Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THĂM ĐỀN TRẦN SUY NGẪM VỀ NGƯỜI XƯA

Đắc Trung
Thứ ba ngày 8 tháng 2 năm 2022 2:09 PM




Cách thành phố Nam Định hơn ba cây số về phía Tây Bắc có hai ngôi đền cổ kính mái cong rêu phủ, ẩn mình dưới những tán cây đại thụ, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử và cũng là điểm hành hương du lịch nổi tiếng.

Hàng năm vào 20 tháng 8 âm lịch (Ngày Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại vương qua đời), dịp Tết Nguyên đán hoặc "Ngày Lễ khai ấn" (15/giêng) du khách thập phương tìm về rất đông. Đó là đền Thiên Trường và đền Cố Trạch.

Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cả hai ngôi đền đó đều được dựng trên đất làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, quê hương của dòng họ Trần.

Theo sử sách và căn cứ vào các tư liệu khảo cổ thì khu đền này nằm trong hành cung Thiên Trường phủ. Thiên Trường phủ được khởi cất vào năm 1239, tới năm 1262, dưới sự chỉ huy của quan Thái phó nhập nội Phùng Tá Chu được mở mang thành những lâu đài cung điện nguy nga, lộng lẫy làm nơi nghỉ dưỡng của các Thái Thượng hoàng.

Lịch sử các triều đại Việt Nam, chỉ từ nhà Trần mới có chế độ Thái Thượng hoàng. Nghĩa là các vua cha, dù mới ở tuổi trên dưới 40, khi cảm thấy mình không còn độ sung sức, trí tuệ đã kém phần minh mẫn liền nhường ngôi giao quyền quốc sự cho con. Còn mình lui về phía sau làm Thái Thượng hoàng chỉ lãnh trách phận kèm cặp và tham gia quyết định những việc thật quan trọng.

Tuổi bình quân các vua Trần khi lên ngôi là 17, 8. Tuổi bình quân các vua Trần nghỉ nhiếp chính lúc về làm Thái Thượng hoàng là 38, 5.

Việc nhường ngôi bất kể con trưởng hay con thứ, quan trọng là người đó có đức có tài tất cả vì quốc gia dân tộc. Chẳng hạn như Trần Thái Tông là con thứ hai của Trần Thừa, Trần Minh Tông là con thứ tư của Trần Anh Tông, Trần Dụ Tông là con thứ mười của Trần Minh Tông, Trần Thuận Tông là con út của Trần Nghệ Tông...

Căn cứ đức thế nào, tài thế nào, tiêu chuẩn đó đã được thể chế hoá.

Thì ra các bậc đế vương nhà Trần luôn coi xã tắc trọng hơn lợi ích cá nhân, dòng tộc nên không tham quyền cố vị quyết giữ ngôi đến khi tuổi già lú lẫn.

Xem người để chọn, từ vua trở xuống đều đặt đức tài và kỷ cương phép nước lên trên tất cả chứ không vì quan hệ huyết thống hay phe nhóm.

Bình công luận tội lấy pháp luật làm thước đo chứ không phải bằng tình thân sơ mà phán quyết. Cứ xem như Trần Khánh Dư mặc dầu thuộc hoàng thân quốc thích vẫn bị xử rất nghiêm khi phạm lỗi đủ biết.

Những điều người xưa làm há chẳng để chúng ta suy ngẫm hay sao?

175 năm trị vì đất nước, chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quân sự hùng mạnh, ba lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên, một đế chế làm mưa làm gió khắp thế giới lúc bấy giờ, nhà Trần đã đưa đất nước ta lên chói lọi vinh quang.

Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần.

Bài vị không xếp đặt theo thứ tự trong dòng tộc mà theo công trạng với đất nước. Chẳng hạn Trần Nhân Tông vị vua thứ ba nhưng được đặt thứ hai cạnh bài vị Trần Thái Tông là người sáng lập ra triều Trần. Bởi Trần Nhân Tông đã trực tiếp chỉ huy binh sĩ xung trận và dưới thời ông trị vì quân dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên xâm lược.

Thế mới biết nhân dân ta luôn đặt xã tắc lên trên.

Vai trò lịch sử của mỗi nhân vật được định giá bằng công lao cống hiến cho Tổ quốc và thông qua lòng ngưỡng mộ của lòng dân, chứ không theo chức tước quyền lực.

Chức tước quyền lực cao, nhưng công lao cống hiến cho Đất nước chẳng có gì thì vẫn phái xếp sau, xếp dưới.

Việc đó há chẳng để chúng ta ngày nay suy ngẫm hay sao?

Đền Cố Trạch nằm phía Nam, sát đền Thiên Trường, xưa chỉ là miếu. Năm 1852, thời nhà Nguyễn, khi tu sửa người ta đào được một tấm bia đá, trên bia khắc năm chữ: “Trần thân vương cố trạch”. Suy từ đó mà đoán thì có lẽ đức Trần Hưng Đạo sinh ra tại đây. Vì thế nhà vua liền phong từ miếu lên đền, được xây dựng mở mang to đẹp hơn xưa.

Đền thờ Hưng Đạo Đại vương, nhưng cũng tại đây, chỗ trang trọng nhất dành làm nơi thờ Vương phụ, Vương mẫu, phu nhân cùng các văn quan, võ quan, những người đã có công sinh ra bậc anh hùng, người vợ chung thuỷ cùng các bạn chiến đấu của ngài.

Mới biết ông cha ta xưa rất trọng hiếu nghĩa chứ không sùng bái cá nhân.

Điều đó cũng làm chúng ta suy ngẫm lắm chứ?

Hậu thế ai cũng biết Trần Thái Tông (Trần Cảnh) được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Hai người chung sống nhưng đã hơn mười năm mà chưa có con. Trần Thủ Độ là chú Trần Thái Tông sợ nhà vua tuyệt tự nên đã ép Trần Liễu (anh trai Trần Cảnh) phải nhường vợ mình là công chúa Thuận Thiên (chị ruột Lý Chiêu Hoàng) khi đó đang có thai phải lấy Trần Thái Tông.

Uất hận, nhưng không thể cưỡng, Trần Liễu trước khi qua đời đã trối trăng cho con trai cả của mình là Trần Quốc Tuấn phải rửa mối thù này.

Trần Quốc Tuấn nể và thương cha nên để bụng nhưng không cho thế là phải. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ hai ông được phong chức Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn bộ quân đội.

Có nghĩa gần như sức mạnh quốc gia nằm trong tay ông.

Một hôm ông đem lời trăng trối của cha ướm hỏi các con. Mọi người đều tâu rằng giữa lúc quốc gia lâm nguy thì thù riêng nên dẹp để lo đại sự. Duy chỉ có người con thứ là Trần Quốc Tảng thưa: “Ông dặn thế nào thì cha cứ thế mà làm”. Trần Quốc Tuấn liền rút gươm toan chém: “Kẻ làm tôi phản loạn là bởi đứa con bất hiếu này”. Mọi người vội cúi đầu xin tha tội. Trần Quốc Tuấn nói: “Sau khi ta chết, lúc nào đậy nắp quan tài mới cho Quốc Tảng vào viếng”.

Vì vậy cung đệ nhất đền Cố Trạch có một ngai thờ ba con trai Trần Hưng Đạo, riêng Trần Quốc Tảng nhân dân không thờ. Trong khi đó Phạm Ngũ Lão tuy là con rể, nhưng là một tướng tài, lập nhiều công trạng nên vẫn được thờ cùng ngài.

Điều đó chứng tỏ nhân dân ta luôn lấy lòng yêu nước, công lao đối với đất nước làm thước đo để định giá và quyết định lòng ngưỡng mộ của mình.

Trước "Hội nghị Bình Than", một hội nghị cực kỳ quan trọng để bàn kế sách chống giặc Nguyên. Trần Hưng Đạo đã kéo Trần Quang Khải (con trai của Trần Cảnh) sang thuyền của mình, múc nước lá thươm cùng tắm gội kỳ cọ cho nhau với sự ân cần đầy tình ruột thịt.

Việc làm đó mang bao ý nghĩa. Rằng trước họa xâm lăng của giặc Trung Hoa, Tổ quốc lâm nguy thì mọi oán thù riêng cần phải bỏ qua hết để cùng nhau lo quốc sự, lấy việc nước rửa sạch thù nhà.

Có được những bậc nhân tài cốt cách trí lự như thế, tầm sống cao vời vợi như thế, kỷ cương xã tắc như thế, thì triều đình hùng mạnh là phải lắm.

Điều đó chẳng để cho hậu thế chúng ta suy ngẫm hay sao?

Tự hào về vinh quang chói lọi mà triều đại nhà Trần đã đem lại cho đất nước ta, dân tộc ta. Suy ngẫm về những việc mà ông cha ta xưa đã làm, về lòng tôn kính mà nhân dân đối với các bậc đế vương và anh hùng có công với nước, càng thấm thía sâu sắc rằng: phải tìm, phải hiểu, phải rút ra những bài học quý vô giá từ những việc mà cha, ông, tổ tiên chúng ta để lại.

CÂU CHÂM NGÔN "PHI CỔ BẤT THÀNH KIM" BAO GIỜ CŨNG ĐÚNG.