1.
Đầu xuân, nhóm bạn cũ xì lại tíu ta tíu tít (cứ như còn tân lắm) chơi trò còn cũ xì hơn: khai bút câu đối.
Sa vào rừng chữ nghĩa (tất yếu khách quan và lịch sử) lũ này lấn lẹm vài khu vực liên quan, trong đó có vụ 1 bài thơ cũ (gần 2 thập niên lận và đăng chính thức lần đầu trên 1 mạng cách tân tít ngoài đảo quốc xứ Chuột Túi cơ) của 1 tân (ơi là tân tầm đầy tháng tuổi) hội viên của đoàn thể văn chương đầu bảng nước nhà được/bị thành sự cố xốn xang sinh hoạt văn nghệ xứ ta nhằm xuân Hổ về.
Xóm chợ thơ siêu thị Phây Việt lại rùng rùng gầm rú như đã từng bao phen. Xuân thu nhị kỳ. Chuyện thường ngày ở huyện thơ thiên địa, ở làng thơ Việt; dưng mà cũng chẳng thể xem chuyện nhỏ như con thỏ. Thì nó là con chi răng rứa?
2.
Thiệt tình, đang "tu phây (búc)" - tức tu tập ngõ hầu thiền nói thẳng tưng là nghỉ chơi Facebook, nên bần tăng chỉ 7 phần vô tình 3 phần hữu ý coi 4 bài trang mạng và 2 FB cá nhân liên đới. Tuyền các địa chỉ đáng giá về thông tin báo chí và tư cách văn nhân, dưng mà chúng còn xơi mới có thể phủ sóng các trận chiến ảo thực loay quanh (cho đời mỏi mệt) 3 đối tượng sau đây:
Một là loay quanh bài thơ cũ xì (về thời gian mà như vẫn còn zin về cách đánh giá lối viết, nói cho nhà nghề là về thi pháp, quan niệm thẩm mỹ) bỗng mới toanh về văn bản trước quảng đại công chúng thơ cũng như phi/phản thơ;
Hai là loay quanh tác giả quen thuộc, khá nổi danh (như 1 "người có nhiều đóng góp cho đổi mới thi ca Việt Nam") cùng từng ít nhiều tai tiếng [mà cái tai nầy 20 năm trước phần nhớn cũng bởi bài thơ "bị cơ quan quản lý đặt vào “vùng cấm” không khuyến khích" tác giả viết và viết về về tác giả, thậm chí "các báo thời điểm đó (2003) đều không được in bài có tên" tác giả, và "đó là một giai đoạn dở sống dở chết" tỷ như "không được vào biên chế 10 năm, trong khi vẫn làm báo", "vất vưởng kiếm sống nuôi vợ con", thế nhưng dù "không than vãn vấn đề này cho đến khi bài thơ lật lại lần thứ 2 thì" tác giả "không chịu nổi", "thấy chuyện khủng khiếp quá khi lôi 1 bài thơ từ 19 năm trước ra để tấn công" rồi "đã phải trả giá rất đắt và giờ lại bị lật lại để đấu tố một lần nữa", và tác giả chốt "đây là một thái độ không văn hóa".
Ba là loay quanh đoàn thể nơi tác giả mới là tân thành viên (vài cư dân mạng có trách nhiệm phát còm rằng thì mà là danh nầy vừa bị/được hủy bỏ do sự cố đang diễn ra hồi hộp hồi hộp tin giờ áp chót 1 tờ báo chính tông có tâm có tầm ở phía Nam đăng tải "xác nhận" của VIP thẩm quyền #1 rằng (khỏi thì mà là nữa) "quyết định này phù hợp với điều lệ hoạt động" và "sẽ xem xét sau" tức là "tạm để lại chưa xét hội viên đợt này, sau khi tiếp thu ý kiến phản ảnh của hội viên và bạn đọc" (Mao Tôn Cương tí: vỡn còn là văn án/ công án văn chương nhể?) nay hết hồi hộp tin giờ chót tờ báo chính thống có uy có quyền nhứt cũng ở phía Nam luôn nói rõ rành rành VIP thẩm quyền #1 "cho biết: Ngày 10-2-2022, anh" tác giả "gửi cho tôi một lá thư xin rút khỏi việc xét vào" đoàn thể (nơi đích thân VIP thẩm quyền #1 cùng 1 số VIP khác mời rủ chính tác giả và cả 1 vài tác giả đổi mới cách tân khác gia nhập cho thêm phần long trọng à chưa chuẩn thêm phần cách tân đổi mới) "Tôi nói rằng anh hãy suy nghĩ thật kỹ, Ban chấp hành không hủy bỏ quyết định đó mà là xem xét một cách nghiêm túc và trao đổi các hội viên khác để tìm các giải pháp đồng thuận. Tuy nhiên, tôi đã không thành công trong việc thuyết phục" tác giả và "Chính tôi đã phản đối quyết liệt bài thơ 19 năm về trước. Nhưng 19 năm trôi qua, 19 năm quan trọng của đời người đã trôi qua, quá khứ không bao giờ được quên nhưng có những điều trong quá khứ không nên lấy đó để bàn những vấn đề của hiện tại." (xin lỗi trích hơi bị dài song nó cần và đủ ạ).
"Tu phây", sẵn dịp "tu pho (rùm; forum í mà - tức tu tập để thiền tranh luận)", hiển nhiên 3 cái loay quanh trên, bần tăng tự nhủ trọng như giữ giới.
Không cần mó tới nỗi hay dở của bài thơ cùng dư luận hoa (ít chủ yếu thời nhị thập niên trước từ phe cách tân ngoài lề nhấn mạnh cách tân dưng mà ngoài lề chớ không phủ sóng cả cách tân trong lề đâu nhá) và đá (nhiều đủ xây tòa nhà mới toanh cho đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ giá $23.7 triệu đô Mỹ vừa công bố hôm 15-2-2022 oách!)
Không nên nhắc nhiều hơn nữa về danh phận thi phận thân phận bổn phận chức phận (đại khái thế càng tránh cơ phận) nơi tác giả bài thơ.
Và không phải lạm bàn sự đúng sai ở sự cố do cơ quan chủ quản chủ trì thực thi.
Ba cái Không. (Chả dám tụng theo đường cửa Phật sắc tức thị không - không tức thị sắc, cứ nương vào giọng gái xuân quê Nguyễn Bính không không là không em hỏi u rồi đạt bản sắc dân tộc.)
Nhớ, trước thời "tu phây tu pho" kẻ thiển cận đã nhòm ra cái kẹt. Trên các thảo luận về mọi thứ gỉ gì gi ở xứ thơ này, cũng như các chốn thơ hay không thơ khác trên trái đất (đã méo mó từ xưa nay lại tăng nhiệt độ nữa mới khổ).
Kẹt là sao? Là dù chơi dẫu đấu, nào mấy ai không ăn gian, chịu trở về vạch xuất phát: dùng quan niệm chung trong tranh biện - chung 1 định nghĩa, 1 tiền đề về cái "vật thể" đang là chủ thể của nan đề.
3.
Để có cái Có cho bài mọn, chúng tôi thử liều bàn về thơ, như một sự "phi vật chất".
Một bạn trong nhóm chúng tôi đụng tới sự cố thơ nói trên, rồi nhẹ nhàng tung ra một tuyệt bút của bậc thầy tâm linh, thiền sư Osho, nói về thơ.
Những câu lôi cuốn tôi ngay: "Thơ ca (...) Nó lẩn tránh, và đó là cái đẹp của nó - bạn không thể cố định được nó. Nó giống như dòng sông chuyển động, nó không như cái ao."
Có nghĩa thơ là bất định.
Cũng đã thấy đó đây các nhận chân rằng 3 sự nghiệp khó nhất trần đời là thi sĩ, toán học gia và triết gia. Vâng, làm thơ là hành động siêu đẳng nhất mà loài người đạt tới. Siêu nhân nhất.
Để viết thơ, không cần gì sất. Trên trái tim, dưới cây bút/ bàn phím. Xong. Khỏi cần huy động nguyên vật liệu xi măng sắt thép như ngành xây dựng. Khỏi cần trường văn trận bút sống lâu lão làng như giới phê bình... Thần đồng nhạc có đấy, mà ít ra cũng phải thêm cây đàn và thầy chỉ cho dăm nốt nhạc. Thần đồng toán học, cũng không hiếm, và cần biết tí cộng trừ nhân chia. Thần đồng thơ, có khi chỉ thoát nạn mù chữ, xong.
Trong các tranh cãi thơ thẩn, những câu "Đó đâu phải là thơ!", "Thi ca gì vậy hả?" dễ phát lan hơn Covid-19! Nhưng không ai có thể phản biện lại điều này: xét cho cùng thơ chỉ cần nhạc tính, trên nền ngôn ngữ nhất định. Mà nhạc tính ở thơ lại là thứ thi sĩ hiếm khi chủ động nghĩ tới. Nó dường như vô thức trong lúc sáng tác.
Thơ có gốc rễ là tiếng nói, chưa hẳn cần tới ngôn tự. Xa xưa, thời chưa chữ viết, các bản trường ca thơ đã sinh ra và lưu truyền trong đời sống người hang đá bằng truyền khẩu. Một liền anh văn nghệ của tôi, nhà thơ - nhà phê bình khảo cứu Đỗ Quý Toàn chẳng từng cho ra tập bình "Tìm thơ trong tiếng nói" đó sao? Đủ 4 T: thâm thúy, thân tình.
Thì vẫn, tiếng của dân tộc nào nói ra như hát lên; đích thị tiếng nói của thi ca. Tiếng lòng. Thì vẫn, tiếng Việt - 1 trong ít ngôn ngữ nhân loại có thi tính cao (song thơ Việt lại mạnh về độ văn chương mà nhẹ về chất văn học).
Trong tất cả các loại hình công việc, từ lao động chân tay đến lao động trí óc, từ làm kiếm sống đến làm chơi, sáng tác thơ có thể xem như một cái gì phi-vật-chất hơn cả. Thế nên nó khó xác định nhất.
Với một cái/điều gì phi-vật-chất, đến mức không rõ hình hài và tính chất, tầm kích và đặc điểm, định nghĩa và định danh, rất có thể phải coi đó là nơi tốt đẹp/dở xấu nhất. Như rồng tiên. Như ma quỷ...
Thơ thế đấy!
Thơ tiên sa giáng trần; thơ thần sầu quỷ khốc...
Đỗ Quyên
Vancouver, giáp rằm tháng Giêng Nhâm Dần (bản 16/2)
=-=