đừng hỏi thế mà hãy hỏi Dương tại sao lại không sống giống như mọi người. Không hiểu sao hôm ấy hai đứa nói nhiều chuyện thế? Chuyện bạn bè, chuyện một cô gái muốn đến với Dương vì Dương đang phải sống một mình. Chuyện văn đàn, chuyện thế sự. Dương kể đã chứng kiến nhiều bậc đàn anh khen nhau đóng kịch giỏi. Ông nọ khen ông kia giỏi biểu diễn lập trường. Ông kia lại khen ông nọ là ông nọ đã đập ai là một phát chết tươi, nên văn nịnh thối của ông nọ cũng được đưa vào sách giáo khoa.

Khi Trần Hoài Dương ở Anh về, tôi muốn viết một cái gì đó về Dương nhưng anh viết cho tôi một bức thư như sau (thư riêng nhưng tôi mạn phép hương hồn anh chép ra đây):

Sài Gòn, ngày 15 tháng 8 năm 2004.

Trần Huy Quang thân yêu,

Trước hết rất cảm ơn Quang đã nhớ đến mình và có ý định giới thiệu mình trên báo. Nhưng như đã nói với Quang, cho mình cảm ơn Quang và xin được từ chối. Mình muốn lẳng lặng sống, lẳng lặng làm việc Quang ạ. Bây giờ các nhà văn nhà thơ xứ An nam mình nhiều quá, tâng bốc nhau nhiều quá, đâu đâu cũng tràn ngập nhà văn nhà thơ, đâu đâu cũng tràn ngập trò trưởng giả, hm hĩnh, khoe mẽ. Ngán ngẩm lắm và mình không muốn bị hòa tan vào trong đó. Nếu có gì không phải Quang bỏ quá cho mình nhé.

Đối với mình Quang vẫn là người bạn thân thiết, mình luôn quý yêu. Vì thế hôm ra Hà Nội, thấy Quang có vẻ lạnh nhạt với mình, mình cứ buồn mãi. Mình có tâm sự với Phạm Đình Trọng là không hiểu vì lý do gì Quang lại lạnh lùng như thế? Mấy tháng ở Anh, mình vẫn bị ám ảnh vì sự lạnh lùng ấy. Hôm vừa rồi Quang gọi điện thoại, mình mới thấy nhẹ nhõm một chút. Nếu vậy thật vui và xin cảm ơn nhiều nhé.

Mình mới sang thăm cháu ở Anh về khoảng một tháng nay. Học xong Master, cháu ở lại làm việc cho BBC. Hiện cháu chuyên trách về văn hóa văn nghệ của BBC ban Việt ngữ. Cháu trai, 26 tuổi tên là Trần Lê Quỳnh nhưng xuất hiện trên đài là Lê Quỳnh. Cháu làm được việc lắm. Quang cứ yên tâm về cháu. Cháu đang làm một việc rất có ích cho Đất nước chúng ta. Với một lương tâm trong sạch, với một tinh thần trách nhiệm cao đối với Đất nước, dân tộc, bằng những bài viết trung thực, cháu đang giúp cho đất nước, cho thính giả có một cái nhìn đúng đắn, trung thực hơn về nước mình và thế giới... Có lẽ vì cháu làm ở đó mà Quang ngại quan hệ với mình không? Nếu Quang ngại thì mình sẽ ít trò chuyện với Quang để khỏi cản trở đến công việc của Quang.

Mình đã ở Anh kém 5 ngày đầy 6 tháng. Biết bao ấn tượng tốt đẹp về chuyến đi này. Có thể viết được cả chục bài du hí thú vị, bổ ích, nhưng thôi để sau sẽ viết...

Mình đã xem hầu hết các bảo tàng lịch sử, hi họa... ở Luân đôn, đến thăm nhà của Đicken, đến lâu đài của chị em nhà Bronti, đến vùng quê Secspia... Ngoài Luân đôn, còn đi thăm được 6 thành phố lớn nữa. Đặc biệt có về nông thôn, đẹp vô cùng Quang ạ. Ở vùng ôn đới nên khí hậu hin hòa, cây cỏ tốt tươi, con người phốp pháp mỡ màng... Nhìn những đồng cỏ xa tít tắp đến chân trời, xanh đến nao lòng, tự nhiên mình cay đắng nghĩ: con người Việt Nam mình nghìn đời nay vẫn khổ, con bò con dê của mình cũng chẳng bao giờ được béo tốt như con bò con dê của người ta; đến ngay cả ngọn cỏ của mình cũng không bao giờ được xanh tốt như cỏ của người ta... Đọc truyện, yêu tuyết từ ngày còn nhỏ xíu mà gần chót đời mình mới được gặp tuyết. Nửa đêm thấy lạnh, nhìn ra cửa sổ, bắt gặp tuyết đang rơi. Cứ như là những sinh vật sống đang nhảy nhót, lúc lên lúc xuống, như là có linh hồn ấy Quang ạ. Như là những thiên sứ từ trên trời cao đang hạ cánh xuống mặt đất, đang còn lạ lẫm trước thế giới trần tục, cứ ngấp nghé ngoài cửa sổ, tò mò nhìn vào bên trong các ngôi nhà. Mình mở cửa sổ, những bông tuyết trắng nuốt lạnh giá ùa cả vào phòng như mừng rỡ... Mình ứa nước mắt chứng kiến cảnh tuyết bay đầy trời trong bóng đêm lờ mờ sáng. Tự nhiên thấy lòng thật thanh thản và tự hào nghĩ: mình đã được gặp tuyết, gặp được sự trắng trong, thanh khiết tuyệt vời của tuyết cũng với một tấm lòng trắng trong thanh khiết như tuyết. Con mình đã mua vé bằng đồng lương lương thiện của nó cho mình đi gặp tuyết, chứ không xin xỏ ai cả...

Ngoài những ngày đi chơi với con, những lúc rảnh rỗi ở nhà một mình, mình còn đọc được hơn 300 quyển sách hiếm Quang ạ. Nhiều điều thú vị lắm. Cũng viết được một số ít trang...

Nhớ Quang nhiều. Vẫn đọc thường xuyên những gì Quang viết. Vẫn yêu quí những trang viết đầy chất sống, đầy tâm trạng của Quang. Hi vọng sẽ còn được đọc nhiều hơn nữa những tác phẩm hay của Quang. Cô em họ của mình vẫn còn thân với Quang chứ? Cho mình hỏi thăm với những tình cảm chân thành nhất nhé. Nghe nói cuộc sống của Quang bây giờ cũng khá hơn trước nhiều rồi phải không? Nghe nói bạn bè ngoài đó đều có cuộc sống phong lưu lắm? Trần Ninh Hồ có ô tô riêng, có mấy tòa biệt thự? Thành Chương có Việt phủ bề thế đến mức vua Thy Điển cũng phát thèm? Chỉ cầu mong sao cho bạn bè dù có giàu có đến đâu cũng đừng bao giờ mắc bệnh vô cảm trước hiện trạng đất nước...

Mình vẫn sống như lâu nay Quang ạ. Mấy năm trước còn có cô bạn kém mình gần 30 tuổi, ngoan hiền, nhưng hai năm nay thì mình lại cô độc hoàn toàn rồi. Cô ấy thương mình lắm nhưng mình chẳng có một đồng lương nào, cô ấy hai bằng đại học mà thất nghiệp dài dài... Nhân gia đình cô ấy đi đoàn tụ bên Mỹ, mình khuyên cô ấy đi để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đành phải chia tay thôi. “Va phải đời phàm tục, Chiếc thuyền tình vỡ tan”, bạn của Quang viết đấy!

Sài Gòn mấy hôm nay trời đẹp vô cùng. Bầu trời đầy mây xám, không nắng, gió vi vút suốt ngày. Cứ như những ngày cuối thu đầu đông đẹp nhất của Hà Nội. Ngồi không yên, chỉ muốn ra đường lang thang. Nhưng lòng lại không yên tĩnh mà thưởng thức thiên nhiên như ở Hà Nội Quang ạ. Vì Sài Gòn nó hơi tai quái: Sài Gòn đẹp nhất là những ngày ở miền Trung đang có bão hoặc lũ lụt gì đó. Hôm nào thấy thời tiết Sài Gòn vô cùng đẹp thì không cần xem báo cũng biết ngay là ngoài miền Trung đang hon nạn. Kỳ thế đấy.

Thèm được ngồi với Quang ở góc đường nào đó của Hà Nội, ngồi uống với nhau vài vại bia hơi, ngắm lá vàng đổ và những cô gái xinh đẹp của Hà Nội lướt trên phố... Cái hạnh phúc nhỏ nhoi kia mà cũng không có được, buồn quá.

Thân yêu

Hoài Dương.

(Mong thư Quang, biết là Quang rất bận, nhưng bớt chút ít thì giờ viết cho mình, dù là chỉ vài dòng)

Sau Đại hội Nhà văn lần thứ 7 năm 2005, còn lưu lại Hà Nội vài ngày, Dương rủ tôi, Hoàng Cát, Trần Ninh Hồ lên quán cà phê bờ hồ Trúc Bạch vào buổi tối. Lại đủ thứ chuyện văn chương chữ nghĩa vui có buồn có. Mà chủ yếu là Trần Ninh Hồ nói, nói rất có duyên rồi đọc thơ tình, thơ triết luận của Hồ, không ai xen vào được. Hoàng Cát thở dài thườn thượt, kêu trời kêu đất rồi đấm ngực thùm thụp, “C’est la Vie, C’est la Vie” . Rồi cả nhóm nói chuyện văn học Nga, cái thời mà trong sổ tay, cả trong thư viết tán gái, thế nào cũng có câu “Đời người sống chỉ có một lần...” trong "Thép đã tôi thế đấy" của Astropski. Dương đọc thuộc lòng hẳn một đoạn Ruồi trâu, Cát đọc thơ Maia... Dương bảo đó là thơ Bloc, Cát đọc ít quá, Dương bảo thế. Hoàng Cát nổi khùng, thế là giải tán.

Không ngờ Hoàng Cát giận Dương đến mấy năm. Lần nào ra Hà Nội Dương cũng bảo tôi nói lại với Hoàng Cát là không phải Dương coi thường gì Hoàng Cát, chơi với nhau mấy chục năm biết nhau quá đi chứ, sao vì một chuyện nhỏ lại giận nhau, mong Cát bỏ qua cho Dương. Tôi nói lại với Hoàng Cát hai ba lần nhưng tính Cát là tính của dân Nghệ, chỉ chờ cho đến khi Cát nhận ra chứ không ai nói gì được.

Cũng may, cuối năm ngoái, Dương ra nhận giải thưởng về sách thiếu nhi, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Sáng ngày 22 tháng 12 Hoàng Cát gọi cho tôi bảo thằng Dương, tao, mày gặp nhau quán cà phê nhé. Quán nào cho mày chọn. Tôi bảo gặp nhau ở quán cà phê gần chùa Quán Sứ đi. Tôi thở phào, hai thằng làm lành với nhau rồi.

Nhà văn Trần Hoài Dương.

Nhà văn Trần Hoài Dương.

Khoảng 9 giờ ba tên tụ tập ở quán cà phê Quán Sứ, cô gái phục vụ chọn cho một chỗ ngồi khuất nẻo, lại trông ra ngoài đường, thật tuyệt, hợp ý Trần Hoài Dương. Dương bảo, lâu lắm không gặp Trần Nhương, liền bấm máy gọi Trần Nhương. May quá, Trần Nhương không bận “thao tác” (chữ Trần Nhương hay dùng để nói việc làm trang mạng của anh), hẹn sẽ đến ngay. Một chốc sau có đủ hẳn một bộ tứ, ai cũng vui. Cát và Dương vui vì khúc mắc mấy năm đã được bỏ qua.

Trần Nhương bảo, vui quá, hôm vào Sài Gòn tìm Dương không được. Dương lẳng lặng ra ngoài xách về hai chai vang Pháp. Dương bảo hôm nay ngày 22 tháng 12, ngày thành lập quân đội, mình nâng cốc chúc ba người lính may còn được trở về ngồi với nhau hôm nay. Dương nói nhỏ với tôi, Dương đã hoàn thành hai ngàn trang ghi chép như hồi ký rồi, những gì của giới văn chương và quan lại văn chương ghi hết vào đó. Tôi uống một hơi cạn ly rượu, ít khi tôi uống được như vậy.

Dương không nhìn tôi, chỉ nói cám ơn. Rồi đọc thơ, rồi hát, người ta tưởng bốn ông rồ. Cát chợt ôm mặt nức nở, rồi khóc hu hu, khóc rất to và rất lâu. Trần Nhương lấy điện thoại ra quay phim. Thế mà mãi đến chiều, cuộc hội ngộ ấy mới tan. Cứ như trời định, mấy phút Trần Nhương quay lúc đó không ngờ là những hình ảnh cuối cùng của Trần Hoài Dương với bạn bè Hà Nội, với Hà Nội. Nếu như không có cuộc gặp này thì ắt Hoàng Cát sẽ day dứt cho đến chết vì sự cố chấp của mình. Mà làm sao hôm ấy Dương lại ngồi với chúng tôi được gần cả ngày trời.

Thế mà hôm nay Dương đã bỏ cuộc chơi, trở về với Miền xanh thẳm.

Trần Huy Quang