Nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước) - Đứa con xa quê nay đã trở về ngôi làng xưa.
Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan tành tiếng thác
Vang lên trời
vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.
Nhà thơ Y Phương sinh ngày 24-12-1948 (Mậu Tý) tại làng Hiếu Lễ (Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Tốt nghiệp phổ thông trung học tại quê nhà ông vào bộ đội (1968), chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1981 ông ra quân rồi đi học, tốt nghiệp trường Điện ảnh khóa II. Trường đại học Viết Văn Nguyễn Du khóa II (1983-1985). Năm 1988 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, làủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, chi hội trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Cao Bằng (1997).
Nhà thơ Y Phương có thơ in từ năm 1973 - Những bài thơ về quê hương, đất nước, về những kỷ niệm chiến trường, những kỷ niệm yêu thương đậm bản sắc riêng, phong cách riêng làm nên một tài năng thơ. Y Phương in tập thơ đầu tiên Tiếng Hát Tháng Giêng (1986) khi ông công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng. Tập thơ liền nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1987). Trước đó chùm thơ Tên Làng, Phòng Tuyến Khau Liêu của ông nhận được giải A cuộc thi thơ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1984).
Thơ Y Phương đậm bản sắc dân tộc (Tày), một dân tộc can trường, sáng tạo và nhân văn. Thơ ông được dựng nên bởi lớp vỏ ngôn ngữ Việt nhiều liên tưởng, nhiều cung bậc, nhiều âm hưởng. “Sống trên đá (đừng chê đá gập ghềnh)/ Sống trong Thung (không chê Thung nghèo đói)/ Ta như sông, như suối/ Người đồng mình tự đục đá xây cao quê hương”.
Từ nhỏ Y Phương đã được sống trong suối nguồn dân ca quê hương, được nuôi dạy về đạo lý làm người bởi người cha thông thái: “Cha tôi/ Đêm đêm chong đèn đọc sách/ Dậy nấu cơm vào lúc trời mưa”.Cốt cách một thi nhân được gây dựng từ đó. Thơ Y Phương đầy yêu thương, nhiều hoài niệm được diễn tả thật chân tình, giản dị, tinh khiết như nguồn suối ban mai, như lá rừng xanh mướt mát. Những tình yêu, những giáo lý cuộc sống được sinh nở từ suối nguồn dân ca và đến lượt những câu thơ đậm nguồn đó lại trở thành dân ca, tục ngữ, thành ngữ hòa trong cuộc sống của người Tày - Nùng. “Uống rượu cả chum/Mời quả cả cây”. “Đi qua bản, không vào nhà người già giận đấy”. “Tết tháng giêng còn để dành tháng bảy”… “Mùa Hoa/Mùa đàn bà/ Đủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Mùa đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ”... Ai đọc Tiếng Hát Tháng Giêng cũng thấy đậm chất dân tộc, điều đó có nghĩa là “yếu tố hiện đại đã tìm thấy một cơ chế hợp lý nào đó với yếu tố truyền thống”. Cái cơ chế ấy do Y Phương dựng lên và chỉ có tài thơ Y Phương mới tạo dựng được và đương nhiên đã trở thành bản sắc, phong cách riêng của thơ Y Phương.
Là người Tày - Thuần Tày nhưng Y Phương mãi sau này mới viết thơ tiếng Tày. Những bài thơ Tày của Y Phương làm giàu có thơ ca dân tộc, tiếp nối truyền thống, nâng cao thơ Tày Hoàng Đức Hậu, Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại… Y Phương đã in hai tập thơ song ngữ Tày - Việt là các tập: Thất Tàng Lồm - Ngược Gió (2006) và Vũ Khúc Tày (2015) - Tập thơ được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007 (đây là lần thứ hai Y Phương nhận giải thưởng cao này). Đọc thơ song ngữ của Y Phương có cảm giác ông sáng tác riêng rẽ từ hai ngôn ngữ, chứ không phải ông dịch từ tiếng Tày sang tiếng Việt cho thấy Y Phương vận dụng tiếng Việt và tiếng Tày với một năng lực thâm hậu.
Ngoài thơ Y Phương còn viết kịch và đặc biệt là Tản văn với các tập: Tháng giêng tháng giêng - một vòng dao quắm (2009) và Kung fu người Co Xàu (2010). Tản văn của Y Phương gợi một miền ký ức xa xăm mà rất gần gũi, gợi những nỗi niềm, những phong tục, lẽ sống của “Người đồng mình” với lối viết phóng khoáng nhiều ẩn dụ làm long lanh những người, những cảnh tưởng như đã mốc meo trở nên quí hiếm như một món đồ cổ.
Một sự nghiệp văn chương nhiều quả ngọt. Ông đã có nhiều tác phẩm để đời: Người núi Hoa - Kịch -1982; Tiếng hát tháng giêng - Thơ - 1986; Lửa hồng một góc trời - Thơ - 1987; Lời chúc - Thơ - 1987; Đàn then - Thơ - 1996;Chín tháng - Trường ca 1998; Đò trăng -Trường ca - 2009; Thơ Y Phương - 2000; Thất tàng lồm - Ngược gió - Thơ song ngữ Tày - Việt - 2006; Vũ khúc Tày - Thơ song ngữ Tày - Việt - 2015; Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm - Tản văn - 2009; Kung fu người Co Xàu - Tản văn - 2010. Với những thành tựu văn chương và những đóng góp cho sự đi lên của nền văn học nước nhà, nhà thơ Y Phương đã được nhận Giải thưởng nhà nước năm 2007.
Năm 2000, Y Phương rời quê xuống Hà Nội tham gia ban chấp hành hội Nhà văn Việt Nam. Trong nhiệm vụ mới của mình ông đã có những đóng góp tích cực tạo dựng một đội ngũ sáng tác người dân tộc trong hội Nhà văn Việt Nam và ông cũng không quên “nhiệm vụ của mình” góp sức xây dựng đội ngũ nhà văn dân tộc tỉnh nhà ngày càng phát triển. Dù ở đâu ông vẫn viết, vẫn đi, vẫn mê mải tìm kiếm những vẻ đẹp văn chương và cuộc sống với tâm niệm: “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình” và ông đã trả ơn được cho đấng sinh thành, cho quê hương, đất nước, cho Cao Bằng, cho làng Hiếu Lễ, nơi ông sinh ra bằng những tác phẩm đặc sắc của mình - Những tác phẩm “Kê cao cho quê hương”.
Nhớ ngày rời núi, Y Phương khắc khoải:
Từ ngày tôi rời làng Tày
Xa hun hút
Xa thăm thẳm
Cứ thế miên man nhớ làng.
Vậy mà bỗng chốc tất cả nhập lại. Ông đã rũ bỏ mọi bụi trần, ưu lo, buồn vui trở về làng Tày của ông - Làng Hiếu Lễ bên núi Văn, núi Võ - Cái làng được xây lên từ đá núi trong chốn linh thiêng đã sinh ra nhà thơ Y Phương - Viên đá quí long lanh, tỏa sáng.