Tôi có một ý nghĩ "hơi điên" một tý.
Đi trên đường, chúng ta bắt gặp rất nhiều các khẩu hiệu mang những ý nghĩa và nội dung khác nhau. Chủ yếu vẫn là khẩu hiệu mang tính chất chào mừng, cảnh báo, giáo dục, vận động... Các tổ chức ban ngành đoàn thể nào cũng có thể "trương ra" một khẩu hiệu, nhằm mang lại một hiệu quả thiết thực nào đó. Tôi nghĩ, có lẽ VN là nước sản xuất nhiều khẩu hiệu nhất, nhưng vẫn là các khẩu hiệu dành cho dân chúng, chứ không mấy ai nhìn thấy khẩu hiệu dành cho quan chức. Khẩu hiệu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh", "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" xem ra những 'đầy tớ" có chức có quyền không mấy động lòng.
Tôi bỗng nhớ, cổ nhân từng phân ra 3 loại người: Loại người không học mà biết gọi là thánh nhân; Loại người có học có biết là quân tử; Loại người học mà không biết gọi là tiểu nhân. Bây giờ người ta đúc kết có thêm loại người thứ tư, đó là có học, có biết nhưng cố tình làm trái thuộc loại người phế nhân, đến khi vô trại giam gọi là tù nhân, loại người vô liêm sỉ.
Trước khi nhậm chức, thằng nào nói cũng hay nhưng "nói một đằng, làm một nẻo", hứa mà không làm... dẫn đến tham nhũng đã trở thành quốc nạn.
Vì thế, nên chăng cũng cần có một khẩu hiệu thật cụ thể "rõ văn" nhất và chỉ thẳng vào vấn đề mà toàn xã hội đang bức xúc, đó là khẩu hiệu: THAM NHŨNG LÀ TỘI ÁC. Khẩu hiệu này được treo ngay ở các công sở. Khẩu hiệu ấy liệu có phản cảm không, khi mà nạn tham nhũng đã tràn lan, trở thành bầy sâu, lùng nhùng khó tiêu diệt. Nếu khẩu hiệu "Tham nhũng là tội ác" được trương lên, một phần nào sẽ nhắc nhở, đánh vào lòng tự trọng, liêm sỉ của quan chức hơn là những khẩu hiệu chung chung.
Dân chúng chắc chắn cũng muốn có một khẩu hiệu như thế, tại sao không?