Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

AI NHÌN TÔI BẰNG ĐÔI MẮT NHẮM

Ngô Khắc Tài
Thứ năm ngày 17 tháng 2 năm 2022 2:39 PM


(Cảm nhận tập haiku của Lâm Long Hồ)


“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ.” Đó là lời của một bài hát, dù sao bài hát cũng đủ dài để biết người đang nhắm mắt nghĩ gì. Nhưng ở đây có phần ngược lại, “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” như một lời thỉnh cầu, làm cho người đọc tự hỏi “ai nhìn?”.

Tựa tập thơ “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” chỉ có sáu từ, được trình bày như một bài haiku hoàn chỉnh. Cả tập có 90 bài thơ, mỗi bài chỉ chừng mười từ nên tập thơ của Lâm Long Hồ trông mỏng manh hơn rất nhiều tập thơ khác. Chắc là bạn đọc sẽ nói: “Đọc thoáng qua là hết!”, nhưng không phải như vậy đâu. Nó “nhỏ mà có võ”, ngay ở tựa đề nó đã thu hút sự chú ý và suy nghĩ của người đọc. Qua cách nói ngược thường thấy ở các công án thiền, bạn đọc sẽ hình dung Long Hồ muốn gởi gắm một điều gì đó.

Tại sao lại nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm? Mở mắt còn chưa chắc đi đúng đường, huống hồ gì nhắm mắt. Đôi mắt nhắm là đôi mắt mà ta hay thấy ở các bậc thiền sư. Có phải chăng con người đã chìm đắm trong quá nhiều điều đẹp đẽ mình nhìn thấy, trong quá nhiều mỹ từ ồn ào, hỗn tạp xung quanh. Và phải chăng đã đến lúc để cho im lặng cất lời và cho vô quang soi rọi một cách thấu suốt. Nhắm mắt lại còn là một cách đọc, một cách nhìn nhận từ phía bên trong. Phải chăng Long Hồ muốn bạn đọc của mình đọc haiku theo cách đó?

Ở đây, ngay cả ai tự cho là vạn sự thông cũng phải thú nhận có nhiều câu mình vẫn chưa cảm được. Bên cạnh đó nhiều bài thơ khi nhắm mắt lại, tôi thấy như tiếng sấm rền, như ánh sét lóe lên giữa đêm tối để tôi trở về nhận ra chính mình. Quả là một môn nghệ thuật tầm cao. Tôi có duyên như vậy với nhiều bài trong tập này.

Bìa tập thơ là một bức phác họa, bên giới hội họa thì vẽ phác họa là một mảng khó. Chỉ qua vài nét sơ sài mà lột tả được thần sắc của con người. Về thơ ca có thể kể đến ngũ ngôn tứ tuyệt, chỉ có bốn câu, mỗi câu năm chữ. Càng ít chữ, ít từ càng khó làm. Với thể thơ haiku còn cô đọng hơn, ở Nhật thì 17 âm về Việt Nam chỉ còn trên dưới 10 âm. Trong tập thơ của Lâm Long Hồ có bài chỉ 5 âm. Viết làm sao để vài âm tiết ấy trở thành tia chớp làm người đọc đốn ngộ không phải là chuyện dễ.

“Nhìn tôi

bằng đôi mắt

nhắm”

Đôi mắt nhắm nhìn thấy gì? Vui nghe quý bạn, đôi mắt nhắm tuy không nhìn thấy gì nhưng lại nhìn thấy tất cả. Chợt nhớ câu “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” cái mà đôi-mắt-mở nhìn thấy chỉ là da cọp, mặt người thôi. Phải chăng Lâm Long Hồ muốn người khác nhìn mình và nhìn nhau bằng đôi mắt khác? Nhắm mắt còn là một cách chối từ, không nhìn mọi thứ xung quanh bằng cái nhìn cảm quan, nông cạn. Vui nghe! Vì nhắm mắt còn là bỏ bên ngoài ánh nhìn đối với cái xấu, cái ác, để không nhìn thấy những điều bất lương, bất thiện. Đó là một cách phản kháng hết sức tĩnh tại. Chỉ có nhắm mắt thì chiếc cầu tâm linh, tâm hồn mới được xây lên để nối giữa người với người. Chỉ có nhắm mắt mới thấu hiểu nhau mà không cần nhiều lời minh định. Và chỉ có nhắm mắt Phật mới thấy mình và mình mới thấy Phật. Thêm một điều ngạc nhiên là Lâm Long Hồ đã dẫn ta đi xa hơn so với tựa của tập thơ, cũng giải đáp cho câu hỏi còn bỏ ngỏ phía trên.

“Đức Phật nhìn tôi

bằng đôi mắt

nhắm”

Haiku lồng trong haiku, tôi chỉ biết reo vui. Và câu haiku này lại mang theo nhiều cảm nhận khác nữa đến với tôi. Tôi đọc được ở đâu đó như thế này: “Hầu hết chúng sanh luôn chạy theo tướng sắc. Nên cố tô điểm sắc màu, nào nhà cao cửa rộng, quyền cao chức trọng, mọi điều mọi việc phải luôn hơn tất cả mọi người. Chớ có dè đâu thân xác vô thường nay còn mai mất, như cành hoa sớm nở tối tàn. Dầu cho có bảo tồn sửa chữa, nó cũng không tránh khỏi luật tuần hoàn của vũ trụ. Do vậy mà trong kinh Kim Cang, Đức Phật có giảng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tắc kiến Như Lai”. Nghĩa là: Phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các hình tướng đều không phải tướng, đó là thấy Phật.” Có nhìn bằng đôi-mắt-nhắm mới thấy Phật ở trong ta và khi ta cúi xuống lạy Ngài cũng chính là lạy cái thiện lương trong ta vậy. Rõ ràng sự thấy này không thể mình bằng đôi-mắt-mở được.

Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: “Trong 49 năm ta chưa hề nói một lời nào”, trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài dạy: “Phàm là lời nói đều không có nghĩa thật”. Hay trong Kinh Lăng Già: “Ta từ đêm được Chính giác tối thượng cho đến đêm nhập Niết bàn, trong khoảng thời gian ấy, chưa hề thuyết một chữ nào, cũng chưa từng đã thuyết hay sẽ thuyết. Không thuyết mới là Phật thuyết”. Nếu chỉ nhìn bằng đôi-mắt-mở chắc chắn Long Hồ sẽ không viết được bài haiku này:

“Trong tranh

Phật giảng

những lời vô thanh”

Nhìn với đôi-mắt-nhắm để nhận ra tôi và nhận ra thế giới xung quanh. Tập thơ haiku của Lâm Long Hồ đã cho người đọc một cái nhìn hướng vào trong, một cái nhìn phi nhãn quan để đọc người khác và đọc chính mình. Lâu nay tôi chỉ nhớ bài thơ được giải Nhất thơ Haiku Việt Nhật của Long Hồ vì nó quá thế sự.

“Cà phê ngày Tình nhân

hai màn hình điện thoại

chiếu sáng hai mặt người”

Sau khi đọc tập thơ của anh tôi cảm thấy Long Hồ như đi khắp, từ cõi ma, cõi người, đến cõi Phật để nhìn, để ghi lại. Đại diện ra đây vài ánh chớp mà tôi có duyên thấu cảm:

“Đêm Tình nhân | một búp bê | khỏa thân

Lia thia | đớp | bóng mình bên kia

Ve hát | bên | xác mình

Ốc về nhà đi | nhà là | thân mi

Một tiếng chuông ngân | mặt hồ tĩnh lặng | gợn lên mấy lần”

Chắc hẳn quý bạn hình dung Lâm Long Hồ phải là người già dặn, từng trải và lớn tuổi. Điều không ngờ đến là tác giả lại còn rất trẻ và tập thơ này lại là tập đầu tay. Không biết nói gì hơn lời chúc mừng. Cuộc đời theo quan niệm nhà Phật vốn là bể khổ, xã hội nhiều việc rối rắm, bon chen nhưng cuộc sống vẫn tồn tại những bù trừ như Lâm Long Hồ và những bài haiku của anh.